Wednesday 18 November 2009

Cựu Tổng thống Mỹ tham gia hoạt động tình nguyện tại Việt Nam


Cựu Tổng thống Carter và phu nhân tại làng Đồng Xá

Có mặt tại làng Đồng Xá vào lúc giữa trưa, ông Carter nhận được sự chào đón của hàng trăm tình nguyên viên Habitat for Humanity. Đi cạnh vị cựu Tổng thống là ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Nhận những bó hoa do các thiếu nhi Hải Dương trao tặng, vợ chồng ông Carter tỏ ra rất vui mừng. Dù liên tục đi những chặng đường dài qua các quốc gia, vị cựu Tổng thống 85 tuổi luôn tươi cười và không hề tỏ ra mệt mỏi.
Rút từ bó hoa một nhánh baby, ông Carter tặng phu nhân của mình để bà cài lên mũ.
Trong vòng vây dày đặc của lực lượng an ninh, vợ chồng ông Carter có chuyến thăm ngắn qua những ngôi nhà đang hoàn thiện ở làng Đồng Xá.
Theo kế hoạch, tối cùng ngày, cựu Tổng thống Mỹ sẽ tiếp kiến Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trước khi tiếp tục hành trình tới Trung Quốc vào sáng 19/11.
Ảnh tình nguyện viên HFH xây nhà cho người nghèo.

Nguyễn Hưng

source

http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/11/3BA15CBC/Page_2.asp

Tình nguyện viên Habitat xây nhà cho người nghèo

Khoảng một tuần nay, 400 tình nguyện viên trên khắp thế giới đã có mặt tại làng Đồng Xá để hoàn thiện 32 ngôi nhà cho các hộ nghèo.
Ở nhiều quốc gia, các căn nhà được làm bằng gỗ. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết tại Việt Nam, HFH quyết định xây bằng gạch bê tông (hỗn hợp cát, xi măng và đá xay).
Chính điều này gây một chút "khó khăn nhỏ" cho những người từng tham gia công việc này ở Mỹ như bà Kay Payne.
Tuy nhiên, người phụ nữ tới từ bang Nebraska này coi đó là "chuyến phiêu lưu thú vị".
Với anh Withcha Simsiri (Thái Lan), lần đầu tiên tham gia các hoạt động của HFH, điều thú vị nhất là chỉ trong 2 ngày anh đã có hàng chục người bạn quốc tế.
Chưa từng tham gia các hoạt động của HFH và cũng lần đầu tiên về Việt Nam theo chồng, song Trần Thị Lan (người Mỹ gốc Việt) vẫn rất nhiệt tình. Chị đang làm nốt những khâu cuối cùng trước khi lắp cánh cửa cho một căn nhà.
Hàng trăm thiện nguyện viên từ nhiều quốc gia chia nhau làm các phần việc khác nhau nhằm hoàn thành các ngôi nhà để bàn giao cho người dân vào ngày 20/11. Trong số này có những người đã tham gia các hoạt động của HFH trên 10 năm.
Nhanh chóng quen với sự có mặt của các tình nguyện viên ngoại quốc, những đứa trẻ ở làng Đồng Xá vui vẻ chơi đùa ngay tại sân ngôi nhà mà chỉ ít ngày nữa các em sẽ được ở.
Xem ảnh vợ chồng cựu Tổng thống Carter tại Hải Dương.

Nguyễn Hưng

source

http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/11/3BA15CBC/Page_3.asp

Cựu Tổng thống Mỹ tham gia hoạt động tình nguyện tại Việt Nam

Trưa 18/11, ngay sau khi xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội), vợ chồng cựu tổng thống Jimmy Carter đã tham dự hoạt động tình nguyện tại vùng quê nghèo ở Hải Dương của tổ chức Habitat for Humanity.

Vợ chồng ông Jimmy Carter đã xuống làng Đồng Xá (thị trấn Kẻ Sặt, Bình Giang, Hải Dương) để tham gia hoàn thiện 32 ngôi nhà cho những hộ dân nghèo dân tại ngôi làng ven sông này.

Trong trang phục giản dị, vợ chồng vị cựu Tổng thống được hàng trăm tình nguyện viên của tổ chức Habitat for Humanity (HFH - Tổ chức Hỗ trợ Gia cư) chào đón.

Ảnh vợ chồng cựu Tổng thống Carter tại Hải Dương.
Ảnh tình nguyện viên HFH xây nhà cho người nghèo.
Vợ chồng vị cựu tổng thống tại Hải Dương. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Trước hàng trăm tình nguyện viên quốc tế và đại diện phía Việt Nam, ông Carter cho biết, không có nơi nào có ý nghĩa hơn với ông trong hoạt động từ thiện như ở Việt Nam nơi ông "có những tình cảm đặc biệt". Vị cựu Tổng thống cho rằng những hoạt động tình nguyện của HFH sẽ mang đến những cam kết tình hữu nghị và tình thương giữa các quốc gia và con người.

Theo ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, hoạt động tình nguyện của HFH cũng như của vợ chồng cựu Tổng thống là những đóng góp thúc đẩy sự phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ. Riêng với người dân làng Đồng Xá, nhờ sự hỗ trợ này mà họ được thay đổi cuộc sống.

Jimmy Carter là Tổng thống thứ 39 của Mỹ (nhiệm kỳ 1977-1981). Sau khi mãn nhiệm, ông và vợ tham gia nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện trong đó nổi bật nhất là sự cộng tác với tổ chức Habitat for Humanity. Ông đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2002

Ngày 19/11, vợ chồng vị cựu Tổng thống 85 tuổi sẽ tiếp tục hành trình tới Tứ Xuyên (Trung Quốc), sau đó quay lại Thái Lan rồi sang Campuchia vào cuối tuần. Mặc dù đã cao tuổi, ông Carter vẫn chưa có ý định dừng kế hoạch mỗi năm dành ra một tuần cho dự án xây dựng nhà "đơn giản, phù hợp" cho người nghèo - việc ông thực hiện đều đặn suốt 26 năm nay. Dự án đã được tổ chức ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc, Philippines, Mexico, Nam Phi, Hungary và nhiều tiểu bang tại Mỹ.

Trong vòng vây dày đặc của lực lượng an ninh, vợ chồng ông Carter có chuyến thăm ngắn qua những ngôi nhà đang hoàn thiện ở làng Đồng Xá. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Ông Đào Văn Tích (55 tuổi) cho biết, gia đình ông nhiều đời sống lênh đênh trên sông nước và chưa bao giờ có một căn nhà tươm tất. "Dù đã lên bờ hơn 40 năm, tôi vẫn không đủ điều kiện để cho vợ, con một ngôi nhà", ông Tích nói.

Với sự hỗ trợ của HFH, trong ít ngày nữa hộ ông Tích sẽ có căn nhà 36 m2 có giá trị 100 triệu đồng. Gia đình ông chỉ phải trả góp một nửa số tiền này trong vòng 9 năm, phần còn lại do HFH hỗ trợ. Ngoài ra, ông cũng phải tham gia 100 giờ lao động cùng công nhân và các tình nguyện viên để góp phần dựng căn nhà.

HFH là tổ chức từ thiện, phi chính phủ, phi lợi nhuận thành lập năm 1976, hoạt động trên quy mô quốc tế với mục tiêu xây dựng nhà ở "đơn sơ, thích hợp và giá rẻ". Những ngôi nhà được xây dựng bởi công lao động của các thiện nguyện viên sẽ được bán ra với giá thành không lợi nhuận, cũng không tính lãi trên số tiền trả góp.

Năm 1984, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter bắt đầu tham gia các hoạt động của tổ chức này. Ông là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất và hoạt động tích cực cho các cuộc vận động gây quỹ cũng như có mặt tại các địa điểm xây dựng. Dự án đã được thực hiện tại nhiều nước, làm mới và sửa gần 300.000 ngôi nhà, mang lại nơi cư trú ở cho khoảng 1,5 triệu người. Hiện, HFH Vietnam đã có các dự án ở Hải Dương, Vĩnh Phúc, Kiên Giang, Tiền Giang. Đã có hơn 4,000 gia đình có thu nhập thấp ở Việt Nam làm việc cùng tổ chức này với mong muốn cải thiện tình trạng nhà ở.

Nguyễn Hưng

source

http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/11/3BA15CBC/

Monday 9 November 2009

Nhà báo Đức đến Việt Nam để tìm hiểu về quá khứ của Bộ trưởng Philipp Roesler


Cập nhật lúc: 11/4/2009 8:37:49 PM


Xơ Mary-Marthe với tấm hình Bộ trưởng Roesler

Vào đầu tháng này, hai nhà báo Đức đã đến Sóc Trăng, Việt Nam, để tìm hiểu thêm về vị Bộ trưởng Y tế gốc Việt mới nhậm chức cuối tháng vừa rồi. Họ đã gặp xơ Mary-Marthe Đỗ Thị Suốn, người từng nuôi dưỡng đứa bé mồ côi, đưa tấm hình của ông Philipp Roesler và hỏi: “Thưa bà, bà có nhận ra đứa trẻ mồ côi trong tấm ảnh này không?”.

Trong thời gian qua, thông tin trên báo chí ở hải ngoại cũng như ở Việt Nam nói rằng Bộ trưởng Roesler sinh ở tỉnh Khánh Hòa, Nha Trang hay Khánh Hưng, Khánh Hòa.

Nhưng nay, nhà báo người Đức đến Việt Nam với thông tin từ khai sinh của vị bộ trưởng trong đó ghi ông sinh ở Khánh Hưng, Ba Xuyên.

Thế là họ tìm đến tu viện của Dòng Chúa Quang Phòng ở thành phố Sóc Trăng để tìm lại dấu tích 36 năm trước của vị bộ trưởng Đức. Báo chí ở Việt Nam như Tuổi Trẻ có loan tin về chuyến đi Việt Nam phỏng vấn xơ Đỗ Thị Suốn của nhà báo Đức.

Đồng thời ở trên mạng, X-Cafe đã chuyển ngữ bài viết của nhà báo Đức Jurgen Damsh và Marc-André Rüssau đăng trên website www.build.de

Việc bộ trưởng Đức là một trẻ mồ côi hiện vẫn còn là đề tài nóng bỏng trên báo chí của nước Đức. TVTS xin đăng lại bản dịch này.

Gương mặt cậu bé Philipp Roesler lúc 4 tuổi trên báo Bild của Đức

Con đường trở về với quá khứ của Roesler quả là khó khăn. Hít thở không khí bụi bặm, tiếng còi xe máy đinh tai nhức óc, cái nóng ngột ngạt oi bức tạo nên một lớp mồ hôi bao bọc thân thể tôi.

Bảy giờ đồng hồ chạy taxi từ Sài gòn, nay là thành phố Hồ Chí Minh, bị nhồi lên nhồi xuống bởi những ổ gà trên con lộ của miền Nam Việt nam, qua những gánh hàng cơm bụi những ngôi nhà được lợp bởi lá dừa.

Cuối cùng khoảng 11 giờ trưa tôi cùng với người phiên dịch Bình (34 tuổi) cũng đã tới được thành phố Sóc Trăng thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây, một thành phố lớn, cho đến trước khi (...) tiến vào năm (...) có tên là Khánh Hưng, năm 1973, có nghĩa là trước đây 36 năm, tân bộ trưởng y tế của chúng ta đã chào đời. Một đứa trẻ khi ấy chưa mang tên là Philipp, và với chỉ 9 tháng tuổi đã được một cặp vợ chồng người Đức nhận làm con nuôi.

Chúng tôi tìm đến nhà thờ công giáo tại số 190 Tôn Đức Thắng. "Ở đây có Xơ nào tên là Mary-Marthe và Sylvie không?", phiên dịch của tôi hỏi thăm người quản gia.

Những cái tên này của các bà Xơ đã được Roesler, mới chỉ có một lần trở Việt nam (do hối thúc của vợ), nhắc đến trong một lần phỏng vấn trước đây. Ngoài ra không có thông tin gì thêm.

Ông ta cũng chưa hề về thăm các Xơ, và cho đến nay Rösler cũng vẫn không cảm thấy có đòi hỏi phải đi tìm kiếm cội nguồn của mình: "Có lẽ ông cũng vậy, ông sẽ chỉ đi tìm những cái gì mà ông cảm thấy thiếu", ông ta nói vậy, "và tôi không hề cảm thấy mình thiếu cái gì đó."

Và cảnh Roesler đẩy xe chở con và vợ đi bên cạnh là một trong những hình ảnh xuất hiện thường xuyên trên báo chí Đức

Người quản gia chỉ đường cho chúng tôi tới hai ngôi nhà khác, "ở đó là chỗ của các bà Xơ", ông ta nói.

Vào trong sân, một bà Xơ già người Việt tiến về phía chúng tôi. "Bà có thể cho chúng tôi biết các Xơ ngày ấy bây giờ ra sao?", "Xơ Sylvie đã qua đời", bà ta nói, "bây giờ chỉ còn có mình tôi, Xơ Đỗ Thị Suốn."

"Thế còn Xơ Mary-Marthe? Người đàn bà mỉm cười. "Chính là tôi, đó là tên thánh của tôi."

Xơ Mary-Marthe với tấm hình bộ trưởng Philipp Rösler trong tay. Bà Xơ 78 tuổi tin chắc: "Anh ta khi còn nhỏ đã sống trong Cô Nhi Viện của chúng tôi, sau đó được đưa về Sài gòn để bay sang Đức."

Lạy chúa, chúng tôi đã tìm thấy bà ta! Tôi kể cho bà ta về Philipp Roesler, năm 1973 đã được nhận làm con nuôi, và giờ đây đã trở thành một người đàn ông quyền lực tại nước Đức.

Chúng tôi đưa cho người đàn bà 78 tuổi một tấm hình của Bộ trưởng. Một cách trìu mến bà ta nâng nưu tấm ảnh trong đôi bàn tay khẳng khiu lốm đốm tàng nhang dấu ấn của tuổi già, và bắt đầu kể: "Philipp chắc chắn đã từng ở chỗ chúng tôi", bà ta nói. "Xơ Sylvie và tôi khi đó đã chăm sóc khoảng 100 trẻ mồ côi và cùng với tổ chức "Terre des Hommes" chúng tôi tiến hành tìm kiếm cha mẹ nuôi cho chúng. Chúng tôi đã thành công, tất cả mọi đứa trẻ đều có được cha mẹ nuôi. Phần lớn tụi chúng được đưa đi Pháp hoặc Hoa Kỳ, số sang Đức nhiều lắm cũng chỉ vào khoảng 30 cháu."

Chúng tôi đứng trước ngôi nhà Cô Nhi Viện thủa ấy, một ngôi nhà quét vôi màu vàng với những cửa sổ ô kính khung gỗ. "Đây là nơi chúng tôi khi đó đã chăm sóc nuôi nấng các cháu", Xơ Mary kể và đưa ngón tay run rẩy chỉ, "các cháu trai ngủ ở tầng một còn các cháu gái ngủ ở tầng 2. " Một giai đoạn kinh khủng khi đó trong chiến tranh Việt nam.

"Những người mẹ chạy trốn khỏi những xóm làng rực lửa, nhấn vào tay chúng tôi những đứa trẻ gần như chết đói", Xơ kể lại, "hoặc có khi có những người lính họ đến chỗ chúng tôi và trao lại những đứa trẻ mà họ tìm thấy ở một nơi nào đó."

Chỗ này, chỉ một vài mét sau hàng rào, những bà Xơ theo đạo công giáo đã chăm sóc hồi phục sức khỏe những đứa trẻ-cho dù không phải lúc nào họ cũng có thể cứu sống được tất cả bọn chúng.

"Tụi trẻ nằm chật khắp tất cả các gian, nhiều cháu mang bệnh, bị tiêu chảy, giun sán hoặc viêm phổi", Xơ Mary kể lại, "tất cả những gì chúng tôi có thể đem lại cho các cháu là một chút gì đó để ăn, thỉnh thoảng cũng có thuốc men, còn lại là tình yêu của chúng tôi."

1975, sau chiến thắng của (...), (...) đã tịch thu cơ sở của dòng tu "Oder of Providence", hiện nay những tòa nhà này được sử dụng làm khu nội trú của một bệnh viện trẻ em. Chúng tội không được phép ở đó. Ở một góc trong sân có những chú heo đang ủn ỉn và những chú chó chạy qua chạy lại. "Khi xưa chúng tôi cũng có một chỗ chăn nuôi heo và một vườn rau", Xơ Mary kể, "cái này cho đến tận bây giờ vẫn vậy."

Chúng tôi len lỏi tiếp tục đến một trường học bên cạnh. Trên cái bàn cạnh lối vào có một bình hoa giả màu vàng, các cháu gái tóc tết đuôi sam cười khúc khích. Xơ Mary ngồi vào chỗ. Xơ sang Pháp khi tuổi mới 22 để học tiếng, giờ đây Xơ là chứng nhân duy nhất còn lại ở Khánh Hưng, người có thể kể về ngày xa xưa ấy: "Xơ Sylvie luôn tháp tùng lũ trẻ về Sài gòn, đưa chúng đến những Sứ quán của các nước nơi hoàn tất thủ tục nhận con nuôi", Xơ kể, "sau khi (..) những người (..) đã tiêu hủy chứng chỉ khai sinh của rất nhiều cháu nhỏ trai và gái đã được môi giới làm con nuôi ở các nước phương Tây."

Lũ trẻ được đưa về Sài gòn, còn Xơ Mary thì ở lại Cô Nhi Viện. "Bởi vì tôi là giáo viên, tôi phải dạy học", Xơ kể, nhưng người ta cũng cảm nhận được, nỗi lòng của Xơ trước mỗi cuộc chia tay. Xơ lại ngắm nhìn tấm hình Philipp: "Chúng tôi biết, rằng cuộc sống của những đứa trẻ này ở một nơi nào khác sẽ tốt hơn là ở tại quê hương chúng", Xơ nói, "để cho tất cả chúng ra đi đó là một điều đúng đắn."

Việc các con "của Xơ" ngày nay "bằng lòng và hạnh phúc", đó là điều duy nhất mà Xơ Mary cầu mong cho tương lai. "đối với tôi không còn mong muốn gì hơn nữa", Xơ nói và cười. "hay là còn một điều", Xơ như sực nhớ ra, "có thể chỉ là một mong muốn rất nhỏ: Liệu tôi có được phép giữ lại tấm hình của Philipp?"

source

TiVi Tuan San

Sunday 1 November 2009

USS Lassen và hạm trưởng Lê Bá Hùng




DCVOnlineTin ngắn (AP)


USS Lassen và hạm trưởng Lê Bá Hùng


Hoa Thạnh Đốn (Washington) - Một sĩ quan hải quân Hoa Kỳ trước đây rời Việt Nam lúc còn nhỏ và đã được một tàu Mỹ vớt ở biển, sẽ là hạm trưởng một khu trục hạm Hoa Kỳ ghé thăm Việt Nam trong thời gian gần đây, hải quân Hoa Kỳ cho hay.

Sinh ở Huế, Trung tá Lê Bá Hùng và gia đình ông ta đã được một chiến hạm Hoa Kỳ vớt ở biển năm 1975 trong những ngày chấm dứt cuộc Chiến tranh Việt Nam, theo website của hải quân.

Gia đình ông Hùng định cư ở tiểu bang Virginia, sau đó ông nhập tịch Hoa Kỳ và tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ (US Naval Academy) năm 1992.

Ông sẽ trở lại Việt Nam với chiếc chiến hạm ông chỉ huy – khu trục hạm USS Lassen – trong một chuyến thăm viếng ngoại giao, hải quân Hoa Kỳ cho hay.

Trung tá Hùng trong buổi lễ nhậm chức hạm trưởng USS Lassen (DDG 82). Nguồn: lassen.navy.mil
“Đây sẽ là một kinh nghiệm độc đáo riêng cho tôi, lần đầu tiên trở về lại nơi tôi ra đời,” trung tá Hùng nói.

“Kỷ niệm lúc còn ở Việt Nam tôi không có nhiều, thế nhưng tôi vẫn cảm nhận bị cuốn hút về văn hóa, và con người Việt Nam.”

Đây là chuyến trở lại thăm Việt Nam lần đầu tiên kể từ lúc ông năm tuổi, khi gia đình ông rời Việt Nam trong làn sóng tị nạn chạy khỏi Việt Nam khi Sài Gòn thất thủ.

Trung tá Hùng cho rằng cuộc viếng thăm này là "một biểu tượng tình thân hữu giữa hai quốc gia.”

Là người Mỹ gốc Việt Nam đầu tiên chỉ huy một chiến hạm Hoa Kỳ, trung tá Lê Bá Hùng nhậm chức hạm trưởng khu trục hạm USS Lassen (DDG82) loại Arleigh Burke, trang bị hỏa tiển điều khiển tầm xa hôm tháng Tư năm nay. USS Lassen thuộc đệ thất hạm đội có căn cứ nằm ở thành phố cảng Yokosuka, Nhật Bản.


© DCVOnline



Nguồn:

(1) Former refugee to return to Vietnam as US Navy officer. The Associated Press, 30 October 2009
*******************************************************
source
DCV Online

Phỏng vấn Hạm trưởng Lê Bá Hùng

Đây là lần đầu tiên Hạm trưởng Lê Bá Hùng trở lại Việt Nam kể từ năm 1975

Từ thuyền nhân trở thành hạm trưởng, trung tá Lê Bá Hùng của Hải quân Hoa Kỳ đã chỉ huy con tàu trị giá 800 triệu USD, với thủy thủ đoàn 300 người cập cảng Đà Nẵng hôm 7/11/2009.

Ông Lê Bá Hùng, 39 tuổi, sinh ra tại thành phố Huế. Ông được tàu Mỹ vớt khi gia đình ông đang tìm cách vượt biển đi tỵ nạn hồi năm 1975.

Gia đình ông định cư tại bang Virginia và sau đó ông trở thành công dân Mỹ. Ông tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ loại xuất sắc vào năm 1992 và là người Mỹ gốc Việt đầu tiên nhận chức vụ hạm trưởng hồi tháng 04/2009.

Trả lời phỏng vấn tiếng Anh của BBC World Service, ông kể lại quá trình 'từ thuyền nhân tr̉ở thành thuyền trưởng' của mình và nói v̀ề cảnh gia đình chia ly sau 1975:

Trung Tá Hùng: Cha tôi lúc đó là phó chỉ huy trưởng một đơn vị hậu cần của hải quân. Vào ngày 29/04/1975, chỉ huy của ông rời Việt Nam và không báo cho cha tôi biết. Khi cha tôi phát hiện được thì ông vẫn không bỏ vị trí mà đóng vai trò chỉ huy. Ngày hôm sau, miền Nam Việt Nam tan rã và Sài Gòn thất thủ và lúc đó cha tôi đứng trước quyết định khó. Nhưng khi binh lính của ông hỏi ông rằng họ có thể về nhà để đưa gia đình ra khỏi Việt Nam hay không thì ông nói là “được, hãy về lo cho gia đình đi”.

Và sau đó cha tôi đã đón mẹ tôi và tôi, là đứa út và chúng tôi rời Sài Gòn bằng thuyền tàu cá và cha tôi làm hoa tiêu cho chủ tàu cá đó. Vào ngày hôm sau (01/05) thuyền của chúng tôi được một tàu tiếp dầu hải quân kéo đi tiếp và tới ngày 02/05 thì gặp tàu chiến Hoa Kỳ và được đưa lên.

Trung Tá Hùng: [Khi cả nhà rời Việt Nam trên một thuyền nhỏ] các anh và chị của tôi lúc đó còn đang ở Huế vì học tại đó và Huế cũng là quê của gia đình tôi. Các anh chị tôi đã không về kịp để đi cùng với tôi và cha mẹ tôi. Họ ở lại Việt Nam thêm 8 năm nữa, tức là cả nhà tôi đoàn tụ vào năm 1983.

Tôi tự hào là người Mỹ và tôi cũng tự hào về nguồn gốc Việt Nam của tôi.

BBC: Vậy cuộc sống của ông và gia đình ông ngay lúc vừa sang Hoa Kỳ thế nào?

Trung Tá Hùng: Tất nhiên là khó khăn. Chúng tôi rời Việt Nam quá vội và không mang theo tiền nong gì cả. Cha tôi phải kiếm sống và nuôi gia đình nhưng cũng rất may rằng có các gia đình bảo trợ rất hảo tâm giúp nên chúng tôi đã bắt đầu được cuộc sống mới tại Hoa Kỳ.

BBC: Ông luôn có tham vọng vào hải quân hay không?

Trung Tá Hùng: Tôi muốn lập nghiệp trong hải quân và tôi muốn theo bước của cha tôi để noi gương ông, cũng như sự hy sinh của cha tôi cho đất nước của ông và việc ông hy sinh nuôi nấng gia đình chúng tôi. Tôi muốn vào hải quân bởi khi nhìn lại tôi thấy về một cơ hội tuyệt vời của mình là người Mỹ và là cách để tôi trả ơn cho nước Mỹ, tổ quốc của tôi. Và cũng là để đền ơn cho những người bảo trợ, bè bạn giúp đỡ gia đình tôi.

BBC: Khi ông đưa tàu khu trục vào cảng Đà Nẵng, về Việt Nam là mảnh đất nơi ông sinh ra chắc ông cảm thấy tự hào?

Trung Tá Hùng: Tôi cảm thấy tự hào. Và quan trọng hơn là tôi biết rằng cha tôi cũng tự hào. Ông gửi email cho tôi nhiều trước chuyến đi này và ông thấy vui khi tôi là hạm trưởng và hơn nữa là tôi đang ở Việt Nam vào lúc này.

BBC: Việt Nam có ý nghĩa gì đối với ông vào lúc này?

Trung Tá Hùng: Việt Nam là nơi tôi sinh ra. Tôi tự hào là người Mỹ và tôi cũng tự hào về nguồn gốc Việt Nam của tôi. Tôi luôn ước mơ quay trở lại Việt Nam và rốt cùng đã có cơ hội để về và tôi coi đó là điều rất đặc biệt. Và vào chính lúc này chứ không phải lúc nào khác, tôi muốn trở lại Việt Nam. Lần tới khi trở lại Việt Nam tôi sẽ đưa vợ và các con tôi về để các cháu có thể thấy được nơi tôi lớn lên, ít nhất là 5 năm đầu.

BBC: Thế Cuộc chiến Việt Nam vẫn còn tác động tới ông và gia đình ông hay không? Tức là ông vẫn còn thấy tiếng vọng của những gì đã xảy ra từ nhiều năm trước?

Trung Tá Hùng: Đối với tôi thì điều đó không nhiều như đối với cha của tôi. Cha tôi chưa trở lại Việt Nam. Tôi hy vọng một ngày nào đó cha tôi sẽ trở lại. Nhưng tôi nghĩ rằng cha tôi thấy khó trở lại được. Điều đó khá dễ thấy. Mẹ tôi, anh chị của tôi bảo cha tôi quay trở lại nhưng cha tôi vẫn từ chối. Tôi nghĩ vẫn còn nặng nề. Tất nhiên là ông có một số ký ước buồn thời đó, bởi đó là quãng thời gian có nhiều điều khiến việc trở lại cũng khó khăn.

Khu trục hạm USS Lassen thuộc hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ, nằm dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương. Tàu USS Lassen là khu trục hạm hạng Arleigh Burke có trang bị hỏa tiễn định vị, vào loại hiện đại, lớn và mạnh nhất trong số khu trục hạm.Kể từ chuyến thăm của tàu USS Vandergrift đến cảng Sài Gòn hồi tháng 11/2003, đã có nhiều tàu chiến Hoa Kỳ thăm Việt Nam và hồi tháng Tư năm nay, một nhóm sỹ quan cao cấp của Việt Nam cũng đã thăm hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ.

********************************

source

BBC Vietnamese