Tuesday, 9 March 2010

“Luật pháp không thay đổi, nhưng khi áp dụng... thì có thể khác nhau”


Cập nhật lúc 1:56:50 AM - 10/03/2010

NguyenConf5621re.jpg


Thẩm phán Liên bang Jacqueline Nguyễn Thị Hồng-Ngọc – ảnh: Văn phòng Tòa án Liên bang cung cấp.


Bách Lam/Viễn Đông (thực hiện)


LOS ANGELES – Giữa năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã đề cử và Thượng Viện Hoa Kỳ phê chuẩn một thẩm phán người Mỹ gốc Việt đầu tiên tham dự vào ngành tư pháp liên bang. Với tỷ lệ phiếu thuận 97-0, bà Jacqueline Nguyễn Thị Hồng Ngọc, 45 tuổi, đã được Thượng Viện đồng lòng chấp thuận hồi cuối năm ngoái để trở thành thẩm phán liên bang khu vực Trung California, gồm các quận hạt Orange, Los Angeles, San Bernadino, Riverside, Ventura, Santa Barbara, và San Luis Obispo.

Jacqueline Nguyễn tốt nghiệp đại học Occidental College năm 1987, đậu Tiến sĩ Luật khoa đại học UCLA năm 1991. Bà làm việc cho một công ty luật ở Los Angeles từ khi ra trường đến năm 1994. Sau đó bà chuyển sang làm công tố viên cho văn phòng Công tố Liên bang khu vực Trung California từ năm 1995 đến năm 2000. Cựu Thống đốc Gray Davis bổ nhiệm bà vào chức vụ thẩm phán Tòa Thượng Thẩm Quận Los Angeles từ năm 2002 cho đến khi bà được Tổng thống Obama đề cử vào chức vụ mới.

Bà Jacqueline Nguyễn lập gia đình với một luật sư làm cho văn phòng Công tố Liên bang ở Los Angeles. Song thân của bà là ông bà Thiếu tá Quân đội Nguyễn Bình, phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Gia đình bà ở Đà Lạt đến năm 1975 thì sang tị nạn tại Hoa Kỳ.

Thẩm phán Jacqueline Nguyễn đã chính thức nhận nhiệm sở liên bang từ tháng 12-2009 trong một nghi thức tuyên thệ đơn giản ở văn phòng địa phương. Thứ Sáu tuần này, 12-3-2010, bà sẽ có một buổi lễ nhậm chức chính thức dành cho khách mời, gia đình, và thân hữu tại Tòa án Khu vực Trung California ở Los Angeles. Chiều thứ Ba, 9-3-2010, Thẩm phán Liên Bang Jacqueline Nguyễn Thị Hồng-Ngọc đã dành cho Viễn Đông một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.


Viễn Đông: Xin chúc mừng bà đã bắt đầu công việc mới. Bà đã từng làm một luật sư cho một công ty luật, rồi chuyển sang làm công tố cho văn phòng Công tố Liên bang Hoa Kỳ, nghĩa là bà đã đứng đại diện cả hai phía trong nhiều vụ tranh tụng, sau đó mới chuyển qua làm thẩm phán một Tòa Thượng Thẩm. Cơ duyên nào đưa đẩy bà vào công việc của một thẩm phán, vốn rất khác biệt với hai công việc luật sư và công tố?

Thẩm phán Liên bang Jacqueline Nguyễn: Sau khi ra trường luật, tôi may mắn được vào làm cho một công ty luật với nhiều cơ hội tốt, một kinh nghiệm làm việc mà tôi rất yêu thích. Nhưng tôi vẫn thấy muốn phục vụ công chúng. Đang làm cho Musick, Peeler & Garrett, tôi gặp một số đồng nghiệp vừa rời ngành công tố để nhận việc tại một công ty tư nhân và một số người khác đang làm trong văn phòng Công tố Liên bang. Sau khi nói chuyện với họ, tôi cảm nhận rằng mình có lẽ thích hợp hơn với công việc công quyền. Văn phòng Công tố Liên bang tại địa phương này lại là một trong những nơi có công việc tuyệt vời nhất trong ngành luật tại Los Angeles. Những vụ kiện nơi đây rất lý thú, lại có nhiều cơ hội cho tôi tranh cãi trước tòa trong khi tuổi còn khá trẻ. Và cơ hội nhận công việc mới đã đến với tôi. Rồi từ đó, tôi có 8 năm rất tốt đẹp làm công tố viên cho Văn phòng Công tố Liên bang. Sau một thời gian, tôi lại nghĩ rằng mình có thể thay đổi công việc lần nữa. Với sự khuyến khích của những người hướng dẫn, cố vấn cho tôi trong ngành, tôi thử bước chân vào sự nghiệp của một thẩm phán. Mới đầu, tôi hoàn toàn không nghĩ đến việc làm một thẩm phán. Nhưng có lẽ những đồng nghiệp nhìn mình và phán đoán về mình giỏi hơn là chính mình; họ cho tôi là người thâm trầm, có thể làm công việc thẩm phán được. Sau khi suy nghĩ khá lâu, tôi quyết định nộp đơn và may mắn được nhận làm thẩm phán do cựu Thống đốc Gray Davis bổ nhiệm.


Viễn Đông: Là một công tố viên, bà đã từng làm việc trong những lãnh vực luật pháp nào?

TPLB Jacqueline Nguyễn: Tôi bắt đầu với một ban chuyên khởi tố những vụ án tội phạm thông thường. Sau đó, tôi dời qua ban trưng dẫn chi tiết hình sự. Kế tiếp là một ban chuyên về những vụ tham nhũng và lừa gạt trong chính phủ, rồi đến ban chuyên về những tội phạm có tổ chức. Cuối cùng, tôi trở lại ban chuyên về tội phạm thông thường để huấn luyện các công tố viên trẻ mới vào ngành trong cương vị một Phụ tá Công tố viên Trưởng. Nói chung, tôi thích gặp những thử thách mới và tạo cơ hội cho chính mình có nhiều kinh nghiệm đa dạng.


Viễn Đông: Khối kinh nghiệm đa dạng đó sẽ giúp bà ra sao trong công việc mới của một thẩm phán?

TPLB Jacqueline Nguyễn: Đương nhiên là rất hữu ích. Tôi cũng đã quen thuộc với hệ thống luật pháp liên bang, và điều này giúp tôi rất nhiều. Những thể loại các vụ án tôi đã giúp khởi tố trong vai trò một công tố viên, nay tôi gặp lại ở cương vị một thẩm phán. Công việc truy tố rất khác với vai trò một người đưa ra quyết định công lý.


Viễn Đông: Khi làm công tố viên, bà nhớ nhất những trường hợp vụ án nào?

TPLB Jacqueline Nguyễn: Cho phép tôi không nói về một trường hợp nào cụ thể, vì hiện nay tôi đang làm công việc của một thẩm phán. Nhưng rõ ràng là tôi đã nhận nhiều vụ án rất thú vị và đa dạng.


Viễn Đông: Bây giờ làm thẩm phán, nghĩ lại, bà có thấy mình có thể thuyết phục chính mình với những bằng chứng cho một vụ án nào đó do bà đưa ra khi còn làm công tố viên không?

TPLB Jacqueline Nguyễn: Đây cũng là một điều thú vị, vì trước khi nhận trách nhiệm bên phe công tố, tôi cũng từng nhắm đến công việc của một luật sư bào chữa công (người được giao nhiệm vụ biện hộ miễn phí cho những nghi can không mướn luật sư tư nhân). Hai công việc, đối với tôi lúc đó, là một chín một mười. Sau cùng, tôi chọn làm công tố viên vì nhận thấy văn phòng Công tố cho tôi những cơ hội thích hợp với khả năng và ý thích của mình hơn.

Còn trong vai trò thẩm phán bây giờ, nếu đặt lại câu hỏi là tôi có thể trở nên công bằng trong những quyết định của mình hay không sau khi đã làm một công tố viên, thì tôi không thấy đó là vấn đề. Nhiệm vụ của một thẩm phán là áp dụng luật pháp một cách chặt chẽ và cho cả hai phe công tố lẫn biện hộ một cuộc xử án công bằng. Cho nên, từ một công tố viên chuyển sang làm thẩm phán, tôi thấy khá dễ dàng.


Viễn Đông: Có lẽ vì không có hai vụ án nào giống nhau?

TPLB Jacqueline Nguyễn: Mỗi vụ án tiến triển tùy theo các sự kiện của vụ án đó. Luật pháp không thay đổi, nhưng khi áp dụng luật pháp vào từng trường hợp, hoàn cảnh cụ thể thì có thể khác nhau. Và đây là điểm quan trọng nhất.


Viễn Đông: Khi nào thì bà áp dụng luật một cách chặt chẽ, còn khi nào thì bà phải đắn đo hơn?

TPLB Jacqueline Nguyễn: Có những trường hợp tương đối dễ dàng, đó là khi luật pháp hướng dẫn rõ ràng và mình chỉ cần áp dụng thật đúng vào phán quyết của mình. Những trường hợp khác khó khăn hơn vì phức tạp hơn, và nhiệm vụ của thẩm phán lúc đó là xem hết bộ luật ứng dụng cho địa hạt của mình, trong trường hợp của tôi là địa hạt số 9, để cho ra một quyết định sau cùng. Nghĩa là, nếu mình không tìm được một trường hợp trước đây đã có phán quyết rõ ràng để noi theo, thì mình phải xem lại tất cả luật lệ một cách tổng quan, xem những phán quyết trước đây như thế nào, và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định.


Viễn Đông: Hồi còn là học sinh, bà có tham dự những sinh hoạt ngoại khóa đưa bà vào con đường phục vụ luật pháp không?

TPLB Jacqueline Nguyễn: Ồ, không, hồi mới qua đây năm 1975, tôi được gần 10 tuổi. Lúc đó tôi còn học Anh văn trong các lớp ESL. Sau khi vào đại học, tôi nghĩ mình sẽ đi về ngành y, học Pre-Med, theo ý hướng của cha mẹ tôi. Cha mẹ tôi, như nhiều bậc phụ huynh khác, mong muốn con mình trở thành bác sĩ. Nhưng tôi không có duyên với các ngành khoa học cho lắm, mà lại rất thích ngành nhân văn học. Tôi yêu thích văn chương Anh ngữ. Do đó, tôi chọn chuyên ngành văn chương Anh và tốt nghiệp cử nhân ngành này. Không ngờ, chuyên ngành này lại giúp tôi rất nhiều khi học Luật, vì phải đọc, viết, và phân tích rất nhiều. Khi mới ra đại học, thật khó tìm việc làm vì có rất ít công việc cho một cử nhân Anh văn. Nên tôi thi LSAT (cuộc thi để vào trường luật), đậu điểm khá cao, rồi nộp đơn vào trường luật. Thật ra, khi còn nhỏ, tôi không được như các bạn trẻ bây giờ, rất ngăn nắp, quyết đoán, biết mình làm gì. Lúc đó, tôi thực sự chưa biết mình muốn làm gì, vì thời đó, tôi chưa được gặp ai làm trong ngành luật để tìm hiểu thiên hướng của mình. Và cũng may mắn là tôi đã tìm ra đường vào ngành luật.


Viễn Đông: Điều bà vừa kể có thể giúp cho một số thanh thiếu niên hiện nay chưa tìm ra định hướng nghề nghiệp cho riêng mình.

TPLB Jacqueline Nguyễn: Tôi cũng thường đi nói chuyện nhiều nơi, chia sẻ kinh nghiệm của mình với các em. Tôi cho các em thấy rằng, có thể lúc đầu mình còn bỡ ngỡ, còn lúng túng, nhưng như trường hợp của tôi thì đến giờ này có thể nói là tôi cũng đã khá ổn định và tương đối thành công trên con đường mình chọn. Tôi nghĩ rằng, đối với những em nào đã có sẵn định hướng nghề nghiệp rõ ràng, đó là điều rất tuyệt vời. Tuy nhiên, hãy cứ để cho mình cơ hội, cứ mở mắt nhìn xung quanh, biết đâu lại gặp những gì khác hay ho hơn. Còn đối với những em chưa biết phải làm gì trong cuộc sống, cũng không sao. Hãy đi tìm cho mình những gì mình thực sự yêu thích, thực sự muốn theo đuổi, để làm động lực thúc đẩy mình đi tới. Như trường hợp của chính mình, tôi đã tìm được công việc mà mình yêu mến, và điều đó còn quan trọng hơn cả tiền bạc kiếm được. Trong suốt sự nghiệp của tôi, tôi cũng đã từng có một số quyết định không đưa đến lợi tức khả quan lắm, nhưng tôi luôn luôn cảm thấy hạnh phúc với quyết định của mình. Và tôi thường hay nhắc nhở các bạn trẻ về điều này.


Viễn Đông: Một tuần bà làm việc bao nhiêu giờ? Chắc là phải hơn 40 tiếng?

TPLB Jacqueline Nguyễn: (Cười) Thật ra công việc không bao giờ chấm dứt. Tại tòa án ở khu vực Trung California nơi tôi làm việc, công việc chất cao như núi. Tôi có cảm tưởng như không có đủ thời giờ trong ngày để làm tất cả những gì mình phải làm. Lúc nào công việc cũng còn đó. Đây cũng là một thử thách cho những ai làm công việc này về lâu về dài, trừ phi người đó rất là yêu nghề. Tôi làm việc trong ngày, ban đêm, cả cuối tuần nữa, mà vẫn không thấy quá sức chịu đựng vì tôi yêu công việc.


Viễn Đông: Từ khi nhận nhiệm sở đến nay, bà đã phải làm việc với bao nhiêu vụ án, vụ kiện?

TPLB Jacqueline Nguyễn: Hiện tại, tôi có trong tay hồ sơ của hơn 350 vụ kiện dân sự và có khá nhiều những trường hợp hình sự nữa.


Viễn Đông: Bà có phải đi xa nhiều không?

TPLB Jacqueline Nguyễn: Vâng, tôi đi vì công việc ở thủ đô Washington cũng vài lần, mới tuần rồi thì đi Texas.


Viễn Đông: Bà có nghĩ là đến lúc nào đó có thể thảo luận về một vụ án, vụ kiện cụ thể không? Nhất là sau khi vụ kiện hay vụ án đó xem như đã đóng sổ?

TPLB Jacqueline Nguyễn: Tôi không muốn nói đến trường hợp nào cụ thể. Ngay cả khi hồ sơ đó xem như đã xong, tôi không cho là mình nên nói về chi tiết một trường hợp nào.


Viễn Đông: Mà thực ra một vụ án hay một vụ kiện có lẽ không bao giờ thực sự “đóng sổ” phải không?

TPLB Jacqueline Nguyễn: (Cười) Thực sự thì mình không thể biết được một vụ án hay vụ kiện có thể trở lại dưới hình thức nào.


Viễn Đông: Bà có được mấy người con?

TPLB Jacqueline Nguyễn: Chúng tôi có hai đứa con, một đứa 8 tuổi, một 10 tuổi.


Viễn Đông: Công việc bận như vậy, bà có dành được nhiều thời giờ cho các con không?

TPLB Jacqueline Nguyễn: Tôi luôn luôn cố gắng tìm thời gian cho các con. Công việc thì lúc nào cũng còn đó, nhưng con cái mình thì lớn rất nhanh. Các con tôi là ưu tiên hàng đầu. Đó cũng là khó khăn cho người phụ nữ vừa có sự nghiệp riêng, vừa có gia đình, và phải làm sao cân bằng được cả hai bên.


Viễn Đông: Một câu hỏi chót, lúc ra Ủy ban Thượng Viện để được phê chuẩn, bà cảm thấy thế nào?

TPLB Jacqueline Nguyễn: Quả là một kinh nghiệm rất thú vị cho tôi. Chẳng có gì giúp tôi chuẩn bị được cho lần bước qua ngưỡng cửa Điện Capitol của Quốc Hội để vào căn phòng nơi cuộc điều trần của Ủy ban Thượng Viện diễn ra. Chúng ta đã từng xem những buổi điều trần tương tự trên truyền hình. Tôi cũng để nhiều tâm trí vào việc chuẩn bị tinh thần cho buổi đó. Nhưng khi bước vào thì đúng là một sự ngạc nhiên chưa từng thấy. Tôi được một bữa thích thú, một kinh nghiệm đáng nhớ. Và buổi điều trần diễn ra tốt đẹp. Còn kết quả phiếu bầu chắc cũng đã nói lên điều đó (Cười).


Viễn Đông: Xin cám ơn Thẩm Phán đã dành thời giờ trả lời phỏng vấn Viễn Đông.


source

Vien Dong Daily

********************

Luật sư Lê Thị Công Nhân xác định sẽ tiếp tục (...)

Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 10/03/2010 Cập nhật lần cuối ngày 10/03/2010 18:01 TU

Luật sự Lê Thị Công NhânD.R

Luật sự Lê Thị Công Nhân
D.R

Theo hãng tin Pháp AFP, trả lời phỏng vấn qua điện thoại ngày 10/03/2010, nhà luật sư trẻ vừa mãn hạn tù 3 năm, cho biết là cô sẽ tiếp tục cuộc (...), kể cả khi cô bị "gạt ra bên lề xã hội''.

Theo luật sư Lê Thị Công Nhân, thời gian tù tội vừa qua chỉ giúp cô ''kiên định thêm niềm tin'' trong công cuộc đấu tranh.

(...)

source
FRI Vietnamese

No comments:

Post a Comment