Sunday 20 June 2010

Những người cha nhọc nhằn, lao khổ



Cập nhật lúc 1:56:09 AM - 16/06/2010

chavn1.jpg


Lang thang bán sen, bán cau kiếm sống – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


Cỏ May/Viễn Đông


Nói đến công lao của người Cha thì ca dao từng ví như núi Thái Sơn. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, có nhiều sự khó thì những người cha càng chịu thêm nhiều áp lực trong vị trí trụ cột gia đình. Tuy nhiên, ở Việt Nam, cuộc sống cơ cực của những người cha nghèo khó còn tăng cao gấp bội bởi sự thiếu thốn về vật chất cũng như tinh thần.


chavn2.jpg


Cụt hai chân nhưng vẫn phải bơi xuồng để vớt ve chai – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


chavn3.jpg


Thả lưới – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


chavn4.jpg


Vót nan đan lợp đan lờ – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


chavn5.jpg


Giăng lưới – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


chavn6.jpg


Bắt cá – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông


chavn7.jpg


Còng lưng – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông

chavn8.jpg


Rất hiếm hoi… còn có những người cha sống đến tuổi nầy – ảnh: Cỏ May/Viễn Đông

source

Viễn Đông Daily

Tuesday 1 June 2010

“Không bao giờ đầu hàng cuộc sống”



Cập nhật lúc 2:17:39 AM - 13/05/2010

Devan-DSC03420.jpg


Gia đình anh Devan Phan ở một góc phố Alabama năm 2008 – ảnh tài liệu gia đình.


Phụng Linh/Viễn Đông (thực hiện)


Bị bỏ rơi ngay sau khi được sinh ra đời, cậu bé lai được một bà mẹ Bắc Kỳ di cư mang về nuôi dưỡng tại một căn nhà nhỏ nghèo nàn ở quận 1, Sài Gòn. Mười ba tuổi cậu sang Mỹ, mang theo người mẹ nuôi đầy lòng nhân hậu, người đã dang hai tay đón cậu vào đời trước những ánh mắt ái ngại của những người hàng xóm cổ hủ.

Định cư tại Alabama từ năm 1985, cậu bé đi học rồi bỏ học đi làm thợ hàn để kiếm tiền nuôi mẹ, rồi bỏ làm đi học trở lại, vì thấy nghề thợ hàn không có tương lai.

Vượt qua biết bao khó khăn khổ nhọc, vay mượn từng ngàn Mỹ kim mở tiệm bán tôm cá, cậu bé khốn khó ngày xưa, nay đã trở thành ông chủ vựa bán hải sản, bán dầu, bán nước đá, sắm được 5 chiếc tàu đánh cá ngoài khơi Alabama. Thảm họa tràn dầu sau ngày 20-4-2010 tại vùng vịnh Mễ Tây Cơ , hiện là cơn ác mộng đối với ông chủ trẻ Devan Phan. Giờ đây, anh phải vượt qua chính mình.

Sau những đêm thức trắng, bạc đầu lo nghĩ, anh bật dậy, hướng dẫn nhiều ngư phủ Việt ở Louisiana, Florida… đi tìm việc mới, đích thân đưa họ đến những địa điểm cần thiết.

Từ Bayou la Batre, tiểu bang Alabama, anh dành cho Viễn Đông cuộc phỏng vấn đặc biệt này vào ngày 10-5 vừa qua.


Viễn Đông: Thưa, anh đã giúp bao nhiêu ngư phủ nạn nhân vụ tràn dầu này và có phải tất cả đều là người Việt Nam?

Devan Phan: Nhờ làm trong nghề này, tôi biết các địa điểm cần thiết nên giúp đưa họ đi đến tận nơi. Nhiều người từ Louisiana gọi điện thoại hỏi thăm, nhờ tôi hướng dẫn, giúp làm giấy tờ. Mấy tuần nay, người ta hoang mang vì thiếu tin tức. Hiện nay đâu đã vào đó, không còn lộn xộn như trước. Người bản xứ giúp đỡ nhau rất chân tình và vì họ biết tiếng Anh nên không cần mình giúp. Chỉ có người Việt Nam mới cần đến chúng tôi.


Viễn Đông: Tin tức loan tải trong những ngày qua cho thấy tình hình vẫn chưa khả quan có phải không?

Devan Phan: Hiện nay chỉ có một số ít vẫn còn đánh bắt cá tại vùng Tây Louisiana. Còn vùng biển từ Texas, Louisiana, Alabama, Florida đều hoàn toàn bất động. Khoảng một tuần trở lại đây, có một số tàu lớn nhỏ bắt đầu ra khơi để hút dầu, một số ngư phủ có được việc làm. Một số khác đi học các lớp dạy nghề, được trả lương để sống qua ngày. Có thể nói, khoảng 90 – 95% tàu đánh cá ở các vùng biển Louisiana, Florida, Alabama chưa trở lại hoạt động. Chúng tôi ở Alabama cũng phải đóng cửa tiệm, không làm ăn gì được.


Viễn Đông: Thưa anh, các ngư phủ nạn nhân có được hưởng trợ cấp từ chính phủ, giúp vượt qua tình trạng khốn đốn hiện nay không?

Devan Phan: Chính phủ chưa giúp gì hết. Chúng tôi còn chờ hãng BP mở địa điểm khảo sát, thu nhận đơn khiếu nại, thuê tàu dọn dẹp vùng biển. Chương trình đền bù bao nhiêu hiện nay vẫn chưa ai rõ.


Viễn Đông: Anh bước vào nghề mua bán tôm cá từ bao giờ và vì sao anh lại chọn ngành nghề này, thưa anh?

Devan Phan: Tôi sang Mỹ năm 1985 theo diện con lai lúc mới 13 tuổi. Năm 2000, tôi mới chính thức bước vào ngành đánh bắt tôm cá cho tới nay. Có thể nói, trong thời gian đó, tôi làm đủ nghề. Một mẹ, một con đùm bọc nhau qua đây, tôi đi học trường trung học. Thấy gia cảnh khó khăn quá, không lo được cho mẹ, tôi xin vào tiệm bán cá của người Việt Nam làm thêm, sau giờ đi học. Rồi đi học thợ hàn, làm việc 3 năm cũng không sống nổi, tôi đi học lại, tốt nghiệp khoa xã hội.

Hình như phần số đưa đẩy tôi bước vào ngành cá này. Trước đó tôi đã được hãng hóa học nhận đơn xin việc, yêu cầu chờ đến lượt. Trong khi chờ đợi, tôi thấy có tiệm bán lẻ muốn sang, tôi nảy ý định làm tạm vài tháng để có đồng ra đồng vô. Khi hãng hóa học gọi đến nhận việc, tiệm tôi đã hoạt động được 7 – 8 tháng. Tôi đã đổ không ít mồ hôi nước mắt cho tiệm, cho nên quyết định theo ngành này luôn.


Viễn Đông: Anh nhận xét như thế nào trong buổi đầu bước vào nghề mua bán tôm cá?

Devan Phan: Thời gian đầu mở tiệm mua bán tôm cá, tôi khổ sở lắm mỗi lần bị người ta bắt chẹt. Lúc người ta có nhiều tôm thì họ vui vẻ lắm, nhưng khi hiếm thì người ta không chịu nhường, không chịu bán cho mình trong khi mình thật sự rất cần. Vì vậy mà tôi quyết định mở vựa tôm, sắm 5 chiếc tàu đánh tôm để chủ động việc mua bán.


Viễn Đông: Và thảm họa dầu loang vừa xảy ra gây ảnh hưởng không ít đối với anh?

Devan Phan: Chúng tôi bị ảnh hưởng dây chuyền: tàu không đánh bắt được tôm cá, người ta không làm việc thì tôi không bán dầu, bán nước đá được, đó là chưa kể việc 5 chiếc tàu đánh tôm của tôi bị đình trệ hoạt động.


Viễn Đông: Theo anh, đến khi nào hoạt động ngư trường trở lại bình thường tại vùng Vịnh Mễ Tây Cơ?

Devan Phan: Chưa biết bao lâu mới ngừng được nạn rò rỉ dầu. Thảm họa này gây ảnh hưởng rất nặng đối với môi sinh. Tính trung bình mỗi ngày 210.000 gallon dầu phun ra trong vùng vịnh Mexico và hàng ngày BP thả 300.000 gallon hóa chất làm tan dầu, chắc chắn gây ra hậu quả rất lớn đối với môi sinh. Người ta đang đưa tàu đến vớt dầu, cứu môi sinh, nhưng không biết vì lý do gì mà dầu chìm dần xuống lòng đại dương. Luật bảo vệ môi sinh không cho phép làm như vậy, nhưng dầu nổi một thời gian rồi nó cũng chìm xuống lòng biển. Dù chìm bằng cách nào thì cũng chìm và không sớm thì muộn, môi trường sống của các loại hải sản cũng bị ô nhiễm. Hóa chất luân chuyển ngầm dưới mặt biển làm chết tôm cá, hậu quả tai nạn này kéo dài một chục năm mới mong chấm dứt.


Viễn Đông: Từ một quá khứ đau buồn, bị bỏ rơi khi còn là đứa trẻ sơ sinh, sang Mỹ với người mẹ nuôi đơn chiếc, nghèo khó, anh đã trở thành một ông chủ vựa lớn ở Alabama. Anh có thể tóm tắt kinh nghiệm giúp anh vượt qua và đứng lên từ nỗi bất hạnh ngày xưa, để vươn tới thành công ở quê hương mới?

Devan Phan: Không bao giờ đầu hàng hoàn cảnh.


Viễn Đông: Có khi nào anh thấy khó khăn quá, tưởng chừng như không vượt qua được, và có khi nào anh phải rơi nước mắt?

Devan Phan: Biết bao nhiêu khó khăn đã xảy đến trong cuộc đời tôi. Gần đây, ba ngày sau khi xảy ra tai họa dầu loang, bị người ta giựt nợ, bị kẹt tiền ứng cho người mượn đổ dầu, tu bổ tàu bè, trước khi BP nói sẽ bồi thường, tôi không ngủ được, muốn khóc nhưng khóc không ra nước mắt. Gia đình chúng tôi gồm 8 miệng ăn: hai vợ chồng tôi, một mẹ già và 3 đứa con nhỏ nuôi và một đứa con ruột, không phải là ít.

Xưa, mẹ qua Mỹ chỉ đi làm được 2 ngày thì phải nghỉ ở nhà, vì sợ không ai trông con, sợ con ham chơi, quậy phá. Mẹ thà ở nhà lo cho tôi. Tôi đi làm cá, mỗi tuần được 250 Mỹ kim vào khoảng 1989 cũng sống lây lất qua ngày. Rồi tôi học nghề thợ hàn, đi làm, nhưng cảm thấy không có tương lai, lại bỏ nghề đi học lại. Từ thứ hai tới thứ năm đi học, cuối tuần đi làm.

Lúc có tiệm sang lại 10.000 Mỹ kim, không có tiền, tôi nhờ ông bố nuôi làm chung bảo lãnh để vay 6.000 Mỹ kim của má vợ ông. Cuộc sống không có gì dễ dàng, cũng không có gì tự nhiên tới. Mình phải lăn xả vào đời tìm kiếm cơ hội. Đời không ai cho mình cái gì, vấn đề là mình có xứng đáng để được cho hay không.


Viễn Đông: Anh làm việc mấy ngày trong tuần, khi rảnh rỗi thì anh làm gì?

Devan Phan: Tiệm tôi mở cửa liên tục 7 ngày trong tuần. Vài năm nay, việc làm ăn tương đối dễ thở, thỉnh thoảng chúng tôi về thăm nhà chừng một - hai tuần để giúp trẻ nghèo ở Việt Nam. Hai năm nay, vì kinh tế trì trệ, chúng tôi mới tạm ngưng chương trình này. Có thể nói, tôi chỉ làm việc chứ không nghĩ đến việc hưởng thụ. Ở nhà, khi rỗi rảnh một chút, tôi vào mạng đọc tin tức.


Viễn Đông: Quá khứ của đứa con lai làm cho cuộc sống của anh không dễ dàng ở trong nước. Còn ở đây thì sao?

Devan Phan: Ở Việt Nam, cái nhìn của xã hội ấn vào đời tôi một vết nhơ không thể phai nhòa, khiến cuộc sống của tôi không dễ dàng chút nào, dù tôi chưa bao giờ quậy phá, ăn cắp. Sang Mỹ cũng vậy, tôi phải đứng trên dư luận để vượt qua dư luận. Tinh thần kỳ thị còn nặng nề lắm trong cộng đồng Việt Nam mình.


Viễn Đông: Anh có bốn đứa con, 18, 16, 12 tuổi và thằng út mới 2 tuổi rưỡi. Theo anh, người vợ hay người chồng giữ vai trò quan trọng hơn trong việc duy trì bầu không khí thanh bình, hạnh phúc ở gia đình?

Devan Phan: Theo tôi, người phụ nữ giữ vai trò quyết định, quan trọng hơn trong việc tạo dựng không khí ấm cúng, hạnh phúc trong gia đình. Tôi chỉ là chủ về phương diện làm ăn, còn ở nhà thì vợ tôi là nhân vật chính, có ảnh hưởng mạnh thấy rõ. Khi bà vui thì tất cả đều vui. Ông chồng ở nhà bực bội, thì mẹ con họ vui với nhau. Khi bà không vui rồi thì cả nhà buồn theo.


Viễn Đông: Với anh, như thế nào là người phụ nữ lý tưởng?

Devan Phan: Là người phụ nữ rành đối ngoại, xã giao trong việc làm ăn, còn ở nhà, trong việc đối nội thì giỏi bếp núc, nấu nướng. Đi làm về mệt, được một bữa ăn tươm tất, được vợ quan tâm săn sóc là quá đủ đối với một người đàn ông.


Viễn Đông: Anh thích ăn món gì nhất trong bữa cơm?

Devan Phan: Canh chua rau muống tôm.


Viễn Đông: Bán hải sản nên không thèm các món hải sản?

Devan Phan: Cũng ăn vậy, nhưng không phải là món chính. Mẹ nuôi tôi là người Bắc nên tôi thích ăn món canh chua rau muống tôm. Một năm 365 ngày, ăn món đó cũng không ngán.


Viễn Đông: Anh có gặp lại bà mẹ ruột của mình sau này không?

Devan Phan: Sáu - bảy năm trước, tôi có về Việt Nam tìm gặp mẹ ruột và đã làm tròn phận sự đối với người đã sinh ra mình. Tôi không nhắc và không bao giờ muốn nhắc chuyện quá khứ.


Viễn Đông: Cám ơn anh dành thời gian cho buổi phỏng vấn này và xin chúc anh cùng các đồng nghiệp sớm vượt qua nỗi khó khăn hiện nay.

source

Vien Dong Daily