Tuesday 27 July 2010

MỘT CỬ NHÂN MỸ GỐC VIỆT VÀO HỌC TIẾN Sĩ Ở ĐẠI HỌC HARVARD Ở TUỔI 17


MỘT CỬ NHÂN MỸ GỐC VIỆT VÀO HỌC TIẾN Sĩ Ở ĐẠI HỌC HARVARD Ở TUỔI 17

Trường Đại Học Cal State L.A. cho Vietnamese Daily biết em Alexandria Huynh, một sinh viên gốc Việt vừa ra trường năm nay được trường đại học danh tiếng Harvard nhận vào học chương trình tiến sĩ y khoa với học bổng toàn phần ở tuồi 17.
Em Alexandria Huynh vào đại học lúc mới tuổi 13 qua chương trình dành cho các sinh viên vào đại học sớm trước tuổi (University’s Early Entrance Program), em Alexandria Huynh mới ra trường năm nay với bắng cử nhân sinh học hạng ưu. Cal State L.A. còn cho biết Alexandria Huynh là một sinh viên ra trường với bằng cử nhân trẻ nhất từ xưa đến nay của trường.
Em Alexandria Huynh không chỉ được trường Harvard chấp nhận vào học chươnh trình tiến sĩ mà còn có các trường danh tiếng khác như Đại học Yale và Đại học Pennsylvania cũng chấp nhận em.
Em Alexandria Huynh sẽ vào học ở Harvard mùa thu này với một học bổng toàn phần. Đây là niềm hãnh diện và tự hào của người Việt khắp nơi.
Du Lê
source
HAI VAN NEWS

Friday 16 July 2010

Cô gái bị bắt cóc 18 năm làm nô lệ tình dục nay được đền 20 triệu đô


Cập nhật lúc: 7/6/2010 6:55:56 PM


Hình Jaycee Dugard xuất hiện trên báo chí hồi năm ngoái sau 18 năm bị bắt cóc

Một cô gái bị bắt cóc làm nô lệ tình dục suốt 18 năm sẽ nhận được 20 triệu Mỹ kim tiền đền bù từ tiểu bang California sau khi cho rằng các quan chức đã không làm tròn trách nhiệm của mình để tìm ra cô trong khi đang giám sát thủ phạm.

Các dân biểu tiểu bang California đã bỏ phiếu phê chuẩn sự dàn xếp trên dành cho Jaycee Dugard, hiện 30 tuổi, và 2 con gái của cô. Họ đã xuất hiện trở lại hồi tháng 8 năm ngoái sau khi bị nhốt trong một khu vườn bí mật bởi yêu râu xanh Phillip Garrido.

Mẹ của Jaycee, bà Terry Probyn, đã gửi đơn kiện hồi tháng 2 nói rằng 3 nạn nhân vẫn không được phát hiện dù các quan chức bang đã bắt đầu theo dõi Garrido kể từ năm 1999. Garrido bị theo dõi sau khi bị kết án trước đó vì tội bắt cóc và cưỡng hiếp tại tiểu bang Nevada.

“Đó là số tiền đền bù của 3 mẹ con cho phần còn lại của cuộc đời vốn đã bị tổn thương ghê gớm trong suốt quãng thời gian 17 hoặc 18 năm”, nhà dàn xếp Daniel Weinstein nói.

Các thành viên gia đình Dugard xác nhận 3 mẹ con Jaycee đã bị tổn thương ghê ghớm cả về tâm lý, thể chất và tình cảm.

Ông Weinstein, một cựu chánh án toà án cấp cao quận San Francisco cho biết số tiền đền bù sẽ được sử dụng để mua cho gia đình một căn nhà, đảm bảo sự riêng tư, thanh toán chi phí học hành, đề bù thu nhập bị mất và chi trả việc điều trị trong nhiều năm. Ngoài ra, phần lớn số tiền sẽ được dành cho các khoản đầu tư lâu dài.

Vợ chồng Phillip Garrido và Nancy Garrido đã bắt cóc Jaycee vào năm 1991 khi cô mới 11 tuổi. Jaycee bị nhốt ở khu vườn sau nhà của Garrido và bị ép quan hệ tình dục. Nạn nhân đã sinh hai người con gái với yêu râu xanh Garrido.

source
TiVi TuanSan

Thursday 1 July 2010

Ông Năm Yersin



Cập nhật lúc 2:26:08 AM - 26/06/2010

268-H1.jpg


Viện Pasteur Nha Trang.


Bài và ảnh: Trần Công Nhung


Trước 1975 ở miền Nam, ai đã cắp sách đến trường, cũng đều biết đến bác sĩ Alexandre Yersin. Theo sử liệu, ông sinh ngày 22-9-1863 tại làng Lavaux (hạt Vaud), Thụy Sĩ, tốt nghiệp Đại học Y khoa tại Paris năm 1888. Ông gốc người Pháp, năm 1865 di cư sang Thụy Sĩ, năm 1889 phục hồi quốc tịch Pháp. Đang làm việc tại Viện Pasteur Paris, ông bỗng có ý định tìm đường về Viễn Đông, đến những vùng đất nhiệt đới đầy bí ẩn mà hồi giờ ông chỉ nghe qua sách vở, bản đồ. Để thực hiện mộng ước của mình, ông Yersin nhận làm y sĩ cho một công ty tàu biển từ Địa Trung Hải, qua Hồng Hải, đến Thái Bình Dương.

Ngày 29-7-1891, lần đầu tiên ông đặt chân lên bờ biển Nha Trang và có cảm tình đặc biệt với miền đất này. Ngoài lòng đam mê, thích mạo hiểm khám phá những vùng đất mới lạ, Alexandre Yersin còn là một bác sĩ chuyên về vi trùng học, được đào tạo theo truyền thống của Pasteur (thầy của ông). Do đó, ông còn nghiên cứu những căn bệnh nhiệt đới ở vùng châu Á. Năm 1894, dịch hạch bùng phát ở Quảng Châu, rồi lan sang Hồng Kông, đã lôi cuốn ông vào công cuộc truy tìm và ngăn chặn nạn dịch. Ông là người đầu tiên tìm ra vi trùng bệnh dịch hạch, tìm được huyết thanh phòng bệnh, dập tắt được bệnh dịch ở Trung Cộng. Từ đó, tiếng tăm Yersin đã nổi bật trong ngành y khoa thế giới.

Năm 1895, Bác sĩ Yersin đến Khánh Hòa lập nghiệp. Lúc đó, Nha Trang còn là bãi cát trắng mênh mông, người dân chuyên sống bằng nghề chài lưới, tập trung ở doi đất phía Nam cửa sông Cái, gọi là xóm Cồn. Tháng 9-1895, sau khi phòng thí nghiệm Yersin (nay là Viện Pasteur Nha Trang) được hình thành, bác sĩ Yersin nghĩ ngay đến việc lập trại nuôi ngựa, để sản xuất huyết thanh chống dịch hạch. Ban đầu, ngựa được nuôi gần thành Diên Khánh. Ở đây sẵn cỏ, lúa, nhưng không đủ diện tích để lập trại và làm đồng cỏ. Sau một thời gian tìm kiếm, bác sĩ Yersin đã chọn được đất tại Suối Dầu (cách Diên Khánh hơn 10km). Lúc này, Suối Dầu còn là một cánh rừng hoang, cây cối rậm rạp - toàn cây dầu rái - thuộc địa phận làng Xuân Phú và Khánh Xuân (Diên Khánh). Với số tiền khiêm tốn của mình chung với hai bạn đồng nghiệp là Roux và Calmette góp lại, họ đã chịu đựng dẻo dai để vượt qua những khó khăn, vất vả trong quá trình khai hoang. Bác sĩ Yersin đã biến dần vùng đất Suối Dầu thành một cánh đồng bắp, lúa, thuốc lá xanh tươi với những bầy ngựa, dê, cừu, trâu, bò. Ông cũng nhập về hai giống cây mới, trồng thử nghiệm. Đó là cây quinquina, điều chế thuốc ký ninh chữa bệnh sốt rét, và cây hevea cho cao su. Hai loại cây này không chỉ đã đem lại nguồn lợi đáng kể cho Viện Pasteur Nha Trang lúc bấy giờ, mà sau này trở thành một nguồn tài nguyên giá trị cho Việt Nam và toàn Đông Dương. Đến năm 1905, Suối Dầu đã trồng được 30 hecta cao su và bắt đầu lấy mủ. Năm 1914, diện tích trồng cao su ở Suối Dầu lên đến 307 hecta trên 1.200 hecta đất trồng trọt. Số súc vật (ngựa, trâu, bò, dê, cừu) lên đến 1.500 - 2.000 con. Có thể nói, cuối năm 1914, Suối Dầu đã trở thành một trang trại hoàn chỉnh.

Từ 1902 - 1904, Yersin được toàn quyền Đông Dương (Paul Doumer) điều ra Bắc để xây dựng và làm Hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Y khoa Hà Nội. Nhưng rồi ông cũng tìm cách về Nha Trang sống và làm việc cho đến cuối đời.

Yersin là người bạn gần gũi, là ân nhân của người dân Nha Trang - Khánh Hòa. Ông được dân chài gọi với cái tên trìu mến: Ông Năm (Yersin). Năm 1898, xóm Cồn có dịch tả. Suốt nửa năm, ông dành mọi nỗ lực để ngăn chặn, cứu giúp người dân nơi đây thoát khỏi bệnh dịch hiểm nghèo. Tất cả sự tận tụy đó xuất phát từ tinh thần trách nhiệm và lòng nhân hậu của ông Năm đối với xóm chài nghèo. Ông nghiên cứu thiên văn và cho dựng cột trụ cao trên nóc nhà treo đèn, báo hiệu khi có gió to và bão, để ngư dân biết không đi biển hoặc tìm nơi trú ẩn. Tháng 11-1939 có trận bão lớn đổ bộ vào Nha Trang, ông Năm đưa dân lên trú ở khu vực nhà mình, nên không ai bị thiệt hại gì. Ông sống rất giản dị thanh bạch, mặc dù ông có thừa phương tiện để hưởng thụ cuộc đời giàu sang phú quí. Ông ở trong một tòa nhà vuông, cao, hai tầng, bốn mặt nhà đều có hành lang chạy, có thể phóng mắt nhìn ra bốn phương trời, núi Trường Sơn thăm thẳm, biển Thái Bình bát ngát mênh mông. Nhà được cất trên doi đất phía nam cửa sông Cái, gọi là xóm Cồn. Quanh nhà, các loại bìm bìm, bông bụp xanh, đỏ, hồng, tím mọc đầy.

Bác sĩ Yersin là một người sống rất bình dân, thường chỉ mặc bộ ka ki màu vàng, và dù đã 80 tuổi rồi mà sáng nào ông cũng đạp xe tới viện Pasteur. Ông lại có lòng nhân ái, hay dùng thời giờ rảnh rỗi dạy dỗ thêm cho những người dân chài chất phác chung quanh nơi ông ở. Ông thương cả đến loài cầm thú, chim muông và mỗi khi gọi con vật nào cũng kèm hai chữ “người ta” ở trước: Người ta chó, người ta mèo, người ta két... Ngày 1-3-1943, bác sĩ Yersin mất tại Nha Trang, hưởng thọ 80 tuổi.

Khoảng 10 năm cuối đời, Yersin ít đi xa. Phần lớn thời giờ ông ở Viện Pasteur Nha Trang, ở xóm Cồn, ở Suối Dầu, ông có dịp gần gũi hơn với người dân. Ông yêu mến trẻ con, giúp đỡ người già đau yếu, hướng dẫn cho dân ăn ở vệ sinh. Ông còn chăm nom đời sống tinh thần của người dân địa phương. Thỉnh thoảng ông chiếu phim tại sân nhà cho dân chúng xem, phim tài liệu thế giới, phim khoa học, phim hề Charlot. Nhờ vậy mà người dân hiểu biết thêm về nhiều mặt. Cộng đồng cư dân chung quanh xem ông Năm là ân nhân, là vị thần hộ mạng của họ. Khi ông mất, họ bỏ đi biển, thương khóc, chịu tang, tiễn đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Có người lập bàn thờ dâng hương theo phong tục của người Việt Nam. Đến bây giờ hỏi thăm những lão ông, lão bà ở xóm Cồn, ai cũng bày tỏ nỗi tiếc thương, coi ông Năm như Thánh Thần. Ở một góc độ khác, tôi nghĩ, bác sĩ Yersin là hiện thân của Bồ Tát đến cứu độ dân xóm Cồn trong những thập niên đầu thế kỷ 20.


268-H3.jpg


Khách sạn Bộ Nội Vụ (nhà cũ của Yersin)


Sau năm 1975, “nhà ...” đã đập phá ngôi nhà của ông “Năm Yersin” để xây dãy khách sạn ba tầng của bộ nội vụ. Người dân Nha Trang ai cũng thương tiếc di tích của một vĩ nhân, một người suốt đời hy sinh cho dân nghèo bản xứ, lúc chết cũng chỉ muốn nằm lại nơi này. Vậy mà do tình thế, bao nhiêu ân biến thành oán.


268-H2.jpg


Công viên Yersin


Ngày nay xóm Cồn không còn nữa, thay vào đó công viên Alexandre Yersin, coi như “đền bù” phần nào công lao của ông, chuyện đáng làm, nếu không thì đã là chỗ của “khách sạn sao”. Di tích bác sĩ Yersin chỉ còn ngôi mộ trong suối Dầu và đỉnh Hòn Bà, nơi ngày xưa ông có phòng thí nghiệm. Đây cũng là “hạng mục” trong các tours du lịch của Nha Trang. Giá mà nhà ông Năm không bị phá, bao nhiêu đồ đạc, kỷ vật của ông sẽ hấp dẫn du khách biết chừng nào. Thế giới sẽ đổ về nghiên cứu thăm viếng, Việt Nam hóa chẳng được thơm lây!

Viện Pasteur trên đường biển Nha Trang do ông sáng lập, là nét văn minh của Pháp còn sót lại. May mắn là Viện không chung số phận với nhà ông Năm, và được giữ nguyên vẹn kể cả màu sơn tường. Nhưng, điều đáng buồn là vào trong, lối làm việc của nhân viên ngày nay thật không ra làm sao cả. Có lần tôi đến phòng xét nghiệm, bảng chỉ dẫn ghi: “Lấy số chờ gọi”. Tôi chờ rất lâu cũng chẳng biết họ gọi đến số nào, trong khi nhiều người vào là đến cửa sổ làm thủ tục ngay. Khi tôi hỏi, thì bà nhân viên trả lời tỉnh bơ: “Bác muốn xét nghiệm gì? Ghi vào đây đóng 20 ngàn rồi chờ kêu tên”. Tôi ngớ ra định hỏi lại mấy câu, nhưng chợt nhớ nhà thơ Bút Tre nên thôi. Ông đã viết:


"Tiến lên, ta quyết tiến lên,

Tiến lên, ta quyết tiến lên hàng đầu.

Hàng đầu không biết đi đâu,

Đi đâu không biết hàng đầu cứ đi."


Dẫu sao cũng phải biết ơn Alexandre Yersin, có ông nay mới có một nơi cho dân chúng đến nhờ. Nha Trang còn có đường Yersin, một trong những con đường đẹp, tập trung nhiều cơ sở kinh doanh, bệnh viện, chạy từ đầu ngõ vào thành phố ra tận bờ biển (1). Tên tuổi Yersin không chỉ là điểm son về văn hóa, mà còn là một nhãn hiệu cho kinh doanh du lịch, vậy mà một thời đã bị sỉ vả như một tên thực dân mắt xanh mũi lõ. Người Nha Trang ngày nay tự an ủi: “Viện Pasteur, đường Yersin vẫn còn, lại thêm công viên Yersin, bấy nhiêu cũng mát mẻ cho linh hồn ông Năm và cũng là niềm vui của dân địa phương”.

Di tích bác sĩ Yersin còn khu mộ trong suối Dầu và đỉnh Hòn Bà, tôi sẽ đi thăm trong những ngày sắp tới.


Trần Công Nhung

03- 2004

(1). Đường Yersin sau 75 có lúc đã được đổi tên “Y Éc Sanh”, nay (2009) đã được mở rộng hơn trước, nhưng không là đại lộ.



source

Vien Dong Daily