Thursday 10 March 2011

Nữ Phi hành gia Tracy C Dyson, hai lần lên vũ trụ


Nữ Phi hành gia Tracy C Dyson, hai lần lên vũ trụ
Cập nhật lúc 10:39:55 PM - 09/03/2011

Tracy-Caldwell-DysonDSC_921.jpg

Phi hành gia TS. Tracy Caldwell Dyson tại đại học UC Irvine ngày 7-3-2011 – ảnh: Vincent Thái/Viễn Đông

Vincent Thái/Viễn Đông (thực hiện)


IRVINE – Một trong số ít nữ phi hành gia, khoa học gia thuộc thế hệ sau khi phi thuyền Apollo 11 lần đầu tiên đưa người lên mặt trăng năm 1969, Tiến Sĩ Tracy Caldwell Dyson, 41 tuổi, đã tham dự hai chuyến phi hành lên vũ trụ. Hôm Thứ Hai, 7-3-2011, TS. Caldwell Dyson đến thuyết trình tại đại học University of California, Irvine, và trước buổi nói chuyện, bà đã dành cho phóng viên Viễn Đông một cuộc phỏng vấn.

TS. Caldwell Dyson tốt nghiệp cử nhân Hóa Học từ đại học California State University, Fullerton, năm 1993, và tiến sĩ cùng chuyên ngành từ đại học University of California, Davis, năm 1997. Sau đó, bà tham dự chương trình nghiên cứu hậu tiến sĩ tại đại học UC Irvine.

Ngày 25-9-2010, nữ phi hành gia Caldwell Dyson đáp xuống Kazakhstan sau 176 ngày trên không gian trong chuyến bay mới nhất trên phi thuyền Soyuz TMA-18. Trước đó, năm 2007, TS. Caldwell Dyson bay cùng phi thuyền Endeavour 12 ngày lên Trạm Không Gian Quốc Tế. Tính tổng cộng, từ khi làm việc với Cơ Quan Không Gian Hoa Kỳ NASA tháng 8-1998 đến nay, TS. Caldwell Dyson đã bay hơn 188 ngày trên không gian, với hơn 22 giờ lơ lửng ngoài vũ trụ thực hiện việc lắp ráp, sửa chữa, kiểm soát các máy móc trang bị.

Viễn Đông: Xin bà vui lòng cho biết về công việc hiện tại của bà với cơ quan NASA?

TS. Tracy Caldwell Dyson: Vâng, tôi là một nhân viên hỗ trợ phi hành gia. Chúng tôi gọi là C-bình phương, viết tắt của hai chữ “cape crusader” (tạm dịch, người liên lạc giữa hai trạm, hỗ trợ phi hành đoàn). Công việc của tôi là đưa phi hành đoàn vào vị trí để chuẩn bị bay lên quỹ đạo và trợ giúp họ khi họ đáp. Chúng tôi là những người đầu tiên và cũng là những người cuối cùng gặp phi hành đoàn trước khi họ bay lên không gian hay đáp xuống. Đội ngũ của tôi gồm những phi hành gia trực thuộc Trung Tâm Không Gian Kennedy.

Viễn Đông: Cảm giác của bà khi đi bộ ngoài vũ trụ? Và khi được ăn sinh nhật thứ 38 của mình bên ngoài trái đất?

TS. Caldwell Dyson: Rất giống những lần tập luyện, về mặt thể lý thì rất cam go vì chúng tôi phải dùng hết tất cả các cơ bắp trên thân thể, do bộ áo phi hành gia mặc chứa đầy áp suất bên trong. Bộ áo đó cũng rất gồ ghề và phải mất nhiều năm luyện tập mới quen được. Tuy đòi hỏi sự cố gắng, sau khi quen rồi thì tôi cảm thấy cũng tương đối thoải mái bởi vì môi trường thực tập cũng giống như lúc thực hành. Bước ra ngoài không gian cũng đòi hỏi sự tập trung cao độ trong khi vừa thực hiện công tác vừa phải lắng nghe chỉ dẫn của bộ phận điều khiển phi thuyền. Ngoài ra lại còn phải để ý đến những phi hành gia khác trong đội cũng như người phối hợp công việc với mình nữa.

À, còn về sinh nhật của tôi trên không gian, hồi năm 2007, quả là một kinh nghiệm hay vì lịch trình công tác trùng vào ngày sinh nhật, một điều hiếm khi xảy ra vì đợt đó tôi bay chỉ hơn chục ngày. Ngày hôm đó, các em trong nhà trẻ của mẹ tôi hát một bài mừng sinh nhật tôi, và nhóm điều khiển phi thuyền gửi tín hiệu có dòng chữ “Birthday Girl”. Còn phi hành đoàn thì lấy một cái bánh sô-cô-la “brownie” và bật đèn pin lên làm đèn cầy. Họ thật là dễ thương.

Viễn Đông: Điều gì đã gợi cảm hứng cho bà trở thành một phi hành gia?

TS. Caldwell Dyson: Tại sao muốn trở thành phi hành gia ư? Bất cứ ai từng sống ở vùng sa mạc và có dịp nhìn lên bầu trời to lớn đầy sao, có lẽ cũng đều ước ao một lần lên đó cho biết. Tôi biết mình thực sự muốn trở thành một phi hành gia từ năm lớp 11 ở trung học, đó cũng là thời điểm mà báo chí, truyền hình nói nhiều đến cơ quan NASA và công tác phóng phi thuyền lên vũ trụ. Đó là năm 1986, năm mà cô giáo đầu tiên, Christa McAuliffe, bay lên vũ trụ. Trước đó, tôi không nghĩ nhiều đến các phi hành gia, vì họ có vẻ không có gì quyến rũ lắm, và tôi cũng không thích quân sự. Nhưng khi nghe tin một cô giáo bay lên không gian, thì, wow, thầy cô chính là người ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của tôi, không chỉ một thầy mà 6 thầy cô giáo tôi gặp mỗi ngày đi học. Thời gian tôi được tiếp xúc với thầy cô giáo còn nhiều hơn là với ba mẹ tôi nữa, cho nên tôi thấy điều gì đó thật gần gũi, và tôi bắt đầu tìm hiểu về các phi hành gia này. Ở tuổi đó, tôi chưa nghĩ mình sẽ trở thành khoa học gia. Nhưng trong các ngành khoa học, tôi thích nhất là hóa học và thích tìm hiểu những câu hỏi như là tại sao nước sôi, tại sao bầu trời màu xanh, cái gì làm nên một bụi cây, một thân cây, v.v.. Tôi cũng được biết các phi hành gia phải giữ cho thân thể luôn luôn khỏe mạnh và nghe nói là một trạm không gian quốc tế sắp sửa được dựng nên. Khi lên lớp 12, tôi vẫn chưa biết mình sẽ làm gì sau này. Ba mẹ tôi đề nghị tôi nên viết ra một danh sách những gì tôi thích làm, nào là thích vọc những món đồ nghề của ba tôi, thích học ngoại ngữ (tôi biết đôi chút tiếng Tây Ban Nha và biết ngôn ngữ dấu hiệu), nào là thích tìm hiểu văn hóa khác, v.v.. Sau khi tôi so sánh danh sách của mình với những sở thích và công việc của các phi hành gia, tôi thấy khá giống. Thế là tôi nhảy ngay vào nghề nghiệp này, lên đại học, học tiếp lấy bằng tiến sĩ, và tham dự huấn luyện để thành một phi hành gia.

TracyCDyson-NASA.jpg

Phi hành gia Tracy Caldwell Dyson, giữa, và hai đồng nghiệp Ken Ham (treo lơ lửng trên trần) và T. J. Creamer, trong tình trạng không trọng lượng ở bên trong một khoang của Trạm Không Gian Quốc Tế ISS ngày 22-5-2010 – ảnh: NASA.

Viễn Đông: Là một phụ nữ lên không gian, bà nhận thấy có những gì thuận lợi hoặc bất lợi hơn so với đồng nghiệp nam giới?

TS. Caldwell Dyson: Thông thường là bộ quần áo của phi hành gia, nhất là lúc phải đi vệ sinh cá nhân (Cười). Ngoài điều đó ra, mọi thứ gần giống nhau cho đàn ông và phụ nữ.

Viễn Đông: Nếu một người trẻ muốn trở thành một phi hành gia, bà sẽ khuyên họ điều gì?

TS. Caldwell Dyson: Bạn trẻ đó nên tiếp tục học hành tử tế và siêng năng. Muốn trở thành một phi hành gia giỏi cần có kiến thức rộng và phải biết sắp xếp việc gì trước, việc gì sau. Nhưng điều quan trọng nhất là bạn trẻ cần phải thực sự yêu thích điều mình muốn theo đuổi. Phải yêu nghề. Nhưng cũng không có gì bảo đảm là một người có cơ hội trở thành một phi hành gia, cho nên cũng cần phải có sẵn một cái dù để nhảy ra, đáp xuống an toàn, nhỡ như công việc này không thích hợp với mình.

Viễn Đông: Khi nào thì bà sẽ lại bay lên không gian? Bà muốn thực hiện công tác gì lần tới? Và có một độ tuổi nào nhất định một phi hành gia phải nghỉ hưu không?

TS. Caldwell Dyson: Ngay lúc này thì tôi chưa biết. Chồng tôi đang phục vụ cho Hải Quân Hoa Kỳ, nên chúng tôi đang chờ xem bên quân đội sẽ giao nhiệm vụ gì cho anh ấy trước khi tôi có thể hoạch định việc kế tiếp. Tôi cũng đang rất bận rộn viết phúc trình, soạn giấy tờ để trình lên cho chuyến bay năm ngoái. Rất bận, vì tôi đang phải một mình làm hết mấy việc này.

Còn việc nghỉ hưu của một phi hành gia không dựa trên tuổi tác, mà chỉ khi nào người đó cảm thấy mệt mỏi. Và cũng còn tùy thuộc vào số lần đã bay, tùy vào nhu cầu của chương trình, và chính sách của Tổng Thống cũng như Quốc Hội.

Viễn Đông: Xin cám ơn phi hành gia TS. Tracy Caldwell Dyson đã dành cho Nhật Báo Viễn Đông buổi phỏng vấn này.
source
Vien Dong Daily