Monday 28 December 2009

Phát hiện ngôi nhà của Chúa Giêsu



Cập nhật lúc 13:24, Thứ Ba, 29/12/2009 (GMT+7)

Theo tờ Daily Post, Anh đưa tin, lần đầu tiên trong lịch sử các nhà khảo cổ học đã phát hiện di tích của 1 ngôi nhà cổ ở Basilica, Israel. Niên đại ngôi nhà cổ có thể ở thời đại Chúa Giêsu.

Mô tả ảnh.
Di tích ngôi nhà cổ ở Basilica - Ảnh: Epochtimes.com

Các nhà khảo cổ học Israel nói: “lần phát hiện di tích này rất có ích trong việc tìm hiểu hình dạng ngôi làng mà chúa Giêsu sinh sống trong thời thơ ấu", ngôi làng từng được miêu tả trong kinh Tân Ước. Basilica từng là 1 thôn làng nhỏ heo hút, ước tính khoảng 50 căn nhà.

Nhà khảo cổ Yardenna Alexandere, người phụ trách công tác khai quật nói: “những người Do Thái có xuất thân thấp kém hiển nhiên sống ở khu nhà này. Để trốn sự đánh chiếm của người La Mã cổ, họ đã sống trong 1 cái hang được ngụy trang". Đồng thời nơi khai quật còn phát hiện ra những mảnh vỡ và các mẫu đất kết dính, chủ nhân của căn nhà này có lẽ là 1 gia đình người Do Thái bình thường.

Basilica là 1 trong những thánh địa được tôn kính trong đạo Cơ đốc, các tín đồ cho rằng: Chúa Giêsu đã từng trưởng thành tại nơi này, Đức mẹ Maria cũng từng ở nơi này.

Chúa Giêsu khi còn bé có thể là đã từng cùng bạn bè, người thân chơi đùa xung quanh căn nhà này. Đây hiển nhiên chỉ là 1 suy luận nhưng rất có tính logic.

Do công bố sự phát hiện này trong thời điểm lễ Giáng sinh, những tín đồ đạo Cơ đốc trong vùng cảm thấy vô cùng thích thú. Mục sư Pastor Yikalamu của nhà thờ Annunciation cười và nói rằng: “nếu như con người không mở miệng nói, thì hòn đá cũng sẽ nói thôi”. Các tín đồ Cơ Đốc giáo cho rằng: “Thiên sứ báo tin mừng cho Đức mẹ Maria cũng chính trên mảnh đất này”.

Mô tả ảnh.
Mục sư Pastor Yikalamu tại di tích - Ảnh: Epochtimes.com

Nhóm khảo cổ của bà Yardenna Alexandere đã phát hiện di chỉ bao gồm: 1 bức tường, 1 nơi trú thân, 1 cái sân và 1 hệ thống tích trữ nước. Hệ thống tích trữ nước này đã dùng nước chảy xuống từ mái nhà để cung cấp cho hộ gia đình sử dụng. Được biết căn nhà này được phát hiện khi những công nhân khai quật sân vườn 1 toà tu viện cũ.

Bà Alexandere phát biểu: “cuộc khai quật còn phát hiện 1 cửa ra vào được ngụy trang thông đến 1 hang động, có lẽ người Do Thái thời bấy giờ ẩn náu trong hang để trốn binh lính La Mã cổ". Để có thể khống chế khu vực này, người La Mã cổ đã tiến hành đàn áp sự phản kháng của người Do Thái. Hang động này có thể chứa đến 60 người. Ở một khu cư trú khác của người Do Thái cổ, người ta đã tìm ra nhiều hang động được ngụy trang tương tự như vậy. Những hang động này chứng minh được cuộc chiến của người La Mã cổ và người Do Thái cổ.

Mô tả ảnh.
Các nhà khảo cổ đang khai quật khu di tich - Ảnh: Epochtimes.com

Các nhà khảo cổ học đã phát hiện những mảnh vỡ bằng đất, đây có khả năng là những đồ vật được người Do Thái cổ sinh sống tại ngôi làng này sử dụng. Niên đại của những mảnh vỡ này có thể giúp chúng ta tìm hiểu về thời đại của Chúa Giêsu (ước khoảng năm 100 TCN - năm 100 sau CN), trong đó bao gồm thời kỳ cuối của Hy Lạp cổ và thời kỳ đầu của La Mã cổ.

Sự phát hiện khu di chỉ này đã giải thích cho mọi người biết rõ nơi sinh sống của Chúa Giêsu thời thơ ấu ra sao.

Mục sư Yikalamu nói: “vào thời điểm này, việc phát hiện ra di tích có thể tìm hiểu về thời đại Chúa Giêsu là 1 điều vô cùng thú vị, đặc biệt là đối với các tín đồ Cơ Đốc giáo. Theo tôi đây là món quà tuyệt vời nhất.”

    • Trân Châu (theo Epochtimes.com)
    • source
    • http://www.vietnamnet.vn/khoahoc/200912/Phat-hien-ngoi-nha-cua-Chua-Giesu-886770/

Sunday 27 December 2009

Biến nước biển thành nước ngọt: Phát minh của kỹ sư Vương Xuân Điềm


Cập nhật lúc 1:05:05 AM - 19/12/2008

Bien_SFW.jpgMai Hoàng

Cách đây khá lâu, tờ LA Times có đăng một tin ngắn về việc vua xứ Tonga, một đảo quốc giữa biển Pacific, rất thiếu nước uống, đến viếng Sở Nước thành phố Long Beach để xem tận mắt phát minh mới của một kỹ sư người Việt Nam, ông Vương Xuân Điềm. Đó là cái máy biến nước biển thành nước ngọt.


Kỹ sư Vương Xuân Điềm tốt nghiệp Cao Học Hóa Học tại Đại Học Khoa Học Sài Gòn và làm việc ở Sở Thủy Cục Sài Gòn trong 9 năm. Sau 1975, ông định cư tại miền Nam California. Ông đậu bằng Civil Engineer tại Mỹ và trở lại nghề, làm việc cho nhiều Sở Nước nhiều nơi kể cả thành phố Anaheim trong 16 năm trước khi chuyển đến Sở Nước Long Beach vào năm 1996. Ông là Giám Đốc Điều Hành, trông nom việc cung cấp nước sạch cho thành phố có 480,000 dân này, nhưng hiện nay đã nghỉ hưu.

Để tìm hiểu rõ hơn về phát minh đáng kể này, phái viên Viễn Đông đã gặp kỹ sư Vương Xuân Điềm để phỏng vấn ông.

Viễn Đông: Có phải là do tình trạng lúc nào cũng thiếu nước của miền Nam California mà có nhu cầu biến nước biển thành nước ngọt ?

Vương Xuân Điềm: Miền Nam California rất ít nước, phải lấy nước từ Colorado River System, Nevada, Arizona hay miền Bắc California... Năm nào ít mưa là chúng ta bị thiếu nước. Trong tương lai, số nước sạch sẽ càng giới hạn hơn nữa trong khi dân số càng ngày càng tăng. Các sở nước phải nghĩ đến việc biến nước biển thành nước ngọt để dùng. California ở ngay sát biển mà nguồn nước biển thì vô giới hạn. Do đó nếu chúng ta biến nước biển thành nước ngọt được thì sẽ không phải lo gì về nguồn nước cũng như hạn hán.

SunSet_SFW.jpgViễn Đông: Hơi nước gặp lạnh sẽ đọng lại thành nước. Vậy cứ đun nước biển ra thành hơi nước, cho gặp lạnh là đọng lại thành nước cất, có thể uống được. Điều này ai cũng biết, đâu phải là phát minh mới?

Vương Xuân Điềm: Đúng. Có nhiều cách biến nước biển thành nước ngọt như chưng lấy nước cất hay dùng điện giải để lọc hết chất muối. Các nước sa mạc như Saudi Arabia đã thực hiện việc này từ lâu, họ có những nhà máy chưng cất nước biển để làm ra nước ngọt. Nhưng làm ra nước theo phương pháp trên rất tốn kém. Cho đến thập niên 80, người ta bắt đầu dùng màng bán thẩm tức reverse osmosis để lọc nước rất tốt, và vào thời gian gần đây, nhờ sự phát triển của các kỹ thuật mới, màng bán thẩm trở nên rẻ hơn rất nhiều, từ vài ngàn xuống còn vài trăm. Do đó, người ta có thể dùng màng này để lọc lấy nước ngọt. Tuy nhiên phương pháp này vẫn còn tốn kém rất nhiều vì phải dùng một áp suất rất cao, gấp 60 lần áp suất của không khí mới có thể thực hiện được reverse osmosis.

Viễn Đông: Hóa ra coi vậy mà không dễ. Vậy thì phát minh của ông như thế nào, ông có thể nói rõ hơn cho độc giả biết?

Vương Xuân Điềm: Phương pháp dùng màng bán thẩm như trên chỉ cần qua một màng là ta đã có nước ngọt nhưng vì sử dụng áp suất quá cao nên rất tốn kém. Tôi nghĩ ra cách thay vì lọc nước biển cùng một lần thì chia làm 2 lần. Nước biển được lọc qua 1 màng bán thẩm lấy ra một nửa số muối, rồi qua một màng bán thẩm thứ hai để lấy số muối còn lại. Vì làm 2 lần nên không cần áp suất thật cao mà chỉ cần áp suất bằng nửa. Do đó sẽ tiết kiệm được 25 tới 30% năng lượng sử dụng. Tôi đưa ra ý kiến này vào năm 1999, nhưng không ai đồng ý rằng nó có thể thực hiện được. Đến năm 2001 tôi có được ngân quỹ do city cấp để làm khảo cứu thì 2 tháng sau có kết quả rõ rệt là có thể làm chuyện này được. Đến năm 2002 thì tôi hoàn tất được công việc chế biến này và nộp đơn xin cầu chứng bằng sáng chế patent vào tháng 5-2002.

Viễn Đông: Ngoài chuyện lọc muối cho khỏi mặn, còn phải làm gì khác không?

Vương Xuân Điềm: Muối là thành phần chính. Phân tử muối là phân tử nhỏ nhất nên lọc được muối ra thì tức cũng lọc được hết những chất khác. Do đó, nước lọc được từ nước biển sẽ có phẩm chất rất cao, hơn nước lấy ở sông.

Viễn Đông: Hiện nay thành phố Long Beach đã có nhà máy lọc nước theo sáng chế của ông chưa? Nhà máy này phải tốn kém khoảng bao nhiêu?

Vương Xuân Điềm: Nhà máy trong giai đoạn nghiên cứu tốn kém khoảng 100 ngàn đô, sản xuất được 9000 gallons nước mỗi ngày. Nhà máy lớn hơn sắp sửa xây thì sẽ tốn khoảng 8 triệu đô và sản xuất được khoảng 300 ngàn gallon mỗi ngày. Trong tương lai sẽ làm nhà máy sản xuất 10 triệu gal mỗi ngày tức cung cấp được khoảng 15% nhu cầu nước của thành phố Long Beach.

Viễn Đông: Giá nước làm ra đắt hay rẻ hơn nước mua hiện giờ?

Vương Xuân Điềm: Hiện giờ cơ quan Metropolitan District bán acre feet (326 ngàn gallons) nước là 500 đô trong khi giá nước do phương pháp của tôi thành là 850 đô. Trong tương lai giá nước sẽ ngày càng tăng trong khi giá năng lượng không tăng. Do đó đến khoảng năm 2011 giá 2 bên sẽ bằng nhau.

Viễn Đông: Những nước vùng sa mạc có để ý đến phát minh của ông?

Vương Xuân Điềm: Có nhiều nước trên thế giới vào website của chúng tôi đã tỏ ra rất chú ý đến phương pháp này. Các nước Do Thái, Úc, đã liên lạc mời chúng tôi đến thuyết trình cho sở nước của họ. Vua nước Tonga đã thăm nhà máy gần đây và sẽ đưa người sang mua license để có thể sử dụng phương pháp này.

Viễn Đông: Những thành phố khác miền Nam California có được sử dụng phương pháp này không?

Vương Xuân Điềm: Trong tương lai, chính quyền liên bang sẽ cấp ngân quỹ cho những nhà máy và tất cả các thành phố đều có thể sử dụng phương pháp này. Tư nhân muốn dùng thì phải đóng tiền license vì chúng tôi đã cầu chứng bằng sáng chế này. Nhưng những nhà bảo vệ môi sinh đang tìm cách chống đối các nhà máy này vì nếu làm ra nước dễ dàng, miền Nam California sẽ trở nên đông đúc quá vì ai cũng muốn về đây ở cả. Họ gọi là “anti-growth”, họ không muốn Cali trở thành quá đông dân cư.

Viễn Đông: Ông dự kiến ra sao về ảnh hưởng của phát minh mới này trong tình trạng thiếu nước của thế giới?

Vương Xuân Điềm: Trong tương lai có thể sẽ làm được những “nhà máy” nhỏ sản xuất được 500 gallons mang lên thuyền được khiến chuyện di chuyển trên đại dương trở nên dễ dàng và sử dụng được ở khắp nơi trên thế giới. Nước này cũng có thể dùng để tưới cây vì đã được lọc hết chất borin mà các phương pháp cũ không loại bỏ được. Chất borin có nhiều trong nước sẽ làm cho cây cối không có trái nhiều được. Do đó nước Do Thái rất chú ý đến phương pháp này. Ngoài ra người ta thường lo sợ là trong thế kỷ 21, nước sẽ là một đầu mối gây chiến tranh vì dân số địa cầu lên quá đông mà số nước ngọt thì có giới hạn. Nếu việc lọc nước này trở thành dễ dàng thì sẽ loại được một mối lo cho nhân loại.

Viễn Đông: Xin cám ơn kỹ sư Vương Xuân Điềm về buổi nói chuyện lý thú vừa qua.

Vien Dong Daily News


Friday 25 December 2009

Đức Giáo hoàng ra thông điệp



Giáo hoàng đọc xong thông điệp

Đức Giáo hoàng đưa ra thông điệp Giáng sinh trong vòng 30 phút.

Đức Giáo hoàng Bennedict XVI đã gửi thông điệp truyền thống Giáng sinh của mình tại Vatican, vài giờ sau khi bị một phụ nữ nhảy xô vào, làm Ngài bị kéo ngã xuống mặt đất.

Đức Giáo Hoàng phát biểu bằng một giọng mạnh mẽ trước hàng ngàn khách hành hương, cho thấy sự bình tĩnh trước sự cố diễn ra trước đó.

Giáo hoàng nói Giáo Hội là một nguồn của sự "đoàn kết" cho nhiều người dân trên toàn thế giới và kêu gọi những người ở các vùng xung đột tôn trọng lẫn nhau.

Vatican cho hay người phụ nữ gây ra sự cố đã được đưa tới bệnh viện.

Các quan chức của Tòa Thánh nói người này có vẻ bất ổn về mặt tâm thần, và cho biết chính đối tượng này đã cố gắng tiếp cận Đức Giáo Hoàng tại sự kiện cùng kỳ năm trước.

Đức Hồng Y Roger Etchegaray người Pháp, 87 tuổi, người đứng cách Giáo hoàng chỉ một vài mét, bị ngã và gẫy xương hông sau vụ việc.

Thông điệp đa ngôn

Vụ tấn công đã diễn ra khi Đức Giáo hoàng chuẩn bị chào mừng Lễ Giáng sinh tại nhà thờ St Peter.

Phóng viên BBC David Willey, tại Rome, nói Vatican đang cố gắng xử lý êm thấm nhất có thể sự cố trên.

Nhưng phóng viên của chúng tôi nói đảm bảo an ninh cho Giáo hoàng vẫn là một vấn đề hết sức khó khăn khi Ngài tương tác với giáo đoàn và nhiều người công giáo sẽ bất bình nếu họ chỉ được nhìn thấy Ngài từ phía sau một màn hình.

Người đứng đầu Tòa thánh, 82 tuổi, đã không đề cập đến sự cố trong thông điệp Giáng sinh của mình.

Thay vào đó Ngài tập trung vào đề tài đói nghèo trên thế giới và ca ngợi công việc của Giáo Hội tại những nơi như Philippines, Hàn Quốc và Sri Lanka.

Giáo hoàng lấy làm tiếc về nạn bạo lực tiếp diễn tại Cộng hòa Dân chủ Congo và nói về những vấn đề mà người dân ở các nước Madagascar, Guinea, Niger và Honduras đang phải đối mặt.

Sau đó, Ngài chúc lành cho những người hành hương một Giáng sinh hạnh phúc bằng 65 ngôn ngữ - trong khi đám đông cử tọa vui vẻ reo mừng.

Đức Giáo hoàng bị xô ngã

Giáo hoàng cử hành lễ

Lễ được cử hành sớm hai giờ

Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã cử hành lễ đêm Giáng sinh trong Thánh đường St Peter sau khi bị một người phụ nữ làm mất thăng bằng té xuống đất.

Người phụ nữ được cho có tâm thần không ổn định đã nhảy rào cản và chạy xô vào Giáo hoàng.

Cử hành lễ sau đó, Giáo hoàng nhìn run rẩy và đọc vấp vài chữ.

Buổi lễ được tiến hành sớm hơn hai giờ vì theo giới chức Vatican, để Giáo hoàng năm nay đã 82 tuổi đỡ mệt.

Hàng ngàn người sùng đạo cũng đã tụ tập về Bethlehem để mừng Chúa Giáng sinh.

Latin Patriarch Foud Twal, vị linh mục cao cấp nhất của thánh địa nói ước nguyện hoà bình trong khu vực vẫn ngoài tầm tay.

"Điều chúng tôi mong ước nhất không đến," ông nói sau buổi rước lễ truyền thống từ Jerusalem gần đó.

"Chúng tôi muốn hòa bình."

Người phụ nữ bí ẩn

Vụ người phụ nữ mặc áo đỏ xô té Giáo hoàng diễn ra chỉ có vài giây.

Bà chờ lúc Giáo hoàng sắp đi ngang qua thì nhảy rào cản và làm cho Ngài bị mất thăng bằng té xuống đất giữa tiếng la thảng thốt của những người có mặt trong thánh đường.

Người phụ nữ áo đỏ đang nhảy rào

Nhân viên an ninh đã nhanh chóng bắt giữ người phụ nữ.

Phóng viên BBC ở Rome, David Willey cho biết người chủ lễ đi bên cạnh đã phải đỡ Giáo hoàng đứng dậy.

Phát ngôn nhân Vatican, Ciro Bedettini nói Hồng y Roger Etchegaray cũng bị xô té và phải vào bệnh viện kiểm tra sức khỏe.

Cảnh sát sau đó bắt giữ người phụ nữ này.

Trong dịp lễ năm ngoái một người phụ nữ cũng nhảy rào nhưng bị nhân viên an ninh nhanh chóng chế ngự. Không rõ có phải cùng là một người đã xô té Giáo hoàng hôm qua hay không.

Chủ đề thuyết giảng năm nay của Giáo hoàng Benedict XVI là sự ích kỷ, mà theo Ngài, đã "biến chúng ta thành tù nhân của quyền lợi và khát vọng của mình".

********************

source

BBC Vietnamese

Thursday 24 December 2009

Giáng sinh trên khắp thế giới


Thứ sáu, 25/12/2009, 09:58 GMT+7

Đạp xe, đi thuyền, diễu hành, ca hát là những cách mà người dân trên khắp hành tinh đón Giáng sinh.

Trẻ em
Các em bé chuẩn bị tham gia lễ Giáng sinh trong một trường mẫu giáo tại Hà Nội, Việt Nam vào ngày 24/12. Ảnh: Reuters.
Các tín đồ Thiên chúa giáo tại Iraq
Các tín đồ Thiên chúa giáo người Iraq tham dự lễ Giáng sinh trong một nhà thờ tại Amman vào ngày 24/12. Ảnh: Reuters.
Vua Tây Ban Nha
Vua Tây Ban Nha Juan Carlos gửi thông điệp Giáng sinh tới người dân, từ lâu đài Zarzuela tại thủ đô Madrid. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Rene Preval của Haiti và vợ đội mũ ông già Noel trong lễ Giáng sinh tại dinh tổng thống. Ảnh: AP.
Em bé Palestine này
Em bé Palestine mặc trang phục ông già Noel ngồi trên vai bố tại quảng trường Manger, thành phố Bethlehem - được coi là nơi Chúa Jesus ra đời. Ảnh: Reuters.
Tín đồ Cơ đốc tại Pakistan tham dự lễ Giáng sinh tại
Tín đồ Cơ đốc tại Pakistan tham dự lễ Giáng sinh tại thành phố Lahore. Ảnh: AP.
Lính Mỹ
Lính Mỹ cầu nguyện trong lễ Giáng sinh tại cung điện Al Faw ở thủ đô Baghdad của Iraq. Ảnh: AP.
Người dân Libăng đổ ra đường phố trong đêm 24/12. Ảnh:
Người dân Libăng đổ ra đường phố trong đêm 24/12. Ảnh: Reuters.
Các ngư dân mặc trang phục ông già Noel và cưỡi thuyền trên biển thành phố Valparaiso của Chile. Ảnh: Reuters.
Trẻ em hát thánh ca trong lễ Giáng sinh tại thành phố Kathmandu, thủ đô Nepal.
Trẻ em hát thánh ca trong nhà thờ tại thành phố Kathmandu, thủ đô Nepal. Ảnh: Reuters.
Các đầu bếp chuẩn bị thức ăn cho lễ Giáng sinh tại thành phố Split, Croatia. Ảnh: Reuters.
Các đầu bếp chuẩn bị thức ăn miễn phí nhân dịp Giáng sinh tại thành phố Split, Croatia vào ngày 24/12. Ảnh: Reuters.
Một người đàn ông Croatia chờ đến lượt nhận thức ăn miễn phí
Một người đàn ông Croatia chờ đến lượt nhận thức ăn miễn phí tại thành phố Split, Croatia. Ảnh: Reuters.
Binh sĩ Mỹ hát thánh ca trong lễ Giáng sinh tại
Binh sĩ Mỹ hát thánh ca tại căn cứ thuộc tỉnh Khowst, Afghanistan. Ảnh: Reuters.
Em bé ngồi trong những hộp đựng quà
Em bé ngồi trong hộp đựng quà trong lễ diễu hành Giáng sinh tại thành phố Nazareth, Israel. Ảnh: AP.
Hàng nghìn người tham gia lễ diễu hành tại
Hàng nghìn người tham gia lễ diễu hành tại thành phố Nazareth. Ảnh: AP.
Các nghệ nhân tạo nên những tác phẩm bằng băng để chào mừng Giáng sinh và năm mới. Ảnh:
Các nghệ nhân Nga tạo nên những tác phẩm bằng băng để chào mừng Giáng sinh và năm mới ở thủ đô Matxcơva. Ảnh:
Hàng trăm người đàn ông tại Indonesia mặc trang phục ông già Noel tham gia
Hàng trăm người đàn ông tại Indonesia mặc trang phục ông già Noel tham gia buổi diễu hành bằng xe đạp tại thành phố Surabaya, Indonesia. Ảnh: Reuters.
Các tín đồ tiến về nhà thờ
Các tín đồ tiến về nhà thờ Navity - nơi Chúa giáng sinh - ở thành phố Bethlehem. Ảnh: AP.
Người dân
Người dân xem cảnh Chúa ra đời trong máng cỏ bên ngoài nhà thờ ở Matxcơva, Nga. Ảnh: AP.

Minh Long

source

http://www.vnexpress.net/GL/The-gioi/Anh/2009/12/3BA1711A/

Tuesday 22 December 2009

Giáng sinh nơi đất muối nhọc nhằn


Thứ Tư, 23/12/2009 - 12:10 PM

Giáng sinh nơi đất muối nhọc nhằn

(Dân trí) - Dịp Noel, một số giáo dân đã tạm bỏ lại những lo toan để hướng tới một mùa giáng sinh an lành, nhưng một số giáo dân làm muối (diêm dân) ở Hải Lý (Hải Hậu, Nam Định) thì vẫn miệt mài với công việc, đương đầu với thời tiết để mưu sinh.
Về Hải Lý (huyện Hải Hậu, Nam Định) khi Noel còn cách vài ngày, các nhà thờ đã được giáo dân xây cất thêm hang đá, trang trí đèn màu, mang về những cây thông và vô số ngôi sao lấp lánh treo khắp trong khuôn viên. Thoáng qua, thấy một không khí hào hứng và vui vẻ đang lan rộng khắp xứ đạo. Lại khác hẳn, trên cánh đồng muối nhiều ngày thiếu nắng, loáng thoáng những diêm dân (cũng là những giáo dân) đang tay gàu, tay cào vét từng hạt muối nhọc nhằn đẫm mồ hôi lúc cuối ngày.
Lễ Noel là niềm vui chung không của riêng ai, với các giáo dân ở Hải Lý ngày lễ này lại càng mang ý nghĩa thiêng liêng tôn kính.

Giáo dân giáo xứ Hòa Định đang hối hả chuẩn bị một sân khấu cho đêm Giáng sinh

Ở Hải Lý, có quá 90% người dân theo công giáo, trong đó rất nhiều người chọn nghề làm muối để sinh sống. Dưới cánh đồng muối, những diêm dân đang rầu lòng vì thời tiết không thuận lợi. Đang những ngày kém nắng, một ngày mỗi gia đình chỉ làm được 1 đến 2 phương muối(1 phương = 22,5kg = 20 nghìn đồng)

Nhà thờ giáo xứ Xương Điền được trang trí thêm hang đá phía cổng chính

Ở Hải Lý và những xã lân cận, mối xã thường có đến 2 đến 3 nhà thờ.

Rất nhiều gia đình các giáo dân nơi đây cũng đều có hang đá trước cửa nhà

Các diêm dân “một nắng hai sương” của Hải Lý làm việc trên những cánh đồng muối ngay chân các nhà thờ

Một em bé theo mẹ ra đồng muối vì không có người trông

Khi nắng tắt, các diêm dân tạm gác lại công việc nhọc nhằn để đi lễ tại nhà thờ

Một buổi lễ chiều cận đêm giáng sinh tại nhà thờ Xương Điền

Một giáo dân đang hoàn thành nốt việc trang trí phía trong một hang đá trước cửa nhà thờ Xương Điền

Nhà thờ Xương Điền đã sẵn sàng cho đêm Noel

Nhiều diêm dân đã không có được một mùa Giáng sinh như mong muốn vì thời tiết không thuận lợi cho công việc - vốn dĩ đã rất nhọc nhằn của họ.

Hữu Nghị
***************
source
http://dantri.com.vn/c20/s20-369111/giang-sinh-noi-dat-muoi-nhoc-nhan.htm

Friday 18 December 2009

Những sự tinh ranh của giống cua


Những sự tinh ranh của giống cua
Cập nhật lúc 10:09:57 PM - 14/12/2009

cuaxanh.jpg


Loại cua Xanh sống dọc theo bờ biển Đại Tây Dương là nguồn lợi lớn của nền kinh tế Hoa Kỳ. Trong cuộc đời, cua Xanh cái chỉ một lần ái ân, rồi sau khi đẻ trứng là chết – ảnh: Wpopp.


Hồ Sĩ Viêm

Trong một cuộc họp bạn, để làm tan loãng bầu không khí tẻ nhạt, buồn hiu, một người đưa ra ý kiến: “Tôi có thể đọc được ý nghĩ của người khác”. Nói rồi, anh chỉ một người bạn và đề nghị:

- Anh hãy nghĩ đến một con số và giữ kín trong đầu. - Hãy gấp đôi số ấy lên. - Lấy 10 cộng thêm vào. - Chia số ấy cho 2. - Và bây giờ cho tôi biết con số cuối cùng đó.

Khi người bạn vừa nói lên con số cuối cùng, nhà ảo thuật đã nói ra ngay và đúng phóc con số đầu tiên người bạn nghĩ.

Giả dụ, con số đầu tiên được giữ kín là 9. Gấp đôi số ấy là 18. Cộng thêm 10 là 28. Chia đôi là 14. Người bạn vừa nói ra con số 14, nhà ảo thuật đã kêu lên, “Con số đầu tiên là 9”. Đúng ngay chóc. Thử với vài ba người bạn khác nữa, nhà ảo thuật tài ba đều đoán trúng cả, không hề sai lần nào. (Xin mách các bạn một bí ẩn, là các bạn cứ lấy con số cuối cùng đó mà trừ cho 5 - con số chỉ riêng bạn biết - là ra con số đầu tiên. Bạn cứ trổ tài đi, cam đoan trăm phần trăm đều đúng).

Ấy vậy mà có một người, tuy không hiểu nguyên do, cũng không chứng minh được, mà cứ cãi chầy cãi cối. Mọi người đều phì cười và cho anh chàng cãi bướng đó là “ngang như cua”.

Tại sao lại có thành ngữ “Ngang như cua”? Các bạn cứ quan sát một con cua đang bò thì quả đúng như thế, nó chẳng giống một con vật nào cả, mọi loại đều bò theo chiều dọc, riêng cua bò theo chiều ngang. Sự thực theo các nhà khoa học, cua còn đặc biệt hơn nữa là nó có thể bò theo đủ mọi hướng, đang tiến tới, nó có thể lùi lại ngay. Đang bò ngang, nó đổi thành bò dọc, mà không cần phải xoay người, xoay đầu lại như các con vật khác. Nhưng bình thường nó thích bò ngang nhất. Cua càng nhỏ càng chạy rất nhanh, như loại cua dã tràng tại các bãi biển ở Việt Nam. Bề rộng đầu ngực chỉ khoảng 10 mm và cặp chân bò thứ 5 thuộc loại chân vuốt, thích nghi với đời sống bò chạy ở bãi biển. Loại dã tràng đào hang ở khu vực nước triều cao, có chất cát bùn hay cát đất bột. Khi đào hang chúng xe cát thành những viên nhỏ rồi chuồi lên đặt chung quanh miệng hang. Với óc nhiều tưởng tượng của người Việt Nam, những buổi sáng ra bãi biển thấy dã tràng xe cát thành những viên nhỏ lăn tăn đầy khắp mặt cát phằng lì, ta cho rằng chúng có ý đồ muốn lấp cạn cả biển Đông rộng lớn. Nhưng rồi, những làn sóng, dù chỉ gợn lăn tăn, ùa vào liếm nhẹ cũng đủ xóa tan đi mịt mùng viên cát mà dã tràng đã viên tròn lại suốt một đêm trường. Vì vậy mà ta đã có câu:

Dã tràng xe cát biển Đông

Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì.

Ám chỉ những người nào có ý ngông cuồng muốn “Đội đá, vá Trời”, mà không tự lượng sức mình, chỉ làm trò cười cho thiên hạ, thực hiện những việc phí công vô ích.

Trong tuần qua chúng tôi đã cống hiến quí vị độc giả một số tài liệu về “Cua”, một con vật thông thường, nhưng trên lãnh vực khoa học chúng có nhiều tính chất kỳ diệu, khiến nhiều nhà bác học phải ngạc nhiên. Càng nghiên cứu tìm hiểu thêm, chúng ta càng thấy tính chất và nếp sống của chúng còn tiềm ẩn nhiều sự kỳ lạ. Vì vậy, hôm nay chúng tôi xin trở lại vấn đề này một kỳ nữa. Nói về dã tràng, loài cua nhỏ tí chạy nhoang nhoáng trên cát và chui xuống lỗ thật nhanh, nhưng ta còn trông thấy hình dáng chúng. Còn một loại cua nữa, to hơn, nhưng vừa chợt thấy, chưa nhận định rõ, thì như phép lạ biến hóa, nó vụt biến mất, làm ta tưởng chừng mình hoa mắt. Đó là loại Cua Ma (Ghost crab).

Giống cua ma này sống rất nhiều dọc theo bờ biển Đại Tây Dương, từ New Jersey của Hoa kỳ cho tới nước Ba Tây thuộc Nam Mỹ.


cuama.jpg


Con cua ma (Ghost crab) – ảnh: FOLP


Chúng giống như cua thường, nhưng chỉ nhỏ bằng đồng Quarter và da một mầu như cát, nên dù nằm yên ta cũng khó nhận ra. Chúng sống trên cát, giữa hai làn mức của thủy triều lên và xuống. Thường chúng đào lỗ sâu tới 4 bộ, ban ngày ẩn nấp dưới đó, chỉ bò lên kiếm ăn ban đêm. Vả lại chúng rất nhút nhát, chỉ hơi nghe tiếng động, hoặc thấy một cái bóng gì xáp lại gần, là chui rúc xuống cát nhanh như chớp, chỉ để lòi lên đôi mắt. Do vậy, ít người thấy được nó và người ta gọi nó là Cua Ma. Hai loại cua kể trên không có giá trị gì về kinh tế.


Cua xanh (Blue crabs)


Đây là loại cua giá trị nhất về kinh tế của Hoa kỳ tại ven biển miền Đông Đại Tây Dương. Cua này rất lớn và ngon có tên khoa học là Callinectes Sapidus, theo nghĩa La Tinh, Callinectes là Beautiful Swimmer, tức “Con vật bơi đẹp” và Sapidus là Delicious, tức “Ngon lành”. Như vậy chứng tỏ các nhà khoa học cũng công nhận giống cua này rất quí. Hàng năm ngư phủ Mỹ trung bình bắt được tới 50.000.000 pounds cua, để tung bán ra thị trường.

Sở dĩ, người ta đặt tên cho chúng là Cua Xanh, vì khi sống mai chúng mầu xanh lá thẫm, trong khi 5 cặp chân mầu xanh lơ, mà cặp đầu là đôi càng thật lớn và cặp thứ 5, cặp chót, là đôi mái chèo bè bè và rất mạnh. Do vậy cua bơi rất nhanh. Như đã nói ở bài trước, cua là loài động vật không xương sống, thuộc về bộ giáp xác, tức xương bao bọc bên ngoài thịt. Vì thế, theo thời gian cua lớn lên, vỏ cứng bên ngoài vẫn cứng đơ, không thay đổi, do đó cua phải lột, tức làm nứt vỏ bên ngoài, rồi chui ra. Lúc bấy giờ thịt cua không còn vỏ cứng bên ngoài che chở, nên mềm xèo, không có một chút khả năng nào để tự vệ. Lúc đó cua chỉ còn biết chui rúc ở các hốc đá, hoặc lẩn trốn ở dưới những bụi “cỏ lươn”, loại cỏ mọc ở vùng biển cạn, đất bùn và có lá dài ngoằng như con lươn, có lá vươn dài tới 6 feet. Trong thời gian vài ba ngày sau đó, cua lớn lên rất nhanh và da bên ngoài bắt đầu cứng chắc lại như trước, cua mới trở lại hoạt động bình thường. Từ trứng, cua nở ra ấu trùng, hình dáng như con bọ gậy, rồi như một con tôm con đầu to, mà chẳng có một chút nào giống bố mẹ. Qua nhiều lần biến thái và lột xác ít nhất là 5 hoặc 6 lần, chúng mới hoàn toàn trở thành cua lớn.

Cua cái trong lần lột xác cuối cùng này, như có thiên tính, nó bơi đi tìm cua đực, rồi cả hai con, càng cặp cứng với nhau, tung tăng cùng bơi lội trong một thời gian. Đến giờ con cái lột, vẫn nắm càng nhau, cặp cua từ từ để tự chìm xuống đáy. Đến đây là một vũ điệu ái ân của cặp cua. Cua đực dương đôi càng thật cao bơi nhẩy cầu vòng từ bên này sang bên kia cua cái. Hình như mục đích của nó là làm nước di động. Con cái nằm im lìm, nhưng từ từ mai của nó, cả càng và chân tự nhiên nứt ra và cua cái chui ra khỏi cái vỏ cứng. Cua đực vội ôm chầm lấy người tình còn mềm xìu của mình và trong lúc giao phối, nó tia tinh trùng vào trong ống chứa tinh của con cái. Cuộc ái ân này đối với cua cái là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng của đời nó, vì tinh trùng của cua đực, vẫn được giữ trong ống và coi như đã đủ để thụ tinh cho tất cả trứng trong cuộc đời. Ít nhất mãi mấy tháng sau, cua cái mới đẻ trứng và trong một mùa hạ, nó có thể đẻ từ hai cho đến ba lớp trứng. Tổng cộng, một con cua cái có thể đẻ tới 2 triệu trứng. Khi đẻ, cua cái tự tiết ra một lớp nước như keo, để dính chùm trứng vào lớp lông dưới bụng. Nó đeo để che chở và chờ từ 9 cho đến 14 ngày thì trứng nở. Cua từ trứng nở ra chỉ lớn hơn một hạt bụi một chút, trông vừa trong suốt, vừa như một con vật chỉ có một cái đầu to với một cái đuôi nhỏ. Ấu trùng trồi lên gần mặt nước và trôi nổi tại đấy. Chúng lớn dần lên, mỗi ngày một khác, rồi hình thể cũng biến đổi dần và có thể vừa bơi, vừa lặn xuống đáy biển để chạy đi, chạy lại. Ít lâu sau, nó bắt đầu lột vỏ, hình thể đã thấy rõ là một con cua. Cứ 20 hoặc 30 ngày nó lại lột vỏ một lần, cho đến lúc lớn. Con cua mẹ sau khi đẻ hết trứng thì chết. Trong khi con cua đực có thể sống thêm được vài năm nữa để lại cặp kè với vài con cua cái khác. Vừa nghiên cứu kỹ và vừa có máy để dò và quan sát kỹ dưới biển, ngư phủ Mỹ biết rõ lúc nào là thời kỳ cua lột vỏ. Họ hoạt động ráo riết về mùa này, do vậy trên thị trường Mỹ, theo mùa, chúng ta thấy họ bán một loại cua bấy, đắt nhưng khá ngon, vì ăn được trọn con cua, cả vỏ. Đó là loạt cua vừa lột vỏ.


Ốc mượn hồn (Hermit crabs)


Hermit Crab là một loại cua, nhưng loại cua thật khổ sở, vì không có mai cứng để che chở cho thân thể mềm xìu. Người Âu Mỹ đặt tên chúng là Hermit, có nghĩa là “Nhà tu khổ hạnh ẩn dật” thật đúng theo nghĩa đen của chúng. Từ cái trứng sinh ra đời, ấu trùng cua này chẳng khác gì các loại cua khác.


Cua_ocmuonhon.jpg


Cua Hermit, mình ốc nhưng hồn cua, nên nhiều người gọi chúng là “Ốc Mượn Hồn” – ảnh: ZooFari.


Nhưng, dần dần lớn lên, cua hermit chỉ phát triển có đôi càng, vài cặp chân phía ngoài, cặp mắt và vài cái râu là to lớn và có vỏ cứng bọc ngoài. Còn toàn thân phía dưới, Tạo hóa khi nặn ra chúng có lẽ vì lơ đễnh hay sao mà quên không đắp cho một lớp sừng cứng như những loại cua khác, mà trái lại chỉ bọc bằng một màng da thật mỏng. Thế là chàng Hermit từ đó bị quăng ra đời, có bộ vó trên trông quắc thước đáng mặt anh hùng, nhưng phần bụng phía dưới thì thật là mềm, một cục đá nhỏ cứa nhẹ vào, cũng đủ lòi cả ruột gan, huống gì bị một con vật khác, như cá chả hạn, đớp một miếng là đứt cả nửa bụng. Khi đó chỉ có chết, không còn phương cứu chữa. Nhà “tu hành khổ hạnh đó” biết làm sao để tự cứu? Ấy vậy mà chàng ta đã khôn ra phết, không thế thì làm sao các bạn đến ngày nay còn thấy chàng ta. Theo những di vật hóa đá, thì các loại cua có sự hiện diện trên trái đất từ 400 triệu năm qua, cua Hermit chưa được thống kê rõ rệt, nhưng ít nhất giống này cũng đã góp mặt từ cả 100 triệu năm rồi.

Vậy làm sao mà chúng kéo dài được mạng sống qua cả một thời gian dài như vậy. Thật giản dị, các bạn ạ. Chàng cua Hermit thấy tình trạng mình thật tình nguy hiểm quá độ, rồi nhìn quanh, chàng ta thấy không biết cơ man nào các vỏ ốc không nằm vương vất đây đó. Đấy là những con ốc già chết rồi để vỏ lại, hoặc những con nhỏ vì cớ nào đó mà sống không được, đã giã từ cõi đời này chu du phương trời khác, để lại chiếc vỏ, một căn nhà còn vững chãi mà vô chủ. Thấy vậy, ốc Hermit chắc nghĩ rằng, Trời bắt ta khổ, ta đâu có chịu, bằng cách nào ta cũng phải chiến đấu. Rồi chàng mon men lại chiếc vỏ ốc. Chắc hồi đầu, bụng chàng ta to mà vỏ ốc lại miệng nhỏ và càng vào sâu càng xoắn. Nhưng cứ thử dần và từ đời này qua đời nọ, cua biến chuyển dần để có một chiếc bụng nhỏ và dài ngoằng và cũng có thể xoắn lại theo trôn ốc, để đút lọt bất cứ vào một cái vỏ ốc nào. Từ đó chân trời mở rộng, chàng Hermit không còn lo lắng cho tính mạng mình nữa, vì đáy biển thiếu gì những vỏ ốc to nhỏ khác nhau nằm vương vãi đây đó. Nhà thuê mà không cần trả tiền thì còn gì sung sướng cho bằng, dân Hermit thấy cái nhà nào không vừa là đổi cái khác ngay. Anh chàng lấy cái càng to tướng chắn ngay cửa là yên trí, vỏ ốc dầy đã che chở cho chúng như chiếc mai cua, mà ông Trời đã cho chúng thiếu sót. Một số người Việt Nam mình gọi cua Hermit là “Ốc mượn hồn” cũng đúng. Vì đích thực là cua, nhưng chiếc vỏ chúng mang là ốc và tuy hình dáng là ốc, nhưng thực sự linh hồn sống trong đó là linh hồn mượn của giống cua.


Cua có thông minh hay không?


Để tìm hiểu một giống vật có thông minh hay không, các nhà khoa học thường quan sát qua những sự hoạt động, sự hiểu biết và nhất là qua cách biết sử dụng những dụng cụ của bọn chúng.


Cua_Anemone.jpg


Để bảo vệ mình và dọa vật khác, cua biết dùng càng nắm hai sinh vật anemone, có tua chất độc và châm chích, nên nhiều sinh vật khác sợ lắm phải lánh xa – ảnh: Jon Radoff


Họ nói khỉ thông minh vì khi muốn ăn mối, chúng biết cách lấy một chiếc que thọc sâu vào tổ mối. Mối bị động, xông lại bám vào chiếc que đông đảo, thế là chú khỉ ta chỉ việc kéo que ra và liếm hết mối, ăn một cách ngon lành. Giống cua, ngoài loài người hay bắt chúng, dưới biển, trên bờ, còn biết bao nhiêu kẻ thù. Để bảo vệ mình và dọa kẻ khác, nhiều loại cua đã biết dùng một loại sinh vật dưới biển gọi là Anemone. Loại anemone này có những chiếc vòi thật dài, hay ứa ra nọc độc và châm chích, nên nhiều thú vật khác sợ lắm, luôn phải lánh xa chúng. Hình như hiểu biết cái thóp này, một vài loại cua khi di chuyển đã luôn luôn nắm trong càng một vài con anemone và luôn luôn quơ trước mặt. Quả nhiên nhiều con vật khác thấy thế đã phải chạy thật xa, không dám tiến đến gần. Ven biển, lúc thủy triều xuống, nước cạn, các giống cò, sếu thường xà xuống để bắt cua. Nhiều loại cua đã khôn lanh lấy những miếng bọt biển phủ lên mai mình để trốn giấu. Vì thế mà chúng sống sót. Như vậy các bạn có thấy cua có thông minh không?
********************************************************
source
Vien Dong Daily

Sunday 13 December 2009

GS. Ngô Bảo Châu: 'Tôi hơi bất ngờ'


GS. Ngô Bảo Châu: 'Tôi hơi bất ngờ'

Giáo sư Ngô Bảo Châu

Ông Ngô Bảo Châu bất ngờ khi được tin về cuộc bình chọn của Time.

Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Ngô Bảo Châu, người mà công trình toán học vừa được Tạp chí Time của Mỹ bình chọn là một trong 10 phát minh tiêu biểu của khoa học Thế giới năm 2009, cho BBC Việt ngữ hay, ông bất ngờ trước tin này.

"Quả thực là tôi bất ngờ. Tôi nghĩ ở đây có thể có một yếu tố ly kỳ nào đó khiến Time quan tâm chăng, vì bài toán này đã được ông Langlands đặt ra cách đây suốt 30 năm như những giả thuyết và người ta đã không chứng minh được nó,"

"Và bây giờ khi bổ đề cơ bản đã được chứng minh, thì người ta thở phào nhẹ nhõm," Giáo sư Châu nói với BBC hôm 13 tháng 12 từ Hoa Kỳ.

Tôi hơi bất ngờ vì tuy công trình của tôi có một tầm quan trọng nhất định, nó hướng tới giới hàn lâm nhiều hơn là tới đại chúng.

GS. Ngô Bảo Châu

Ngày 9/12/2009, Tạp chí Time đã xếp công trình chứng minh Bổ đề cơ bản chương trình Langlands (gọi tắt là Bổ đề cơ bản) bên cạnh một loạt các phát minh khoa học tiêu biểu có tầm vóc quốc tế và có ảnh hưởng tới lịch sử phát triển của nhân loại.

Một số sáng chế khác mà công trình "Bổ đề cơ bản" của Giáo sư Châu được xếp bên cạnh là: Ardi - thủy tổ của loài người, Giải mã gene di truyền ở người, Phát hiện nước trên mặt trăng, Hệ thống ngoại tuyến nguyên tử, Máy gia tốc hạt lớn v.v...

"Tôi hơi bất ngờ vì tuy công trình của tôi có một tầm quan trọng nhất định, nó hướng tới giới hàn lâm nhiều hơn là tới đại chúng," ông Châu, Giáo sư toán học tại Đại học Paris Sud 11 của Pháp chia sẻ.

"Theo tôi hiểu, Tạp chí Time đã tham khảo ý kiến một số chuyên gia các ngành khác nhau về đâu là những bài toán, công trình khoa học nổi bật của năm, và một số người đã đưa công trình của tôi cho Time để họ biết."

'Không lý giải được'

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát dự án bauxite tại Lâm Đồng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát dự án bauxite tại Lâm Đồng

Mặc dù làm việc ở nước ngoài trong suốt nhiều năm qua, Giáo sư Châu, người từng được được mời làm Giáo sư tại Pháp khi mới 32 tuổi, vẫn theo dõi sát tình hình phát triển ở Việt Nam.

Ông cho biết đã hơn nửa năm, bức thư của ông ngày 29/5 từ Mỹ, gửi Quốc hội Việt Nam, kiến nghị về dự án Bauxite vẫn chưa nhận được câu trả lời.

"Tôi không lý giải được vì sao, nhưng tôi vẫn hy vọng đến một ngày nào đó, Quốc hội sẽ có câu trả lời chính thức cho bức thư mà tôi viết."

Giáo sư Châu, người đang được mời làm việc tại Viện Nghiên cứu Cao cấp Princeton (Hoa Kỳ) cũng cho biết quan điểm của mình về việc giới trí thức đóng góp, phản biện về dự án khai khoáng của Chính phủ trong suốt năm nay.

Mọi người ai có điều kiện hoặc có một cách nào đó thuận lợi, nên có ý kiến của mình. Còn chuyện ý kiến đó có được tiếp thu hay không là một chuyện khác.

GS. Ngô Bảo Châu

"Tôi không nghĩ tới chuyện vấn đề có thể đảo ngược được hay không. Nhưng chuyện phát biểu ý kiến, tôi nghĩ, mỗi người đều có quyền suy nghĩ độc lập," đồng chủ nhân giải thưởng về toán học Clay 2004 nói.

Trong bức thư gửi Quốc hội Việt Nam, ông Châu đề cập tới chính sách mà ông gọi là "thực dân mới" của chính quyền Trung Quốc liên quan tới khai thác khoáng sản trên quy mô toàn cầu và cảnh báo về dự án Bauxite tại Tây Nguyên: "phần có hại thì cầm chắc, phần có lợi thì mong manh."

Nhà toán học trẻ tuổi cho rằng mặc dù không phải chuyện gì cũng nên có ý kiến, "những chuyện như khai thác bauxite ở Tây Nguyên, nếu làm sai thì không sửa được."

"Vì vậy, mọi người ai có điều kiện hoặc có một cách nào đó thuận lợi, nên có ý kiến của mình. Còn chuyện ý kiến đó có được tiếp thu hay không là một chuyện khác."

'Không biết lắng nghe'

Ứng viên được đề cử cho Giải thưởng Fields 2010, tương đương với "Nobel", trong ngành toán học, cũng bình luận về hành vi, ứng xử của giới có trách nhiệm khi nhận được các đóng góp của giới trí thức. Ông nói:

"Còn đối với những người đã được những người khác có ý kiến mà không tiếp thu, thì đấy là trách nhiệm của họ."

Ông Châu cũng cho hay ông có theo dõi sự kiện Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS), một Viện nghiên cứu và phản biện chiến lược của tư nhân do Giáo sư Hoàng Tụy và Tiến sỹ khoa học Nguyễn Quang A đứng đầu, giải thể sau khi Viện này cho rằng một quyết định quản lý khoa học của Chính phủ ban hành năm nay là bất hợp lý.

Nhà lãnh đạo vì lý do này, lý do kia bịt tai lại, không muốn lắng nghe mình, nhưng thực ra, nó vẫn sẽ thấm vào đâu đó. Nếu không thay đổi vào lúc này, thì sẽ thay đổi vào lúc khác.

GS. Ngô Bảo Châu

"Tôi có theo dõi tuy không chi tiết như giới nhà báo. Nhưng một xã hội mà không biết lắng nghe các ý kiến phản biện là một chuyện tương đối dở."

"Bởi vì chỉ muốn nghe những ý kiến mà mình muốn nghe thì không bao giờ có thể làm đúng được."

Tuy nhiên ông Ngô Bảo Châu tin rằng các ý kiến đóng góp tâm huyết và thẳng thắn của các trí thức trong và ngoài nước đối với các chính sách phát triển của đất nước vẫn có tác dụng nhất định:

"Có thể trong một thời điểm nào đó, nhà lãnh đạo vì lý do này, lý do kia bịt tai lại, không muốn lắng nghe mình, nhưng thực ra, nó vẫn sẽ thấm vào đâu đó. Nếu không thay đổi vào lúc này, thì sẽ thay đổi vào lúc khác," ông khẳng định.

Ông Ngô Bảo Châu, sinh năm 1972, là Giáo sư Đại học Paris 11, thành viên Viện Nghiên cứu Cao cấp Princeton, Hoa Kỳ, nhận giải thưởng của Viện Toán học Clay năm 2004, là người Việt Nam đầu tiên được mời làm Báo cáo viên toàn thể tại Đại hội toán học Thế giới, đồng thời là ứng viên được đề cử cho giải thưởng danh giá về toán học Fields 2010.

*******************

source

BBC Vietnamese