Cập nhật lúc: 10/6/2009 3:21:20 PM | ||||||||
Tổng Giám mục Nguyễn Văn Tốt: Sứ thần Tòa thánh tại Costa Rica, nước hạnh phúc nhất thế giới | ||||||||
Cuộc nghiên cứu năm 2009 của New Economics Foundation, một cơ quan phi chính phủ Anh đã xếp hạng Costa Rica, một cộng hòa ở Trung Mỹ, là quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới. Cuộc nghiên cứu 143 quốc gia chiến 99% dân số trên thế giới căn cứ vào tuổi thọ, sự hạnh phúc và môi trường sống. Đứng đầu bảng các quốc gia hạnh phúc là Costa Rica, sau đó là Cộng hòa Dominican và hàng thứ 3 là Úc. Trong số TOP 10, các quốc gia Châu Mỹ La Tinh chiếm 9 chỗ, trừ Úc. Nước Anh đứng hàng thứ 74 và Hoa Kỳ đứng hạng 114. Sự nghiên cứu của cơ quan new Economics Foundation cho thấy tuổi thọ của người dân Costa Rica là 78.5 tuổi và có 85% dân chúng nước này nói họ hạnh phúc với cuộc sống của họ. Trước đó, cuộc nghiên cứu của New Ecomonics Foundation năm 2006 cho thấy nước cộng hòa Vanuatu là nước hạnh phúc nhất, đứng hàng thứ 2 là Costa Rica. Bạn đọc TiVi Tuần-san chắc đã biết đôi chút về cộng hòa Vanuatu qua bút ký “Vanuatu: 7 ngày ở xứ đảo thần tiên” của tác giả Nguyễn Hồng Anh cách đây khoảng một năm. Lần này, TVTS xin giới thiệu với bạn đọc về cộng hòa Costa Rica bởi 2 lý do: - Đây là đất nước được xem là hạnh phúc nhất thế giới. - Sứ thần (tức đại sứ) của Tòa thánh Vatican tại nước này là một người Việt Nam: Tổng giám mục Nguyễn Văn Tốt, một sự kiện có lẽ ít người biết. Nguồn tài liệu hay các trích dẫn trong bài viết sau đây lấy từ VietCatholic News.
Đôi giòng về “Bờ Biển Giàu Có” và vị sứ thần người Việt Costa Rica là một quốc gia nhỏ bé có cái tên thơ mộng là Bờ Biển Giàu Có (Costa: Bờ biển) (Rica: Giàu có) ở Trung Mỹ, bắc giáp Nicaragua, nam và đông nam giáp Panama, tây và tây nam giáp biển Thái Bình Dương, và đông giáp biển Carribé. Diện tích khoảng 51,000 cây số vuông; dân số khoảng 4.5 triệu; Công giáo chiếm 70%; lợi tức đầu người $13,500 Mỹ kim. Thủ đô là San José. Đất nước có tên Bờ Biển Giàu Có là một địa điểm du lịch lý tưởng. Costa Rica bị Tây Ban Nha chiếm làm thuộc từ năm 1530, vì vậy nước này cũng như nhiều nước ở Trung và Nam Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha. Được độc lập từ năm 1821, nước này tự cho là một nước có chế độ dân chủ liên tục trên 100 năm, nhưng sự thật không phải hoàn toàn như vậy. Costa Rica chỉ thật sự có một nền dân chủ liên tục trong 60 năm qua và là một nước có nền dân chủ ổn định nhất ở trong khu vực Châu Mỹ La Tinh. Thật vậy, người dân Costa Rica đã được sống trong thanh bình, không có chiến tranh. Và cả không có quân đội nữa. Bởi vậy, từ hàng thứ hai và đứng sau cộng hòa Vanuatu (nơi có một người gốc Việt giàu nhất nước là ông Đinh Văn Thân), Costa Rica đã trở thành đất nước hạnh phúc nhất hành tinh. Năm ngoái Đức Thánh Cha Benedict đã bổ nhiệm Tổng giám mục Nguyễn Văn Tốt, 60 tuổi, làm sứ thần của Tòa Thánh La Mã tại xứ Trung Mỹ này. Chức sứ thần của Vatican tương đương với đại sứ của một nước. Tổng giám mục Nguyễn Văn Tốt sinh năm 1949 tại xứ Búng, xã Hưng Định, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương (giáo phận Phú Cường). Họ Búng đã sản sinh hai vị giám mục là Đức cha Tốt và Đức cha Trần Đình Tứ. Năm 1967, thầy Phê-rô Nguyễn Văn Tốt được gởi sang La Mã du học và được thụ phong linh mục vào ngày 24.3.1974. VietCatholic nói về tiểu sử của TGM Nguyễn Văn Tốt từ khi làm linh mục đến nay như sau: Sau biến cố 1975, không thể về nước được, ngài xin đi truyền giáo tại nước Zaire, nay là Cộng hòa dân chủ Congo Phi châu. Trở lại Roma vào năm 1979 và ghi tên học trường Ngoại giao Tòa Thánh. Sau khi tốt nghiệp trường Ngoại giao, linh mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt nhận tước hiệu Đức Ông và phục vụ với tư cách là bí thư các tòa Sứ thầnTòa Thánh tại: Panama (3 năm), Brasil (5 năm), Zaire (1 năm). Tiếp theo đó với tư cách là Quyền Sứ Thần Tòa Thánh tại Rwanda (3 năm) và tại Pháp (3 năm). Vào ngày 25. 11. 2002, Đức Ông Phêrô Tốt được Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại tại hai nước Togo và Bénin, châu Phi. Tiếp sau đó Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tốt được Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II tấn phong làm Tổng Giám mục ngày 6.1.2003, hiệu tòa: Rusticiana. Và ngài đang phục vụ hai nước Togo và Benin bên Phi Châu. Ngày 24.8.2005, Đức Giáo hoàng Benedict 16 bổ nhiệm Tổng Giám mục Tốt làm sứ thần Tòa thánh tại Cộng hòa Trung Phi và Chad. Tất cả những quốc gia này nằm trong khu vực nghèo đói và có nhiều biến loạn, nội chiến. Ngày 13.5.2008, Đức Giáo hoàng bổ nhiệm ngài làm sứ thần Tòa thánh tại cộng hòa Costa Rica, một nước nhỏ ở Trung Mỹ nhưng là nước bình yên bậc nhất trong vùng, nơi mà người dân tự xem là có cuộc sống hạnh phúc. Tổng Giám mục Tốt đã có hai lần về thăm quê hương vào năm 1994 và 2005, thăm họ Búng nơi chôn nhau cắt rốn của ngài, nơi mà người anh ruột của ngài là Linh mục Nguyễn Văn Minh hiện làm cha xứ. Để bạn đọc biết đôi chút về đất nước, con người và hoạt động của sứ thần Tòa thánh tại Rosta Rica như thế nào, TVTS xin trích đăng bài viết của cô Hà Giang, người có mặt trong phái đoàn Việt Nam trong chuyến thăm xứ Costa Rica vào cuối tháng 6 vừa qua.
Lễ Quốc Khánh của Vatican tại Costa Rica với ĐTGM Nguyễn văn Tốt VietCatholic News (04 Jul 2009) COSTA RICA - Hàng năm lễ Quốc Khánh của tòa thánh Vatican được các Tòa Khâm Sứ Vatican ở khắp nơi trên thế giới long trọng tổ chức. Riêng tại Costa Rica, lễ Quốc khánh của Vatican năm nay đã được tổ chức vào sáng thứ Hai ngày 29/6/2009 tại Metropolitan Cathedral, ngôi thánh đường quan trọng bậc nhất quốc gia này, tọa lạc tại San Jose, thủ đô của Costa Rica. Vì Thiên Chúa Giáo là Quốc Giáo của Costa Rica, nên tuy lễ Quốc Khánh của Vatican được tổ chức vào sáng thứ Hai, nhưng ngôi thánh đường cổ kính Metropolitan Cathedral hôm nay đông kín người tham dự. Trong số người dự lễ, người ta thấy có những nhân vật hàng đầu của quốc gia, như ông Chủ tịch Hạ Viện Don Francisco Antonio Pacheco, cùng nhiều Bộ Trưởng, Thứ Trưởng, và phần đông các đại sứ hay ngoại giao đoàn của các quốc gia hiện đang bang giao với Costa Rica. Đặc biệt phái đoàn người Việt đến từ California được Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt, Sứ Thần Tòa Thánh Vatican ưu ái dành cho hàng ghế đầu. Giữa tiếng nhạc thánh ca trầm hùng của dàn nhạc đại hòa tấu, hơn 50 linh mục trong áo dòng trắng từ dưới thánh đường nghiêm trang tiến tới bàn thờ, theo sau các vị linh mục là khoảng 20 thầy trong y phục giúp lễ vàng sọc nâu, tiếp đó là 9 vị tổng giám mục đến từ khắp nơi trên Costa Rica trong trang phục đại lễ mầu đỏ, đội mũ vàng, người đi cuối cùng là vị Khâm Sứ Nguyễn Văn Tốt phúc hậu cũng trong y phục đại lễ đỏ và mũ vàng, nhưng với cây gậy vàng trong tay, trông ngài thật uy nghi. Là một người Việt Nam, chúng tôi không khỏi thầm hãnh diện khi thấy ngài được các chức sắc của Costa Rica kính cẩn chào. Ngược lại, sự có mặt của những đồng hương, trang trọng trong những chiếc áo dài Việt Nam quen thuộc có lẽ đã khiến ngài thấy ấm lòng. Qua bài diễn văn xúc tích và cảm động bằng tiếng Tây Ban Nha rất lưu loát, Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Tốt nói về lịch sử của ngày Quốc Khánh Vatican, ngài cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, cho Giáo Hội Công Giáo, cho Tự Do Tôn Giáo và cho hòa bình khắp nơi trên thế giới.
Ngài cũng không quên giới thiệu phái đoàn 5 người Việt Nam đến từ Nam California để dự lễ.
Sau khi tan lễ, các Tổng Giám Mục, chức sắc của Costa Rica cùng các vị đại sứ đã đến tòa Khâm Sứ, nơi cư ngụ và làm việc của Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Tốt, Khâm Sai của Đức Giáo Hoàng Bennedicto 16, để tham dự buổi tiếp tân do tòa Khâm Sứ khoản đãi. Phòng khách rộng mênh mông của Tòa Khâm Sứ được trang hoàng thật ấm cúng với những cành hoa nhiệt đới nổi tiếng của Costa Rica rực rỡ khắp nơi. Ban hợp ca nam trong đồng phục thật đẹp mắt dàn hàng hai bên cầu thang nghênh chào hơn 300 quan khách. Mọi người đứng nghiêm trang trọng hát bài quốc ca Costa Rica do ban ban hợp ca khởi xướng. Sau bài diễn văn rất hùng hồn và lôi cuốn của Chủ tịch Hạ Viện Don Francisco Antonio Pacheco, buổi tiệc bắt đầu. Chúng tôi len lỏi đi giữa tiếng cười vui vẻ và những chuỗi tiếng Tây Ban Nha lạ tai để chào hỏi mọi người và tìm cho ra những ai nói được tiếng Anh để trò chuyện. Chưa bao giờ tôi thấy mình thất thế vì bất đồng ngôn ngữ như vậy. Tôi nhủ thầm sau chuyến đi này, nhất định phải học tiếng Tây Ban Nha mới được. Chủ tịch Hạ Viện Don Francisco Antonio Pacheco tươi cười cao hứng cho biết hôm nay và trong hai ngày tới, ông là Quyền Tổng Thống vì Tổng Thống Costa Rica đang đi kinh lý ở Panama và Nicaragua. Ông rất tự hào vì vẻ đẹp thiên nhiên thu hút nhiều du khách đến từ khắp nơi trên thế giới của quê hương ông. Khi chúng tôi hỏi tại sao Costa Rica không có quân đội, ông đùa một cách hãnh diện là: “Vì chúng tôi khôn!”. Ông cho biết Costa Rica là quốc gia đầu tiên trên thế giới quyết định dẹp bỏ quân đội và ngân quỹ quốc gia trước đây dành cho quân đội giờ được dùng vào việc phát triển giáo dục, môi trường và văn hóa. Ông khoe rằng Costa Rica được xếp hạng đầu thế giới, đồng hạng với Hoa Kỳ, trong việc phát triển môi sinh. Rồi hứng thú, ông kể thêm, vào ngày 1 tháng 12 năm 1948, Tổng Thống Jose Figueres Ferrer đã quyết định dẹp bỏ quân đội sau chiến thắng của cuộc nội chiến một năm trước đó. Và khác với các nước láng giềng, kể từ năm 1948 đến giờ, Costa Rica không có chiến tranh. Qua câu chuyện trao đổi ngày càng dòn, ông thú nhận rằng, ông không biết nhiều về đất nước Việt Nam, vì ở Costa Rica hiện không có người VN sinh sống, nhưng qua Đức TGM Nguyễn Văn Tốt, ông biết dân Việt Nam rất thông minh cần mẫn. Ông rất lấy làm lý thú khi khám phá ra Việt Nam cũng xuất cảng cà phê và trà như Costa Rica. Ông hy vọng là tương lai sẽ có thêm nhiều người Việt Nam di dân đến đây. Đức Cha Guillermo Loria Garita, thuộc địa phận San Isidro de el General cho biết ngài rất mến mộ Đức TGM Nguyễn Văn Tốt và cho rằng vị Khâm sứ là một tu sĩ khiêm nhường, rất thương người, và là một nhà ngoại giao tinh tế. Chúng tôi thảo luận về đề tài tự do tôn giáo. Ngài cho biết tuy hiến pháp năm 1949 của Costa Rica ấn định rằng Thiên Chúa Giáo là Quốc Giáo, nhưng cùng một lúc hiến pháp của nước này cũng bảo đảm quyền tự do tôn giáo của người dân, và vì có khoảng 40,000 người Trung Hoa sống ở đây, Phật Giáo tại Costa Rica cũng đang được phát triển. Nghe ngài nói và nhìn các vị giám mục, linh mục chung quanh chúng tôi đi lại tươi cười thoải mái, tôi không khỏi không hình dung đến cảnh linh mục (..) đang héo hắt trong tù, cả cuốn thánh kinh cũng không được giữ, cũng chỉ vì 4 chữ “(..)”. Một vị đại sứ hiện diện trong buổi tiếp tân được chúng tôi chú ý là ông (..). Ông cho biết rất thấu hiểu về tình hình (..) hiện nay, vì tương tự như (..)hiện cũng đang bị (..). Ông ngậm ngùi nhắc lại việc trước năm (..) đã gửi một sư đoàn đến (..) để yểm trợ cuộc chiến chống xâm lăng của (..), nhưng tiếc thay nỗ lực đó đã không xoay chuyển được tình thế. Bà Marie Sere, nhân viên ngoại giao của tòa đại sứ Panama, chia sẻ rằng, như nhiều người dân Trung Mỹ, bà rất sùng đạo Thiên Chúa, và rất vinh hạnh khi được Đức TGM mời đến dự lễ Quốc Khánh và buổi tiếp tân. Bà cứ tấm tắc, trầm trồ khen mãi vẻ đẹp mà bà cho là vừa kiêu sa vừa nhu mì của những chiếc áo dài Việt Nam. Bà duyên dáng bảo rằng hôm nay có lẽ là một ngày may mắn cho bà, vì bà không ngờ được gặp một lúc những 5 người Việt Nam ở đây, trong khi trước đó, ngoài Đức TGM Nguyễn Văn Tốt, bà chưa hề thấy bóng dáng một người Việt nào khác, và vẫn luôn tò mò thắc mắc không biết nhân dáng và diện mạo của một người phụ nữ Việt Nam ra sao. Trong bất cứ câu chuyện với ai chúng tôi đều hỏi xem có nhiều người Việt sống ở Costa Rica không. Một vị Tổng Giám Mục thuộc giáo phận cách thánh đường Metropolitan Cathedral hơn 100 cây số cho biết ngài đã khám phá ra tại vùng này có 20 người Việt Nam làm nghề đánh cá. Theo ngài hình như họ không có giấy tờ hợp lệ, và có vẻ như đang bị chủ nhân bóc lột, và sống rất cô lập, thầm lặng, và thường phải đi ra khơi mấy tháng mới được về nhà một lần. Đức TGM Nguyễn Văn Tốt cho biết ngài cũng được biết tin này cách đây không lâu, và đã đi tìm gặp để giúp họ, nhưng cho đến giờ mới chỉ tiếp xúc được với 7 người. Phái đoàn VN chúng tôi nhanh chóng rỉ tai nhau về điều này, và vội vã góp một ít tiền để nhờ Đức TGM chuyển cho họ khi có dịp. Anh Cường Đỗ, một người Việt trước đây định cư ở Louisiana phát biểu rằng Costa Rica chỉ cần cho một số người Việt Nam hành nghề đánh cá đến đây định cư thì chẳng bao lâu sau ngành chài lưới của họ sẽ phát triển, và “Bờ Biển Giầu Có” sẽ được giầu có hơn nữa. Tôi nghĩ đến 20 người dân Việt Nam chài lưới mình chưa được gặp. Biết đâu, ừ biết đâu chính họ sẽ tạo dựng nên một làng chài lưới Việt Nam ở đây? Có thể lắm chứ? Chính ông chủ tịch Hạ Viện vừa nói muốn có thêm người Việt Nam đến đây sinh sống cơ mà. Lưu luyến thế nào thì giờ chia tay cũng phải đến! Hình ảnh của những đóa hoa nhiệt đới rực rỡ đủ màu loang loáng qua khung cửa kính của chiếc xe lăn bánh trong vội vã đưa chúng tôi ra phi trường. Thôi tạm biệt “Bờ Biển Giầu Có”, một đất nước thanh bình có những dân sống thật tự do, thoải mái. Có phải ai ở đây cũng được sống trong thoải mái không? Tôi cứ nghĩ mãi đến 20 ngư dân Việt Nam đang sống lây lất ở đâu đó trên đất nước này, và tự nhủ nhất định phải đi tìm họ. Chuyến đi thăm Costa Rica của chúng tôi đã chấm dứt, nhưng cuộc hành trình đi tìm những đồng hương Việt Nam kém may mắn dường như mới bắt đầu. Tôi có cảm tưởng mình sẽ trở lại Costa Rica một lần nữa... (Trích TVTS 1216 - 15.7.2000) |
source TiVi Tuan san
No comments:
Post a Comment