Tuesday 16 March 2010

Người Việt trẻ với nghề nail tại Mỹ


Việt Nam Cập nhật Thứ Ba, 16 tháng 3 2010


'Các em trẻ nếu có khả năng đi học thì hãy theo con đường đại học, tốt nghiệp ra làm việc có tương lai hơn. Nghề nail mục đích tốt, nhanh lẹ kiếm tiền, nhưng chỉ tới đó mà thôi.'

Hình: VOA

Chúng ta đang nghe ca khúc nói về nghề làm móng của người Việt tại Mỹ, nhan đề Nail Nail Nail, nhạc và lời của Phạm Hoàng Dũng, do Vân Sơn trình bày.

Ai đó đã nói rằng người Việt đã thống lĩnh nghề nail tại Mỹ. Thật không sai. Trong khi người Hàn Quốc trên đất Mỹ thành công trong ngành giặt ủi hay kinh doanh siêu thị, cộng đồng người Hoa được nhiều người biết đến về tiệm ăn hay nhà hàng, thì người Việt nổi tiếng với nghề nail. Hầu hết các tiệm làm móng tay-móng chân ở đây đều có chủ nhân hay nhân viên là người Việt. Trong đội ngũ này có không ít người trẻ.

Tại sao các bạn trẻ chọn nghề nail? Những vui buồn trong nghề ra sao? Những thuận lợi và khó khăn như thế nào? Mời quý vị nghe tâm tình của 4 người trẻ bao gồm cả nhân viên và chủ tiệm nail đã hành nghề trong lĩnh vực này nhiều năm nay.

Hải Đăng: Em là Hải Đăng ở California, 27 tuổi.

Vi Khanh: Em là Vi Khanh, ở California, 28 tuổi.

Ngọc Thu:
Mình là Ngọc Thu Lê, ở Riverside, California.

Kiệt: Kiệt ở Fresno, Cali, năm nay 35 tuổi.

Trà Mi: Cơ duyên nào đưa đẩy các anh chị đến với nghề nail? Chị Thu dày dặn nhất trong nghề, chị có thể cho thính giả và độc giả của đài VOA biết được không?

Ngọc Thu: Kinh tế, đời sống gia đình đưa đẩy mình phải chọn nghề này vì làm ra tiền nhanh mà không đòi hỏi nhiều ở khả năng.

Vi Khanh:
Em qua Mỹ 8 năm trước, thấy nghề nail dễ, thời gian học ít, mà cũng kiếm tiền dễ cho nên làm tới bây giờ luôn.

Kiệt: Là đàn ông mình không nghĩ tới nghề này, nhưng khi đang học đại học thấy bạn bè làm nghề này khá hơn đi làm hãng xưởng. Cho nên mình chọn nghề này.

Hải Đăng: Chị mình có tiệm. Lúc mình đang đi học đại học, mình cũng đến phụ giúp chị quản lý tiệm. Mình thấy làm có tiền nên cũng ham. Hiện giờ mình cũng đã mở tiệm riêng.

Trà Mi: Các anh chị đều có một nguyên do tương tự là vì nghề này nhanh, nhẹ, dễ kiếm tiền, nên đã đến với nó như một cơ duyên đưa đẩy. Trước đây ở Việt Nam, có bao giờ các anh chị viễn kiến trước là qua đây mình sẽ theo nghề này không?

Ngọc Thu: Mình không có dự tính gì hết vì trước đó không biết nghề này bên Mỹ như thế nào. Qua đây, đời sống đưa đẩy mình tới với nó, và mình cũng không nghĩ là dính trong nghề này lâu tới như vậy.

Kiệt: Là đàn ông, thật sự qua tới Mỹ mới biết rằng đàn ông cũng làm nghề này. Trước đó, tư tưởng mình khác. Nhưng nhờ nghề này mà mình học xong đại học, ra đi làm một thời gian rồi cũng vướng lại nghề này, rồi đi mở tiệm. Bởi vì thật sự nó tương đối dễ dàng hơn là những cái nghề khác.

Trà Mi: Như vậy mới thấy sức thu hút của nghề này đối với người Việt ở đây mãnh liệt như thế nào…

Kiệt: Hồi xưa thôi (cười).

Trà Mi: Những tiêu chuẩn của nghề này như thế nào? Để trở thành một người thợ nail, theo được với nghề, cần bước qua những giai đoạn nào?

Hải Đăng: Khi vào nghề không dễ như mình tưởng. Thứ nhất là kinh nghiệm của em khi làm thợ. Còn khi ra mở tiệm còn khó khăn hơn làm thợ nhiều. Cái khó của người thợ là sự cạnh tranh trong nghề. Còn cái khó của người chủ tiệm là phải cố gắng vượt qua những sự khó khăn về kinh tế trong kinh doanh.

Ngọc Thu: Kinh tế thay đổi, trào lưu dòng nail cũng thay đổi theo. Ngày xưa làm nail vất vả và bon chen lắm, và nghề nail có giai tầng thấp lắm. Nhưng khoảng 7-8 năm gần đây, nghề này được đưa lên một trình độ mới, khá hơn, không bị coi thấp, coi thường như ngày xưa. Bây giờ mỗi tiệm của mình khoảng ba mươi mấy thợ.

Trà Mi: Vào nghề này cần phải qua những giai đoạn nào, thưa anh Kiệt?

Kiệt: Phải đi học trước. Ở Cali họ yêu cầu 400 giờ học, rồi thi. Có bằng có thể đi làm. Tùy khả năng làm việc như thế nào thì kiếm được tiền như thế đó.

Trà Mi: 400 giờ đó học trong bao lâu?

Kiệt: Từ 3-6 tháng, tùy mỗi người.

Trà Mi: Từ khi có bằng đến khi chính thức vào nghề có khó khăn không? Kiếm việc có dễ không?

Kiệt: Tùy theo làm tay-chân nước hay làm bột. Làm tay-chân nước thì không cần kinh nghiệm nhiều, có bằng có thể làm được ngay. Còn làm bột thì phải trải qua một thời gian ngắn nữa. Nhiều người chỉ 1 tháng đã bắt đầu làm được, làm đẹp, và có khách. Nhưng nhiều người phải từ 6 tháng đến 1 năm.

Trà Mi: Về tính dễ làm ra tiền của nghề này, xin được hỏi một câu tế nhị. Mức lương trung bình của một người rành nghề một tháng là bao nhiêu?

Ngọc Thu: Trung bình một tuần 500 đô la, tiền tip khoảng 70-80 đô. Kinh tế hiện giờ, người mới ra nghề kiếm khoảng 350 đô/tuần.

Kiệt: Bảy, tám năm trước thì khác, bây giờ khác. Sau này, người Việt qua càng nhiều, càng đông thợ, càng nhiều tiệm, nên giá cả xuống chút đỉnh. Lương không được như ngày xưa nữa. Ngày xưa có thể làm giàu bằng nghề này. Còn bây giờ, nếu làm thợ cũng chỉ đủ sống qua ngày thôi (cười). Còn làm chủ thì mỗi người có cơ duyên riêng.

Trà Mi: Các anh chị nói “qua ngày”, nhưng Trà Mi nghe người ta nói rằng “làm nail không sợ nghèo” đó nha.

Kiệt, Thu, Khanh, Đăng:
Cái đó là 10 năm về trước, hồi xưa thôi chị ơi (cười).

Trà Mi: Bây giờ thì cũng đâu thấy ai nghèo vì nghề nail đâu ạ? Chưa mấy ai bỏ nghề nail theo nghề khác phải không?

Kiệt: Nói nghèo thì không nghèo, nhưng không dám xưng là giàu được nữa.

Trà Mi: Không giàu bằng hồi xưa. Hiện giá một bộ móng tay khoảng bao nhiêu?

Vy Khanh: Tùy theo khu. Khu sang làm có giá hơn. Còn khu thường thì từ 20-25 đô la.

Ngọc Thu: Đó là chỉ làm bột thôi, nếu sơn nước lên thì trung bình 30 đô/bộ.

Trà Mi: Như vậy cũng đủ thấy là làm một bộ móng tay ở đây đâu phải rẻ, phải không ạ?

Hải Đăng:
Dạ đúng rồi.

Trà Mi: Ở Mỹ rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực, nhưng người Việt mình hầu như chiếm lĩnh, thống lĩnh luôn nghề nail. Vì sao người Việt có thể chiếm được vị trí ưu thế trong nghề này như vậy?

Ngọc Thu: Thứ nhất, người Việt mình cần cù làm việc, kiên nhẫn, và chịu khó, quyết tâm đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Nghề nail này không đòi hỏi khả năng Anh văn, vốn liếng bỏ ra, và thời gian đi học. Cho nên nó rất thích hợp cho người Việt Nam mình, mọi lứa tuổi, đàn ông hay đàn bà. Ngay cả những người mới qua sau này vẫn có thể vào nghề một cách dễ dàng.

Trà Mi: Ngoài sự khéo léo, còn có đặc điểm nào khiến người Việt có tính cạnh tranh cao hơn trong nghề này?

Ngọc Thu: Giá của mình so với các salon của Mỹ thì tương đối thấp hơn nhiều và mình chịu khó chiều chuộng khách hơn. Ví dụ tiệm Mỹ tính một bộ nail 65-70 đô la, mình chỉ lấy 30 đô thôi.

Trà Mi: Tức là mình cạnh tranh về mặt giá cả lẫn sự khéo léo. Để học ra nghề, chi phí có mắc không?

Kiệt: Thời giá bây giờ chắc khoảng 600-800 đô la.

Trà Mi: Một số người cho rằng nghề nail có nhiều cái lợi, cái hại. Xin được hỏi các anh chị, những người trong nghề, về sự bất tiện hoặc tác hại của nghề nail như thế nào?

Ngọc Thu: Tác hại của nó là có nhiều người bị dị ứng vì các hóa chất, bị mũi, bị hư da, nhức đầu, nhiều nhất là bị đau vai, và đau cổ tay.

Trà Mi: Còn về sự bất tiện của nghề này, nếu có, mời chị Khanh hoặc chị Đăng chia sẻ thêm. Vào nghề này chị thấy có gì bất tiện không?

Vy Khanh: Cũng không có gì bất tiện lắm. Chỉ thấy là khi đi làm có sự cạnh tranh nên nhiều lúc mình cũng không thấy vui thôi.

Trà Mi: Nói về vui buồn trong nghề nail, các anh chị có gì chia sẻ không?

Ngọc Thu: Khi khách đông, mình mệt, nhưng vui. Còn khi không có khách, mình ngồi bỏ cả ngày thì buồn. Đó là cái chung.

Trà Mi: Rất là thực tế.

Ngọc Thu:
Dạ, có ngày ngồi từ 10-11 tiếng đồng hồ mà không có khách. Có nhiều chị em không có tiền chi trả tiền giữ con trong lúc kinh tế đang xuống.

Trà Mi:
Nhưng các anh chị có suy nghĩ gì về những thành kiến đối với nghề này không?

Kiệt: Ở Việt Nam mình nói về nghề nail đúng ra là “làm móng tay-móng chân”. Đúng tâm lý ngày xưa thì quả thật đây không phải là một nghề cao cấp. Đối với đàn ông mà làm nghề này thì còn thấp hơn nữa. Khi qua Mỹ thì cách nhìn của tôi mới khác. Người khách đầu tiên mà tôi phải ngồi làm móng chân, lúc đó phải đi kiếm tiền nuôi gia đình mà, thành ra mình tủi thân, còn rơi nước mắt nữa. Nhưng làm một thời gian, mấy tháng sau thì cách nghĩ mình khác. Vì mình lấy công sức mình đi làm thì tại sao mình phải mắc cỡ? Không có nghề nào bần tiện cả. Mình không ăn cắp, ăn trộm của ai thì không có gì phải mắc cỡ. Người Mỹ họ không khinh thường người làm nail. Họ gọi và so sánh người làm nail là một “professional”, tức là người có nghề chuyên môn. Cho nên mình cảm thấy mình được coi trọng.

Trà Mi: Anh đã vượt qua được mặc cảm đó. Anh đến với nghề này trước khi hay sau khi lập gia đình?

Kiệt: Trước khi lập gia đình.

Trà Mi: Con đường đi đến nghề nail có ảnh hưởng đến con đường tình cảm của anh không?

Kiệt: Thật sự thì tùy theo, người cùng nghề thì khác, rồi mỗi người có ý thức riêng.

Trà Mi: Nhưng đối với bản thân anh trong nghề này trước khi anh lập gia đình thì anh có dễ kiếm người yêu không?

Kiệt: Đúng ra ở Cali thì khác, ở tiểu bang khác thì nó khác. Bây giờ mình nói xa xa không có bà xã ở đây chứ lúc đó ở tiểu bang khác lạnh quá thì kiếm vợ đại. (cười)

Trà Mi: Nếu ngược lại thì sao? Anh có nghĩ là anh có cơ hội dễ dàng không?

Kiệt:
Thật sự mình không nghĩ tới chuyện đó Trà Mi ơi.

Trà Mi:
Trà Mi hỏi câu này là vì người Việt mình có ánh mắt hơi khác so với người Mỹ khi nhìn vào nghề này. Ví dụ một phụ nữ Việt nhìn người chồng hoặc người yêu của mình suốt ngày cầm tay một người khác giới chắc là cũng không mấy yên tâm, phải không ạ?

Kiệt: Lúc đầu thôi.

Trà Mi: Vừa rồi là chia sẻ của một nam giới trong nghề nail. Thế còn các chị Thu, Khanh, Đăng thì sao? Nếu có cơ hội đi lại từ đầu, các chị có quyết định đi theo nghề nail không?

Hải Đăng: Nếu trở lại từ đầu, em muốn đi học hơn.

Trà Mi: Nếu con cái các anh chị sau này muốn đi theo nghề này, thì các anh chị có ý kiến như thế nào?

Vy Khanh: Chắc sẽ không cho, để nó đi học cho có tương lai hơn.

Trà Mi: Nghề nail cũng có tương lai vậy, phải không ạ? Không thể nói nghề này không có tương lai khi nó giúp dễ kiếm tiền và có một cuộc sống ổn định, phải không?

Hải Đăng:
Em chỉ nghĩ đơn giản là vì mình làm rồi mình biết mấy cái hóa chất nó không tốt.

Ngọc Thu: Xã hội bên đây có nhiều điều kiện hơn để con mình phát triển khả năng và tương lai của nó hơn. Còn nghề này rất tốt, không có gì xấu hết, nhưng nó chỉ tới mức độ là làm kiếm tiền. Nó hơn chỗ “có tiền” thôi, chứ không có gì sáng sủa hơn nữa.

Trà Mi: Khi đến với nghề nail, các anh chị mang theo cho mình những kỳ vọng gì?

Vy Khanh:
Cũng không có kỳ vọng gì đâu, chỉ suy nghĩ là kiếm tiền thôi.

Trà Mi: Với những kỳ vọng ngắn hạn như vậy, vì sao các anh chị ở lại với nghề lâu như vậy?

Kiệt: Phải vỗ tay khen ngợi người Việt của mình chứ. Đúng ra nhờ nghề nail này đã nuôi sống rất nhiều gia đình ở Việt Nam. Cái đó mình cũng phải hãnh diện về mình là mình đã làm được những chuyện đó. Còn đối với con cái của mình, nó có cơ hội học hành ở đây. Ngoài chuyện kiếm tiền ra, nó còn góp sức cho xã hội nữa. Nhưng mà nghề nail của mình cũng vậy, cũng góp sức được nhiều lắm chứ, vừa về mặt xã hội và gia đình nữa. Người làm nail, thợ cũng như chủ, dễ giúp gia đình hơn.

Trà Mi:
Các anh chị nói rằng nghề nail này, cơ hội của nó chỉ dừng lại ở mức là kiếm được tiền, chứ không đi xa hơn nữa. Với kỳ vọng vào nghề này để kiếm đồng tiền ổn định, vì sao, là những người trẻ, sau một thời gian kiếm được một chút tiền rồi, các anh chị không bỏ nghề để đi theo một nghề nào có sự phát triển thăng tiến hơn?

Kiệt: (cười) Nói chung mình cũng nhờ nghề này học xong đại học. Khi ra đời, tùy theo bằng bác sĩ hay kỹ sư thì khác, làm cho các hãng lớn như Boeing thì khác, những người làm lương trên 100 ngàn đô/năm thì tốt hơn nghề nail. Chứ thật sự cái bằng đại học các ngành như tài chánh hay kế toán thì đi làm tiền không bằng nghề nail.

Ngọc Thu: 75% những người làm nail không phải ai cũng có khả năng làm một việc khác như anh đã nói.

Kiệt: Đúng, mình hiểu.

Ngọc Thu: Họ không thể làm gì khác. Họ không có Anh văn, không có trình độ, không có khả năng, và không có nghề gì khác để đi ra khỏi nghề nail này để với qua một nghề khác được. Họ chỉ rất an phận để làm nghề này kiếm tiền nuôi gia đình. Người nào có cơ hội hơn hoặc có trình độ tốt hơn thì đã bỏ nghề nail rồi, nhất là những người trẻ. Họ làm để tạm thời kiếm tiền trong thời gian đi học hoặc nuôi gia đình lúc đó. Tới mức độ nào đó thì họ bỏ nghề, hoặc đi làm chủ, hoặc làm hãng khác.

Trà Mi:
Lúc nãy anh Kiệt và chị Đăng có cho biết đang đi học đại học rồi theo nghề này. Nhưng sau đó, vì sao các bạn không thăng tiến tiếp trên con đường học vấn với trình độ của mình ạ?

Kiệt: Có chứ chị, nhưng mình có tiệm để gia đình coi, mình cũng có việc khác làm riêng ở ngoài.

Hải Đăng:
Bản thân em, em nghĩ có thể em sẽ đổi nghề. (cười)

Trà Mi:
Nghề này có nhiều vui-buồn, có vị ngọt, vị đắng, nhưng niềm an ủi là nó cho mình một mức thu nhập ổn định để có thể tính toán những chuyện khác cho tương lai sau này. Đó cũng là một trong những lý do mà những người trẻ Việt Nam ở Mỹ chọn và đi theo nghề nail. Trước khi kết thúc chương trình, là những người trẻ theo nghề nail mà người Việt thống lĩnh thị trường ở Mỹ, các anh chị có tâm tình hay trăn trở gì muốn chia sẻ không?

Ngọc Thu:
Khoảng 10 năm gần đây, cách làm việc của người Việt mình đã đưa trình độ tiệm nail lên một mức mới, không còn bị nhìn thấp. Người ta quý nó hơn chút xíu. Mình khuyên các bạn trong nghề hãy yêu nghề, vì dù sao nó cũng giúp được gia đình rất nhiều. Nhưng các em trẻ nếu có khả năng đi học thì hãy theo con đường đại học, tốt nghiệp ra làm việc có tương lai hơn. Nghề nail mục đích tốt, nhanh lẹ kiếm tiền, nhưng chỉ tới đó mà thôi.

Kiệt: Nghề này tốt cho những người trẻ mới qua muốn vừa kiếm tiền vừa đi học.

Trà Mi:
Thay mặt các thính giả và độc giả của chương trình Tạp chí thanh niên của đài VOA, Trà Mi xin cảm ơn các anh chị rất nhiều đã dành thời gian và những chia sẻ rất chân tình trong cuộc nói chuyện hôm nay.

Tạp chí Thanh Niên và Trà Mi xin chào tạm biệt và hẹn tái ngộ quý vị trong chương trình 10 giờ tối thứ ba hằng tuần của đài VOA.

source

VOA Vietnamese

Wednesday 10 March 2010

Chung tình


February 05, 2010


GIAO CHỈ SJ-ViệtTribune

Còn nhớ không em?

Trong câu chuyện 35 năm nhìn lại, chúng tôi ghi được biết bao nhiêu sự kiện và nhân vật. Tài liệu thì nhiều, với một chút chủ quan và tình cảm riêng tư, chỉ có thể viết lại một số hết sức hạn chế. Tuy nhiên cũng đủ thể hiện được những câu chuyện tiêu biểu qua nhiều lãnh vực. Những sinh hoạt cộng đồng, gương hy sinh, những giây phút bên nhau trong tình quê hương, trong tình bằng hữu và tình nghĩa (...). Nhưng xem đi xem lại, chúng tôi còn thiếu một đề tài rất quan trọng của cả một đoạn trường. Một đề tài vượt thời gian, vượt không gian, vượt biên giới của thù nghịch, ra ngoài khuôn khổ của chính trị. Ðó là chuyện tình. Vì vậy xin kể một chuyện tình rất bình dị, bắt đầu từ sân trường trung học Vũng Tàu qua đến đại học của một thành phố Sài Gòn đổi tên. Chuyện (...) bất thành, rồi 10 năm đợi chờ ODP. Câu chuyện một thanh niên xây dựng lại sự nghiệp bằng công việc bán vé số đầu đường ở Việt Nam cho đến lúc đi bỏ báo tại San Jose. Sau cùng, trở thành một chuyên gia có chút công danh và sự nghiệp trên quê hương mới. Nhưng điều quan trọng nhất là trước sau anh chỉ có một mối tình. Một gia đình biết bao nhiêu nghịch cảnh. Một gia đình bất toàn vẫn còn mang nặng khó khăn có thể cho đến lúc mãn chiều xế bóng. Một mối tình học trò đầy thử thách nhưng luôn luôn lạc quan và sau cùng phải được gọi là hết sức chung thủy.

Phải chăng trong suốt cuộc chiến Việt Nam hơn 20 năm cộng với 30 năm (...)chúng ta thường quên trong văn tự Việt Nam vẫn còn hai chữ chung tình.

Sau 35 nhìn lại, xin gởi đến quý vị câu chuyện tình:
Em còn nhớ hay em đã quên. Luôn luôn anh vẫn là kẻ chung tình.

Ðôi mắt huyền diệu
Chuyện rất giản dị và gần gũi với cuộc sống của chúng ta. Mở trang quảng cáo của một văn phòng nha sĩ trên Việt Tribune chúng ta thường thấy hình màu của một phụ nữ với hàm răng xinh đẹp. Nhưng ai cũng cho rằng đôi mắt của cô mới thật huyền diệu. Chính người chồng bác sĩ nha khoa đã đem hết tài nghề của một thời chụp hình dạo trên bãi biển Vũng Tàu để tô điểm bức hình quảng cáo cho văn phòng của mình. Đôi mắt đẹp đẽ và huyền diệu của người vợ bây giờ thực sự chỉ nhìn thấy những hình ảnh rất mờ nhạt của cuộc đời. Mãi mãi cô chỉ còn ghi nhận được chân dung lần cuối của người chồng vào đầu thập niên 90.
Suốt 20 năm qua, từ lúc gia đình đến San Jose, cô chỉ còn nghe mỗi ngày tiếng nói của anh với hình ảnh của người yêu lờ mờ sương khói. Cô không phải là người khiếm thị từ lúc sơ sinh. Phải sau 2 năm đại học, sống với tình yêu rồi mắt cô mờ dần và trong tim không còn hình ảnh của ai khác nữa. Chỉ còn hình ảnh một người. Khi mới bước chân vào đại học, Mai đã cảm thấy đôi mắt mang mầm bệnh, nhưng vẫn còn hy vọng ở nền y khoa tiến bộ. Vẫn cố gắng theo học đồng thời tìm hết cách chữa bệnh. Cô sống trong hy vọng và sống với tình yêu.

Mối tình học trò, mối tình sinh viên
Sinh trưởng ở Vũng Tàu và cùng học một trường trung học, thời kỳ 60-70 lúc đó là trường công duy nhất. Công Huyền Tôn Nữ Quỳnh Mai là nữ sinh xuất sắc nhất trường. Trong khi đó cậu Nguyễn Hoàng Tuấn, trong tuổi thiếu niên suốt ngày ham vui với biển xanh và sân cỏ nhưng vẫn nổi tiếng học giỏi trong ph,ía nam sinh.

Khi lên lớp 10 cho đến lớp 12 thì nam nữ học chung. Tuấn bắt đầu để ý đến Quỳnh Mai. Cô Mai có chiếc xe đạp để đi học. Bài ca tình yêu học trò thường hát ngày nay đã rất hợp với câu chuyện tình ngày xưa. Hoa Phượng nở đầy trời Vũng Tàu. “Chiếc giỏ xe chở đầy hoa Phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu”. Một tấm hình cô học trò bé nhỏ dừng xe trò chuyện với bạn trai ốm yếu tong teo, ngày nay đã trở thành di sản quý báu của tình yêu.
Khi cả hai trưởng thành, qua thời trung học 75 là lúc miền Nam đổi đời.

Quỳnh Mai, trái, và Nguyễn Hoàng Tuấn thuở yêu nhau thời Trung học tại Vũng Tàu, Việt Nam. PHOTO GIA ĐÌNH

Năm 1979 là khúc quanh của cuộc đời đôi bạn. Con đường vào đại học Sài Gòn hết sức chông gai, cả miền Nam ai cũng biết câu chuyện học tài, thi lý lịch. Quỳnh Mai thi vào đại học tổng hợp. Tuấn thi vào y khoa. Ðối với Tuấn đây là kỳ thi sống chết, vì anh đã có giấy gọi đi nghĩa vụ. Con đường (...) qua Campuchia đã mở rộng. Cả 2 gia đình đều không có liên hệ (...) nhưng cũng chỉ là thường dân nên (...) vẫn được coi là nhẹ. Vấn đề là bài thi phải hết sức xuất sắc. May mắn, cả hai đều được tuyển. Riêng anh Tuấn được biết rằng năm đó Sài Gòn tuyển được 300 sinh viên vào y khoa. 150 hoàn toàn do (...) và 150 thuộc loại không có vấn đề nhưng bài thi phải rất khá. Như vậy là lớp y khoa Thành Hồ bắt đầu với một nửa (...) nhập học nhờ lý lịch cùng với một nửa giỏi nhất miền Nam. Nếu xác định cường điệu này không đúng 100% thì cũng gần như vậy
Trước ngày đôi trẻ lên đường vào đại học, anh Tuấn chính thức tỏ tình với Quỳnh Mai. Dưới mây trời Vũng Tàu 1979, lời hẹn ước đưa ra. Ðôi ta thề yêu nhau trọn đời. “Yêu ai, yêu cả một đời.”
Tiếp theo 2 năm đại học, so với tuổi trẻ khác cuộc sống của Quỳnh Mai và Tuấn vẫn còn có thể vượt qua những khó khăn về vật chất và tinh thần trong chế độ mới. Tuy có vất vả nhưng vẫn chưa phải là nỗi đau thương chính của câu chuyện tình.

Khi đôi mắt của Quỳnh Mai cứ mờ dần và cô không còn khả năng học tiếp. Mai không nhìn thấy chữ trên bảng và đi xe đạp thường bị tai nạn. Cặp mắt trong sáng linh động, nhưng thực sự cô không còn nhìn thấy gì nữa, nhất là vào buổi tối. Cuộc sống bắt đầu đi vào con đường chỉ thấy đêm dài một đời. Cả nhà tìm hết cách chữa bệnh nhưng tại Việt Nam vào thời đó kết quả vô phương. Sau cùng chỉ còn một con đường duy nhất. Tuấn dẫn Quỳnh Mai bỏ học để (...). Mục đích thực sự của chuyến đi không phải là tìm tự do mà là đi tìm ánh sáng cho người yêu. Hy vọng vào nền y khoa tại Hoa Kỳ.

Chuyến (...) thất bại. Tất cả đều bị bắt. Quỳnh Mai vì khiếm thị nên được thả. Tuấn bị tù 6 tháng. Cả hai chấm dứt cuộc đời sinh viên. Ðặc biệt đối với Tuấn, giấc mơ tốt nghiệp y khoa tan tành. Hai người trở lại Vũng Tàu chật vật với cuộc sống ngày càng khó khăn. Quỳnh Mai cố gắng kèm trẻ học Anh văn với cặp mắt khi tỏ khi mờ. Tuấn bắt đầu đi bán vé số qua ngày.

Mọi người vẫn còn nhớ năm 79 cả Vũng Tàu chỉ có hai người đậu vào y khoa Sài Gòn. Radio đọc tên cậu Tuấn khắp xóm, gia đình hết sức tự hào. Vì vậy có tin Tuấn bị tù, gia đình và bạn bè ai cũng cho rằng bỏ trường y khoa đầy hứa hẹn để đưa người yêu khiếm thị vượt biên là một quyết định nhầm lẫn
Nhưng làm sao cắt nghĩa được tình yêu.

Ông Trời ngó lại
Nhưng Tuấn không phải bán vé số suốt đời. Với số tiền dành dụm, anh mua chịu được 1 máy ảnh và trở thành anh chàng chụp hình dạo ở bãi biển cho các du khách bắt đầu trở lại Việt Nam.
Nghề lại dạy nghề, Tuấn tìm cách làm phòng tối rửa hình và cuộc sống vươn lên từ đó. Khi bắt đầu có đồng ra đồng vào, Tuấn vẫn còn nhớ đến lời hẹn ước với cô Quỳnh Mai và cả hai bắt đầu xây dựng gia đình. Lễ hỏi và lễ cưới của anh chàng chụp hình với bộ hình kỷ niệm còn đầy đủ. Rồi đứa con trai đầu tiên ra đời. Cô vợ trẻ sống bên chồng, nương tựa vào anh đủ cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Vì quá thất vọng với chuyện (...) nên cả 2 phía gia đình đều trông cậy vào hồ sơ đoàn tụ do các anh chị bảo lãnh. Sau 10 năm chờ đợi, 1990 anh thợ chụp hình Vũng Tàu đem vợ con qua Mỹ và định cư tại San Jose. Bà con ODP ai mà chẳng biết, diện này là diện mồ côi, chính phủ dứt khoát bắt phải 5 năm tự túc. Gia đình chỉ có thẻ Medicare, bông sữa và một phần Food stamp. Anh chàng Tuấn lúc đó đã 30 tuổi, Anh ngữ vẫn ở trình độ ESL, giấc mơ học bác sĩ vẫn còn khi ẩn khi hiện. Nhưng đối diện thực tế nên vẫn phải tìm đường lao động nuôi gia đình. Một mặt vẫn tìm cách cho vợ đi chữa bệnh, mặt khác phải tìm cách sinh tồn.
Những ngày đầu tại Cali, Tuấn làm đủ mọi nghề. Từ Tacco Bell cho đến Assembly. Có những buổi sáng sớm lại còn chạy thêm 1 “Rao” báo Mercury News. Quỳnh Mai vẫn còn nhớ rằng nửa khuya Tuấn đi bỏ báo rồi về ngủ lại một lát, tiếp theo là một ngày dài vừa đi học, vưà đi làm. Cô rất buồn là không giúp gì được cho chồng. Ðứa con gái thứ nhì ra đời, nhưng cháu lại có bệnh chậm phát triển, không được như đứa con trai đầu lòng, hết sức thông minh và chăm chỉ. Với hoàn cảnh khó khăn đủ mọi bề, anh Tuấn cố chịu đựng để tìm đường vươn lên. Sau những năm đầu vất vả, gia đình được chính phủ cho trợ cấp. Các cán sự Việt Nam thông cảm, Nguyễn Hoàng Tuấn quyết tâm theo đuổi con đường đại học. Nhưng biết giới hạn của cá nhân và gia đình, Tuấn theo học nha khoa dù sao cũng đỡ vất vả hơn ngành y.

Vào đại học là anh phải bỏ lại “Rao” báo, từ giã Tacco Bell và rất hân hoan khi được tin bị lay off từ hãng điện. Khó khăn mấy rồi cũng xong. Trong thời gian sinh viên, Tuấn vẫn còn sức sinh hoạt với cộng đồng. Anh là chủ tịch hội sinh viên Việt Nam tại Mission nhiệm kỳ 92-94 và đồng chủ tịch sinh viên liên trường 1994. Trong nhiệm vụ này anh đã phối hợp sinh viên tham gia Ði bộ cho thuyền nhân và gây quỹ cho trẻ em khuyết tật. Tuấn rất quen thuộc với sinh hoạt của Liên hội người Việt tại San Jose.

Năm 2001 sinh viên Nguyễn Hoàng Tuấn tốt nghiệp nha khoa bác sĩ tại UCLA và bắt đầu đi tìm việc làm. Xem lại cuộc đời của chàng trai Vũng Tàu, vất vả nhất là kỳ bán vé số ở Việt Nam cùng với những ngày mưa đi bỏ báo ở Hoa Kỳ.Trong đời anh trải qua bao nhiêu dâu bể, nhưng người yêu mãi mãi vẫn tình xưa nghĩa cũ.

Quỳnh Mai, trái, và Nguyễn Hoàng Tuấn ngày nay, 10 2009 tại Caribbean. PHOTO GIA ĐÌNH

Kẻ lông mày cho Triệu Minh
Thuở xưa, đọc chuyện Kim Dung nói đến tình yêu, bao nhiêu độc giả xúc động vì anh chàng Trương vô Kỵ nói rằng, phen nầy ta từ giã chốn giang hồ, về kẻ lông mày cho người yêu bé bỏng Triệu Minh.
Xem ra, chỉ là chuyện lãng mạn tô điểm cho tiểu thuyết thêm hương vị. Nhưng ở đây, nha sĩ Tuấn từ lúc đưa vợ qua Mỹ, anh vẫn là người chọn áo cho vợ, và thực sự lo trang điểm cho đến ngày nay. Không cần văn sĩ Kim Dung nhắc nhở, cậu Tuấn vẫn hằng ngày đóng vai Vô Kỵ để kẻ lông mày cho cô Triệu Minh gốc Huế, Công Huyền Tôn Nữ Quỳnh Mai. Sau khi y khoa Mỹ cũng bó tay không giúp được Quỳnh Mai, gia đình có cô con gái trưởng thành, xinh đẹp nhưng sao suốt ngày bi bô như trẻ thơ, người mẹ buồn cho phần số hẩm hiu nên thương khóc ngày đêm đã làm cho bệnh của đôi mắt càng thêm khép kín.

Ðôi khi bà con ta gặp anh chị trong những lần hội họp, nhìn người vợ vẫn tưởng chị thấy đươc mọi chuyện tinh tường. Nhưng sự thực thế giới đối với chị bây giờ luôn luôn mờ mờ nhân ảnh. Người ngoài không biết, ngạc nhiên khi thấy anh chị luôn luôn cặp kè sát bên nhau. Ðâu biết rằng anh mãi mãi là đôi mắt của em. Luôn phải bên nhau từng bước một. Khi Quỳnh Mai mất thị giác, trí nhớ bắt đầu phát triển nên anh giúp cô tiếp tục sống cuộc đời hữu dụng. Bằng một thái độ rất lạc quan, chấp nhận mọi nghịch cảnh, cùng với sự yểm trợ của đại gia đình, và tình sâu nghĩa nặng, Tuấn đã giúp Mai vượt qua mọi thử thách. Cô lên Radio đóng vai quảng bá cho văn phòng nha sĩ. Tiếng nói dịu dàng và thông quán các công việc của nha khoa đã lôi cuốn nhiều thính giả. Tuy nhiên đôi khi cũng có người không biết thấy cô có vẻ lạnh lùng. Quỳnh Mai nói rằng, con có thấy gì đâu mà cười với người ta.

Câu chuyện tình thầm lặng ở San Jose nhưng đã bắt đầu từ sân trường trung học Vũng Tầu, khi đôi bạn cùng chung ban toán. Anh làm lớp trưởng, em làm lớp phó. Mắt em vẫn trong như hồ thu, ghi mãi hình ảnh anh Tuấn gầy gò ốm yếu. Trong khi tâm sự chuyện gia đình, Tuấn luôn luôn nói rằng niềm hạnh phúc là lấy được Quỳnh Mai. Vợ cháu đã giúp chồng vươn tới ý nghĩa Chân Thiện Mỹ của con Người. Khổ hạnh bất toàn của một người là niềm đau chung của cả gia đình. Gia đình phải trở thành một đơn vị để cùng đứng bên nhau trong mọi hoàn cảnh. Tuy vậy, chính tinh thần lạc quan, pha với tính vui đùa nha sĩ Tuấn đã phàn nàn rằng:” Bác thấy không, ngày nay con đã khác thủa xưa. Không còn tang thương như lúc mới ở tù ra, đi bán vé số. Nhưng tiếc thay cô vợ không bao giờ thấy con đẹp trai.”
Bác xin nói với anh chị rằng. Chị không cần nhìn thấy rõ cuộc đời. Xin hãy giữ lại mãi mãi hình ảnh của tuổi 18 ở sân trường trung học. Có cậu học trò tên Nguyễn Hoàng Tuấn, ngập ngừng tỏ mối tình đầu. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, mối tình vẫn còn giữ mãi đến hôm nay. Không có điều gì trên thế gian này có thể so sánh được. Ðẹp trai hay đẹp lão rồi cũng qua đi. Danh vọng tiền tài cũng không phải là vĩnh cửu. Tình nghĩa chung thủy sẽ ở lại muôn đời.
Suốt 35 năm qua, cộng đồng của chúng ta đã có biết bao nhiêu danh từ đao to búa lớn đem ra sử dụng. Nhưng có hai chữ chẳng ai đụng tới. Bây giờ bác đem ra tặng hai cháu. Ðó là hai chữ Chung Tình.[GCSJ]

source

Viet Tribune Online

Tuesday 9 March 2010

“Luật pháp không thay đổi, nhưng khi áp dụng... thì có thể khác nhau”


Cập nhật lúc 1:56:50 AM - 10/03/2010

NguyenConf5621re.jpg


Thẩm phán Liên bang Jacqueline Nguyễn Thị Hồng-Ngọc – ảnh: Văn phòng Tòa án Liên bang cung cấp.


Bách Lam/Viễn Đông (thực hiện)


LOS ANGELES – Giữa năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã đề cử và Thượng Viện Hoa Kỳ phê chuẩn một thẩm phán người Mỹ gốc Việt đầu tiên tham dự vào ngành tư pháp liên bang. Với tỷ lệ phiếu thuận 97-0, bà Jacqueline Nguyễn Thị Hồng Ngọc, 45 tuổi, đã được Thượng Viện đồng lòng chấp thuận hồi cuối năm ngoái để trở thành thẩm phán liên bang khu vực Trung California, gồm các quận hạt Orange, Los Angeles, San Bernadino, Riverside, Ventura, Santa Barbara, và San Luis Obispo.

Jacqueline Nguyễn tốt nghiệp đại học Occidental College năm 1987, đậu Tiến sĩ Luật khoa đại học UCLA năm 1991. Bà làm việc cho một công ty luật ở Los Angeles từ khi ra trường đến năm 1994. Sau đó bà chuyển sang làm công tố viên cho văn phòng Công tố Liên bang khu vực Trung California từ năm 1995 đến năm 2000. Cựu Thống đốc Gray Davis bổ nhiệm bà vào chức vụ thẩm phán Tòa Thượng Thẩm Quận Los Angeles từ năm 2002 cho đến khi bà được Tổng thống Obama đề cử vào chức vụ mới.

Bà Jacqueline Nguyễn lập gia đình với một luật sư làm cho văn phòng Công tố Liên bang ở Los Angeles. Song thân của bà là ông bà Thiếu tá Quân đội Nguyễn Bình, phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Gia đình bà ở Đà Lạt đến năm 1975 thì sang tị nạn tại Hoa Kỳ.

Thẩm phán Jacqueline Nguyễn đã chính thức nhận nhiệm sở liên bang từ tháng 12-2009 trong một nghi thức tuyên thệ đơn giản ở văn phòng địa phương. Thứ Sáu tuần này, 12-3-2010, bà sẽ có một buổi lễ nhậm chức chính thức dành cho khách mời, gia đình, và thân hữu tại Tòa án Khu vực Trung California ở Los Angeles. Chiều thứ Ba, 9-3-2010, Thẩm phán Liên Bang Jacqueline Nguyễn Thị Hồng-Ngọc đã dành cho Viễn Đông một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.


Viễn Đông: Xin chúc mừng bà đã bắt đầu công việc mới. Bà đã từng làm một luật sư cho một công ty luật, rồi chuyển sang làm công tố cho văn phòng Công tố Liên bang Hoa Kỳ, nghĩa là bà đã đứng đại diện cả hai phía trong nhiều vụ tranh tụng, sau đó mới chuyển qua làm thẩm phán một Tòa Thượng Thẩm. Cơ duyên nào đưa đẩy bà vào công việc của một thẩm phán, vốn rất khác biệt với hai công việc luật sư và công tố?

Thẩm phán Liên bang Jacqueline Nguyễn: Sau khi ra trường luật, tôi may mắn được vào làm cho một công ty luật với nhiều cơ hội tốt, một kinh nghiệm làm việc mà tôi rất yêu thích. Nhưng tôi vẫn thấy muốn phục vụ công chúng. Đang làm cho Musick, Peeler & Garrett, tôi gặp một số đồng nghiệp vừa rời ngành công tố để nhận việc tại một công ty tư nhân và một số người khác đang làm trong văn phòng Công tố Liên bang. Sau khi nói chuyện với họ, tôi cảm nhận rằng mình có lẽ thích hợp hơn với công việc công quyền. Văn phòng Công tố Liên bang tại địa phương này lại là một trong những nơi có công việc tuyệt vời nhất trong ngành luật tại Los Angeles. Những vụ kiện nơi đây rất lý thú, lại có nhiều cơ hội cho tôi tranh cãi trước tòa trong khi tuổi còn khá trẻ. Và cơ hội nhận công việc mới đã đến với tôi. Rồi từ đó, tôi có 8 năm rất tốt đẹp làm công tố viên cho Văn phòng Công tố Liên bang. Sau một thời gian, tôi lại nghĩ rằng mình có thể thay đổi công việc lần nữa. Với sự khuyến khích của những người hướng dẫn, cố vấn cho tôi trong ngành, tôi thử bước chân vào sự nghiệp của một thẩm phán. Mới đầu, tôi hoàn toàn không nghĩ đến việc làm một thẩm phán. Nhưng có lẽ những đồng nghiệp nhìn mình và phán đoán về mình giỏi hơn là chính mình; họ cho tôi là người thâm trầm, có thể làm công việc thẩm phán được. Sau khi suy nghĩ khá lâu, tôi quyết định nộp đơn và may mắn được nhận làm thẩm phán do cựu Thống đốc Gray Davis bổ nhiệm.


Viễn Đông: Là một công tố viên, bà đã từng làm việc trong những lãnh vực luật pháp nào?

TPLB Jacqueline Nguyễn: Tôi bắt đầu với một ban chuyên khởi tố những vụ án tội phạm thông thường. Sau đó, tôi dời qua ban trưng dẫn chi tiết hình sự. Kế tiếp là một ban chuyên về những vụ tham nhũng và lừa gạt trong chính phủ, rồi đến ban chuyên về những tội phạm có tổ chức. Cuối cùng, tôi trở lại ban chuyên về tội phạm thông thường để huấn luyện các công tố viên trẻ mới vào ngành trong cương vị một Phụ tá Công tố viên Trưởng. Nói chung, tôi thích gặp những thử thách mới và tạo cơ hội cho chính mình có nhiều kinh nghiệm đa dạng.


Viễn Đông: Khối kinh nghiệm đa dạng đó sẽ giúp bà ra sao trong công việc mới của một thẩm phán?

TPLB Jacqueline Nguyễn: Đương nhiên là rất hữu ích. Tôi cũng đã quen thuộc với hệ thống luật pháp liên bang, và điều này giúp tôi rất nhiều. Những thể loại các vụ án tôi đã giúp khởi tố trong vai trò một công tố viên, nay tôi gặp lại ở cương vị một thẩm phán. Công việc truy tố rất khác với vai trò một người đưa ra quyết định công lý.


Viễn Đông: Khi làm công tố viên, bà nhớ nhất những trường hợp vụ án nào?

TPLB Jacqueline Nguyễn: Cho phép tôi không nói về một trường hợp nào cụ thể, vì hiện nay tôi đang làm công việc của một thẩm phán. Nhưng rõ ràng là tôi đã nhận nhiều vụ án rất thú vị và đa dạng.


Viễn Đông: Bây giờ làm thẩm phán, nghĩ lại, bà có thấy mình có thể thuyết phục chính mình với những bằng chứng cho một vụ án nào đó do bà đưa ra khi còn làm công tố viên không?

TPLB Jacqueline Nguyễn: Đây cũng là một điều thú vị, vì trước khi nhận trách nhiệm bên phe công tố, tôi cũng từng nhắm đến công việc của một luật sư bào chữa công (người được giao nhiệm vụ biện hộ miễn phí cho những nghi can không mướn luật sư tư nhân). Hai công việc, đối với tôi lúc đó, là một chín một mười. Sau cùng, tôi chọn làm công tố viên vì nhận thấy văn phòng Công tố cho tôi những cơ hội thích hợp với khả năng và ý thích của mình hơn.

Còn trong vai trò thẩm phán bây giờ, nếu đặt lại câu hỏi là tôi có thể trở nên công bằng trong những quyết định của mình hay không sau khi đã làm một công tố viên, thì tôi không thấy đó là vấn đề. Nhiệm vụ của một thẩm phán là áp dụng luật pháp một cách chặt chẽ và cho cả hai phe công tố lẫn biện hộ một cuộc xử án công bằng. Cho nên, từ một công tố viên chuyển sang làm thẩm phán, tôi thấy khá dễ dàng.


Viễn Đông: Có lẽ vì không có hai vụ án nào giống nhau?

TPLB Jacqueline Nguyễn: Mỗi vụ án tiến triển tùy theo các sự kiện của vụ án đó. Luật pháp không thay đổi, nhưng khi áp dụng luật pháp vào từng trường hợp, hoàn cảnh cụ thể thì có thể khác nhau. Và đây là điểm quan trọng nhất.


Viễn Đông: Khi nào thì bà áp dụng luật một cách chặt chẽ, còn khi nào thì bà phải đắn đo hơn?

TPLB Jacqueline Nguyễn: Có những trường hợp tương đối dễ dàng, đó là khi luật pháp hướng dẫn rõ ràng và mình chỉ cần áp dụng thật đúng vào phán quyết của mình. Những trường hợp khác khó khăn hơn vì phức tạp hơn, và nhiệm vụ của thẩm phán lúc đó là xem hết bộ luật ứng dụng cho địa hạt của mình, trong trường hợp của tôi là địa hạt số 9, để cho ra một quyết định sau cùng. Nghĩa là, nếu mình không tìm được một trường hợp trước đây đã có phán quyết rõ ràng để noi theo, thì mình phải xem lại tất cả luật lệ một cách tổng quan, xem những phán quyết trước đây như thế nào, và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định.


Viễn Đông: Hồi còn là học sinh, bà có tham dự những sinh hoạt ngoại khóa đưa bà vào con đường phục vụ luật pháp không?

TPLB Jacqueline Nguyễn: Ồ, không, hồi mới qua đây năm 1975, tôi được gần 10 tuổi. Lúc đó tôi còn học Anh văn trong các lớp ESL. Sau khi vào đại học, tôi nghĩ mình sẽ đi về ngành y, học Pre-Med, theo ý hướng của cha mẹ tôi. Cha mẹ tôi, như nhiều bậc phụ huynh khác, mong muốn con mình trở thành bác sĩ. Nhưng tôi không có duyên với các ngành khoa học cho lắm, mà lại rất thích ngành nhân văn học. Tôi yêu thích văn chương Anh ngữ. Do đó, tôi chọn chuyên ngành văn chương Anh và tốt nghiệp cử nhân ngành này. Không ngờ, chuyên ngành này lại giúp tôi rất nhiều khi học Luật, vì phải đọc, viết, và phân tích rất nhiều. Khi mới ra đại học, thật khó tìm việc làm vì có rất ít công việc cho một cử nhân Anh văn. Nên tôi thi LSAT (cuộc thi để vào trường luật), đậu điểm khá cao, rồi nộp đơn vào trường luật. Thật ra, khi còn nhỏ, tôi không được như các bạn trẻ bây giờ, rất ngăn nắp, quyết đoán, biết mình làm gì. Lúc đó, tôi thực sự chưa biết mình muốn làm gì, vì thời đó, tôi chưa được gặp ai làm trong ngành luật để tìm hiểu thiên hướng của mình. Và cũng may mắn là tôi đã tìm ra đường vào ngành luật.


Viễn Đông: Điều bà vừa kể có thể giúp cho một số thanh thiếu niên hiện nay chưa tìm ra định hướng nghề nghiệp cho riêng mình.

TPLB Jacqueline Nguyễn: Tôi cũng thường đi nói chuyện nhiều nơi, chia sẻ kinh nghiệm của mình với các em. Tôi cho các em thấy rằng, có thể lúc đầu mình còn bỡ ngỡ, còn lúng túng, nhưng như trường hợp của tôi thì đến giờ này có thể nói là tôi cũng đã khá ổn định và tương đối thành công trên con đường mình chọn. Tôi nghĩ rằng, đối với những em nào đã có sẵn định hướng nghề nghiệp rõ ràng, đó là điều rất tuyệt vời. Tuy nhiên, hãy cứ để cho mình cơ hội, cứ mở mắt nhìn xung quanh, biết đâu lại gặp những gì khác hay ho hơn. Còn đối với những em chưa biết phải làm gì trong cuộc sống, cũng không sao. Hãy đi tìm cho mình những gì mình thực sự yêu thích, thực sự muốn theo đuổi, để làm động lực thúc đẩy mình đi tới. Như trường hợp của chính mình, tôi đã tìm được công việc mà mình yêu mến, và điều đó còn quan trọng hơn cả tiền bạc kiếm được. Trong suốt sự nghiệp của tôi, tôi cũng đã từng có một số quyết định không đưa đến lợi tức khả quan lắm, nhưng tôi luôn luôn cảm thấy hạnh phúc với quyết định của mình. Và tôi thường hay nhắc nhở các bạn trẻ về điều này.


Viễn Đông: Một tuần bà làm việc bao nhiêu giờ? Chắc là phải hơn 40 tiếng?

TPLB Jacqueline Nguyễn: (Cười) Thật ra công việc không bao giờ chấm dứt. Tại tòa án ở khu vực Trung California nơi tôi làm việc, công việc chất cao như núi. Tôi có cảm tưởng như không có đủ thời giờ trong ngày để làm tất cả những gì mình phải làm. Lúc nào công việc cũng còn đó. Đây cũng là một thử thách cho những ai làm công việc này về lâu về dài, trừ phi người đó rất là yêu nghề. Tôi làm việc trong ngày, ban đêm, cả cuối tuần nữa, mà vẫn không thấy quá sức chịu đựng vì tôi yêu công việc.


Viễn Đông: Từ khi nhận nhiệm sở đến nay, bà đã phải làm việc với bao nhiêu vụ án, vụ kiện?

TPLB Jacqueline Nguyễn: Hiện tại, tôi có trong tay hồ sơ của hơn 350 vụ kiện dân sự và có khá nhiều những trường hợp hình sự nữa.


Viễn Đông: Bà có phải đi xa nhiều không?

TPLB Jacqueline Nguyễn: Vâng, tôi đi vì công việc ở thủ đô Washington cũng vài lần, mới tuần rồi thì đi Texas.


Viễn Đông: Bà có nghĩ là đến lúc nào đó có thể thảo luận về một vụ án, vụ kiện cụ thể không? Nhất là sau khi vụ kiện hay vụ án đó xem như đã đóng sổ?

TPLB Jacqueline Nguyễn: Tôi không muốn nói đến trường hợp nào cụ thể. Ngay cả khi hồ sơ đó xem như đã xong, tôi không cho là mình nên nói về chi tiết một trường hợp nào.


Viễn Đông: Mà thực ra một vụ án hay một vụ kiện có lẽ không bao giờ thực sự “đóng sổ” phải không?

TPLB Jacqueline Nguyễn: (Cười) Thực sự thì mình không thể biết được một vụ án hay vụ kiện có thể trở lại dưới hình thức nào.


Viễn Đông: Bà có được mấy người con?

TPLB Jacqueline Nguyễn: Chúng tôi có hai đứa con, một đứa 8 tuổi, một 10 tuổi.


Viễn Đông: Công việc bận như vậy, bà có dành được nhiều thời giờ cho các con không?

TPLB Jacqueline Nguyễn: Tôi luôn luôn cố gắng tìm thời gian cho các con. Công việc thì lúc nào cũng còn đó, nhưng con cái mình thì lớn rất nhanh. Các con tôi là ưu tiên hàng đầu. Đó cũng là khó khăn cho người phụ nữ vừa có sự nghiệp riêng, vừa có gia đình, và phải làm sao cân bằng được cả hai bên.


Viễn Đông: Một câu hỏi chót, lúc ra Ủy ban Thượng Viện để được phê chuẩn, bà cảm thấy thế nào?

TPLB Jacqueline Nguyễn: Quả là một kinh nghiệm rất thú vị cho tôi. Chẳng có gì giúp tôi chuẩn bị được cho lần bước qua ngưỡng cửa Điện Capitol của Quốc Hội để vào căn phòng nơi cuộc điều trần của Ủy ban Thượng Viện diễn ra. Chúng ta đã từng xem những buổi điều trần tương tự trên truyền hình. Tôi cũng để nhiều tâm trí vào việc chuẩn bị tinh thần cho buổi đó. Nhưng khi bước vào thì đúng là một sự ngạc nhiên chưa từng thấy. Tôi được một bữa thích thú, một kinh nghiệm đáng nhớ. Và buổi điều trần diễn ra tốt đẹp. Còn kết quả phiếu bầu chắc cũng đã nói lên điều đó (Cười).


Viễn Đông: Xin cám ơn Thẩm Phán đã dành thời giờ trả lời phỏng vấn Viễn Đông.


source

Vien Dong Daily

********************

Luật sư Lê Thị Công Nhân xác định sẽ tiếp tục (...)

Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 10/03/2010 Cập nhật lần cuối ngày 10/03/2010 18:01 TU

Luật sự Lê Thị Công NhânD.R

Luật sự Lê Thị Công Nhân
D.R

Theo hãng tin Pháp AFP, trả lời phỏng vấn qua điện thoại ngày 10/03/2010, nhà luật sư trẻ vừa mãn hạn tù 3 năm, cho biết là cô sẽ tiếp tục cuộc (...), kể cả khi cô bị "gạt ra bên lề xã hội''.

Theo luật sư Lê Thị Công Nhân, thời gian tù tội vừa qua chỉ giúp cô ''kiên định thêm niềm tin'' trong công cuộc đấu tranh.

(...)

source
FRI Vietnamese