Tuesday 13 April 2010

Con là người Việt Nam...



Cập nhật lúc 2:37:11 AM - 12/04/2010

ConLaNguoiVN-1.jpg


Thiên Ân Christina D. và ba mẹ – ảnh: Hoàng Thanh/Viễn Đông


Hoàng Thanh/Viễn Đông


Quận Cam là một khu vực rộng lớn nằm ngay tại miền nam California nước Mỹ, thế nhưng hầu như người dân sống ở đây, nhất là các ông già bà cả, không cần phải biết tiếng Anh mà vẫn cứ an nhiên tự tại như thường. Thế mới lạ chứ! Mà cũng dễ hiểu thôi, bởi vì các nhà hàng, chợ búa, ngân hàng, các thương vụ ở đây, đâu đâu cũng đều có nhân viên người Việt. Ngay cả khi bạn cần gọi điện thoại cũng vậy, chỉ cần nhấc ống nghe lên, bấm số, thì có ngay một giọng nói: “Nếu muốn nói tiếng Việt, xin bạn bấm số 1...”, là mọi thứ sẽ “ok”. Có lẽ vì lý do đó mà người Việt lớn tuổi ở vùng này, dường như không cần và cũng không hề bao giờ muốn học tiếng Anh...


Sáng nay đi vô tiệm Lee’s Sandwich mua khúc bánh mì, lúc bước vào cửa tiệm, tôi nghe loáng thoáng câu chuyện của những người đàn ông Việt Nam ngồi ở mấy bàn uống cà phê. Bàn góc này thì đang bàn tán om sòm về vấn đề cải tổ y tế, còn bên góc nọ thì các bác đang thao thao tranh luận về chuyện thời sự Việt Nam, làm tôi có cảm giác như mình đang ở tại Việt Nam vậy. Người cao niên ở đây là vậy đấy. Nhưng giới trẻ thì lại khác hoàn toàn.


Tuổi trẻ ở xứ này, nhất là thế hệ sau này sinh ra tại Mỹ, thì dường như bị “dị ứng” hay sao đó với tiếng Việt. Họ mở miệng ra thì toàn là... English. Vô trường nói tiếng Anh đã đành, về nhà thì không bao giờ chịu mở miệng nói một chữ tiếng Việt. Anh chị em trong nhà luôn luôn xổ tiếng Anh với nhau, và cả với ba mẹ, họ cũng xổ cả tràng, mà các bậc phụ huynh không sao hiểu nổi.

Bởi vậy mới nói ở cái xứ này, gia đình nào mà có được đứa con nào “chịu” nói tiếng Việt, thì phải nói là có “phước” vô cùng, bởi vì cho dù ba mẹ có năn nỉ, hay rầy la, thậm chí làm dữ đi chăng nữa, thì những đứa trẻ cũng làm theo ý chúng, nghĩa là nói tiếng Anh cho... lẹ hơn và khỏi cần phải suy nghĩ cho mệt óc...


Bố Mỹ, mẹ Việt, con... nói tiếng Việt


Tuần rồi, tôi lên thăm bà chị đang sống ở Arizona. Chồng chị, anh Timothy, là người Mỹ trắng chính hiệu, và hai vợ chồng chỉ có một đứa con gái duy nhất, năm nay tròn 4 tuổi. Tên của cháu trên khai sinh là Christina, còn tên Việt Nam ở nhà là Thiên Ân. Sở dĩ có cái tên này là vì chị tôi lập gia đình hơi trễ, nên thử hoài vẫn không có bầu được. Chị buồn lắm và đã định đi làm thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng kẹt cái là mắc tiền quá. Ngày nào chị cũng cầu nguyện và cuối cùng thì ước nguyện của chị được thành tựu. Chị mừng lắm nên đặt tên con là Thiên Ân, để cám ơn Chư Phật và các đấng bề trên.

Cháu rất kháu khỉnh, da trắng như tuyết, nhìn thì có nét Mỹ nhiều hơn là Á Châu. Mãi cho đến năm 2 tuổi, cháu không hề biết một chữ tiếng Việt nào, vì ở nhà chị nói chuyện với chồng bằng tiếng Anh.

Cách đây 2 năm, vợ chồng chị dẫn cháu về thăm gia đình ở Canada, để cháu biết mặt Ông Bà Ngoại và mấy Dì. Suốt hai tuần vacation, cả nhà chỉ nói toàn tiếng Việt, có ai dạy cháu chữ nào đâu, vậy mà khi trở qua Mỹ, bỗng dưng cháu bắt đầu nói tiếng Việt... mà lại nói khá lưu loát mới lạ chứ. Chị tôi cũng ngạc nhiên lắm, vì có nhiều danh từ, không biết học từ đâu hay nghe ai nói mà cháu nói ra, làm chị không thể nào tin nổi vào tai mình nữa.

Chị kể một ví dụ lời cháu nói: “Mommy, Na biết xay sinh tố bơ rồi, nó dễ ợt hà ...”. Đã “dễ” mà còn “ợt” nữa thì mới đúng là dân Việt Nam chính hiệu chứ lị. Tôi ngạc nhiên khi cháu nói tiếng Việt rất rành rẽ, với cái giọng con nít thiệt là dễ thương.

Còn nữa, khi tôi đến, cháu bảo tôi: “Dì phải ăn nhiều thêm nhe, uống vitamine nữa, chứ dì ốm ‘thấy mồ’ hà. Con gái mà ốm thì ‘xấu quắc’ cho mà coi...”. Tôi ngạc nhiên cùng cực, hỏi chị tôi làm sao cháu biết những từ này, “thấy mồ”, rồi lại “xấu quắc” nữa? Chị tôi cười, đáp rằng chị cũng không hiểu từ đâu.

Tôi hỏi cháu là “ai dạy con nói vậy, từ đâu mà con biết những danh từ này?”.

Cháu nói thật vô tư: “Tự Na biết hà, tại Na thông minh mà...”

Cháu còn lém lỉnh đố tôi có biết tên cháu Thiên Ân từ đâu mà có, và có nghĩa là gì không. Tôi giả vờ ngây thơ không biết, thì cháu làm lanh giải thích cho tôi nghe: “Thiên là ông Trời nè, còn Ân là thank you, là cám ơn đó. Mommy đặt cho Na tên là Thiên Ân là để thank you ông Trời đó, cho Mommy đẻ ra Na...”.


Trẻ em tiếp thu ngôn ngữ rất nhanh


Chị tôi kể rằng từ lúc trở qua Mỹ sau kỳ nghỉ bên Canada, chị và ông xã rất bất ngờ về việc con chị bỗng nhiên nói tiếng Việt giỏi ngoài sức tưởng tượng, nên chị có đến gặp và hỏi cô giáo ở nhà trẻ của cháu về hiện tượng này. Các cô giải thích rằng đây là điều hoàn toàn tự nhiên ở một đứa bé phát triển bình thường. Từ ở lứa tuổi còn rất nhỏ, các cháu đã có khả năng tiếp thu và học ngoại ngữ rất mau lẹ, hơn một người lớn nhiều lắm. Chỉ cần nghe người khác nói, thì trí não các cháu tự hoạt động và có thể tự đoán biết nghĩa của một số từ vựng, có khi không cần hỏi hay cần có ai giải thích. Từ lâu, chị tôi đã có ý muốn con mình sau này phải biết cả 3 thứ tiếng: Việt, Anh và Pháp.

Tôi cự lại: “Con nít nhỏ xíu mà học chi dữ vậy? Đầu óc của nó bé tí mà chị nhồi nhét quá chừng, thì chỗ đâu mà chứa?”. Nghe cũng có lý, nên chị hơi do dự, rồi cuối cùng chị rủ tôi đến nhà trẻ để hỏi ý kiến của các cô giáo tại đây. Các cô lại vô cùng khuyến khích điều này. Cô Jeannine đưa chị tôi mượn cuốn sách: “Touch Points - The Essential Reference - Your Child's Emotional and Behavioral Development” và bảo đem về đọc đi. Thế là chị và ông xã mầy mò đọc cả tuần cho hết.

Theo kết quả nghiên cứu của tác giả (ông cũng là một bác sĩ) T. Berry Brazelton, thì mọi trẻ em đều có khả năng học và biết (nghe, nói, viết) thông thạo đến 8 ngoại ngữ hay hơn nữa, nếu như được cho học khi các cháu còn rất nhỏ. Cũng theo tác giả này thì khả năng này bắt đầu từ lúc 2, 3 tuổi, lên cao nhất ở 5, 6 tuổi và kể từ 8 tuổi trở đi thì khả năng này sẽ từ từ giảm dần đi. Các bậc phụ huynh có thể nên lưu ý điều này để hướng dẫn con em mình học ngoại ngữ...


Con là người Việt Nam...

Phải công nhận là nền giáo dục ở xứ Mỹ này có nhiều điều rất hay và đáng học hỏi. Từ lúc mới vào nhà trẻ, các bé đã được hướng dẫn để có ý thức về nguồn gốc và tiếng nói của mình. Tôi may mắn có một lần được dự ngày Đa Văn hóa (Multicultural Day) do nhà trẻ bé Thiên Ân tổ chức.


ConLaNguoiVN-2.jpg


Thiên Ân Christina D. trong tà áo dài Việt Nam – ảnh: Hoàng Thanh/Viễn Đông


Đó là ngày mà các cháu được thầy cô khuyến khích nên mặc đồ quốc phục, hay bất cứ quần áo gì mà rất đặc biệt, chỉ đặc trưng cho dân tộc mình, và hát những bài hát bằng tiếng mẹ đẻ. Dĩ nhiên bé Ân được Mẹ cho mặc áo dài và đội khăn đóng. Bé mê lắm, chạy nhảy và khoe hết với mọi người. Chị tôi còn “bày đặt” làm một dây choàng như các hoa hậu với hàng chữ “Miss America – Vietnam”.

Tôi giả bộ thắc mắc về hàng chữ này thì được Thiên Ân “lên lớp” như sau: “Dì biết hông, Miss là hoa hậu, nghĩa là Na vừa là hoa hậu Việt Nam vừa là hoa hậu Mỹ luôn đó, dì thấy Na đẹp ghê chưa...”.

Tình cờ lúc đó có một bà phụ huynh của cậu bạn học cùng lớp Na bước đến, bà trầm trồ khen chiếc áo dài đẹp quá, rồi bà hỏi Thiên Ân: “What's your nationality?". Bé đáp ngay, với nét mặt tự đắc, rõ ràng từng tiếng: “I am Vietnamese”, làm cả tôi, chị tôi và bà này bật cười ngất.

Hôm đó, khi được cô giáo gọi lên hát một bài hát, Thiên Ân đã hát say sưa: “Em sẽ là mùa Xuân của Mẹ, Em sẽ là màu nắng của cha, Em đến trường học bao điều lạ, Tình nồng thắm như mặt trời xa…”, vừa hát vừa làm điệu bộ nữa chứ. Cả lớp chưa dứt tiếng vỗ tay, thì bé Na đã vội vàng hỏi ngay các bạn: “Do you understand? Let me translate into English for you...”. Nói là làm liền, cô bé đứng dịch một tràng ra tiếng Anh ý nghĩa lời bài hát.

Tôi ngạc nhiên quá đỗi, nên kề tai hỏi nhỏ bà chị: “Chị dạy nó bài hát này hả?”. “Còn ai trồng khoai đất này” - chị tôi mỉm cười vui vẻ đáp. “Cả 2 tuần trước, nó cứ đeo theo đòi tao phải dạy cho nó một bài hát tiếng Việt, nó nói là phải hát tiếng Việt thì tụi bạn nó mới biết là nó người Việt Nam...”.

Cũng trong ngày hội này, chúng tôi gặp một cô người Việt Nam đi với cậu con trai, cậu bé này học trên Thiên Ân một lớp. Chị tôi bắt chuyện hỏi: “Sao cô không cho cháu mặc quốc phục Việt Nam?”. Cô này nhăn mặt: “Ối giời! Bày đặt chi cho mệt, đời chưa đủ cái lo sao mà trường học còn bày trò này trò nọ...”. Hai chị em tôi đưa mắt nhìn nhau, không nói lời nào. Bởi thế mới biết, không phải ai cũng cùng một suy nghĩ như nhau, về quốc phục hay về tiếng nói của dân tộc mình...


Trên đường về, chị tôi nói với con: “Nếu ai hỏi con là người nước nào, thì con trả lời, ‘con là người Việt Nam và người Mỹ’, nhe Na, tại vì con là half Vietnamese, and half American mà...”. Đột nhiên, cháu nói ngay: “Na sinh ra ở Mỹ, thì dĩ nhiên Na là người Mỹ rồi, Na phải nói Na là người Việt Nam thì người ta mới biết chớ...”.

Chị tôi ngẩn ngơ, rồi chị nhìn tôi cười, một nụ cười hạnh phúc...


Nói chuyện bé Na làm tôi chợt nhớ đến mấy đứa cháu, con của ông anh họ. Anh này chủ trương là “cứ để cho con cái phát triển tự nhiên”, nên các con anh không hề được học tiếng Việt cho đến năm 15 tuổi. Ở nhà, anh chị nói chuyện với các con bằng tiếng Anh. Khi được 15 tuổi thì anh mới cho các cháu theo học lớp dạy tiếng Việt miễn phí ở cộng đồng Việt Nam. Nhưng có lẽ là quá trễ, nên mấy cháu nói tiếng được tiếng không, giọng thì cứ lơ lớ không sao hiểu được.

Mỗi lần đến thăm anh chị thì bao giờ tôi cũng chỉ hiểu được có mỗi 2 tiếng "Hi, chào Cô", rồi sau đó các cháu có nói gì thì tôi cũng chỉ như vịt nghe sấm mà thôi. Mà các cháu cũng không thiết tha gì với thứ tiếng “sao mà ‘too difficult’” (nguyên văn lời các cháu), “English only has You and I, còn Việt Nam sao mà ‘too much’: anh, em, cô, chú, bác... It makes me get a headache...”.

Cứ mỗi lần tôi lên thăm chị tôi là y như rằng bé Na kỳ nèo tôi đọc sách tiếng Việt cho cháu nghe, dù cháu đã thuộc lòng và có thể kể vanh vách chuyện Tấm Cám, chuyện Sự tích Trái Dưa Hấu, Cô bé Lọ Lem...

Có một lần, bỗng dưng cháu hỏi tôi: “Dì ơi, hạnh phúc là gì?”. Bị hỏi quá bất ngờ, tôi tự nhiên đâm ra lúng túng, nhìn chị tôi cầu cứu. Chị tôi ấp a ấp úng: “Hạnh phúc... là... là... là mình vui đó con, mình vui lắm...".

Bé Na hỏi ngay: “Hạnh phúc có phải là ‘happy’ không, Mẹ?”. Mẹ cháu mừng rỡ “chộp” liền câu đó: “Đúng rồi, là happy, là happy đó con...”. Thế là bé Na ngồi cười chúm chím: “Con very hạnh phúc now...”. Thì ra trong tâm trí cháu vẫn còn những từ ngữ xen kẽ giữa tiếng Anh và tiếng Việt, và chỉ cần 2 tiếng “happy” là đã có thể giúp cháu hiểu trọn vẹn ý nghĩa thế nào là “hạnh phúc”, mà không cần thêm một lời giải thích nào của người lớn...

Từ lúc nói được tiếng Việt, ở nhà, cháu luôn luôn nói chuyện với Mẹ bằng tiếng Việt, chỉ với Ba thì cháu mới nói tiếng Anh. Năm ngoái, tôi và gia đình chị tôi lái xe xuống San Diego chung vui dịp Giáng Sinh với gia đình ba mẹ chồng chị. Trên xe, chị cứ dặn đi dặn lại bé Na là: “Con nhớ xuống nhà Grandpa, Grandma, con nói tiếng Anh nghe không, vì Grandpa và Grandma không hiểu tiếng Việt, con nói vậy, họ sẽ buồn…”. Na hỏi lại liền: “Tại sao lại buồn? Na muốn nói tiếng gì thì Na nói chứ…”. Chị tôi nhẹ giọng: “Nhưng mình phải lịch sự, con à, mình đến nhà Grandpa, Grandma mình phải nói tiếng Anh thì họ mới hiểu, thì họ mới vui…”.

Bé Na im lặng không nói gì, nhưng chỉ một phút sau, bé quay sang tôi: “Dì ơi, hễ lúc nào mà mình muốn nói lén họ, thì mình nói tiếng Việt dì há, họ sẽ không hiểu được…”. Tôi tròn xoe mắt ngạc nhiên: “Nói lén là sao hở con? Mà tại sao mình phải nói lén họ chứ?”. Na nói liền: “Thì thí dụ như Na không muốn ăn cơm nữa, Na giả bộ nói với Grandma là ‘I am full’, nhưng Na sẽ nói với Dì là “mình đừng ăn cơm nữa, mình ra sân chơi nhe’, thì lúc đó dì cũng nói là ‘I am full’ luôn nhe, rồi mình ra vườn chơi há...”. Bà chị tôi chỉ còn có nước lắc đầu...


Hôm tiễn tôi ra phi trường, bé Na cứ khóc hoài và cứ lập đi lập lại mãi một câu duy nhất: “Na muốn dì ở lại lắm, Na thương dì nhiều thiệt nhiều, very much...”. Tôi lảng tránh cơn xúc động bằng cách cười giỡn, nói chuyện này chuyện nọ cho cháu vui. Tôi hỏi: “Con là người gì nè? Nói dì nghe coi…”, thì lập tức Na hết khóc ngay, hai con mắt tròn xoe, ráo hoảnh, nhưng vẫn còn hai giọt nước mắt long lanh, đọng trên hai khóe mắt trong suốt như hai giọt sương.

Bé “vênh” cái mặt lên và hãnh diện nói: “Con là người Việt Nam...”.

Và câu nói này, một câu nói thật hoàn toàn vô tư, tự nhiên, từ miệng một cháu bé chỉ mới 4 tuổi, theo tôi mãi trên suốt chuyến bay về lại Cali...

Con là người Việt Nam! Ước gì mỗi cháu bé “da vàng, mũi tẹt” sinh ra ở xứ Mỹ này đều có thể hãnh diện mà thốt lên câu nói này.

source
Vien Dong Daily

Wednesday 7 April 2010

Giáo hoàng Benedict trong khủng hoảng


Giáo hoàng Benedict trong khủng hoảng

Giáo hoàng Benedict XVI chào con chiên từ nhà mùa hè ở Castel Gandolfo, ở phía nam Rome

Vatican đã mạnh mẽ bảo vệ Giáo hoàng Benedict XVI

Giáo hoàng Benedict XVI đã ở tâm điểm của những tuyên bố chỉ trích và bảo vệ trong vụ scandal thầy tu lạm dụng thân xác trẻ em.

Phe chỉ trích nói Ngài đã không hành động mực khi còn là Hồng Y phụ trách việc điều tra các cáo buộc lạm dụng tình dục và không minh bạch trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng.

Phe ủng hộ Ngài nói Giáo hoàng đã làm tất cả những gì có thể trên mọi cương vị và truyền thông đã đưa tin không có cơ sở và không công bằng khi đưa tin về Ngài.

Tạp chí Foreign Policy đã điểm lại một số ý kiến của cả hai phe và BBC xin lược đăng một số ý kiến.

Giáo hoàng Dở

Christopher Hitchens với bài Bấm Giáo hoàng không đứng trên pháp luật

29/03/2010

Đối với ông Ratzinger, phép thử duy nhất chứng tỏ một linh mục tốt là thế này: Liệu ông có phải là người dễ bảo, kín đáo và trung thành với cánh truyền thống của giáo hội không? Chúng ta đã thấy điều này thể hiện qua các hành động khác của ông với tư cách là Giáo hoàng, nhất là việc ông gỡ bỏ việc rút phép thông công đối với bốn linh mục thuộc phe cực hữu do Cha Marcel Levebvre dẫn đầu và bao gồm cả linh mục chối bỏ cuộc diệt chủng người Do thái Holocaust, Richard Williamson.

Chúng ta đã thấy khi ông còn là hồng y, đứng ra bảo vệ Giáo phái làm người ta sởn gai ốc Legion of Christ mà người đứng đầu điên cuồng đã làm cha của mấy đứa trẻ và che giấu nhiều vụ lạm dụng khác. Và chúng ta thấy điều đó ngày hôm nay khi biết bao kẻ hiếp dâm và pêđê bị lột mặt nạ.

Đây là điều làm cho vụ scandal này có tính hệ thống và không chỉ là chuyện chểnh mảng đây đó. Giáo hội cần và muốn kiểm soát trẻ nhỏ và đề nghị các bậc phụ huynh giao con cho một số linh mục mà cho tới gần đây có uy tín và quyền miễn tố lớn. Giáo hội không thể nào có thể thừa nhận rằng các linh mục này cùng thượng cấp của họ là những kẻ ác dâm lâu năm, những kẻ không thể tin vào vận may của mình.

Giáo hội cũng không thể nào có thể thừa nhận họ thường xuyên bỏ rơi trẻ em và cố hết sức để bảo vệ và đôi khi thăng chức cho những kẻ ngược đãi các em. Thay vào đó họ kêu ca và khẳng định một cách sai trái rằng tất cả các cáo buộc đối với giáo hoàng - không có cáo buộc nào mà không xuất phát từ cộng đồng Thiên Chúa giáo - là một phần kế hoạch để gây khó khăn cho ông.

Maureen Dowd với bài Bấm Nói Không với Giáo hoàng

27/03/2010

Giáo hội Thiên Chúa giáo không thể nào hồi phục được nếu Chủ Chiên vẫn bị xem là con chiên ghẻ trong vụ scandal lạm dụng tình dục đang ngày càng thảm hại.

Giáo hội Thiên Chúa giáo không thể nào hồi phục được nếu Chủ Chiên vẫn bị xem là con chiên ghẻ trong vụ scandal lạm dụng tình dục đang ngày càng thảm hại.

Maureen Dowd

Giờ chúng ta đã biết tin tệ hại là Hồng Y Joseph Ratzinger, được gọi là "Rottweiler của Chúa" khi ông là người thực thi các quy định của giáo hội về vấn đề tín ngưỡng và tội lỗi đã phớt lờ những cảnh báo nhiều lần và ngoảnh mặt trong vụ Linh mục Lawrence C. Murphy, cha cố ở Wisconsin, người lạm dụng tới 200 bé trai bị khiếm thính.

Giáo hội đã điếc đặc và câm về vụ scandal tới mức gây sốc nhưng không gây ngạc nhiên khi chúng ta biết được qua bài báo của Laurie Goodstein trên The (New York) Times một nhóm cựu sinh viên điếc đã mất 30 năm để có được sự chú ý của giáo hội.

Richard Dawkins với bài Bấm Ratzinger là giáo hoàng tuyệt vời

28/03/2010

"Liệu giáo hoàng có nên từ chức không?"

Không. Như Hội đồng Hồng Y chắc đã nhận ra khi bầu ông ta, ông đủ phẩm chất một cách hoàn hảo - thậm chí lý tưởng - để lãnh đạo Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã. Một ông già cổ hủ láo liêng mặc áo choàng, người đã mưu mô trong nhiều thập niên để có vị trí mà ông đang giữ; một người tin rằng ông ta không thể bị hạ bệ và hành động đúng như vậy; một người mà sự giao giảng những sai lầm về khoa học đã gây ra cái chết của biết bao bệnh nhân AIDS ở Châu Phi; một người mà bản năng đầu tiên khi thầy tu của ông ta bị bắt quả tang đang tụt quần là che đậy vụ scandal và buộc các nạn nhân trẻ phải im lặng: nói ngắn gọn, đúng là người phù hợp cho công việc.

Hơn nữa, ông không nên từ chức vì ông là người ở vào vị trí tuyệt vời để đẩy nhanh sự sụp đổ của một tổ chức ma quái và đồi bại, tính cách hợp với ông như hình với bóng và ông là người đứng đầu tuyệt đối và phù hợp về mặt lịch sử.

Giáo hoàng Hay

Hồng Y William Levada - Bấm The New York Times và Giáo hoàng Benedict XVI trong con mắt của một người Mỹ ở Vatican

Những người sống sót trong số các nạn nhân bị lạm dụng tình dục biểu tình ở Rome

Các nạn nhân bị lạm dụng tình dục nói Giáo hoàng chưa làm đủ những gì có thể khi còn là Hồng Y

26/03/2010

Bài xã luận của báo Times đặt câu hỏi "làm sao các quan chức Vatican lại không rút ra bài học từ vụ scandal rùng rợn ở Hoa Kỳ, nơi hơn 700 tu sỹ bị bãi chức trong vòng ba năm." Tôi có thể đảm bảo với Times rằng thực tế là Vatican khi đó và bây giờ không hề lờ đi những bài học đó. Nhưng xã luận của Times tiếp tục có sự thiên lệch thường thấy: "Nhưng rồi chúng ta đọc tường thuật đáng lo ngại của Laurie Goodstein .... về chuyện giáo hoàng, khi còn là hồng y, đã được cảnh báo trực tiếp về một linh mục... Nhưng các nhà lãnh đạo giáo hội đã chọn bảo vệ giáo hội thay vì trẻ nhỏ." Xin thưa với các vị biên tập, ngay cả bài báo của Goodstein, dựa trên "những tài liệu mới tìm thấy" chỉ đặt những lời về bảo vệ Giáo hội khỏi scandal vào miệng Tổng Giám mục Weakland chứ không phải giáo hoàng...

...Về một người mà tôi có đặc ân được làm việc cùng..., một vị giáo hoàng mà thông tri về tình yêu, hy vọng và tiết kiệm làm chúng ta ngạc nhiên và phải suy nghĩ, và người mà giáo lý hàng tuần cũng như thuyết pháp Tuần Thánh truyền cảm hứng cho chúng ta và vâng, người mà những hoạt động tích cực của Ngài giúp Giáo hội giải quyết hiệu quả vụ lạm dụng tình dục trẻ nhỏ vẫn tiếp tục tạo điều kiện cho chúng ta ngày hôm nay, tôi đề nghị báo Times xem xét lại xu thế tấn công khi viết về Giáo hoàng Benedict XVI và mang lại cho thế giới một cái nhìn cân bằng hơn về người lãnh đạo mà chúng ta có thể và nên dựa vào.

John Allen với bài Bấm "Sự Thay đổi của Giáo hoàng"

27/03/2010

Tất cả những chỉ trích đang che phủ đi một điều cũng có tầm quan trọng tương tự: Đối với bất cứ ai biết lịch sử của Vatican về vấn đề này, Biển Đức XVI không chỉ là một phần của vấn đề. Ngài là một phần chính của giải pháp... Sau khi được bầu làm giáo hoàng, Biển Đức coi các vụ lạm dụng là ưu tiên để giải quyết. Một trong những hành động đầu tiên của ngài là kỷ luật hai tu sỹ có tiếng, những người đã bị cáo buộc lạm dụng tình dục hàng thập niên nhưng trước đó đã được bảo vệ ở những cấp cao nhất.

Ngài cũng là giáo hoàng đầu tiên gặp gỡ trực tiếp các nạn nhân bị lạm dụng, điều mà ngài làm ở Hoa Kỳ và Australia năm 2008...

Ngài cũng là giáo hoàng đầu tiên gặp gỡ trực tiếp các nạn nhân bị lạm dụng, điều mà ngài làm ở Hoa Kỳ và Australia năm 2008.

John Allen

Thế giới bên ngoài đã giận dữ, mà cũng phải thôi, khi Giáo hội đã phớt lờ vấn đề trong vài thập niên.

Những những ai hiểu được tốc độ nhanh chóng mà thay đổi diễn ra ở Vatican hiểu rằng Biển Đức, mặc dù muộn nhưng còn hơn bất kỳ quan chức cao cấp nào khác, hiểu được sự nghiêm trọng của tình hình và cố gắng thay đổi.

Giáo hoàng Benedict XVI trong Bấm Mục Thư gửi người Công giáo Ireland

19/03/2010

Tới các nạn nhân bị lạm dụng và gia đình họ.

Các tín hữu đã chịu đau khổ trầm trọng và tôi thành thực xin lỗi. Tôi biết không gì có thể thay đổi được những sai trái mà tín hữu phải chịu đựng. Niềm tin của tín hữu đã bị phản bội và phẩm giá của quý vị bị xâm phạm. Nhiều con chiên thấy rằng khi tín hữu dũng cảm nói lên những gì xảy ra với mình thì không ai lắng nghe... Đó là điều có thể hiểu được khi các tín hữu thấy khó có thể tha thứ và dung hòa với Giáo hội. Thay mặt cho Giáo hội, tôi công khai bày tỏ sự xấu hổ và hối hận mà chúng tôi đều cảm thấy.

Nhưng tôi cũng đề nghị các tín hữu đừng mất hy vọng. Thông qua Giáo hội mà chúng ta gặp Chúa Jesus, người cũng là nạn nhân của sự bất công và tội lỗi. Giống như các tín hữu, Chúa vẫn mang những vết thương của sự đau khổ một cách bất công. Chúa hiểu nỗi đau của tín hữu và ảnh hưởng lâu dài của nó tới cuộc sống, các mối quan hệ của tín hữu trong đó có quan hệ với Giáo hội.... Nhưng chính các vết thương của Chúa Jesus, được biến đổi bởi sự đau khổ chuộc tội, lại chính là cách mà sức mạnh của ác quỷ bị tiêu diệt và chúng ta được tái sinh với cuộc sống và hy vọng.

source

BBC Vietnamese

Saturday 3 April 2010

Hàng ngàn người tham dự nghi thức rước Lửa thiêng Phục sinh tại Jerusalem



Các tín đồ Cơ đốc giáo cầm nến và đuốc tại nhà thờ Mộ Chúa Jesus ở Jerusalem để tham dự nghi thức Lửa thiêng Phục sinh, 03/04/2010
Hình: AP

Các tín đồ Cơ đốc giáo cầm nến và đuốc tại nhà thờ Mộ Chúa Jesus ở Jerusalem để tham dự nghi thức Lửa thiêng Phục sinh, 03/04/2010


Hàng chục ngàn người cầm nến và đuốc đổ xô đến Nhà thờ Mộ Chúa Jesus tại Jerusalem để tham dự nghi thức Lửa thiêng Phục sinh.

Những tín đồ Cơ đốc giáo Chính thống tụ tập đông đảo tại nhà thờ cổ hơn 800 năm này vào hôm thứ Bảy giữa lúc Giáo chủ Chính thống giáo Hy lạp Theofilis đi xuống nơi theo truyền thống được xem là mộ của Chúa Jesus và lấy lửa thiêng.

Giáo chủ Theofilis sau đó đưa lửa thiêng vào đại sảnh để các người thờ phượng thắp nến của họ.

Truyền thống có từ 1200 năm nay của Chính thống giáo nói là ngọn lửa thiêng xuất hiện trên mộ của Chúa Jesus vào ngày thứ Bảy trước ngày Chúa Phục sinh để nhắc nhở là Ngài không quên những người theo Chúa.

Đuốc và đèn cầy có ý nghĩa tượng trưng cho 33 năm sống trên dương thế của Chúa Jesus.

Lửa thiêng được lấy từ Jerusalem và gởi bằng máy bay đến Mátcơva, Athens và những thành phố khác để giúp những Cơ đốc nhân Chính thống giáo nối kết với cội nguồn tinh thần của họ.

Khoảng 2500 cảnh sát và binh sĩ Israel được điều động đến trong và chung quanh cổ thành Jerusalem để gìn giữ an ninh cho nghi thức này.

source

VOA Vietnamese

Thursday 1 April 2010

Các bạn trẻ VN trong Mạng lưới Lãnh đạo và Phục vụ Đông Nam Á


Việt Nam Cập nhật Thứ Ba, 30 tháng 3 2010

Các bạn trẻ VN trong Mạng lưới Lãnh đạo và Phục vụ Đông Nam Á

Hôm nay, Trà Mi sẽ giới thiệu đến quý vị và các bạn một tổ chức xã hội của giới trẻ chuyên về các hoạt động nhằm phục vụ, phát triển các quốc gia ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, mà trong số thành viên của tổ chức quốc tế này cũng có sự góp mặt của các thanh niên người Việt. Đó là tổ chức mang tên SealNet, viết tắt từ cụm từ “Mạng lưới Lãnh đạo và Phục vụ Đông Nam Á” của tiếng Anh.

SEALNet Project ở Malaysia, 2008

SEALNet Project ở Malaysia, 2008

Chia sẻ

Tin liên hệ

Kể từ khi được thành lập vào năm 2004 tại đại học Stanford ở Hoa Kỳ, các thành viên của SealNet, trong đó có nhiều bạn trẻ Việt Nam hiện đang học tập hoặc sinh sống tại Mỹ, đã tích cực mang tinh thần phục vụ và lãnh đạo đến các cộng đồng Đông Nam Á không những ở Hoa Kỳ mà ngay tại các nước liên hệ, với một mạng lưới những người lãnh đạo trẻ dấn thân phục vụ, được rèn luyện các kỹ năng lãnh đạo, và hòa mình vào đội ngũ các cá nhân nhiệt tình cống hiến xây dựng xã hội.

Mỗi mùa hè, SealNet đều có những dự án tình nguyện về các nước ở Đông Nam Á, mỗi chuyến đi kéo dài khoảng 2 tuần. Mục tiêu chính của SealNet không phải chỉ là đến các nước để hoạt động xã hội, mà còn nhằm hướng dẫn các bạn trẻ tại địa phương chủ động đề xướng và lãnh đạo các chương trình phục vụ cộng đồng. Các dự án của SealNet tập trung vào 5 lĩnh vực chính, bao gồm giáo dục, mỹ thuật, văn hóa, kỹ thuật, và môi trường. Trung bình hằng năm, SealNet thực hiện từ 5 đến 7 dự án ở Đông Nam Á, và tại một quốc gia, có thể có từ 1 đến 2 dự án.

SEALNet Project Malaysia 2008SEALNet Project Malaysia 2008

Năm 2010, SealNet sẽ tiến hành 2 dự án ở Việt Nam. Góp mặt với phái đoàn SealNet đến Việt Nam vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm nay có 3 sinh viên người Việt tại Hoa Kỳ, một là du học sinh và hai bạn còn lại đã định cư ở Mỹ trên 4 năm. Đó là các bạn Lê Liên Hương từ Rhode Island, Huỳnh Thụy Thái Dương ở Massachusetts, và Nguyễn Ngọc Anh Tú tại California, mà Trà Mi mời tham gia chương trình hôm nay để chia sẻ với các bạn về những hoạt động thú vị, bổ ích của SealNet.

Trà Mi xin nhường lời cho Anh Tú giới thiệu về dự án sắp tới của bạn tại Việt Nam:

Anh Tú: Dự án Việt Nam của Tú trong năm nay là về chất da cam và sự ảnh hưởng của nó lên người dân Việt Nam sau chiến tranh. Dự án này bọn Tú sẽ làm việc với làng Hòa Bình, Thanh Xuân, Hà Nội. Tụi mình sẽ cố gắng giúp mọi người nâng cao nhận thức về chất da cam và truyền đạt các kỹ năng lãnh đạo cho các em học sinh địa phương để sau này khi dự án mình kết thúc, các em có thể tự tổ chức các dự án từ thiện riêng của các em.

Trà Mi: Với ý tưởng đó, hiện giờ các bạn đã có những bước chuẩn bị thế nào rồi?

Anh Tú: Mình đã liên lạc với làng Hòa Bình, Thanh Xuân và có các thành viên nồng cốt ở địa phương để giúp đỡ thêm.

Liên Hương: Ngoài dự án ở Hà Nội, còn có một dự án tại Sài Gòn do Hương và Dương làm trưởng nhóm. Tụi mình làm việc với trại trẻ mồ côi Long Hoa ở Sài Gòn. Dương và Hương hợp tác với GFO (Gentle Fund Organization), một tổ chức có trụ sở tại Singapore chuyên làm những dự án tình nguyện tại Việt Nam. GFO thành lập một trung tâm học tập dành cho các em mồ côi tại Long Hoa. GFO muốn hợp tác cùng SealNet làm một chương trình dạy tiếng Anh cho các em mồ côi đang học cấp hai.

SEALNet Project Malaysia 2008SEALNet Project Malaysia 2008

Thái Dương: Mục đích của chương trình là đề ra cách dạy thu hút sự chú ý của các em.

Trà Mi: Các bạn hợp tác với GFO trong chương trình giảng dạy, nhưng các bạn có hỗ trợ trong lĩnh vực sách giáo khoa không? Chẳng hạn các bạn có mang về các sách giảng dạy tiếng Anh từ bên Mỹ không?

Thái Dương: Tụi em sẽ nghiên cứu xem sách nào thích hợp với chương trình này nhất để cho Long Hoa sử dụng. Một phần trong chương trình của tụi em là thành lập hội dạy kèm do các học sinh ở Sài Gòn đảm trách. Tụi em muốn sau khi chương trình trong 2 tuần kết thúc, các bạn tại Sài Gòn sẽ tự vận hành một chương trình dạy kèm cho các em mồ côi tại Long Hoa.

Liên Hương: Song song với việc dùng sách giáo khoa bổ sung kiến thức về tiếng Anh và ngữ pháp, tụi em có giáo trình tập hợp các hoạt động ngoài trời và những trò chơi bổ ích. Qua đó, giúp các em tự tin hơn trong việc sử dụng tiếng Anh. Hương và Dương đang viết giáo trình đó. Các học sinh bên Mỹ sẽ giao lưu với các thành viên ở Việt Nam, trao đổi kiến thức về lãnh đạo. Hy vọng các bạn học sinh ở Việt Nam sẽ tiếp tục dùng các kiến thức đó để giúp cho dự án của SealNet được giữ vững tại Việt Nam.

Trà Mi: Ngoài hai dự án sắp tới, các bạn ở đây có ai đã về Việt Nam tham gia bất kỳ dự án nào trước đây chưa?

Anh Tú: Năm 2007, mình là một trong các học sinh địa phương được dự án SealNet huấn luyện và trao đổi các kinh nghiệm lãnh đạo.

SEALNet Project Malaysia 2008SEALNet Project Malaysia 2008

Trà Mi: Nghĩa là lúc đó bạn còn ở Việt Nam, chưa đi du học?

Anh Tú: Dạ.

Trà Mi: Từng tham gia vào dự án của SealNet tại Việt Nam rồi, Tú có những kinh nghiệm hoặc những câu chuyện vui buồn nào mà bạn cảm thấy ấn tượng muốn chia sẻ với các bạn ở đây không?

Anh Tú: Tham gia với SealNet có thể nói là một trong những kinh nghiệm mà mình sẽ nhớ suốt đời vì mình được làm quen với các bạn đến từ khắp thế giới. Mỗi người mang một điều hay đến. Mình vừa làm việc vừa học hỏi thêm từ họ và cảm thấy là mình đang làm việc có ích cho đất nước của mình nữa.

Trà Mi: Cho nên sau khi bạn đã qua tới Mỹ du học vẫn tiếp tục gắn bó với SealNet và chuẩn bị những chuyến đi về Việt Nam để tiếp nối những gì mà SealNet đã làm, phải không?

Anh Tú: Dạ, mình sẽ vẫn tạo ra các dự án khác, giống như một mối dây chuyền giúp đỡ cho xã hội.

Trà Mi: Mình thấy SealNet có tôn chỉ chính là phục vụ và lãnh đạo để phát triển xã hội. Theo các bạn, tầm quan trọng của tinh thần phục vụ, lãnh đạo trong giới trẻ ngày nay đối với sự phát triển xã hội ra sao?

Thái Dương: Mình thấy tầm quan trọng của sự lãnh đạo và ý thức của thanh niên là rất cao. Bởi vì thanh niên là người lãnh đạo của tương lai mà hôm nay lại không biết cách cải thiện những gì chưa được tốt trong xã hội, thì sau này sẽ không có kinh nghiệm và không có sự tự giác cao. Cho nên Dương rất thích cách làm việc của SealNet. SealNet giúp thanh niên nhận ra những khả năng có sẵn của bản thân. Trước khi tham gia SealNet, mình không biết là mình có khả năng lãnh đạo và làm tốt cho người khác.

SEALNet Project Malaysia 2008SEALNet Project Malaysia 2008

Liên Hương: Trước khi đi du học, Hương cũng đã làm việc cho nhiều tổ chức tình nguyện tại Việt Nam. Hương thấy sự khác biệt lớn nhất giữa các tổ chức xã hội hiện có ở Việt Nam với SealNet đó là các tổ chức tình nguyện ở Việt Nam thường có những dự án nhỏ và cứ thay đổi mỗi năm một lần. Trong khi SealNet rất coi trọng sự tồn tại lâu dài của các dự án. SealNet có phần dạy kỹ năng lãnh đạo nhằm giúp các thành viên các năm sau tiếp tục duy trì dự án. Khi tham gia SealNet, Hương đã học được rất nhiều điều không chỉ giúp Hương trong học tập mà giờ đây Hương đã muốn tự có riêng dự án của mình, dùng các kỹ năng lãnh đạo mà SealNet đã dạy cho mình để giúp đỡ cho xã hội.

Anh Tú: Theo mình, nếu so sánh SealNet với các tổ chức của đoàn-đội ví dụ như Mùa hè xanh, thì SealNet có tính sáng tạo cao hơn. Hầu hết mọi thứ trong SealNet đều do các thành viên rất trẻ nghĩ ra và tự hoàn thiện ý tưởng của mình. Các tổ chức của đoàn-đội như Mùa hè xanh có thể thu hút nhiều bạn trẻ tại địa phương nhưng vai trò của mỗi người trong dự án không nhiều bằng các thành viên tham gia một dự án của SealNet.

Liên Hương: Có một điểm khác biệt nữa là các tổ chức ở Việt Nam, nhất là những nhóm do các bạn sinh viên-học sinh thành lập, thường cố giải quyết một vấn đề như giúp trẻ em nghèo hay nạn nhân thiên tai. Các dự án của SealNet thường nhắm đến các mục tiêu xa hơn, như làm việc về môi trường, về nguồn nước, hoặc giúp các em cấp một hiểu biết về giun sán để phòng bệnh.

Trà Mi: Vẫn nói về tinh thần phục vụ và lãnh đạo mà SealNet coi là tôn chỉ của mình. Là những thành viên của SealNet mấy năm nay, theo các bạn, người trẻ Việt Nam làm thế nào để phát triển hai yếu tố này một cách tối ưu nhất?

Thái Dương: Mình nghĩ một người không thể tự mình lãnh đạo hay phát huy để tạo ra những sự thay đổi trong xã hội được. Muốn làm điều đó, các bạn cần phải truyền đạt ý tưởng của mình với càng nhiều người càng tốt, tạo ra một nhóm để có được ý kiến của nhiều người khác. Như vậy, những ý kiến và ý tưởng của mình sẽ càng ngày càng được trao dồi thêm. Các bạn thanh niên ở Việt Nam nên cổ vũ thêm bạn bè cùng làm chung những dự án mới nào đó.

Anh Tú: SealNet tác động đến mình rất lớn về cách suy nghĩ. Mình rất thích châm ngôn của SealNet “Đáp đền-Nối tiếp”. Tức là khi ai đó làm cho mình điều gì, sau này để trả ơn, tốt nhất mình hãy trả ơn cho tương lai, làm một điều tốt cho người khác. Như vậy, mỗi người đều làm một điều tốt, góp phần tạo nên một tương lai tươi sáng hơn.

SEALNet Project Malaysia 2008SEALNet Project Malaysia 2008

Trà Mi: Đồng ý với bạn hoàn toàn. Tuy nhiên, có một số bạn trẻ thắc mắc rằng trong đời sống bận bịu ngày nay, nhất là nhịp sống của giới trẻ, phải chạy đua với thời gian, với tiền bạc, nào là công việc, nào là học hành nữa. Cho nên dù rất muốn đóng góp cho xã hội, nhưng làm sao có thể có thời gian để làm được những điều đó? Đây là băn khoăn của rất nhiều người. Các bạn có lời khuyên nào không?

Liên Hương: Mình càng bận, càng phải cố gắng thu xếp thời gian hiệu quả hơn. Không chỉ các bạn ở Việt Nam mới bận rộn, mà ở đâu giới trẻ cũng như thế. Khi sắp xếp thời gian hợp lý và thấy có rất nhiều việc phải làm thì mình sẽ không bao giờ đẩy lùi những công việc mà mình biết là mình sẽ làm ngay. Như thế, công việc sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Trà Mi: Nói về hoạt động của SealNet trong năm nay, như các bạn vừa giới thiệu, có hai dự án vào tháng 8 và 9. Các bạn đang nghe đài muốn tham gia thì đăng ký ở đâu, liên lạc như thế nào?

Thái Dương: SealNet có website ở địa chỉ www.sealnetonline.org, trong đó có những đường link để đăng ký các chương trình khác nhau. Năm nay, SealNet có 5 chương trình, gồm hai dự án ở Việt Nam, một ở Malaysia, một ở Philippines, và một tại Thái Lan. Các bạn có thể đọc qua nội dung mỗi chương trình và theo thủ tục đăng ký trên mạng.

Trà Mi: Cảm ơn các bạn rất nhiều đã dành thời gian cho Tạp chí Thanh Niên của đài VOA. Mong rằng các bạn, với những niềm vui, niềm hăng say phục vụ cho xã hội như vậy, sẽ gặt hái được những thành quả đáng kể trong những ngày tháng sắp tới.

Mời quý vị và các bạn trở lại Tạp chí Thanh Niên của đài VOA, trong chương trình 10 giờ tối thứ ba tuần sau, để cùng gặp gỡ những người bạn mới, các bạn nhé. Trà Mi xin chào tạm biệt quý vị.


source

VOA Vietnamese