Tuesday 13 April 2010

Con là người Việt Nam...



Cập nhật lúc 2:37:11 AM - 12/04/2010

ConLaNguoiVN-1.jpg


Thiên Ân Christina D. và ba mẹ – ảnh: Hoàng Thanh/Viễn Đông


Hoàng Thanh/Viễn Đông


Quận Cam là một khu vực rộng lớn nằm ngay tại miền nam California nước Mỹ, thế nhưng hầu như người dân sống ở đây, nhất là các ông già bà cả, không cần phải biết tiếng Anh mà vẫn cứ an nhiên tự tại như thường. Thế mới lạ chứ! Mà cũng dễ hiểu thôi, bởi vì các nhà hàng, chợ búa, ngân hàng, các thương vụ ở đây, đâu đâu cũng đều có nhân viên người Việt. Ngay cả khi bạn cần gọi điện thoại cũng vậy, chỉ cần nhấc ống nghe lên, bấm số, thì có ngay một giọng nói: “Nếu muốn nói tiếng Việt, xin bạn bấm số 1...”, là mọi thứ sẽ “ok”. Có lẽ vì lý do đó mà người Việt lớn tuổi ở vùng này, dường như không cần và cũng không hề bao giờ muốn học tiếng Anh...


Sáng nay đi vô tiệm Lee’s Sandwich mua khúc bánh mì, lúc bước vào cửa tiệm, tôi nghe loáng thoáng câu chuyện của những người đàn ông Việt Nam ngồi ở mấy bàn uống cà phê. Bàn góc này thì đang bàn tán om sòm về vấn đề cải tổ y tế, còn bên góc nọ thì các bác đang thao thao tranh luận về chuyện thời sự Việt Nam, làm tôi có cảm giác như mình đang ở tại Việt Nam vậy. Người cao niên ở đây là vậy đấy. Nhưng giới trẻ thì lại khác hoàn toàn.


Tuổi trẻ ở xứ này, nhất là thế hệ sau này sinh ra tại Mỹ, thì dường như bị “dị ứng” hay sao đó với tiếng Việt. Họ mở miệng ra thì toàn là... English. Vô trường nói tiếng Anh đã đành, về nhà thì không bao giờ chịu mở miệng nói một chữ tiếng Việt. Anh chị em trong nhà luôn luôn xổ tiếng Anh với nhau, và cả với ba mẹ, họ cũng xổ cả tràng, mà các bậc phụ huynh không sao hiểu nổi.

Bởi vậy mới nói ở cái xứ này, gia đình nào mà có được đứa con nào “chịu” nói tiếng Việt, thì phải nói là có “phước” vô cùng, bởi vì cho dù ba mẹ có năn nỉ, hay rầy la, thậm chí làm dữ đi chăng nữa, thì những đứa trẻ cũng làm theo ý chúng, nghĩa là nói tiếng Anh cho... lẹ hơn và khỏi cần phải suy nghĩ cho mệt óc...


Bố Mỹ, mẹ Việt, con... nói tiếng Việt


Tuần rồi, tôi lên thăm bà chị đang sống ở Arizona. Chồng chị, anh Timothy, là người Mỹ trắng chính hiệu, và hai vợ chồng chỉ có một đứa con gái duy nhất, năm nay tròn 4 tuổi. Tên của cháu trên khai sinh là Christina, còn tên Việt Nam ở nhà là Thiên Ân. Sở dĩ có cái tên này là vì chị tôi lập gia đình hơi trễ, nên thử hoài vẫn không có bầu được. Chị buồn lắm và đã định đi làm thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng kẹt cái là mắc tiền quá. Ngày nào chị cũng cầu nguyện và cuối cùng thì ước nguyện của chị được thành tựu. Chị mừng lắm nên đặt tên con là Thiên Ân, để cám ơn Chư Phật và các đấng bề trên.

Cháu rất kháu khỉnh, da trắng như tuyết, nhìn thì có nét Mỹ nhiều hơn là Á Châu. Mãi cho đến năm 2 tuổi, cháu không hề biết một chữ tiếng Việt nào, vì ở nhà chị nói chuyện với chồng bằng tiếng Anh.

Cách đây 2 năm, vợ chồng chị dẫn cháu về thăm gia đình ở Canada, để cháu biết mặt Ông Bà Ngoại và mấy Dì. Suốt hai tuần vacation, cả nhà chỉ nói toàn tiếng Việt, có ai dạy cháu chữ nào đâu, vậy mà khi trở qua Mỹ, bỗng dưng cháu bắt đầu nói tiếng Việt... mà lại nói khá lưu loát mới lạ chứ. Chị tôi cũng ngạc nhiên lắm, vì có nhiều danh từ, không biết học từ đâu hay nghe ai nói mà cháu nói ra, làm chị không thể nào tin nổi vào tai mình nữa.

Chị kể một ví dụ lời cháu nói: “Mommy, Na biết xay sinh tố bơ rồi, nó dễ ợt hà ...”. Đã “dễ” mà còn “ợt” nữa thì mới đúng là dân Việt Nam chính hiệu chứ lị. Tôi ngạc nhiên khi cháu nói tiếng Việt rất rành rẽ, với cái giọng con nít thiệt là dễ thương.

Còn nữa, khi tôi đến, cháu bảo tôi: “Dì phải ăn nhiều thêm nhe, uống vitamine nữa, chứ dì ốm ‘thấy mồ’ hà. Con gái mà ốm thì ‘xấu quắc’ cho mà coi...”. Tôi ngạc nhiên cùng cực, hỏi chị tôi làm sao cháu biết những từ này, “thấy mồ”, rồi lại “xấu quắc” nữa? Chị tôi cười, đáp rằng chị cũng không hiểu từ đâu.

Tôi hỏi cháu là “ai dạy con nói vậy, từ đâu mà con biết những danh từ này?”.

Cháu nói thật vô tư: “Tự Na biết hà, tại Na thông minh mà...”

Cháu còn lém lỉnh đố tôi có biết tên cháu Thiên Ân từ đâu mà có, và có nghĩa là gì không. Tôi giả vờ ngây thơ không biết, thì cháu làm lanh giải thích cho tôi nghe: “Thiên là ông Trời nè, còn Ân là thank you, là cám ơn đó. Mommy đặt cho Na tên là Thiên Ân là để thank you ông Trời đó, cho Mommy đẻ ra Na...”.


Trẻ em tiếp thu ngôn ngữ rất nhanh


Chị tôi kể rằng từ lúc trở qua Mỹ sau kỳ nghỉ bên Canada, chị và ông xã rất bất ngờ về việc con chị bỗng nhiên nói tiếng Việt giỏi ngoài sức tưởng tượng, nên chị có đến gặp và hỏi cô giáo ở nhà trẻ của cháu về hiện tượng này. Các cô giải thích rằng đây là điều hoàn toàn tự nhiên ở một đứa bé phát triển bình thường. Từ ở lứa tuổi còn rất nhỏ, các cháu đã có khả năng tiếp thu và học ngoại ngữ rất mau lẹ, hơn một người lớn nhiều lắm. Chỉ cần nghe người khác nói, thì trí não các cháu tự hoạt động và có thể tự đoán biết nghĩa của một số từ vựng, có khi không cần hỏi hay cần có ai giải thích. Từ lâu, chị tôi đã có ý muốn con mình sau này phải biết cả 3 thứ tiếng: Việt, Anh và Pháp.

Tôi cự lại: “Con nít nhỏ xíu mà học chi dữ vậy? Đầu óc của nó bé tí mà chị nhồi nhét quá chừng, thì chỗ đâu mà chứa?”. Nghe cũng có lý, nên chị hơi do dự, rồi cuối cùng chị rủ tôi đến nhà trẻ để hỏi ý kiến của các cô giáo tại đây. Các cô lại vô cùng khuyến khích điều này. Cô Jeannine đưa chị tôi mượn cuốn sách: “Touch Points - The Essential Reference - Your Child's Emotional and Behavioral Development” và bảo đem về đọc đi. Thế là chị và ông xã mầy mò đọc cả tuần cho hết.

Theo kết quả nghiên cứu của tác giả (ông cũng là một bác sĩ) T. Berry Brazelton, thì mọi trẻ em đều có khả năng học và biết (nghe, nói, viết) thông thạo đến 8 ngoại ngữ hay hơn nữa, nếu như được cho học khi các cháu còn rất nhỏ. Cũng theo tác giả này thì khả năng này bắt đầu từ lúc 2, 3 tuổi, lên cao nhất ở 5, 6 tuổi và kể từ 8 tuổi trở đi thì khả năng này sẽ từ từ giảm dần đi. Các bậc phụ huynh có thể nên lưu ý điều này để hướng dẫn con em mình học ngoại ngữ...


Con là người Việt Nam...

Phải công nhận là nền giáo dục ở xứ Mỹ này có nhiều điều rất hay và đáng học hỏi. Từ lúc mới vào nhà trẻ, các bé đã được hướng dẫn để có ý thức về nguồn gốc và tiếng nói của mình. Tôi may mắn có một lần được dự ngày Đa Văn hóa (Multicultural Day) do nhà trẻ bé Thiên Ân tổ chức.


ConLaNguoiVN-2.jpg


Thiên Ân Christina D. trong tà áo dài Việt Nam – ảnh: Hoàng Thanh/Viễn Đông


Đó là ngày mà các cháu được thầy cô khuyến khích nên mặc đồ quốc phục, hay bất cứ quần áo gì mà rất đặc biệt, chỉ đặc trưng cho dân tộc mình, và hát những bài hát bằng tiếng mẹ đẻ. Dĩ nhiên bé Ân được Mẹ cho mặc áo dài và đội khăn đóng. Bé mê lắm, chạy nhảy và khoe hết với mọi người. Chị tôi còn “bày đặt” làm một dây choàng như các hoa hậu với hàng chữ “Miss America – Vietnam”.

Tôi giả bộ thắc mắc về hàng chữ này thì được Thiên Ân “lên lớp” như sau: “Dì biết hông, Miss là hoa hậu, nghĩa là Na vừa là hoa hậu Việt Nam vừa là hoa hậu Mỹ luôn đó, dì thấy Na đẹp ghê chưa...”.

Tình cờ lúc đó có một bà phụ huynh của cậu bạn học cùng lớp Na bước đến, bà trầm trồ khen chiếc áo dài đẹp quá, rồi bà hỏi Thiên Ân: “What's your nationality?". Bé đáp ngay, với nét mặt tự đắc, rõ ràng từng tiếng: “I am Vietnamese”, làm cả tôi, chị tôi và bà này bật cười ngất.

Hôm đó, khi được cô giáo gọi lên hát một bài hát, Thiên Ân đã hát say sưa: “Em sẽ là mùa Xuân của Mẹ, Em sẽ là màu nắng của cha, Em đến trường học bao điều lạ, Tình nồng thắm như mặt trời xa…”, vừa hát vừa làm điệu bộ nữa chứ. Cả lớp chưa dứt tiếng vỗ tay, thì bé Na đã vội vàng hỏi ngay các bạn: “Do you understand? Let me translate into English for you...”. Nói là làm liền, cô bé đứng dịch một tràng ra tiếng Anh ý nghĩa lời bài hát.

Tôi ngạc nhiên quá đỗi, nên kề tai hỏi nhỏ bà chị: “Chị dạy nó bài hát này hả?”. “Còn ai trồng khoai đất này” - chị tôi mỉm cười vui vẻ đáp. “Cả 2 tuần trước, nó cứ đeo theo đòi tao phải dạy cho nó một bài hát tiếng Việt, nó nói là phải hát tiếng Việt thì tụi bạn nó mới biết là nó người Việt Nam...”.

Cũng trong ngày hội này, chúng tôi gặp một cô người Việt Nam đi với cậu con trai, cậu bé này học trên Thiên Ân một lớp. Chị tôi bắt chuyện hỏi: “Sao cô không cho cháu mặc quốc phục Việt Nam?”. Cô này nhăn mặt: “Ối giời! Bày đặt chi cho mệt, đời chưa đủ cái lo sao mà trường học còn bày trò này trò nọ...”. Hai chị em tôi đưa mắt nhìn nhau, không nói lời nào. Bởi thế mới biết, không phải ai cũng cùng một suy nghĩ như nhau, về quốc phục hay về tiếng nói của dân tộc mình...


Trên đường về, chị tôi nói với con: “Nếu ai hỏi con là người nước nào, thì con trả lời, ‘con là người Việt Nam và người Mỹ’, nhe Na, tại vì con là half Vietnamese, and half American mà...”. Đột nhiên, cháu nói ngay: “Na sinh ra ở Mỹ, thì dĩ nhiên Na là người Mỹ rồi, Na phải nói Na là người Việt Nam thì người ta mới biết chớ...”.

Chị tôi ngẩn ngơ, rồi chị nhìn tôi cười, một nụ cười hạnh phúc...


Nói chuyện bé Na làm tôi chợt nhớ đến mấy đứa cháu, con của ông anh họ. Anh này chủ trương là “cứ để cho con cái phát triển tự nhiên”, nên các con anh không hề được học tiếng Việt cho đến năm 15 tuổi. Ở nhà, anh chị nói chuyện với các con bằng tiếng Anh. Khi được 15 tuổi thì anh mới cho các cháu theo học lớp dạy tiếng Việt miễn phí ở cộng đồng Việt Nam. Nhưng có lẽ là quá trễ, nên mấy cháu nói tiếng được tiếng không, giọng thì cứ lơ lớ không sao hiểu được.

Mỗi lần đến thăm anh chị thì bao giờ tôi cũng chỉ hiểu được có mỗi 2 tiếng "Hi, chào Cô", rồi sau đó các cháu có nói gì thì tôi cũng chỉ như vịt nghe sấm mà thôi. Mà các cháu cũng không thiết tha gì với thứ tiếng “sao mà ‘too difficult’” (nguyên văn lời các cháu), “English only has You and I, còn Việt Nam sao mà ‘too much’: anh, em, cô, chú, bác... It makes me get a headache...”.

Cứ mỗi lần tôi lên thăm chị tôi là y như rằng bé Na kỳ nèo tôi đọc sách tiếng Việt cho cháu nghe, dù cháu đã thuộc lòng và có thể kể vanh vách chuyện Tấm Cám, chuyện Sự tích Trái Dưa Hấu, Cô bé Lọ Lem...

Có một lần, bỗng dưng cháu hỏi tôi: “Dì ơi, hạnh phúc là gì?”. Bị hỏi quá bất ngờ, tôi tự nhiên đâm ra lúng túng, nhìn chị tôi cầu cứu. Chị tôi ấp a ấp úng: “Hạnh phúc... là... là... là mình vui đó con, mình vui lắm...".

Bé Na hỏi ngay: “Hạnh phúc có phải là ‘happy’ không, Mẹ?”. Mẹ cháu mừng rỡ “chộp” liền câu đó: “Đúng rồi, là happy, là happy đó con...”. Thế là bé Na ngồi cười chúm chím: “Con very hạnh phúc now...”. Thì ra trong tâm trí cháu vẫn còn những từ ngữ xen kẽ giữa tiếng Anh và tiếng Việt, và chỉ cần 2 tiếng “happy” là đã có thể giúp cháu hiểu trọn vẹn ý nghĩa thế nào là “hạnh phúc”, mà không cần thêm một lời giải thích nào của người lớn...

Từ lúc nói được tiếng Việt, ở nhà, cháu luôn luôn nói chuyện với Mẹ bằng tiếng Việt, chỉ với Ba thì cháu mới nói tiếng Anh. Năm ngoái, tôi và gia đình chị tôi lái xe xuống San Diego chung vui dịp Giáng Sinh với gia đình ba mẹ chồng chị. Trên xe, chị cứ dặn đi dặn lại bé Na là: “Con nhớ xuống nhà Grandpa, Grandma, con nói tiếng Anh nghe không, vì Grandpa và Grandma không hiểu tiếng Việt, con nói vậy, họ sẽ buồn…”. Na hỏi lại liền: “Tại sao lại buồn? Na muốn nói tiếng gì thì Na nói chứ…”. Chị tôi nhẹ giọng: “Nhưng mình phải lịch sự, con à, mình đến nhà Grandpa, Grandma mình phải nói tiếng Anh thì họ mới hiểu, thì họ mới vui…”.

Bé Na im lặng không nói gì, nhưng chỉ một phút sau, bé quay sang tôi: “Dì ơi, hễ lúc nào mà mình muốn nói lén họ, thì mình nói tiếng Việt dì há, họ sẽ không hiểu được…”. Tôi tròn xoe mắt ngạc nhiên: “Nói lén là sao hở con? Mà tại sao mình phải nói lén họ chứ?”. Na nói liền: “Thì thí dụ như Na không muốn ăn cơm nữa, Na giả bộ nói với Grandma là ‘I am full’, nhưng Na sẽ nói với Dì là “mình đừng ăn cơm nữa, mình ra sân chơi nhe’, thì lúc đó dì cũng nói là ‘I am full’ luôn nhe, rồi mình ra vườn chơi há...”. Bà chị tôi chỉ còn có nước lắc đầu...


Hôm tiễn tôi ra phi trường, bé Na cứ khóc hoài và cứ lập đi lập lại mãi một câu duy nhất: “Na muốn dì ở lại lắm, Na thương dì nhiều thiệt nhiều, very much...”. Tôi lảng tránh cơn xúc động bằng cách cười giỡn, nói chuyện này chuyện nọ cho cháu vui. Tôi hỏi: “Con là người gì nè? Nói dì nghe coi…”, thì lập tức Na hết khóc ngay, hai con mắt tròn xoe, ráo hoảnh, nhưng vẫn còn hai giọt nước mắt long lanh, đọng trên hai khóe mắt trong suốt như hai giọt sương.

Bé “vênh” cái mặt lên và hãnh diện nói: “Con là người Việt Nam...”.

Và câu nói này, một câu nói thật hoàn toàn vô tư, tự nhiên, từ miệng một cháu bé chỉ mới 4 tuổi, theo tôi mãi trên suốt chuyến bay về lại Cali...

Con là người Việt Nam! Ước gì mỗi cháu bé “da vàng, mũi tẹt” sinh ra ở xứ Mỹ này đều có thể hãnh diện mà thốt lên câu nói này.

source
Vien Dong Daily

No comments:

Post a Comment