Việt Nam Cập nhật Thứ Ba, 30 tháng 3 2010
Các bạn trẻ VN trong Mạng lưới Lãnh đạo và Phục vụ Đông Nam Á
Hôm nay, Trà Mi sẽ giới thiệu đến quý vị và các bạn một tổ chức xã hội của giới trẻ chuyên về các hoạt động nhằm phục vụ, phát triển các quốc gia ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, mà trong số thành viên của tổ chức quốc tế này cũng có sự góp mặt của các thanh niên người Việt. Đó là tổ chức mang tên SealNet, viết tắt từ cụm từ “Mạng lưới Lãnh đạo và Phục vụ Đông Nam Á” của tiếng Anh.
Chia sẻ
Tin liên hệ
Kể từ khi được thành lập vào năm 2004 tại đại học Stanford ở Hoa Kỳ, các thành viên của SealNet, trong đó có nhiều bạn trẻ Việt Nam hiện đang học tập hoặc sinh sống tại Mỹ, đã tích cực mang tinh thần phục vụ và lãnh đạo đến các cộng đồng Đông Nam Á không những ở Hoa Kỳ mà ngay tại các nước liên hệ, với một mạng lưới những người lãnh đạo trẻ dấn thân phục vụ, được rèn luyện các kỹ năng lãnh đạo, và hòa mình vào đội ngũ các cá nhân nhiệt tình cống hiến xây dựng xã hội.
Mỗi mùa hè, SealNet đều có những dự án tình nguyện về các nước ở Đông Nam Á, mỗi chuyến đi kéo dài khoảng 2 tuần. Mục tiêu chính của SealNet không phải chỉ là đến các nước để hoạt động xã hội, mà còn nhằm hướng dẫn các bạn trẻ tại địa phương chủ động đề xướng và lãnh đạo các chương trình phục vụ cộng đồng. Các dự án của SealNet tập trung vào 5 lĩnh vực chính, bao gồm giáo dục, mỹ thuật, văn hóa, kỹ thuật, và môi trường. Trung bình hằng năm, SealNet thực hiện từ 5 đến 7 dự án ở Đông Nam Á, và tại một quốc gia, có thể có từ 1 đến 2 dự án.
Năm 2010, SealNet sẽ tiến hành 2 dự án ở Việt Nam. Góp mặt với phái đoàn SealNet đến Việt Nam vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm nay có 3 sinh viên người Việt tại Hoa Kỳ, một là du học sinh và hai bạn còn lại đã định cư ở Mỹ trên 4 năm. Đó là các bạn Lê Liên Hương từ Rhode Island, Huỳnh Thụy Thái Dương ở Massachusetts, và Nguyễn Ngọc Anh Tú tại California, mà Trà Mi mời tham gia chương trình hôm nay để chia sẻ với các bạn về những hoạt động thú vị, bổ ích của SealNet.
Trà Mi xin nhường lời cho Anh Tú giới thiệu về dự án sắp tới của bạn tại Việt Nam:
Anh Tú: Dự án Việt Nam của Tú trong năm nay là về chất da cam và sự ảnh hưởng của nó lên người dân Việt Nam sau chiến tranh. Dự án này bọn Tú sẽ làm việc với làng Hòa Bình, Thanh Xuân, Hà Nội. Tụi mình sẽ cố gắng giúp mọi người nâng cao nhận thức về chất da cam và truyền đạt các kỹ năng lãnh đạo cho các em học sinh địa phương để sau này khi dự án mình kết thúc, các em có thể tự tổ chức các dự án từ thiện riêng của các em.
Trà Mi: Với ý tưởng đó, hiện giờ các bạn đã có những bước chuẩn bị thế nào rồi?
Anh Tú: Mình đã liên lạc với làng Hòa Bình, Thanh Xuân và có các thành viên nồng cốt ở địa phương để giúp đỡ thêm.
Liên Hương: Ngoài dự án ở Hà Nội, còn có một dự án tại Sài Gòn do Hương và Dương làm trưởng nhóm. Tụi mình làm việc với trại trẻ mồ côi Long Hoa ở Sài Gòn. Dương và Hương hợp tác với GFO (Gentle Fund Organization), một tổ chức có trụ sở tại Singapore chuyên làm những dự án tình nguyện tại Việt Nam. GFO thành lập một trung tâm học tập dành cho các em mồ côi tại Long Hoa. GFO muốn hợp tác cùng SealNet làm một chương trình dạy tiếng Anh cho các em mồ côi đang học cấp hai.
Thái Dương: Mục đích của chương trình là đề ra cách dạy thu hút sự chú ý của các em.
Trà Mi: Các bạn hợp tác với GFO trong chương trình giảng dạy, nhưng các bạn có hỗ trợ trong lĩnh vực sách giáo khoa không? Chẳng hạn các bạn có mang về các sách giảng dạy tiếng Anh từ bên Mỹ không?
Thái Dương: Tụi em sẽ nghiên cứu xem sách nào thích hợp với chương trình này nhất để cho Long Hoa sử dụng. Một phần trong chương trình của tụi em là thành lập hội dạy kèm do các học sinh ở Sài Gòn đảm trách. Tụi em muốn sau khi chương trình trong 2 tuần kết thúc, các bạn tại Sài Gòn sẽ tự vận hành một chương trình dạy kèm cho các em mồ côi tại Long Hoa.
Liên Hương: Song song với việc dùng sách giáo khoa bổ sung kiến thức về tiếng Anh và ngữ pháp, tụi em có giáo trình tập hợp các hoạt động ngoài trời và những trò chơi bổ ích. Qua đó, giúp các em tự tin hơn trong việc sử dụng tiếng Anh. Hương và Dương đang viết giáo trình đó. Các học sinh bên Mỹ sẽ giao lưu với các thành viên ở Việt Nam, trao đổi kiến thức về lãnh đạo. Hy vọng các bạn học sinh ở Việt Nam sẽ tiếp tục dùng các kiến thức đó để giúp cho dự án của SealNet được giữ vững tại Việt Nam.
Trà Mi: Ngoài hai dự án sắp tới, các bạn ở đây có ai đã về Việt Nam tham gia bất kỳ dự án nào trước đây chưa?
Anh Tú: Năm 2007, mình là một trong các học sinh địa phương được dự án SealNet huấn luyện và trao đổi các kinh nghiệm lãnh đạo.
Trà Mi: Nghĩa là lúc đó bạn còn ở Việt Nam, chưa đi du học?
Anh Tú: Dạ.
Trà Mi: Từng tham gia vào dự án của SealNet tại Việt Nam rồi, Tú có những kinh nghiệm hoặc những câu chuyện vui buồn nào mà bạn cảm thấy ấn tượng muốn chia sẻ với các bạn ở đây không?
Anh Tú: Tham gia với SealNet có thể nói là một trong những kinh nghiệm mà mình sẽ nhớ suốt đời vì mình được làm quen với các bạn đến từ khắp thế giới. Mỗi người mang một điều hay đến. Mình vừa làm việc vừa học hỏi thêm từ họ và cảm thấy là mình đang làm việc có ích cho đất nước của mình nữa.
Trà Mi: Cho nên sau khi bạn đã qua tới Mỹ du học vẫn tiếp tục gắn bó với SealNet và chuẩn bị những chuyến đi về Việt Nam để tiếp nối những gì mà SealNet đã làm, phải không?
Anh Tú: Dạ, mình sẽ vẫn tạo ra các dự án khác, giống như một mối dây chuyền giúp đỡ cho xã hội.
Trà Mi: Mình thấy SealNet có tôn chỉ chính là phục vụ và lãnh đạo để phát triển xã hội. Theo các bạn, tầm quan trọng của tinh thần phục vụ, lãnh đạo trong giới trẻ ngày nay đối với sự phát triển xã hội ra sao?
Thái Dương: Mình thấy tầm quan trọng của sự lãnh đạo và ý thức của thanh niên là rất cao. Bởi vì thanh niên là người lãnh đạo của tương lai mà hôm nay lại không biết cách cải thiện những gì chưa được tốt trong xã hội, thì sau này sẽ không có kinh nghiệm và không có sự tự giác cao. Cho nên Dương rất thích cách làm việc của SealNet. SealNet giúp thanh niên nhận ra những khả năng có sẵn của bản thân. Trước khi tham gia SealNet, mình không biết là mình có khả năng lãnh đạo và làm tốt cho người khác.
Liên Hương: Trước khi đi du học, Hương cũng đã làm việc cho nhiều tổ chức tình nguyện tại Việt Nam. Hương thấy sự khác biệt lớn nhất giữa các tổ chức xã hội hiện có ở Việt Nam với SealNet đó là các tổ chức tình nguyện ở Việt Nam thường có những dự án nhỏ và cứ thay đổi mỗi năm một lần. Trong khi SealNet rất coi trọng sự tồn tại lâu dài của các dự án. SealNet có phần dạy kỹ năng lãnh đạo nhằm giúp các thành viên các năm sau tiếp tục duy trì dự án. Khi tham gia SealNet, Hương đã học được rất nhiều điều không chỉ giúp Hương trong học tập mà giờ đây Hương đã muốn tự có riêng dự án của mình, dùng các kỹ năng lãnh đạo mà SealNet đã dạy cho mình để giúp đỡ cho xã hội.
Anh Tú: Theo mình, nếu so sánh SealNet với các tổ chức của đoàn-đội ví dụ như Mùa hè xanh, thì SealNet có tính sáng tạo cao hơn. Hầu hết mọi thứ trong SealNet đều do các thành viên rất trẻ nghĩ ra và tự hoàn thiện ý tưởng của mình. Các tổ chức của đoàn-đội như Mùa hè xanh có thể thu hút nhiều bạn trẻ tại địa phương nhưng vai trò của mỗi người trong dự án không nhiều bằng các thành viên tham gia một dự án của SealNet.
Liên Hương: Có một điểm khác biệt nữa là các tổ chức ở Việt Nam, nhất là những nhóm do các bạn sinh viên-học sinh thành lập, thường cố giải quyết một vấn đề như giúp trẻ em nghèo hay nạn nhân thiên tai. Các dự án của SealNet thường nhắm đến các mục tiêu xa hơn, như làm việc về môi trường, về nguồn nước, hoặc giúp các em cấp một hiểu biết về giun sán để phòng bệnh.
Trà Mi: Vẫn nói về tinh thần phục vụ và lãnh đạo mà SealNet coi là tôn chỉ của mình. Là những thành viên của SealNet mấy năm nay, theo các bạn, người trẻ Việt Nam làm thế nào để phát triển hai yếu tố này một cách tối ưu nhất?
Thái Dương: Mình nghĩ một người không thể tự mình lãnh đạo hay phát huy để tạo ra những sự thay đổi trong xã hội được. Muốn làm điều đó, các bạn cần phải truyền đạt ý tưởng của mình với càng nhiều người càng tốt, tạo ra một nhóm để có được ý kiến của nhiều người khác. Như vậy, những ý kiến và ý tưởng của mình sẽ càng ngày càng được trao dồi thêm. Các bạn thanh niên ở Việt Nam nên cổ vũ thêm bạn bè cùng làm chung những dự án mới nào đó.
Anh Tú: SealNet tác động đến mình rất lớn về cách suy nghĩ. Mình rất thích châm ngôn của SealNet “Đáp đền-Nối tiếp”. Tức là khi ai đó làm cho mình điều gì, sau này để trả ơn, tốt nhất mình hãy trả ơn cho tương lai, làm một điều tốt cho người khác. Như vậy, mỗi người đều làm một điều tốt, góp phần tạo nên một tương lai tươi sáng hơn.
Trà Mi: Đồng ý với bạn hoàn toàn. Tuy nhiên, có một số bạn trẻ thắc mắc rằng trong đời sống bận bịu ngày nay, nhất là nhịp sống của giới trẻ, phải chạy đua với thời gian, với tiền bạc, nào là công việc, nào là học hành nữa. Cho nên dù rất muốn đóng góp cho xã hội, nhưng làm sao có thể có thời gian để làm được những điều đó? Đây là băn khoăn của rất nhiều người. Các bạn có lời khuyên nào không?
Liên Hương: Mình càng bận, càng phải cố gắng thu xếp thời gian hiệu quả hơn. Không chỉ các bạn ở Việt Nam mới bận rộn, mà ở đâu giới trẻ cũng như thế. Khi sắp xếp thời gian hợp lý và thấy có rất nhiều việc phải làm thì mình sẽ không bao giờ đẩy lùi những công việc mà mình biết là mình sẽ làm ngay. Như thế, công việc sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Trà Mi: Nói về hoạt động của SealNet trong năm nay, như các bạn vừa giới thiệu, có hai dự án vào tháng 8 và 9. Các bạn đang nghe đài muốn tham gia thì đăng ký ở đâu, liên lạc như thế nào?
Thái Dương: SealNet có website ở địa chỉ www.sealnetonline.org, trong đó có những đường link để đăng ký các chương trình khác nhau. Năm nay, SealNet có 5 chương trình, gồm hai dự án ở Việt Nam, một ở Malaysia, một ở Philippines, và một tại Thái Lan. Các bạn có thể đọc qua nội dung mỗi chương trình và theo thủ tục đăng ký trên mạng.
Trà Mi: Cảm ơn các bạn rất nhiều đã dành thời gian cho Tạp chí Thanh Niên của đài VOA. Mong rằng các bạn, với những niềm vui, niềm hăng say phục vụ cho xã hội như vậy, sẽ gặt hái được những thành quả đáng kể trong những ngày tháng sắp tới.
Mời quý vị và các bạn trở lại Tạp chí Thanh Niên của đài VOA, trong chương trình 10 giờ tối thứ ba tuần sau, để cùng gặp gỡ những người bạn mới, các bạn nhé. Trà Mi xin chào tạm biệt quý vị.
source
VOA Vietnamese
No comments:
Post a Comment