Monday 13 December 2010

Khi người con gái, tự tình với Quê Hương


Khi người con gái, tự tình với Quê Hương
Cập nhật lúc 11:07:09 PM - 11/12/2010

ht, nguyễn

QA-7.jpg

Không sáng lung linh như ngọc, bởi cái dung dị, mộc mạc của một cô gái từ ánh mắt đến nụ cười.


Nhưng lại trong veo như thể là suối nguồn, một thứ tinh khiết hiếm hoi mà không phải cô gái đôi mươi nào cũng có được trong cái thế kỷ 21 này. Đó chính là Phạm Quỳnh Anh, người con gái đã thổi hồn đất nước Việt Nam vào từng con tim, qua bài hát “Bonjour Việt Nam”.

Sinh ra và lớn lên thuần thục trong một gia đình, mà bố là người Hà Nội, du học tại Bỉ 1971, và mẹ là người miền Nam; họ gặp nhau vào năm 1982. Sau đó 5 năm thì Quỳnh Anh chào đời vào một ngày của mùa Xuân, ngày16-1-1987. Và một em gái tên Lisa năm 1992 nữa. Ba mẹ luôn luôn dẫn dắt cô con gái yêu vào cội nguồn, bằng những buổi biểu diễn đóng góp dân ca cho cộng đồng Việt Nam tại đây, với một nhóm có cái tên là “Hy Vọng”. Và xem ra đây thì cũng chính là cái tên của định mệnh, dành cho một cô gái thuần chủng Việt Nam có ánh mắt với niềm tin Hy Vọng tràn trề sức sống của tuổi đôi mươi mỗi khi biểu diễn.

Thành phố Liege, nơi mà con sông Meuse đẹp nhất Châu Âu, cũng là nơi mà Quỳnh Anh được sinh ra và lớn lên. Lại một lần nữa, phải chăng là những dòng nước trong suốt đã cuồn cuộn vào tận cùng âm sắc, từ một cô gái có giọng hát ru, đến từng con tim người thưởng ngoạn.

Đài Truyền Hình Bỉ RTBF với cuộc thi hát Vì Vinh Quang vào tháng 9-2000, giải nhất, giải Vinh Quang đã thuộc về Quỳnh Anh, và bước đầu khởi nghiệp cho sự nghiệp ca hát của Quỳnh Anh cũng bắt đầu từ đây.

Năm 2002, bản hợp đồng đầu tiên của sự nghiệp được ký kết với Universal.

QA-4.jpg

Năm 2005 là năm để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong bước đường đi vào sự nghiệp ca hát của Quỳnh Anh. Vào tháng 3 năm đó, nhạc sĩ Marc Lavoine viết bài “Bonjour Việt Nam” dành riêng cho một Quỳnh Anh. Tháng 4 thì cô ca sĩ lại cùng sánh vai với chàng nhạc sĩ trong bài hát mang tên “J’espère - Tôi Hy Vọng”. Đẹp làm sao ánh mắt hồn nhiên, không chút nghi ngại của Quỳnh Anh khi biểu diễn “J’espère”, đẹp làm sao những tràng pháo tay ròn rã và tiếng hát hòa theo của mọi người. Ngay từ phút đầu tiên xuất hiện, cả phòng mọi người đều đứng bật dậy như thể một trông chờ, một khát khao! Đẹp hơn tất cả là cái nắm chặt tay của chàng thanh niên có tuổi đời xấp xỉ gấp đôi tuổi của nàng, Marc Lavoine, như thể là một nâng đỡ, một dìu dắt, một hứa hẹn giữa hai người khi đi vào thế giới của âm nhạc. Riêng tôi muốn sống! Muốn được sống nhiều hơn khi nghe J’espère.

Cũng nên nói thêm về cái khoảng khắc định mệnh họ gặp nhau, để có một bài hát tại thành phố Bruxelles, và Marc Lavoine đã nói về Quỳnh Anh: “Ca khúc này đặc biệt. Tôi muốn hát chung với một ca sĩ nào có khuôn mặt diễn tả niềm hi vọng. Và tôi đã tìm thấy Quỳnh Anh ở Bruxelles. Tôi viết bài Bonjour Vietnam cho Quỳnh Anh”. Có phải chăng định mệnh ca hát của Quỳnh Anh bắt đầu từ hai chữ Hy Vọng. (Hy Vọng, đầu tiên từ tên của nhóm hát. Hy Vọng thứ hai là tên của bài hát. Hy Vọng thứ ba, là sự tìm kiếm của nhạc sĩ Marc Lavoine về một cô gái có khuôn mặt diễn tả niềm Hy Vọng).

Raconte moi ce nom étrange et difficile à prononcer
Que je porte depuis que je suis née.
Raconte moi le vieil empire et le trait de mes yeux bridés,
Qui disent mieux que moi ce que tu n’oses dire.
Je ne sais de toi que des images de la guerre,
Un film de Coppola, [et] des hélicoptères en colère ...
Un jour, j’irai là bas, un jour dire bonjour à ton âme.
Un jour, j’irai là bas [pour] te dire bonjour, Vietnam.
Raconte moi ma couleur, mes cheveux et mes petits pieds,
Qui me portent depuis que je suis née.
Raconte moi ta maison, ta rue, racontes moi cet inconnu,
Les marchés flottants et les sampans de bois.
Je ne connais de mon pays que des photos de la guerre,
Un film de Coppola, [et] des hélicoptères en colère ...
Un jour, j’irai là bas, un jour dire bonjour à mon âme.
Un jour, j’irai là bas [pour] te dire bonjour, Vietnam.
Les temples et les Bouddhas de pierre pour mes pères,
Les femmes courbées dans les rizières pour mes mères,
Dans la prière, dans la lumière, revoir mes frères,
Toucher mon âme, mes racines, ma terre...
Un jour, j’irai là bas, un jour dire bonjour à mon âme.
Un jour, j’irai là bas [pour] te dire bonjour, Vietnam (2 fois).

Bonjour Vietnam – Marc Lavoine

Năm 2008, Bonjour Việt Nam được chuyển dịch sang Anh Ngữ: Hello Việt Nam - đã được Quỳnh Anh lần đầu tiên ra mắt cộng đồng người Việt Nam ở Little Saigon, Orange County, miền Nam California, Hoa Kỳ, trong chương trình Đại Nhạc Hội “Tình Ca Việt Nam”, do Trung Tâm Thúy Nga tổ chức, vào Tháng 5-2008.

Tell me all about this name, that is difficult to say.
It was given me the day I was born.
Want to know about the stories of the empire of old.
My eyes say more of me than what you dare to say.
All I know of you is all the sights of war.
A film by Coppola, the helicopter's roar.
One day I'll touch your soil.
One day I'll finally know your soul.
One day I'll come to you.
To say hello... Vietnam.
Tell me all about my colour, my hair and my little feet
That have carried me every mile of the way.
Want to see your house, your streets. Show me all I do not know.
Wooden sampans, floating markets, light of gold.
All I know of you is the sights of war.
Hello Vietnam lyrics on
A film by Coppola, the helicopter's roar.
One day I'll touch your soil.
One day I'll finally know your soul.
One day I'll come to you.
To say hello... Vietnam.
And Buddha’s made of stone watch over me
My dreams they lead me through the fields of rice
In prayer, in the light…I see my kin
I touch my tree, my roots, my begin
One day I'll touch your soil.
One day I'll finally know my soul.
One day I'll come to you.
To say hello... Vietnam.
One day I’ll walk your soil
One day I’ll finally know my soul
One day I’ll come to you
To say hello…Vietnam
To say hello…Vietnam
To say xin chào… Vietnam

Hello Việt Nam

“… trong lời nguyện cầu, trong ánh sáng, tôi thấy lại những người anh. Tôi về với tiếng lòng, với cội nguồn, với đất mẹ quê cha... Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn tôi. Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam”. Lời của bài hát như xoáy vào từng con tim người Việt tha hương, lại thôi thúc bước chân của thế hệ trẻ, của bất kỳ một ai chưa từng đặt chân đến xứ sở này. Quỳnh Anh đã diễn tả giấc mơ của mình bằng câu nói “Tôi muốn trầm mình trong mùi hương Việt Nam”, và tháng 11-2009 vừa qua, cô đã đến, và để lại những ấn tượng và cảm tình rất Việt Nam trong lòng mỗi người Việt Nam tại quê nhà

QA-5.jpg

Tôi muốn nói cảm ơn nhạc sĩ Marc Lavoine đã làm nên một Bonjour Việt Nam, một Quỳnh Anh và ngay cả một Việt Nam trong tim chúng tôi, và tim mọi người… tim tuổi trẻ Việt Nam.

“I Say Gold” cũng là một bài hát làm nên tên tuổi Quỳnh Anh. Lần này thì Quỳnh Anh có vẻ chững chạc hơn, bởi giờ đây Quỳnh Anh đang là sinh viên năm thứ 2 Khoa Văn chương rồi… Nhưng tôi mong làm sao Quỳnh Anh ơi, hãy giữ mãi chân tình của một cô gái Việt Nam. Tôi mong muốn Quỳnh Anh sẽ là một quả ngọt của cuộc đời này, hơn là một cánh hoa đẹp của cuộc đời. Bởi tôi tin vào nhân cách và đức hạnh của một Quỳnh Anh. Trong sáng và chân tình!
source
Vien Dong Daily

Saturday 4 December 2010

Người lập ra các tiệm bánh mì Lee's Sandwiches không còn nữa


VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Bảy, 04 tháng 12 2010

Người lập ra các tiệm bánh mì Lee's Sandwiches không còn nữa

Ông Lê Văn Bá, được xem là người sáng lập hệ thống cửa hàng bánh mì Lee's Sandwiches tại Hoa Kỳ, đã qua đời trong tuần qua, thọ 79 tuổi. Dịp này, chúng tôi xin giới thiệu một doanh nghiệp được xem là thành đạt nhờ sự chịu khó và đoàn kết của một gia đình.

Một cửa hàng Lee Sandwiches tại San Jose, California
Hình: Phuoc BM

Một cửa hàng Lee Sandwiches tại San Jose, California


Gia đình ông Lê Văn Bá đến định cư tại San Jose, California năm 1980. Thời gian mới đến, người con trai cả của ông, Lê Văn Chiêu, ngoài thời giờ đi học Anh văn, đi phụ bán hàng cho một chiếc xe bán thức ăn dạo chung quanh các hãng xưởng của thành phố.

Một năm sau, anh Chiêu mua chiếc xe bán thức ăn dạo đầu tiên. Một năm sau nữa, 1982, cùng với người em là Henry Lê, anh Chiêu lập ra công ty ''Lee Bros.'', anh em họ Lê, lấy họ của gia đình làm tên công ty, nhưng phải sửa “Lê” thành “Lee” cho người Mỹ dễ đọc.

Từ khởi điểm khiêm nhường đó, họ đã tạo ra một công ty cung cấp thức ăn lớn trong vùng San Jose, phục vụ hơn 500 xe bán thức ăn dạo trên khắp vùng, mỗi xe là một người chủ riêng, trong đó có nhiều người là Việt Nam.

Năm 1983, bố mẹ anh Chiêu là ông bà Lê Văn Bá, bắt đầu bán loại bánh mì kiểu Việt Nam trên một chiếc xe đậu trên một góc phố của thành phố San Jose, chủ yếu nhắm vào khách hàng người Việt Nam.

Sau đó họ bỏ chiếc xe để mướn một cửa hàng nhỏ trên con đường này để mở tiệm bánh mì kiểu Việt Nam đầu tiên.

Do đông khách, gia đình lại di chuyển sang một cửa hàng lớn hơn tại một con đường khác.

Năm 2001, gia đình họ Lê và các gia đình sui gia lập ra một loại cửa hàng bán thức ăn nhanh mới, vừa có món ăn Việt Nam vừa có món ăn Mỹ, đặc biệt nhất là món cà phê sữa đá bán rất chạy, và cũng mang thương hiệu là ''Lee's Coffee''.

Cửa hàng này thành công đến độ Lee's Sandwiches trở thành một trong những hệ thống cửa hàng bán thức ăn nhanh phát triển nhất tại miền Tây nước Mỹ.

Tính đến nay, hệ thống này có đến gần 40 cửa hàng tại nhiều tiểu bang Hoa Kỳ và dự kiến là sẽ còn tăng thêm nữa. Ngoài California, các cửa hàng này còn có mặt ở các tiểu bang Arizona, Texas và Oklahoma; phần lớn là doanh nghiệp nhượng quyền thương hiệu (franchise).

Mỗi cửa hàng đều tổ chức ngăn nắp, sạch sẽ, có đặt nhiều màn hình kể ra thực đơn bằng hai thứ tiếng. Các màn hình cũng trình bày những dịp khuyến mại, tạo cho khách cơ hội được ăn miễn phí. Nhiều cửa hàng được trang bị để khách có thể sử dụng Internet.

Tháng 10 vừa qua, Lee's Sandwiches mở một chiến dịch khuyến mại đặc biệt đánh dấu sự kiện hiếm thấy, là ngày 10 tháng 10 năm 2010, chỉ xảy ra một lần trong một thế kỷ. Trong ngày hôm đó, khách hàng nào mua 10 ly cà phê chỉ phải trả có 10 đôla hoặc nếu mua 10 ổ bánh mì, sẽ được tăng không 10 ổ.

Ông Nguyễn Bá Phúc, một người sống lâu năm tại thành phố San José, cho biết:

“Ông Lê Văn Bá, tự là Ba Thận, có tất cả 9 người con - 5 trai và 4 gái. Khởi nghiệp của ông cũng rất khó khăn. Bằng hai bàn tay trắng nhưng hai ông bà rất chịu khó, siêng năng, và nhờ có sự góp sức của các con. Ông là sáng lập viên của công ty Lee's Sandwiches; ngoài ra, ông còn là cố vấn của Giáo hội Phật giáo Hòa hảo Thuần túy Việt Nam tại hải ngoại, cựu Hội trưởng hội ái hữu An Giang Bắc California. Gia đình ông cũng đóng góp rất nhiều cho cộng đồng, và cũng là một trong những khuôn mặt rất được bà con ở Bắc Cali biết tiếng.

Trong cửa hàng của ông bánh mì là chủ yếu, ngoài ra cà phê cũng rất hấp dẫn bà con. Thêm vào đó có bán cơm, các món ăn trưa và nhiều thứ bánh trái, mình vô đó có thể lựa rất nhiều thức ăn trong ngày.

Giá cả không đến nỗi nào mắc lắm, một ổ bánh mì là hai đồng rưỡi; rồi bánh bao, bánh chưng, bánh giò; nghĩa là những gì mà Việt Nam có thì ở đây cũng đều có.”

Vào năm 2003, cơ quan phát triển các loại doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ trao giải thưởng Doanh nghiệp Xuất sắc miền Tây Hoa Kỳ cho hệ thống cửa hàng bánh mì Lee's Sandwiches'. Tại Quận Cam California, anh Lê Văn Chiêu, người con cả của ông Bá, được trao danh hiệu Doanh nhân Tiêu biểu của năm 2003. Hai năm sau, 2005, Lee's Sandwiches được tờ báo Modern Baking chuyên tường thuật về các nhà làm bánh Hoa Kỳ chọn là một trong 50 nhà làm bánh mì hàng đầu của nước Mỹ.

Ngoài thành tích kinh doanh, gia đình ông Lê Văn Bá còn tham gia các sinh hoạt cộng đồng tại nhiều nơi. Họ đã đóng góp và tham gia gây quỹ giúp nạn nhân vụ khủng bố 11 tháng 9, nạn nhân bão Katrina ở Louisiana, nạn nhân bão lụt ở Việt Nam, động đất ở Mexico, và các dịp từ thiện khác trên khắp thế giới.

Sự thành công của hệ thống cửa hàng bánh mì Lee's Sandwiches còn làm nguồn cảm hứng cho nhiều người Việt tại Mỹ mở ra các cửa hàng khác, như Bánh Mì Ba Lẹ, Bánh Mì Chè Cali, Bánh Mì Chợ Cũ, Bánh Mì Như Lan

Muốn mở một cửa hàng nhượng quyền thương hiệu của Lee's Sandwiches phải có số vốn từ 240.000 đến 1.800.000 đôla; tùy theo mình muốn có loại cửa hàng nào. Có tất cả 4 loại cửa hàng.

Loại thứ nhất, có đầy đủ thiết bị để cung cấp thức ăn cho các cửa hàng khác, ta phải chi cho hệ thống từ 1,1 đến 1,8 triệu, cọng với phí thương hiệu nhượng quyền là 75.000 đôla.

Loại thứ nhì, không có nhiều thiết bị và không sản xuất bánh mì giống như loại 1, ta phải chi cho hệ thống từ 700.000 đến 1,3 triệu, cọng với phí thương hiệu nhượng quyền là 60.000 đôla.

Loại thứ ba, không có sản xuất thực phẩm tại cửa hàng, ta phải chi cho hệ thống từ 459.000 đến 800.000 đôla, cọng với phí thương hiệu nhượng quyền là 50.000 đôla.

Loại thứ tư, là loại thấp nhất, được cung cấp đủ mọi thứ, mở tại các khu shopping, ta phải chi cho hệ thống từ 250.000 đến 420.000 đôla, cọng với phí thương hiệu nhượng quyền là 35.000 đôla.

Tất cả các cửa hàng nhượng quyền thương hiệu, mỗi tuần phải nộp cho hệ thống Lee's Sandwiches 6,9% số bán để có thể nhận được các dịch vụ như sử dụng thương hiệu, huấn luyện nhân viên, tư vấn, marketing...

Vào ngày 8 tháng 8 năm 2008, cũng toàn là số 8, Lee's Sandwiches đã khai trương một cửa hàng tại đường Hàm Nghi Quận 1 Saigon.

Là một liên doanh với một công ty Nam Triều Tiên, cửa hàng này có 100 chỗ ngồi, có những loại bánh theo kiểu phương Tây, và cũng có cà phê sữa đá từng nổi danh ở bên Mỹ. Cà phê được pha chế theo đúng công thức Mỹ để bảo đảm mùi vị giống như cà phê bán bên Mỹ. Mục đích là nhắm vào thành phần có thu nhập cao, muốn thưởng thức mùi vị của nước ngoài.

Liên doanh này dự tính phát triển sang Nam Triều Tiên, Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.

source

VOA Vietnamese

Sunday 28 November 2010

Madison Nguyễn Sẽ Giữ Chức Phó Thị Trưởng San Jose


November 26, 2010

Madison Nguyễn Sẽ Giữ Chức Phó Thị Trưởng San Jose

KAVITI

Thị trưởng thành phố San Jose là Chuck Reed vừa chính thức đề cử nghị viên Madison Nguyễn vào chức vụ Phó Thị Trưởng San Jose thay thế cho bà Judy Chirco sẽ mãn hạn vào ngày cuối năm 31-12-2010.Theo luật của thành phố San Jose thì buổi họp của Hội Đồng Thành Phố vào ngày 25-01-2011 sẽ bầu chọn Phó Thị Trưởng theo đề nghị của thị trưởng. Do đó Thị trưởng Chuck Reed chỉ định nghị viên Madison Nguyễn tạm thời giữ chức Phó Thị Trưởng từ ngày 01-01-2011 cho đến ngày 25-01-2011.

Nghị viên Madison Nguyễn, phải, được Thị Trưởng Chuck Reed, trái, đề cử chức Phó Thị Trưởng TP San José. Tường Linh/Việt Tribune.

Trong bản tin công bố, ông Chuck Reed nói là Madison Nguyễn đã ủng hộ mạnh mẽ dự thảo ngân sách và sự cải cách do ông đưa ra; cô đã đóng góp các ý kiến giá trị và cô sẽ là người đồng minh quan trọng của ông trong lúc giải quyết những vấn đề khó khăn.

Nghị viên Madison Nguyễn đã đắc cử nghị viên khu vực 7 vào năm 2005, trở thành người Mỹ gốc Việt Nam đầu tiên vào Hội đồng thành phố San Jose. Madison hiện là Chủ tịch Ủy ban An ninh Công cộng, Ủy ban Tài chánh và Chiến lược Hỗ trợ, có chân trong nhiều ủy ban của quận hạt Santa Clara và thành phố San Jose. Trước đó cô đắc cử chức Ủy viên Giáo dục Học khu Franklin-Mckinley, từng dạy môn xã hội học tại trường De Anza College, Evergreen Valley College.

Trước tin được đề cử chức Phó thị trưởng San Jose, Madison Nguyễn đã bày tỏ sự xúc động và nói đây là niềm hãnh diện cho cá nhân cô và cộng đồng gốc Việt Nam tại San Jose.
Sinh năm 1975, Madison Nguyễn trở thành Phó thị trưởng trẻ nhất của thành phố San Jose lớn thứ 10 Hoa Kỳ. Trước đây các nghị viên thường được đề cử chức này vào 2 năm cuối của nhiệm kỳ hai như Cindy Chavez, Dave Cortese, Judy Chirco. Riêng trường hợp của nghị viên Madison Nguyễn thì lại được đề cử vào đầu nhiệm kỳ hai, điều này thật đặc biệt và có nghĩa là cô nghị viên gốc Việt Nam có thể làm chức Phó thị trưởng San Jose trong bốn năm.

Theo kết quả chính thức của Ủy ban Bầu cử Hạt Santa Clara công bố vào chiều ngày 23-11-2010 thì Madison Nguyễn đã thắng cử nghị viên khu vực 7 với tỉ lệ 54% hơn đối thủ Minh Dương 1,215 phiếu.

Sự nghiệp chính trị của Madison Nguyễn lên thật mau mà cũng đầy sóng gió qua vụ đặt tên khu thương mại Việt Nam trên đường Story, vụ bầu cử bãi nhiệm năm 2008 và phải qua hai lần bầu cử năm 2010 mới chiến thắng và bây giờ thêm danh hiệu mới là chức Phó thị trưởng San Jose.

Madison Nguyễn tươi cười trong ngày thắng lợi việc ReCall, 13 tháng 10, 2009. Tường Linh/Việt Tribune

Hi vọng với những kinh nghiệm vui buồn từng trải và những bài học quí báu vừa qua, Madison Nguyễn sẽ làm tốt vai trò nhân vật số 2 của thành phố một triệu dân, lớn thứ 10 nước Mỹ, San Jose.-Nguồn Việt Báo

source

Viettribune Online

Friday 19 November 2010

Kim Thúy – Giải văn chương Canada 2010


Kim Thúy – Giải văn chương Canada 2010

Trà Mi


Lần đầu tiên trong lịch sử, một nhà văn người Canada gốc Việt đoạt giải Văn chương 2010 của Thủ Hiến Canada (The Governor General’s Literary Awards). Đây là giải Văn chương lâu đời và cao quý nhất tại quốc gia này cho những tác phẩm viết bằng Anh và Pháp ngữ.


Tác phẩm và tác giả đoạt giải GG tiếng Pháp: David Paquet (drama) and Kim Thuy (fiction)
Nguồn: Graham Hughes/Canadian Press
Tại trang “Canada Council for the Arts, về tác phẩm “Ru” của nhà xuất bản Libre Expression, Groupe Librex; do Messageries ADP phát hành, bản tin ngày 16 tháng 11, năm 2010 ghi:
“Đây là một cuốn tiểu thuyết tự truyện mẫu mực. Cả cuốn truyện không hề gợi lên những ý niệm của sự tự yêu hay sự tự thương hại. Sự kiện quan trọng khi Việt Nam sụp đổ được tác giả vẽ lại bằng những đường nét tinh tế, qua hình ảnh của đời sống hàng ngày của một người phụ nữ đã phải tạo lại chính mình ở một xứ sở khác. Một cuộc hành trình bi thảm được kể lại bằng giọng văn sắc bén, nhạy cảm và hoàn toàn khiêm nhượng.”
Tác giả quyển tự truyện “Ru” theo cha mẹ từ bỏ (...) khắc nghiệt, vượt biển đi tìm tư do khi mới 10 tuổi (1978). Đến Quebec, Canada tác giả trở thành một thiếu nữ hái rau, một người thợ may, và một cô đứng giữ két... để đi học.

Tốt nghiệp Luật (1993) sau khi đã học xong khoa Ngôn ngữ Và Dịch thuật (1990) tại Đại học Montréal, tác giả cuốn “Ru” đã đi làm người thông dịch, làm việc dịch thuật, làm luật sư, làm nhà hàng, làm người bình luận về ẩm thực và gần đây nhất làm người viết tiểu thuyết.

Lý Kim Thúy sinh năm 1968 tại Sài Gòn, cùng hai anh/em và cha mẹ sang sinh sống tại Montreal sau một thời gian tạm trú ở trại tị nạn Mã Lai.

Tác giả kể lại cuộc hành trình không bình thường của mình trong tác phẩm đầu tay, cuốn tự truyện “Ru”. Cuốn tiểu thuyết tức khắc thành công tại Quebec và Pháp và sắp được dịch sang tiếng Tây Ban Nha (Spanish), Ý (Italian), Thụy Điển (Sweeden) và tiếng Đức (German).

Nhật báo Pháp, Le Figaro, viết, “văn của Kim thúy chảy như những vần thơ – nó chuyên chở và khuây khỏa; nó đầy sinh lực và bắt người đọc suy nghĩ.”


Tác phẩm và tác giả
Nguồn: DCVOnline tổng hợp

Nhật báo La Presse ở Montreal ghi nhận, thành công của cuốn ‘Ru’ là chuyện thần tiên cho Kim Thúy “Sự kiện Kim Thúy chiếm được con tim của bạn đọc bằng những dòng văn không phải là ngôn ngữ mẹ không phải là điều ngạc nhiên. ‘Tôi là con đẻ của Luật 101’.” (Luật này buộc tất cả dân di cư đến Quebec phải theo học bằng tiếng Pháp suốt bậc tiểu học và trung học nếu theo hệ thống giáo dục công lập – TM).

Kim Thúy nói tiếp , “Tôi là người yêu tiếng Pháp, tôi là người nói tiếng Pháp bằng tâm hồn. Dĩ nhiên tôi nói tiếng Việt, nhưng đó là ngôn ngữ của thời thơ ấu, ngôn ngữ của bếp núc. Ngôn ngữ mà tôi suy nghĩ và cảm nhận là tiếng Pháp.”

Tác giả cũng cảm ơn Đại học Montreal, “Sáu năm được giáo dục ở đây không những chỉ chuẩn bị cho tôi đi làm người làm việc thông dịch, hành nghề luật sư – thời gian này đã giúp tôi trở thành người tự lập. Tôi đã học được cái đẹp của kiến thức, sự vừa lòng vì những cố gắng và ý chí đi đến đỉnh của ưu tú. Tóm lại Đại học Montreal đã cho tôi những công cụ cần thiết để hiểu rõ màu sắc và những đường nét tinh tế của cuộc đời.”

Lễ trao giải thưởng Văn chương 2010 sẽ được tổ chức tại Rideau Hall, tư dinh của Thủ Hiến David Johnston vào Thứ Năm, 25 tháng Mười Một lúc at 6 p.m. tại Ottawa.

Cuốn “Ru” của Kim Thúy cũng là 1 trong 10 tác phẩm được chọn vào chung kết của giải “Prix des 5 continents 2010” (Giải Văn chương Năm châu 2010) của các quốc gia nói tiếng Pháp cuối tháng 10 vừa qua.



© DCVOnline

source
DCV Online

Sunday 14 November 2010

Hàng trăm sinh viên, học sinh xuống đường làm đẹp Little Sài Gòn


Hàng trăm sinh viên, học sinh xuống đường làm đẹp Little Sài Gòn
Cập nhật lúc 7:59:34 PM - 13/11/2010
Thanh Phong/Viễn Đông

w-4cot-luomrac.jpg

Hàng trăm sinh viên, học sinh Việt Nam và các sắc tộc khác đã tập trung trước thương xá Phước Lộc Thọ vào lúc 8 giờ sáng thứ Bảy ngày 13-11-2010 để đi lượm rác, làm đẹp khu Little Sài Gòn. Đây là lần thứ 18 các sinh viên, học sinh liên trường tại Quận Cam thực hiện công việc có ý nghĩa này. Trong hình, học sinh đang lượm rác trên đường Bolsa; trong khung, học sinh, sinh viên trước khu PLT – ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông.

LITTLE SAIGON - Khoảng năm, sáu trăm sinh viên, học sinh Việt Nam đã tập trung trước thương xá Phước Lộc Thọ vào lúc 8 giờ sáng thứ Bảy ngày 13 tháng 11 vừa qua để đi lượm rác, làm đẹp khu Little Sài Gòn. Đây là lần thứ 18 các sinh viên, học sinh liên trường tại Quận Cam đã làm công việc có ý nghĩa này.
Một sinh viên trong ban tổ chức, anh Kevin (đại học UC Irvine) cho phóng viên Viễn Đông biết, hôm nay có các trường Trung học sau đây tham dự: Costa Mesa, Edison, Fountain Valley, Garden Grove, Glen A. Wilson, Irvine, La Quinta, Los Amigos, Marina, Mater Dei, Rancho Alamitos, Saddleback, Santiago, Westminster, Western, Bolsa Grande, Estancia, và trường đại học UC Irvine. Mỗi trường có một Hội Học Sinh Việt Nam gọi là Vietnamese American High School Association, viết tắt là VAHSA, mỗi Hội có một đồng phục với logo riêng.
Cô Francis Nguyễn Thế Thủy có hai con gái đang học Trung học cũng có mặt hôm nay, cô Thế Thủy nói với chúng tôi: “Đây là việc làm hàng năm của các em học sinh trung học, phối hợp với các em sinh viên UCI. Đây là một trong những công tác mà liên trường học sinh đứng ra làm, công việc không có gì nặng nhọc nhưng tạo cho các em một sinh hoạt lành mạnh, làm quen với nhau và có ý thức về vệ sinh công cộng, bảo vệ môi trường sống và làm đẹp thành phố mình cư ngụ, rất đáng khuyến khích và duy trì”.
Trong lúc chờ đợi ban tổ chức ra lệnh xuất phát, chúng tôi phỏng vấn một số em. Khoa Trần, lớp 11 trường La Quinta: “Hôm nay chúng cháu thuộc trường La Quinta đến đây tham gia với các trường bạn. Đây là công việc giúp đỡ cộng đồng nên chúng cháu cảm thấy rất thoải mái để làm sạch khu vực Little Saigon và vùng lân cận, vì đây là khu vực của cộng đồng Việt Nam mình”.

hoc-sinh-luom-rac-lam-deø.jpg

Một nhóm học sinh trường La Quinta trong đồng phục màu vàng tham gia đi lượm rác – ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông

Huỳnh Hồ, trung học La Quinta: “Đây là lần đầu tiên con làm việc này, tụi con rất là hứng thú tại vì có nhiều bạn bè và nhờ buổi này tụi con biết thêm nhiều trường, nhiều bạn hơn”.
Nina, lớp 9 trường Rancho: “Ồ, chẳng có ai bắt buộc con hết, tụi con thích thì mình làm được, con làm lần này là lần thứ hai, rất vui vì mình làm cho thành phố của mình nó sạch, mà lại quen được nhiều bạn nữa đó”.
SV. Diễm My Hoàng, UC Irvine: “Con nghĩ học sinh Việt Nam với gốc Việt thì chúng ta nên góp sức xây dựng nền văn hóa tại cộng đồng này mỗi ngày một tốt hơn, thành ra chúng con cống hiến thời gian của chúng con đi lượm rác và cũng nhân cơ hội này để học sinh các trường gặp gỡ nhau, mười tám năm rồi, mỗi năm chúng con lại đến đây mùa này, mỗi ngày một đông hơn vì càng ngày học sinh càng biết đến việc làm này hơn và cũng biết đến cái hội này hơn”.
Hoài Phương, lớp 10 trường Mater Dei: “Cháu đi lần này là lần thứ hai , vui lắm vì có các bạn cùng đi, nhưng mà cháu đi lượm rác thì hơi khó, hơi mệt. Mỗi lần cháu đi một nhóm, mỗi nhóm lượm một bịch thôi”.
Josephine Hoài Yến, lớp 9 Mater Dei: “Lần đầu tiên con làm thấy vui lắm, năm ngoái con không ở trong High School nên năm nay mới được đi và năm tới con sẽ đi nữa”.
Ông Huỳnh Tấn Dũng, thân phụ ca sĩ Đan Vy, trường Bolsa Grande, đưa con đến đây, ông nói với chúng tôi: “Cháu nó bận lắm, vừa lo bài vở ở trường rồi hết chỗ này mời, chỗ kia kêu đi hát nhưng dù rất bận rộn, cháu cũng dành thời gian đi làm công việc này, vì cháu nó ý thức được vấn đề làm sạch môi trường sống, và nhắc nhở mọi người về vấn đề tôn trọng vệ sinh, về mỹ quan thành phố, đừng nên xả rác ra đường”.
Ông Hứa Thành Tôn, 56 tuổi, nói: “Tội nghiệp mấy đứa nhỏ, mỗi năm chúng đi lượm từng cọng rác, vậy mà nhiều người lớn vẫn chưa ý thức, mua đồ ăn ra đây ngồi ăn, ăn xong không đem bỏ vào thùng rác mà để tại chỗ rồi phủi tay đứng lên đi, cũng như nhiều người đậu xe, ăn uống xong, mở cửa, bỏ xuốâng đất một lô rác rồi đóng cửa lái xe vọt đi. Không biết bao giờ những người này mới học được bài học các em sinh viên, học sinh làm hôm nay?”
Vào lúc 10 giờ các em chia thành từng nhóm theo trường, mỗi hai ba em mang một túi ny-lông đựng rác, một số quẹo phải hướng về đường Brookhurst, một nhóm quẹo trái về hướng đướng Magnolia, một số băng qua đường sang khu chợ Á Đông.

w-hoc-sinh-luom-rac-lam-dep.jpg

Không chỉ có sinh viên, học sinh Việt Nam, một số học sinh không cùng sắc tộc cũng vui vẻ hưởng ứng –ảnh: Thanh Phong/Viễn Đông


Cô Tammy Trần Thiện Tâm, Giám Đốc địa hạt của TNS. Lou Correa, cho Viễn Đông biết, vì ông Lou Correa đang bận công tác ở Costa Mesa không đến vào giờ khai mạc được, nhưng vào lúc 12 giờ trưa khi các em trở lại đây, ông sẽ có mặt để nói chuyện và khích lệ tinh thần các em.
Hôm nay, chúng tôi để ý không thấy bóng dáng một vị dân cử hay cựu ứng cử viên nào có mặt nữa.
source
Viễn Đông Daily

Wednesday 10 November 2010

Phụ nữ Việt đắc cử chánh án Oklahoma


Phụ nữ Việt đắc cử chánh án Oklahoma
Tuesday, November 09, 2010



OKLAHOMA CITY, Oklahoma -
Trong khi nhiều ứng cử viên gốc Việt tại các tiểu bang khác không thắng cuộc bầu cử ngày 2 tháng 11, 2010 thì tại Oklahoma, Luật Sư Cindy Trương đã làm nên lịch sử sau khi thắng đối thủ của mình trong một cuộc tranh cử gay cấn để trở thành chánh án Oklahoma County và có thể là dân cử gốc Việt đầu tiên tại tiểu bang miền Nam nước Mỹ này.

Chánh án đắc cử Cindy Trương. (Hình: Cindy Truong Facebook)

Kết quả của Ủy Ban Bầu Cử Oklahoma cho thấy Luật Sư Cindy Trương, 35 tuổi, cựu công tố viên, được 95,966 phiếu (56.7%) trong khi đối thủ của cô, ông Pat Crawley, công tố viên đã về hưu, được 73,294 phiếu (43.3%), trong cuộc đua tranh ghế chánh án Ðịa Hạt 7, văn phòng số 7, của tiểu bang Oklahoma.

Chiến thắng này của Luật Sư Cindy Trương là một sự kiện lịch sử qua cuộc vận động của cô và tiêu biểu cho một câu chuyện người Việt tị nạn thành công tại Oklahoma.

“Tôi chỉ muốn chứng minh rằng nếu làm việc chăm chỉ thì có thể đạt được mọi ước mơ,” Luật Sư Cindy Trương nói với báo News OK ngay sau khi biết kết quả bầu cử vào tối Thứ Ba, 2 tháng 11. “Oklahoma là một nơi tuyệt vời để thực hiện ước mơ này. Cử tri không đánh giá qua chủng tộc, tuổi tác, phái tính, mà qua cá tính, thành tích và khả năng của tôi.”

Trong cuộc bầu cử sơ bộ hôm 27 tháng 7, có tổng cộng sáu ứng cử viên, luật sư gốc Việt này là người chiếm được nhiều phiếu nhất và cũng là người Việt duy nhất. Thứ nhì là đối thủ Pat Crawley của cô. Vì cả hai không thắng đủ trên 50% số phiếu nên họ phải tranh trong cuộc tổng tuyển cử hôm 2 tháng 11.

Cuộc vận động của Luật Sư Cindy Trương được giới truyền thông của Oklahoma chú ý đặc biệt vì tranh chấp về sự ủng hộ của cảnh sát giữa cô và đối thủ Pat Crawley.

Ứng cử viên Cindy Trương cho rằng cô là “lựa chọn của giới công lực” trong khi ông Pat Crawley cho rằng ông có sự ủng hộ của Hội Huynh Ðệ Cảnh Sát Oklahoma City.

Ðối thủ của nữ luật sư này đã tố cáo là cô chỉ có “một ít” ủng hộ của giới công lực và tìm cách lập lờ sự ủng hộ này với cử tri.

Trên trang web Facebook của mình, Luật Sư Cindy Trương cho biết cô sinh ra và lớn lên mồ côi cha tại Việt Nam, sang Mỹ năm 1986 lúc 11 tuổi, không biết một chữ tiếng Anh.

Chánh án đắc cử Cindy Trương và gia đình. (Hình: Cindy Truong Facebook)

Cô tốt nghiệp thủ khoa trung học Mustang High School, Mustang, Oklahoma, tốt nghiệp bằng luật, làm việc cho văn phòng luật McKinney & Stringer và làm phụ tá biện lý cuộc hơn một chục năm qua.

Luật Sư Cindy Trương lập gia đình với người bạn trai Kevin mà cô gặp cách đây 16 năm. Hai người hiện có một con trai 6 tuổi tên Ryan và đang sống tại Oklahoma City. (Ð.D.)

source

Nguoi-Viet Online

Thursday 28 October 2010

P/V ông Lê Thành Ân, Tổng Lãnh sự Mỹ tại Việt Nam


VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Năm, 28 tháng 10 2010

P/V ông Lê Thành Ân, Tổng Lãnh sự Mỹ tại Việt Nam

Lần đầu tiên một người Mỹ gốc Việt được bổ nhiệm làm Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ông Lê Thành Ân, năm nay 56 tuổi, đã đến Sài Gòn hồi đầu tháng 8 để bắt đầu nhiệm kỳ 3 năm tại quê cha đất tổ của mình. Trong cuộc phỏng vấn dành cho Trà Mi của Ban Việt ngữ VOA, ông Ân chia sẻ cảm nghĩ khi nhận chức vụ này và những ưu tiên hàng đầu của ông, một quan chức Mỹ gốc Việt, trong sứ mạng làm cầu nối ngoại giao giữa hai nước Việt-Mỹ.

Ông Lê Thành Ân, Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Việt Nam
Hình: hochiminh.usconsulate.gov

Ông Lê Thành Ân, Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Việt Nam


Trà Mi: Xin cảm ơn ông Tổng Lãnh sự dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này. Câu đầu tiên xin được hỏi ông, là vị Tổng Lãnh sự Mỹ gốc Việt đầu tiên tại VN, cảm xúc của ông ra sao?

Ông Lê Thành Ân: Tôi nghĩ rằng tôi là người may mắn, và chính phủ, Bộ Hải quân, Sở Ngoại vụ Bộ Ngoại giao, cũng như đất nước Hoa Kỳ đã mang đến cho tôi những cơ hội này. Tôi là một trong những người may mắn nhất trên thế giới vì được ơn trên phù hộ nhiều mặt. Tôi lớn lên trong một gia đình tuyệt vời, có một sự nghiệp tốt, và giờ đây, chúng tôi gọi nước Mỹ là nhà. Mỗi ngày tôi đều thầm cảm ơn trời Phật vì những phước lành này. Sau 45 năm kể từ ngày tôi rời Việt Nam hồi còn nhỏ và 35 năm làm công chức Mỹ, phải nói là tôi không tưởng tượng là cuộc đời của mình sẽ đi theo hướng này. Ngay từ nhỏ, tôi chỉ mong ước trở thành một kỹ sư hay một kiến trúc sư và có một gia đình, thế thôi. Thật tình tôi không nhận thức rõ về giá trị và ý nghĩa của nhiệm vụ này đối với bản thân mình và những người khác cho tới khi nhận được hàng loạt thư, thiệp, và email ồ ạt gửi tới tôi hồi mấy tháng trước. Tôi nhận được chia sẻ của những người Mỹ gốc Việt từ nhiều vùng trên đất nước Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới. Tôi nghe nhiều người nói nhiệm vụ này là sự khẳng định rằng ở Mỹ, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, nhờ sự chăm chỉ và tận tụy. Đây cũng là một tín hiệu quan trọng cho thấy mối quan hệ Việt-Mỹ giờ đây vững chắc như thế nào.

Trà Mi: Ngoài là vị Tổng lãnh sự Mỹ gốc Việt đầu tiên tại Việt Nam, ông cũng là người Mỹ gốc Việt đầu tiên giữ vị trí cao nhất trong ngành ngoại giao Hoa Kỳ, ông có thể cho biết những yếu tố nào, động cơ nào đưa ông tới vị trí hôm nay?

Ông Lê Thành Ân: Tôi không chắc tôi là viên chức cao cấp nhất người Mỹ gốc Việt trong Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nhưng tôi tin rằng tôi là viên chức ngoại giao người Mỹ gốc Việt đầu tiên được cấp hàm Tham tán Công sứ. Tuy nhiên, tôi không nghĩ tôi là người sau cùng.

Trà Mi: Ông có kinh nghiệm đa dạng về nghề nghiệp và học vấn. Cơ duyên nào khiến ông chuyển hướng nghề nghiệp sang ngành ngoại giao? Là một người gốc Việt tham gia ngành ngoại giao Mỹ có những khó khăn, thử thách gì chăng, thưa ông?

Ông Lê Thành Ân: Học vấn của tôi tại Hoa Kỳ mang đến cho tôi nhiều thuận lợi và cơ hội. Tôi có bằng Cử nhân khoa học chuyên ngành Kỹ thuật điện năm 1976 và Thạc sĩ khoa học chuyên ngành Quản trị Kỹ thuật năm 1978 từ đại học George Washington ở thủ đô nước Mỹ. Tôi gia nhập Sở Ngoại vụ năm 1991 sau 15 năm làm công chức trong Bộ Hải quân Mỹ. Cùng với thời gian, tôi nhận ra mình muốn làm một điều gì đó hơn là một kỹ sư. Cái hay của một nền học vấn ở Mỹ là nó mở rộng các cơ hội cho mình, và tôi đã tận dụng được điều này. Hai thập niên trước, tôi đã bước vào Sở Ngoại vụ để đại diện cho đất nước Hoa Kỳ, giúp xây dựng và duy trì các mối quan hệ ngoại giao vững mạnh với các quốc gia trên thế giới.

Trà Mi: Một người con sau 45 năm trở lại quê cha đất tổ, cảm tưởng và ấn tượng khó quên nhất trong ông là gì?

Ông Lê Thành Ân: Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là nhà của gia đình chúng tôi trong 3 năm tới. Cuộc sống ở Việt Nam mang đến cho tôi nhiều thuận lợi về văn hóa và ngôn ngữ. Kể từ khi tới đây hồi đầu hè tới giờ, chúng tôi thích thú nhận ra rằng đây là một thành phố năng động và đầy sức sống. Dù các công trình xây dựng đang mọc lên trên khắp thành phố mới ngày nay, nhưng thành phố Sài Gòn ngày xưa vẫn còn hiện hữu trong tôi và tôi vẫn nhận ra một vài chỗ mà tôi đã biết từ hồi nhỏ.

Trà Mi: Giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có quá trình lịch sử đặc biệt, và hiện vẫn còn những khác biệt tồn tại, vai trò cầu nối của ông Tổng lãnh sự người Mỹ gốc Việt chắc chắn có sẽ những nét đặc biệt hơn so với những vị Tổng lãnh sự Mỹ trước đây tại Việt Nam, vốn là người nước ngoài. Theo ông, những khác biệt chính là gì và ông mường tượng những thuận lợi và thử thách trước mắt như thế nào?

Ông Lê Thành Ân: Tôi muốn nhấn mạnh rằng dù nhân thân và tiểu sử gia đình tôi mang đến một nét mới trong mối quan hệ Việt-Mỹ, nhưng vai trò của tôi trong việc nối kết hai quốc gia không khác biệt so với những người tiền nhiệm. Mỗi vị Tổng Lãnh sự có thể có những mối quan tâm, các lĩnh vực đặt trọng tâm, và các ưu tiên riêng, nhưng vai trò phục vụ cơ bản của một Tổng Lãnh sự không thay đổi. Cũng như các vị tiền nhiệm, tôi có mặt ở đây để thực hiện những ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ với Việt Nam. Tôi tới đây để phát huy quan hệ Việt-Mỹ và sự hiểu biết song phương. Tôi hiểu rõ các áp lực từ những kỳ vọng đối với tôi, một nhà ngoại giao Mỹ gốc Việt, được cử sang làm việc tại Việt Nam. Tôi hiểu rằng nhiều người trên khắp nước Mỹ trong đó có cộng đồng người Mỹ gốc Việt đặt nhiều kỳ vọng vào tôi. Tôi sẽ nỗ lực hết sức để cải thiện sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác giữa hai nước.

Trà Mi: Mối quan hệ Việt-Mỹ tốt đẹp là mong đợi của cả đôi bên, ông Tổng Lãnh sự sẽ góp phần cụ thể ra sao giúp hiện thực hóa niềm mong mỏi này? Lĩnh vực nào ông đặc biệt quan tâm và sẽ đặt trọng tâm?

Ông Lê Thành Ân: Năm nay, hai nước kỷ niệm 15 năm bang giao chính thức và chúng ta có nhiều điều phải tự hào. Quan hệ Việt-Mỹ tiếp tục phát triển về nhiều mặt dựa trên tinh thần hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác trên nhiều lĩnh vực, và trong các lợi ích lâu dài của đôi bên. Một dấu hiệu của mối quan hệ ngày càng sâu đậm là hai nước tiếp tục có những sự trao đổi ngoại giao cấp cao. Một khía cạnh đặc biệt của mối quan hệ đang nảy nở là trao đổi mậu dịch song phương trị giá hiện nay lên tới trên 15 tỷ đô la mỗi năm và đang tiếp tục phát triển. Hoa Kỳ là một thị trường tốt cho Việt Nam. Chiếm phần lớn trong khoản 15,4 tỷ đô la đó là hàng hóa và các dịch vụ mà Mỹ mua của Việt Nam. Nhưng Hoa Kỳ cũng bán các sản phẩm và dịch vụ mà các doanh nghiệp cũng như giới tiêu thụ Việt Nam cần, và những lĩnh vực này cũng đang phát triển. Sáng kiến Xuất khẩu Toàn quốc mới đưa ra của Tổng thống Obama đề ra mục tiêu nhân đôi lượng xuất khẩu của Hoa Kỳ trong 5 năm, và chúng tôi tin Việt Nam có tiềm năng giúp chúng tôi đạt được mục tiêu.

Thật ra, theo tôi, không phương thức nào cải thiện quan hệ song phương Việt-Mỹ tốt hơn là thông qua việc tăng cường trao đổi kinh tế giữa đôi bên. Đem hàng hóa Mỹ tới Việt Nam mở rộng sự lựa chọn cho giới tiêu thụ và giới thiệu sản phẩm chất lượng cao làm phong phú đời sống người dân Việt Nam. Các doanh nghiệp hỗ trợ giao thương, phân phối và bán lẻ các sản phẩm này tạo công ăn việc làm cho người người dân cả hai nước. Trong sứ mạng tại Việt Nam, chúng tôi sẽ nỗ lực để chứng minh giá trị giao thương với Hoa Kỳ. Một khía cạnh khác mà tôi muốn tập trung vào là tăng cường môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Kinh tế Việt Nam đã biểu hiện những tỷ lệ tăng trưởng rất ấn tượng. Nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc cải cách kinh tế thị trường đã khiến các nhà đầu tư tương lai ngày càng quan tâm hơn đến thị trường này. Nhiều người Mỹ muốn đầu tư tại Việt Nam, tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc vượt qua các luật lệ phức tạp chi phối các giao dịch tài sản, các vấn đề về thuê mướn lao động, thuế vv.. Việtkiều có thể còn có nhiều quan ngại hơn nữa. Một số người tự hỏi xem trở lại Việt Nam làm ăn có an toàn hay không.

Tôi tin cộng đồng đầu tư ở Mỹ, trong đó có những nhà đầu tư Việt kiều, là nguồn lực lớn lao Việt Nam cần có để chuyển đổi thành một nước công nghiệp như mục tiêu mà Việt Nam hy vọng đạt được vào năm 2020. Tôi cho rằng chính phủ Việt Nam nên nỗ lực thu hút nhiều thêm nữa những Việt kiều từ khắp nơi trên thế giới, những người có thể đóng góp chuyên môn và sáng kiến cho quê cha đất tổ của mình. Và dĩ nhiên, giúp tạo ra những cơ hội này là một trong những lĩnh vực trọng tâm của tôi.

Trà Mi: Là người có nhiều kinh nghiệm về an ninh-chính trị-kinh tế tại Châu Á, ông nhận xét ra sao về diễn tiến tình hình tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc mà chính phủ Hoa Kỳ đang quan tâm?

Ông Lê Thành Ân: Hoa Kỳ luôn quan tâm đến việc phát triển hòa bình và an ninh trong khu vực, kể cả trong vùng Biển Nam Trung Hoa. Mỹ, Việt Nam, cùng các nước khác cả trong lẫn ngoài khu vực đều nhận thấy nhu cầu phải bảo đảm quyền tự do lưu thông hàng hải và thương mại. Hoa Kỳ cho rằng các tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ là điều mà các bên tuyên bố phải tự giải quyết, nhưng chúng tôi ủng hộ các nguyên tắc căn bản nhất định, trong đó có cam kết về “tiến trình cộng tác ngoại giao” để giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển.

Trà Mi: Là nhà ngoại giao Mỹ đến Việt Nam làm việc, ông Tổng lãnh sự nghĩ sao về quan tâm của cộng đồng người Việt hải ngoại kêu gọi dân chủ cho Việt Nam?

Ông Lê Thành Ân: Hoa Kỳ cam kết phát huy tôn trọng nhân quyền và dân chủ trên khắp thế giới. Các giá trị cơ bản mà chúng tôi cổ xúy bao gồm quyền tự do bày tỏ quan điểm, tự do báo chí, tự do lập hội, các quyền không bị tra tấn, quyền lao động, quyền trẻ em, quyền phụ nữ, bảo vệ các thành phần thiểu số, cũng như buộc các chính phủ phải chịu trách nhiệm với những cam kết của họ dưới những công ước quốc tế về nhân quyền. Chúng tôi có nhiều cách để đưa ra các vấn đề này ra với chính phủ Việt Nam, trong đó có việc thường xuyên nêu các quan ngại của chúng tôi tại các cuộc gặp cấp cao ở Việt Nam cũng như tại Hoa Kỳ. Ví dụ như hồi tháng 9, trong cuộc họp của giới lãnh đạo Hoa Kỳ và ASEAN tại New York, Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân quyền. Hồi tháng 7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã nêu vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm Hà Nội. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cũng thường xuyên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nhân quyền trong các cuộc tiếp xúc với các giới chức cao cấp trong chính phủ Việt Nam. Tháng 9 vừa qua, các quan chức Mỹ đã thảo luận nhân quyền với chính phủ Việt Nam trong cuộc đối thoại thường niên về vấn đề lao động diễn ra ở Hà Nội và sẽ tiếp tục thảo luận vào tháng 12 tới đây trong cuộc đối thoại nhân quyền thường niên cũng tại Hà Nội.

Trà Mi: Gần đây một số nhà lập pháp Hoa Kỳ lên tiếng bày tỏ quan ngại về điều mà họ gọi là vi phạm quyền tự do tôn giáo tại Cồn Dầu, một cáo buộc bị chính quyền Việt Nam phủ nhận. Có tin cho hay ông Tổng Lãnh sự có đến thăm giáo xứ Cồn Dầu, xin ông cho biết quan điểm của ông như thế nào?

Ông Lê Thành Ân: Vâng gần đây tôi có đi Đà Nẵng nhưng không đến thăm Cồn Dầu. Tuy nhiên, các giới chức trong đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội có tới đây. Họ đã tiếp xúc với các giới chức công giáo, các thành viên của giáo đoàn, và chính quyền địa phương ở Cồn Dầu và Đà Nẵng. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam và các quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ ở Washington cũng đã thảo luận với quan chức cấp cao trong chính phủ Việt Nam về tình hình ở Cồn Dầu. Trong các cuộc thảo luận này, giới chức Hoa Kỳ đã kêu gọi các bên nên kiềm chế và giải quyết bất đồng một cách ôn hòa và theo đúng luật pháp Việt Nam. Nhìn chung, Việt Nam có thành tích tốt về cải thiện quyền tự do tôn giáo, nhưng các vụ việc sử dụng bạo lực làm mờ đi tiến bộ đó.

Trà Mi: Trước khi chia tay, ông Tổng Lãnh sự có đôi lời tâm tình bằng Việt ngữ với thính giả của đài VOA chăng?

Ông Lê Thành Ân: Tôi rất vui được chia sẻ với thính giả của đài VOA vào thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ 3 năm làm Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM về những trải nghiệm cá nhân cũng như vai trò của tôi trong việc tăng cường hiểu biết và trao đổi văn hóa giữa hai quốc gia. Tôi rất vui được phục vụ với tư cách là đại diện cho Tổng thống Obama. Tôi sẽ củng cố sự tin cậy này bằng việc đại diện cho các giá trị, mục tiêu, và chính sách của Hoa Kỳ.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn ông Tổng Lãnh sự đã dành cho VOA Việt Ngữ cuộc phỏng vấn này.
source
VOA Vietnamese

Wednesday 13 October 2010

60 năm Đức Mẹ HCG La Mã Bến Tre


60 năm Đức Mẹ HCG La Mã Bến Tre


60 năm Đức Mẹ HCG La Mã Bến Tre

VRNs - (07.10.2010) - Bến Tre - Năm nay, Tam nhật mừng 60 năm Đức Mẹ HCG La Mã Bến Tre lộ hình được tổ chức tại nhà thờ La Mã Bến Tre (Tỉnh Bến Tre) từ 5-7.10.2010. Thánh lễ Khai mạc do Cha Tổng Đại diện Giáo phận Vĩnh Long chủ tế, Thánh lễ ngày thứ hai do Cha Phêrô Thành Tâm CSsR chủ tế, và Thánh lễ Bế mạc do Cha Giám Tỉnh DCCT Vinh-sơn Phạm Trung Thành chủ tế, vì Đức Cha Tôma đang bận họp tại Sài Gòn. Trong cả ba thánh lễ đều có đông đảo linh mục Giáo phận và DCCT đồng tế, đặc biệt ngày Bế mạc có 40 linh mục. Số lượng người về hành hương Đức Mẹ cũng tăng dần theo ngày, đến ngày Bế mạc có khoảng 5.000 người.

Cha Tôma Trần Quốc Hùng CSsR, Quản nhiệm Trung tâm hành hương, quá bận rộn trong những ngày này nên chúng tôi đã hỏi thăm Cha G.B Hoàng Xô Băng CSsR về Đại lễ này. Ngài cho biết bầu khí chung rất tốt, số lượng người về bên Mẹ ngày càng đông hơn, ngày thứ nhất có mưa nhưng sau lễ, nên cũng không ảnh hưởng gì. Chỉ có thể cho tôi biết đôi lời ngắn gọn như thế, Cha lại phải đi làm việc ngay. Cha G.B cùng với Cha Gr. Nguyễn Đình Thuật CSsR đang phụ giúp Cha Tôma tại Trung tâm này.

Cha Luca Lê Viết Phương CSsR từ miền Trung cũng đã vào để giúp các giờ hành hương tại lễ đài. Ngài cho biết cả tập hát và hành hương diễn ra trong một tiếng. Cũng chỉ nói với tôi được một câu ngắn gọn như thế ngài lại lên lễ đài ngay vì đã đến giớ hành hương của ngày cuối cùng. Tôi nhận thấy từ ngoài cổng nhà thờ, dòng người vẫn tuôn về bên Mẹ như suối. Sau đó, từng lời kinh dâng Mẹ vang lên tha thiết quá đỗi. Tôi chợt bắt gặp nhiều ánh mắt đỏ hoe và đẫm lệ hòa trong lời kinh câu hát đang quyện bay trong làn gió nhẹ giữa miền quê sông nước êm đềm.

Cha Phêrô Nguyễn Hữu Hạnh CSsR có phần đặc biệt, đó là trong ba ngày, sáng đi chiều về để đưa các đoàn hành hương từ sân nhà thờ giáo xứ Đức Mẹ HCG về bên Mẹ La Mã Bến Tre. Mỗi ngày có bốn hoặc năm xe lớn chở đoàn con từ nhiều giáo xứ tại Sài Gòn về bên Mẹ La Mã Bến Tre. Theo Cha, Đại lễ năm nay tại La Mã có nhiều thay đổi tốt: cơ sở khang trang hơn, sạch sẽ hơn, nhà thờ sơn mới, tiện nghi thoải mái cho người đến hành hương, xung quanh có nhiều bóng mát cây xanh hơn, nhiều mái dù lớn che mát, và có sự liên kết với các nhà dòng nữ trong giáo phận.

Cha Tiến Lộc CSsR cùng các em Dự tập DCCT từ Tu viện Mai Thôn Sài Gòn đã góp phần diễn nguyện trước thánh lễ và hát trong thánh lễ. Ngoài giọng ca hay, màu áo xanh đồng phục với cravat trắng tạo nên một hình ảnh thật độc đáo về một ca đoàn… toàn con trai.

Chúng tôi hỏi thăm một gia đình trẻ mấy chị em từ Thủ Đức và các chị cho biết: Họ đã về bên Mẹ năm năm rồi, và riêng năm nay cả nhà mấy anh chị em cùng đi, cho cả mấy cháu nhỏ cùng đi nữa. Các chị còn cho biết thêm là cả nhà đã nao nức chuẩn bị ngày về bên Mẹ cả tuần nay rồi. Nhìn hình ảnh các cháu nhỏ ngủ ngon trên võng bên cạnh làn gió mát từ tay mẹ hiền, tôi như cảm nhận được Đức Mẹ HCG La Mã Bến Tre cũng đang yêu thương hết thảy đoàn con đang về bên Mẹ và nép dưới tà áo Mẹ hiền.

Một cụ ông từ giáo xứ Xóm Chiếu (Q.4) nói với chúng tôi rằng dù đã lớn tuổi nhưng cụ vẫn rất muốn về bên Mẹ trong dịp này. Chuyến đi này là do giáo xứ tổ chức và đã tổ chức trong nhiều nhiều năm nay.

Một nhóm các chị trung niên từ giáo xứ An Phú, kề bên Nhà Dòng, cũng vui cười nói với chúng tôi là họ đi chung với nhau từ xe ở bên Nhà Dòng.

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận ra nhiều gương mặt thân quen xa gần thường đến hành hương ở Đền Đức Mẹ HCG Sài Gòn. Chính sự lui tới thường xuyên ở ngôi Đền này đã giúp nhiều người biết đến Đức Mẹ HCG La Mã Bến Tre và về bên Mẹ tại nhà thờ La Mã Bến Tre.

Kết thúc Thánh lễ Bế mạc, mọi người lãnh nhận ơn Toàn xá và Cha Giám Tỉnh DCCT loan báo kế hoạch làm con đường mới dẫn vào nhà thờ. Chắc chắn khi có con đường mới này, việc giao thông sẽ trở nên dễ dàng hơn và thêm nhiều người con của Mẹ sẽ có thể về bên Mẹ hơn nữa.

OLPH (DCCT)

Sau đây là một số hình ảnh trong Thánh lễ Bế mạc:




2901 lần đọc
source
Chua Cuu The

Monday 13 September 2010

Chân dung: Giáo Hoàng Benedict XVI


Cập nhật: 15:18 GMT - thứ hai, 13 tháng 9, 2010

Chân dung: Giáo Hoàng Benedict XVI

Giáo Hoàng Benedict XVI có lúc được gán cho danh hiệu là “Chó săn của Chúa” (God's Rottweiler), nhưng trong nhiệm kỳ chủ chiên hiện nay, Ngài thường xuyên phải ở trong thế phòng ngự.

Hồng y Joseph Ratzinger, trước khi được bầu chọn làm Giáo hoàng, là giáo viên dương cầm và đang tính tới chuyện về hưu thì Giáo hoàng John Paul II qua đời hồi năm 2005. Ngài nói rằng Ngài không bao giờ muốn làm Giáo Hoàng cả.

Nhưng Ngài đã dẫn dắt Giáo hội Thiên Chúa Giáo La Mã giữa lúc một trong các trận bão dữ dội nhất từ bao thập niên nay đã ập đến ngôi nhà Giáo hội: đó là vụ bê bối ấu dâm của các linh mục.

Một làn sóng các vụ cáo buộc, thưa kiện và báo cáo chính thức đã lên tới đình điểm hồi năm 2009 và 2010.

'Tội lỗi ở tại lòng ta'

Lời cáo buộc gây thiệt hại nặng nề nhất đối với Giáo hội chính là các giáo xứ - hoặc thậm chí ngay cả Vatican - đồng lõa để bao che nhiều vụ ấu dâm này, lấp liếm không chịu trừng phạt các tu sĩ bê bối và đôi khi còn thuyên chuyển họ đến các chức vụ khác và tại đó, họ tiếp tục bê bối.

Lúc đầu, một số nhân vật cao cấp của Vatican đã công kích giới truyền thông hoặc đã phản bác là có một âm mưu bài bác Thiên Chúa giáo, nhưng sau đó, Giáo Hoàng Benedict đã nhấn mạnh rằng Giáo hội phải nhận trách nhiệm và Ngài còn chỉ ra rằng “ tội lỗi này bên trong ngôi nhà của Chúa”.

Ngài đã gặp các nạn nhân và công bố một lời xin lỗi chưa từng có gởi đến cho họ, trong đó, Ngài hứa sẽ có biện pháp và nói rõ rằng các giám mục phải báo cáo các vụ lạm dụng cho chính quyền thế tục địa phương.

Nếu như ông Ratzinger không làm Giáo Hoàng, thì ông sẽ làm giáo sư đại học

John L Allen, chuyên viên về Vatican

Hồng y Ratzinger đã nắm giữ trong 24 năm trời một trong các chức vụ cao cấp nhất của Tòa thánh Vatican: đó là chủ tịch Giáo Đoàn Giáo Lý của Niềm Tin, trước đây được biết dưới tên gọi là Tòa Án Dị Giáo.

Trong cương vị này, Ngài được coi là người “chấp pháp” cho Giáo hoàng John Paul II, và là nhân vật cao cấp nhất xem xét đến các vụ vi phạm trong Giáo hội.

Các người chỉ trích Giáo hội nói rằng Ngài không “nắm” trọng tâm của các tội ác này và đã “ngâm” các vụ này trong nhiều năm mà không chú tâm gì tới, hoặc thậm chí đã cố tình làm ngơ số phận của các nạn nhân vì muốn đề cao chính Giáo hội.

Ngài chưa bao giờ công bố đích thực nội dung của các vụ vi phạm này.

Tuy nhiên, phe ủng hộ Ngài, nói rằng Ngài đã làm nhiều hơn các vị Giáo hoàng tiền nhiệm trong việc giáp mặt với vụ vi phạm.

Ngay trước khi được bầu chọn làm Giáo hoàng hồi năm 2005, Ngài đã than thở: “Không biết có bao nhiêu điều ô trọc trong Giáo hội, thậm chí trong hàng ngũ tu sĩ.”

Và một trong các biện pháp đầu tiên khi lên ngôi Giáo hoàng, Ngài đã loại trừ một nhân vật nổi bật trong Giáo hội, Cha Marcial Maciel, mà các thành tích về tình dục và tội ác, lúc đó, bắt đầu được phơi bày ra trước ánh sáng.

Sơ yếu lý lịch

Joseph Ratzinger sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề nông tại vùng Bavaria, Đức, hồi năm 1927, mặc dù thân phụ của Ngài là một nhân viên cảnh sát.

Ngài là người Đức thứ tám lên làm Giáo hoàng, nói được nhiều thứ tiếng và yêu thích nhạc của Mozart và Beethoven.

Giáo hoàng Benedict đã khôi phục tập tục đội mũ tại Vatican

Nghe nói là khi mới lên năm, Joseph Ratzinger đã trầm trồ áo màu đỏ thẫm của Tổng giám mục Munich và cậu bé Joseph khi lớn lên đã đem sự ưa thích y phục chỉnh tề đến Vatican, là nơi mà Ngài đã tung ra mốt đội mũ, một cái mốt đã bị lãng quên từ bao thập niên trước.

Khi được 14 tuổi, Joseph Ratzinger đã gia nhập đoàn Thiếu Niên Hitler, cũng như bao nhiêu thanh thiếu niên người Đức cùng thời bị buộc phải gia nhập.

Chàng tu sĩ trẻ Joseph Ratzinger đã phải ngưng theo học tại chủng viện Traunstein để gia nhập một đơn vị phòng không tại Munich khi Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ.

Joseph Ratzinger đã bỏ ngũ vào cuối Thế Chiến và bị quân đội Đồng Minh bắt làm tù binh chiến tranh hồi năm 1945.

Quan điểm bảo thủ, truyền thống của Giáo hoàng đã củng cố hơn lên vì kinh nghiệm bản thân trong thời gian có xu thế phóng khoáng trên toàn cầu vào thập niên 1960.

Ông đã giảng dạy tại trường đại học Bonn từ năm 1959 và đến năm 1966, ông đảm trách phân khoa thần học tại trường đại học Tuebingen.

Tuy nhiên, ông vô cùng sửng sốt khi nhận thấy học thuyết Mác chiếm một vị trí cao trong tư duy của các sinh viên đang theo học với ông.

Theo quan điểm của ông, tôn giáo đã bị phụ thuộc vào tư tưởng chính trị mà ông coi là “độc đoán, thô bạo và tàn nhẫn”.

Sau đó, đáng lý ông là một nhân vật hàng đầu chống lại chủ thuyết giải phóng (liberation theology), tức là phong trào đem Giáo hội vào các hoạt động xã hội, mà theo ông là quá gần với chủ nghĩa Mác.

Mềm mỏng và khiêm nhường

Vào năm 1969, ông về giảng dạy tại trường đại học Regensburg tại quê nhà của ông là bang Bavaria và được thăng lên làm khoa trưởng và sau đó là phó chủ tịch.

Ông được Giáo hoàng Paul VI thụ phong làm Hồng y Munich hồi năm 1977.

Vào năm được 78 tuổi, Joseph Ratzinger là bị Hồng y cao niên nhất được bầu chọn làm Giáo hoàng sau Giáo hoàng Clement XII hồi năm 1730.

Sự nghiệp Giáo hoàng của Ngài không dễ dàng chút nào sau người tiền nhiệm, một nhân vật nổi bật và có sức lôi cuốn khá cao.

Hồng y Joseph Ratzinger là nhân vật nổi bật dưới thời Giáo hoàng John Paul II

"Nếu như John Paul không làm Giáo hoàng, thì ông sẽ là một ngôi sao điện ảnh; nếu Benedict không làm Giáo hoàng, thì ông sẽ là một giáo sư đại học,” chuyên viên người Mỹ về Vatican John L Allen đã viết như trên.

"Chúng ta không ngạc khi John Paul thu hút cả thế giới, trong lúc Benedict có vẻ như đứng xa khỏi con đường xưa đã có sẵn."

Benedict được một số người có quen biết mô tả như là một nhân vật “an nhiên tự tại” với lối cư xử mềm mỏng và khiêm nhường, nhưng có một căn bản đạo đức rất vững chắc”.

Nói cách khác, một vị hồng y đã gọi Giáo hoàng là một nhân vật ”e lệ nhưng rất cứng đầu”.

Ngài nổi tiếng là rất bảo thủ trong lãnh vực thần học, và có quan điểm không khoan nhượng về đồng tính luyến ái, phụ nữ làm linh mục và về ngừa thai.

Ngài có lòng trắc ẩn Thiên Chúa Giáo và mới đây Ngài đã lên tiếng chống lại việc Pháp trục xuất các người du mục và chống lại các vụ vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc và tại khắp nơi trên thế giới.

Ngài lên tiếng chỉ trích cuộc chiến do Mỹ cầm đầu tại Iraq, và kêu gọi thế giới khẩn trương hơn trong việc bảo vệ môi trường và tranh đấu chống lại nạn nghèo đói.

Sai lầm về giao tế

Một chủ đề trong nhiệm kỳ Giáo hoàng hiện nay của Ngài là bảo vệ các giá trị căn bản của đạo Thiên Chúa trước điều mà Ngài coi là tình trạng suy đồi đạo đức khắp Âu châu.

Nhưng Ngài đã làm bẽ bàng những người đã trông đợi Ngài bổ nhiệm các nhân vật có lập trường cứng rắn vào các chức vụ then chốt vì thay vào đó, Ngài đã bổ nhiệm các nhận vật có lập trường trung dung.

Ngoài ra, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về các nhân vật đã cố vấn cho Ngài, sau một chuổi các thảm cảnh về giao tế.

Chẳng hạn như hồi năm 2006, tín đồ Hồi giáo đã lấy làm bực tức vì Ngài đã trích một câu nói của một vị hoàng đế Byzantine hồi thế kỷ 14, theo đó, Đấng Tiên Tri Muhammad đã đem lại cho thế giới toàn những chuyện “xấu xa và không có tính người”.

Giáo hoàng Benedict viếng thăm Auschwitz hồi năm 2006 và cầu nguyện cho những người bị tàn sát tại đó

Sau đó, người Do Thái đã sửng sốt khi một nhóm giám mục chủ trương ly khai đã được nhận trở lại Giáo hội, trong đó có một giám mục đã từng nói rằng không hề có vụ tàn sát người Do Thái.

Do đó, chủ đích của Ngài muốn cải thiện liên hệ giữa các tôn giáo đã bị tổn thương trầm trọng.

Và Ngài thậm chí đã làm phật lòng các tín đồ Thiên Chúa Giáo khi Ngài cho phép các tín đồ Anh Quốc Giáo nào mà bỏ đạo được phép sang Công Giáo mà không cần phải bàn thảo gì với Giáo Hội Anh Giáo trước.

Vào giữa lúc vụ bê bối xâm hại tình dục lên cao điểm, các Hồng y cao cấp đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ khi cho rằng các cáo buộc là “chuyện không có gì mà phải ầm ỹ” khi họ nói rằng có một sự lien kết giữa đồng tính luyến ái và tệ nạn ấu dâm.

Giới theo dõi sinh hoạt của Vatican nói rằng dường như Giáo Hội Công Giáo không có một chiến lược truyền thông nào để đối phó với cơn khủng hoảng mà trái lại đã tạo ra những trận hỏa hoạn nhanh hơn là dập tắt các đám cháy.

Mặc dù các đám cháy này dường như đe dọa quyền uy của Giáo Hội Công Giáo, nhưng dường như Giáo Hoàng Benedict dường như không giải quyết nổi các cơn khủng hoảng này bằng cách dung hòa với thế giới hiện đại.

Giáo Hoàng Benedict lúc nào cũng tin tưởng rằng sức mạnh của Giáo Hội đến từ một sự thật tuyệt đối mà không có gì lay chuyển nổi.

Tư duy này làm thất vọng những người chủ trương rằng Giáo Hội Công Giáo cần phải canh tân hóa và thay đổi lập trường về chuyện các linh mục cần sống một cuộc đời độc thân và về bao cao su ngừa thai.

Nhưng đối với phe ủng hộ Ngài, thì Ngài chính là người để dẫn dắt Giáo Hội vượt qua thời buổi đầy thách thức như lúc này.

source

BBC Vietnamese