Monday 23 May 2011

Tay golf thiếu niên thượng thặng



Cập nhật lúc 7:11:06 PM - 19/05/2011
Vincent Thái/Viễn Đông (chụp hình và ghi nhận)

BRITTANY-MAI.jpg


Brittany Alexis Mai, 17 tuổi
Học sinh trung học Poway High School
cư ngụ tại Poway, California, trong Quận San Diego



Vincent:
Tôi biết bạn là một cầu thủ tích cực chơi golf, vậy trước hết bạn có thể nói cho tôi biết bạn bắt đầu chơi môn golf như thế nào?
Brittany: Đúng ra tôi là một người thi đấu trong môn trượt băng nghệ thuật, còn golf chỉ là một môn giải trí mà thôi. Cha tôi trước đây chơi golf rất nghiêm chỉnh, vì vậy ông giới thiệu bộ môn thể thao này cho tôi và em trai tôi, khi tôi lên 9 tuổi, còn em tôi mới 6 tuổi. Ông ghi danh cho chúng tôi tham gia những trận tranh tài môn golf cho vui mà thôi, ở San Diego. Nhưng cả hai anh em tôi đều tiến bộ, đủ điều kiện để thi đấu Callaway Junior World, giải khúc côn cầu thế giới dành cho thiếu niên. Chính vào thời điểm ấy, ở độ tuổi 13, tôi đã phải lựa chọn giữa golf và trượt băng nghệ thuật để làm bộ môn thể thao toàn thời gian. Tôi thích mặc đồ đẹp, yêu chuộng khiêu vũ, thích trình diễn trên sân băng, cùng một lúc. Tôi cũng ưa gặp gỡ những bạn bè mới, không những tại địa phương ở San Diego, mà còn ở trên khắp nước Mỹ, và trên thế giới, để chơi golf. Tôi không muốn bỏ một trong hai môn này, nên tôi giữ cả hai. Huấn luyện viên môn trượt băng nghệ thuật của tôi bực bội khi thấy tôi không dành đủ thì giờ cho những buổi huấn luyện trượt băng, tập vận động mạnh và nhanh, múa ballet, thế là ông ra tối hậu thư cho tôi. Cho tới hôm tôi bị té nặng khi đang tập nhảy lên cao xoay ba vòng, tôi được chẩn đoán bị chấn thương nơi xương sống, ở chỗ khúc xương L5 phía dưới bị gãy vì những vết thương lúc tôi trượt ngã. Tôi được bác sĩ khuyên ngưng hoàn toàn tập môn trượt băng nghệ thuật. Chính lúc ấy tôi bắt đầu tập trung toàn thời gian vào môn golf, khi lên 13 tuổi.

Vincent:
Ôi, chẳng may thật đấy. Nhưng ít nhất chuyện ấy cũng làm cho bạn quyết định sớm hơn! Bạn có thể cho biết một vài thành tựu bạn đã đạt được cho đến nay?
Brittany: (1) Được chọn làm cầu thủ dự bị thứ nhất, trong trận đấu US Women’s Open vào mùa hè năm ngoái. Tôi nhớ những ngày ra sân thi đấu, dù phải đấu với những sinh viên cầu thủ hàng đầu của trường đại học UCLA, để giành được một chỗ dự bị, lúc tôi lên 16 tuổi.
(2) Đại diện cho đội golf Team USA chơi trong giải vô địch thiếu niên Aaron Baddeley Internal Junior Championship ở Quảng Châu, Trung Quốc, vào năm 2010.
(3) Đại diện cho Team USA thi đấu tranh cúp thiếu niên Junior Pacific Cup ở Melbourne, Úc Đại Lợi, trong năm 2011.
(4) Thắng giải San Diego CIF trong năm 2008, khi học lớp 10.
(5) Trở thành cầu thủ trẻ nhất ở San Diego đi dự giải vô địch California State Championship Golf, ở Pebble Beach, California, vào năm 2007.
(6) Một trong 3 người hàng đầu trong giải Callaway Junior World Golf năm 2007.
(7) Dự giải vô địch thiếu nữ US Junior Girls Championship năm 2008
(8) Thắng giải vô địch Sectional Junior PGA Championship 2010.
(9) Được tuyển mộ vào đội golf nữ giới bởi những trường đại học hàng đầu ở Mỹ, như Harvard, Northwestern, Stanford, UCLA, UC Davis, Yale, Gonzaga, Princeton, University of Notre Dame.
(10) Điểm trung bình ở trung học 4,5 GPA.

BRITTANY-MAI-2.jpg

Vincent: Tôi thật là không ngờ. Vậy xin bạn kể thêm về bản thân, bạn làm gì trong cuộc sống hàng tuần?
Brittany: Tôi thích đi chơi với bạn bè, khi thời giờ cho phép, nhưng ưu tiên vẫn dành cho golf và việc học. Thường ngày tôi tới trường vào ban ngày, tan học thì tập chơi golf và/hoặc tập thể trọng hay môn thể dục aerobics, và làm bài tập ở nhà. Thỉnh thoảng đến gặp huấn luyện viên.

Vincent: Nghe ra như thể bạn quý từng giây trong cuộc đời. Chương trình mùa hè của bạn như thế nào?
Brittany: Tôi tham dự những trận tranh tài cấp quốc gia trên khắp nước Mỹ, và dự tất cả những trận đấu USGA và một số trận đấu golf phụ nữ không chuyên nghiệp ở Hoa Kỳ và Canada. Đây là mùa hè cuối cùng chấm dứt sự nghiệp chơi golf thiếu niên của tôi, nên tôi sẽ chơi thêm trong hai trận thiếu niên nữa của giải Rolex Invitational ở Minnesota, và vòng thi đấu cấp quốc gia ở Palm Springs trong tháng 6. Tôi cũng chơi thêm trong những trận đấu golf không chuyên nghiệp dành cho phụ nữ, trước khi dời lên Chicago vào mùa hè để học đại học. Nhưng dĩ nhiên phải có ít nhất một tuần nghỉ hè với gia đình trước khi đi.

Vincent: Chắc là bạn hào hứng lắm. Bạn có những mục tiêu nào trước mắt cho bản thân?
Brittany: Tôi muốn lấy bằng đại học 4 năm từ trường Northwestern, và tham gia Ladies European Tour, cũng như cố gắng kiếm cho được thẻ vào chơi trong LPGA.

Vincent:
Còn về lâu về dài thì bạn có những mục tiêu nào cho chính mình?
Brittany: Mọi sự đều tùy thuộc vào chuyện môn golf đưa tôi đi đến đâu. Tôi muốn trở thành cầu thủ hàng đầu trong LPGA như là sự lựa chọn đầu tiên, hoặc nếu không được thì tiếp tục việc học y khoa.

Vincent: Ngoài việc học và chơi golf, ngoài ra bạn thích làm những gì cho vui?
Brittany: Tôi thích đi mua sắm, du lịch, đi dã ngoại, chơi đàn dương cầm, đọc sách, bỏ giờ ra với gia đình và đi đó đi đây với bạn bè.

Vincent: Triết lý sống của bạn là gì?
Brittany: Nằm ở giữa những mục tiêu là điều được gọi là đời sống, phải sống cho trọn và vui hưởng cuộc đời. Học hỏi từ ngày hôm qua, sống cho ngày hôm nay, và hi vọng cho tương lai.

Vincent: Tuyệt quá, trước đây tôi chưa bao giờ nghe được như thế. Cám ơn Brittany.
source
Vien Dong Daily

Saturday 21 May 2011

Đức Giáo hoàng nói chuyện với các phi hành gia trên Trạm Không Gian


VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Bảy, 21 tháng 5 2011

Đức Giáo hoàng nói chuyện với các phi hành gia trên Trạm Không Gian

Ðức Giáo Hoàng nói chuyện với các phi hành gia trên Trạm Không Gian Quốc Tế qua hệ thống video từ Vatican
Hình: Reuters

Ðức Giáo Hoàng nói chuyện với các phi hành gia trên Trạm Không Gian Quốc Tế qua hệ thống video từ Vatican


Hôm thứ Bảy, một toán phi hành gia quốc tế đã nói chuyện với Đức Giáo Hoàng Benedictô 16, trên trạm không gian quốc tế qua hệ thống video từ Vatican lần đầu tiên.

Đức Giáo Hoàng nói rằng trạm không gian và các nhân viên phi hành của các phi thuyền con thoi đang đi tiên phong trong việc thám hiểm những không gian mới và những điều có thể có.

Lên tiếng từ thư viện tại Vatican, Đức Giáo Hoàng nói rằng đây là thời đại mà khoa học tiến bộ nhanh chóng và ngài nói với các phi hành gia rằng ngài cảm phục lòng can đảm và sự tận tụy của họ.

Đức Giáo Hoàng cũng nhân dịp này hỏi các phi hành gia về ấn tượng của họ đối với địa cầu trong lúc họ ở thật xa trên không gian, và thổ lộ ý nghĩ của ngài rằng thật là phi lý khi nhiều nhóm người sống trên địa cầu lại "xung đột, chém giết nhau."

Phi hành gia Kelly của Hoa Kỳ, đang chỉ huy phi vụ hiện giờ đã cặp vào trạm không gian, đồng ý, và nói rằng các phi hành gia “không nhìn thấy những biên giới ngăn cách” khi họ bay trên không gian.

Nhưng ông nói rằng họ nhận ra rằng nhân loại cứ xung đột với nhau thường là do các nguồn năng lượng hữu hạn, như dầu hỏa. Ông gợi ý rằng có lẽ sẽ có ít chiến tranh hơn nếu mọi người áp dụng một số những công nghệ mà trạm không gian nhờ cậy đến, như là năng lượng mặt trời chẳng hạn.

Đức Giáo Hoàng cũng gửi thông diệp riêng đến cho nhiều phi hành gia. Ngài chia buồn với phi hành gia Ý Paolo Nespoli, thân mẫu của ông đã từ trần khi ông còn đang thi hành nhiệm vụ trên trạm không gian. Và ngài chúc cho vợ phi hành gia Kelly, nữ dân biểu Gabrielle Giffords, mau hồi phục. Bà Giffords bị trúng đạn nơi đầu trong vụ mưu sát khi bà họp với các cử tri trong đơn vị vào tháng Giêng.

source

VOA Vietnamese

Saturday 14 May 2011

Tìm quê hương thứ hai ở xứ nghèo


Tìm quê hương thứ hai ở xứ nghèo
Cập nhật lúc 7:14:26 PM - 05/05/2011
Vincent Thái/Viễn Đông (thực hiện) – ảnh: Thái Đắc Nhã/Reflection Studio

Christina-Mai.jpg

Christina Mai Nguyễn, 23 tuổi
Cư ngụ tại Quận Cam, California
Tốt nghiệp cử nhân Quản Trị Kinh Doanh tháng 12-2010, đại học Concordia University, Irvine.

Vincent: Được biết bạn mới dọn về Quận Cam khoảng năm rưỡi nay, so với nơi ở trước kia của bạn thì sao?
Christina: Quận Cam rất giống Fairfax, thành phố bản quán của tôi ở Virginia, nằm ở vùng ngoại ô District of Columbia, làm nên khu vực đô thị. Dân số đông đúc và giao thông nhộn nhịp cũng giống như nhau. Tôi có thể nói rằng bầu không khí và nền văn hóa của cả Quận Cam lẫn khu vực Bắc Virginia cũng ở cùng một mức độ như nhau, nhưng khí hậu ấm áp và những bãi biển làm thành yếu tố duy nhất khiến cho Duyên Hải Miền Tây khác biệt với vùng ấy.

Vincent: Xin bạn kể cho quý độc giả biết về một số những vinh dự hoa hậu bạn đạt được trong những năm qua ở Virginia và những thành quả công việc thiện nguyện của bạn.
Christina: Cha mẹ tôi khi nào cũng khuyến khích các anh em và tôi thử nghiệm những điều mới mẻ và lớn lên trở nên những người độc lập. Có mấy người tham gia những sinh hoạt ngoại khóa như thể dục và âm nhạc (riêng tôi thì cũng thử làm cả hai). Nhưng ngay từ lúc còn bé, tôi chú ý đến những người phụ nữ xinh dẹp, tinh tuyền, tài giỏi và có tài ăn nói, xuất hiện trên truyền hình. Tôi đang nói tới những dịp thi hoa hậu, như Miss America và Miss USA. Tôi quyết định dự thi lần đầu tiên lúc tôi 17 tuổi, và sau đó không lâu vào năm lên 19 tuổi. Tôi đoạt tước vị chính thức hoa hậu thiếu niên Miss Virginia Teen 2007 (hệ thống National American Miss). Tôi tiếp tục gặp được những diễm phúc khi đoạt được tước hiệu Miss Virginia và và tước hiệu National American Miss 2008-2009 mà nhiều người tìm kiếm. Từ đó, tôi có nhiều cơ hội và những cánh cửa mở rộng cho tôi từ những học bổng làm người mẫu, những vai trò giao tế trong cộng đồng, những công việc MC, và thuận lợi nhất là trở thành nhà hoạt động từ thiện và làm người mẫu cho Operation Smile Organization (Tổ Chức Chiến Dịch Nụ Cười). Nếu gia đình tôi không ủng hộ việc tôi đi ra ngoài xã hội và thử nghiệm những điều mới mẻ, thì không bao giờ tôi xét lại chuyện đi dự những cuộc thi hoa hậu như thế, và rốt cuộc tôi sẽ không có những cơ hội đến ngay dưới chân mình, biến tôi thành người phụ nữ như hiện nay, với tư cách là một điển hình cho thế hệ những thanh thiếu nữ trẻ hơn, và dẫn tôi tới con đường sự nghiệp tương lai và viễn ảnh cuộc sống.

Vincent: Bạn sắp sửa thi DAT, để làm gì vậy? Bạn có tự tin với kỳ thi này không?
Christina: DAT là tên viết tắt của Dental Admissions Test (Thi Nhập Học Nha Khoa), rất giống với MCAT, GMAT, LSAT. Cuộc thi này đặt nền tảng cho phần còn lại trong nghề nghiệp của bạn, bắt đầu với chuyện những trường nào sẽ nhận bạn vào học, dựa theo số điểm đạt được. DAT bao gồm từ sinh vật học, cho tới hóa học hữu cơ, khả năng tri giác những vật thể và những góc 3 chiều, đọc hiểu, và những phần lý luận toán học. Cuộc thi kéo dài chừng 5 tiếng đồng hồ, cho nên bạn không muốn thi lại nếu không cần thiết. Đến cuối tháng này tôi sẽ dự thi DAT, và tôi tự luyện thi mỗi ngày từ 4 đến 8 tiếng, như tập luyện thân thể để chạy marathon. Tôi hi vọng làm bài được trong cuộc thi DAT, và được nhập học tại một trường lớn, bắt đầu giai đoạn kế tiếp của đời tôi là làm sinh viên nha khoa, tốt nghiệp trở thành một bác sĩ nha khoa, và có thể đi khắp thế giới mà làm việc cho những người không được phục vụ đúng mức tại những nước đang phát triển trên thế giới. Còn trong mùa hè này, tôi sẽ tham gia một chuyến sứ mạng y tế nhân đạo với Hải Quân Hoa Kỳ, được gọi là Pacific Partnership. Tôi sẽ sống trên một chiếc tàu hải quân, đi tới những quốc gia hợp tác ở khu vực Thái Bình Dương (Úc Đại Lợi, Papua New Guinea, Timor l’Este, Nam Dương và Micronesia), cung cấp những dịch vụ y tế và cơ khí dân sự, cùng với những quân nhân hiện dịch, các bác sĩ, những tình nguyện viên dân sự, và tới những nước đối tác khác, như quân đội Nhật Bản, Quân Đội Hoàng Gia Úc Đại Lợi, Hải Quân Tân Tây Lan, và các lực lượng Canada. Tôi đang trông đợi có thêm một mùa hè khác sống xa đất Mỹ, đi tàu trên khắp thế giới cùng với những viên chức y tế chuyên nghiệp có cùng suy nghĩ giống mình, thực hiện một sứ mạng là hỗ trợ và thăng tiến hợp tác khắp vùng Thái Bình Dương.

Vincent: Bạn quả là có mộng lớn! Một ngày bình thường của bạn ra sao?
Christina: Hiện nay ngày nào tôi cũng học, vì tôi chỉ còn chưa tới 4 tuần là đến ngày thi DAT. Tôi đang làm phụ tá nha sĩ và người mẫu quảng cáo. Nhưng gần đây tôi nói với những người chủ của tôi rằng tôi cần nghỉ làm trong mấy tuần tới để dốc toàn thời gian và sức lực vào cuộc thi này. Chuyện ấy giống như tập luyện cho tâm trí mình chạy marathon vậy.

Vincent: Còn trong một tuần lễ?
Christina: Thì cũng như những gì tôi đang làm mỗi ngày. Cứ lu bu và lặp đi lặp lại, nhiều việc phải làm để chuẩn bị thi DAT đến nỗi tôi nghĩ rằng 4 tuần vẫn chưa làm xong được. Thời gian là vấn đề chính yếu. Tôi thường bỏ thì giờ ra để đi tới phòng tập thể dục, nếu tôi cần nghỉ giải lao cho tâm trí thư thái, sau khi phải tiêu hóa những bài vở tôi vừa ngốn vào. Sau đó là trở lại ngay với việc học thi.

Vincent: Rồi bạn có những dự định gì cho tương lai gần, trong vòng 5 năm tới?
Christina: Tôi dự định hoàn tất 4 năm đầu của trường nha khoa, rồi sau đó tiếp tục học ngành chuyên môn trong 2-4 năm liên tiếp.

Vincent: Những mục tiêu dài hạn trong cuộc sống của bạn?
Christina: Tôi hi vọng trở nên một bác sĩ hành nghề thành công tại Hoa Kỳ, và cũng trở thành một người tích cực làm công tác từ thiện vì tôi muốn đặt quê hương thứ hai của mình ở một nơi nào đó trong một nước đang phát triển, chăm sóc y tế miễn phí cho những người không được phục vụ đúng mức tại những quốc gia này.

Vincent: Vào những lúc rỗi rảnh, bạn làm gì?
Christina: Tôi thích bỏ thì giờ ra với gia đình tôi. Cha mẹ tôi là những người bạn tốt nhất của tôi, ở bên cạnh hai vị là một niềm vui. Tôi cũng thích đi tập thể dục, đọc sách và phục vụ cộng đồng của tôi. Chẳng hạn như nấu ăn cho những người vô gia cư hoặc những gia đình bệnh nhân ngoại trú tại bệnh viện nhi đồng, hoặc bỏ thì giờ ra làm một người “chị lớn”, hay là người dìu dắt những thiếu nữ nhỏ tuổi hơn.

Vincent: Bạn lấy điều gì làm triết lý sống?
Christina: Câu Thánh Kinh mà tôi thích nhất và lấy đó làm châm ngôn sống hàng ngày là 1 Thessalonians 5: 14-18: “khích lệ người nhút nhát, giúp đỡ kẻ yếu đuối, kiên nhẫn với mọi người. Luôn luôn vui mừng, liên lỉ cầu nguyện, cảm tạ trong mọi hoàn cảnh, vì đây chính là thánh ý của Thiên Chúa cho con”.

Vincent: Cám ơn Christina.
source
Vien Dong Daily

Saturday 7 May 2011

Mẹ đầu đen nuôi con học giỏi


Cập nhật lúc: 2/11/2011 4:26:27 PM
Mẹ đầu đen nuôi con học giỏi

Amy Chua. Photo courtesy dailytelegraph.com.au

Người Việt nam hãnh diện có những người con học rất giỏi. Gần hết gia đình người Việt có con đứng đầu nhiều môn học trong lớp. Các em còn chơi đàn hay và lãnh nhiều phần thưởng về nhiều môn học tại trường. Các em giỏi từ bậc tiểu và trung học rồi xuất sắc tại đại học. Và sau cùng thành công lớn trong xã hội.

Không những học sinh Việt nam học giỏi mà học sinh 'đầu đen' (hiểu là gốc châu Á) di dân hay tị nạn tại các nước phương Tây lại càng giỏi giang hơn nữa.

Từ đâu các em xuất sắc như vậy?

Trong tuần vừa qua một bà mẹ 'đầu đen' tại Hoa kỳ tung ra cuốn sách có tên là 'Battle Hymn of the Tiger Mother' để trả lời câu hỏi trên.

Gia đình Amy Chua. Photo courtesy JewishJournal.com.au

Con nhà nòi

Bà mẹ đầu đen này mỹ danh là Amy Chua, con của người di dân gốc Trung hoa đến Hoa kỳ khi nhỏ tuổi. Amy Chua được dạy dỗ trong khuôn khổ lễ giáo Trung hoa. Hiển nhiên bà học giỏi từ nhỏ và thành công khi lớn lên. Amy Chua đang làm giáo sư luật khoa tại đại học Yale và kết hôn với một giáo sư luật khoa khác cũng tại Yale. Chồng bà là người Mỹ gốc Do thái. Hai người có hai cô con gái: Sophia và Lulu. Amy Chua giữ phần nuôi dạy hai con theo đúng cách như chính đã từng được mẹ nuôi dạy. Bà ước gì hai con cũng được trải nghiệm 'di dân' như chính mình đã qua.

Hai cô con gái của Amy Chua đều học giỏi (hiển nhiên) mà còn chơi đàn xuất sắc (lại hiển nhiên). Cả hai đều vào đại học và đang là sinh viên xuất sắc. Hai tương lai rực rỡ đang chờ đón họ như bà mẹ Amy Chua viết: 'cha mẹ đầu đen không chấp nhận con cái vấp ngã hay thất bại, dù chỉ một lần'.

Bảy điều luật dành cho con cái đầu đen

Sách 'Battle Hymn of the Tiger Mother' cho rằng người mẹ Trung hoa (hiểu là mẹ 'đầu đen' hay như tác giả viết 'có nhiều bà mẹ Đại hàn, Ấn độ, Jamaica, Ái nhĩ lan, Ghana cũng được gộp vào trong số này' và Y Vi Lưỡng Khả xin thêm: trăm phần trăm bà mẹ Việt Nam dư sức thuộc về nhóm 'Tiger Mother như Amy Chua') biết uốn nắn con mình đi vào con dường thành công.

Thành công trước tiên là ở trường học. Muốn thế, mẹ đầu đen ra danh sách mà con cái phải theo. Đó là:

1. Học là trên hết.

2. Điểm A- (A trừ) đã làm dở rồi đó.

3. Trình độ toán của con tôi phải hơn bạn học ít nhất là hai lớp.

4. Không bao giờ khen con trước mặt người khác.

5. Khi con có bất đồng với thầy cô, cha mẹ luôn luôn ngả về ý kiến thầy cô.

6. Con tôi chỉ được phép tham gia loại sinh hoạt nào mà cuối cùng được lãnh huy chương mà thôi.

7. Huy chương đó phải là huy chương vàng.

Tại trường hai cô con gái 'nửa Mỹ nửa Tàu' này phải đạt điểm hạng A trong tất cả các môn học.

Ngoại trừ hai môn thể dục và kịch nghệ (gym and drama). Amy Chua không bao giờ cho con ngủ qua đêm nhà bạn (sleepovers). Cũng cấm tuyệt hẹn đi chơi với bạn. Thay vào đó hai cô con gái Sophia và Lulu hết học bài là sang học đánh đàn (mà chỉ được học dương cầm và vĩ cầm mà thôi nghen!).

Hiển nhiên, Sophia và Lulu không được phép xem Tivi hay chơi gêm. Một cô con gái của Amy Chua tỉ tê với bạn 'Không bao giờ tao có một giây để vui chơi vì tao là người Trung hoa !'

Có công mài sắt, có ngày nên kim

Là giáo sư luật tại đại học hàng đầu của nước Mỹ, bà mẹ Amy Chua dư biết luật 'bảo vệ trẻ em' tại phương Tây, nhưng bà thú nhận từng làm nhiều điều khác với luật. Bà cho mình đã 'nghiêm khắc' với con cái. Bà thẳng thừng gọi con là 'đồ này đồ kia' hay đi ngay vào chuyện mình muốn khi gọi một cô con gái tới gần mà thét 'Con mập địt kia, mày phải lo cho xuống ký đi nghe!' Khi cô út vẽ tấm thiệp mừng sinh nhật mẹ không được đẹp, bà thẳng thừng gọi con lại, trả tấm thiệp và ra lệnh vẽ lại.

Ở trường, con gái của vị giáo sư luật không được tự mình chọn môn học và về nhà chỉ được chơi thứ đàn do bà mẹ quyết định. Chị hai Sophia chơi piano và cô út Lulu phải chơi violin. Không có chuyện bàn thảo.

Hai cô phải đàn mỗi ngày một giỏi hơn. Bằng không mẹ dọa quăng hết mấy con gấu nhồi bông vào lò lửa. Đánh đàn không phải là chơi mà chỉ là bước đi tới thành công ở đời đó thôi.

Any Chua viết 'Cha mẹ Trung hoa hiểu rằng không có gì vui chơi cả. Cho đến khi người ta chơi giỏi một thứ gì trên đời này'. Mẹ đầu đen biết quá rõ: hôm nay con mình nằm gai nếm mật, mai ngày nó được nhờ tấm thân. Với cha mẹ đầu đen, chỉ có miệt mài học tập mới thành công. Khi thành công, ta mới tự tin và lại được thêm thành công. Thành công bước đầu là điểm hạng A trong trường học. Chứ chỉ là B thì bị 'la rầy và bức tóc bức tay', à nghe.

Như tất cả mẹ đầu đen khác, mẹ Amy Chua hy sinh tất cả cho con học giỏi. Amy vừa dạy học vừa viết sách (hai cuốn trước về bang giao quốc tế và cuốn thứ ba là cuốn này). Trong tuần bà làm việc cho tới giờ cơm chiều. Cuối tuần bà chở hai con đi học đàn. Bà có mặt với con suốt giờ học, ghi lời dạy của thầy đàn. Rồi trong tuần bà bắt con tập dợt ít nhất 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Ngày nào cũng phải đàn dù trong lúc gia đình đi du lịch sang Luân đôn, Rome, Bombay hay đảo Crete. Có lúc bà không cho con rời khỏi cây đàn, dù để uống nước hay đi vào phòng vệ sinh.

Ai kết án bà Amy không để con... 'háp-bi'? Bà và khá đông cha mẹ đầu đen bất cần vì họ cho rằng có thành công thì mới 'háp-bi'. Trong khi đó, không thành công nào mà không phải trả giá. 'Háp-bi' không phải là bước đầu tiên mà chỉ là kết thúc của chuổi dài miệt mài khổ luyện.

Hãnh diện vì con thành công

Hiển nhiên không phải tất cả điều Amy Chua viết ra và làm cho con cái đều đúng. Sách 'Battle Hymn Of The Tiger Mother' chỉ được bày bán hơn tuần lễ mà đã dấy lên làn sóng bình luận sôi nổi tại Hoa kỳ và Bắc Mỹ. Bài điểm sách này đăng trên tờ Wall Street Journal được hơn 3,500 lời góp ý từ độc giả. Ngoài ra, trang Facebook của tác giả có ngót 200,000 người bấm vào nút 'liked'.

Mặc dầu đưa ra 'chiến lược của bà mẹ nghiêm khắc' để so sánh với nuông chiều của khá đông 'soccer mom' đối với con cái, Amy Chua nhìn nhận gần đây bà phải nới lỏng kỷ luật sắt với hai con (đặc biệt cô út cứng đầu vì sợ con bỏ nhà ra đi). Nhưng bà vẫn chống chế: mình làm thế vì cho rằng cha mẹ đầu đen không bao giờ chấp nhận con mình vấp ngã hay thất bại, dầu chỉ một lần.

Cuối cùng, với tất cả nghiêm khắc ấy, Amy Chua gặt hái kết quả của những năm dài nuôi dạy hai con. Bà viết trên tờ The Globe and Mail xuất bản tại Canada: 'Hôm nay, khi nhìn vào hai con tôi rất hãnh diện. Con tôi không chỉ là học sinh giỏi mà còn là người dễ mến, rộng lượng, tự tin, vui sống với rất đông bạn bè...'.

Sophia đã thành tay đàn dương cầm lành nghề kiêm học sinh xuất sắc. Mới đây, Sophia biểu diễn độc tấu dương cầm tại Carnegie Hall, New York.

Lulu cũng học xuất sắc nhưng đã nổi loạn chống lại mẹ bằng cách cắt tóc ngắn và phẫn nộ quăng chiếc ly khi gia đình đi ăn nhà hàng. Chuyện đó khiến bà Amy Chua sợ cô út bỏ học hay bỏ nhà ra đi nên bớt kỷ luật sắt. Bớt gì thì bớt nhưng mẹ Amy không bao giờ bớt cho Lulu học giỏi và đàn vĩ cầm hay.

(TVTS 1295 – 19.1.2011)

source

TiVi Tuan San