Saturday 7 May 2011

Mẹ đầu đen nuôi con học giỏi


Cập nhật lúc: 2/11/2011 4:26:27 PM
Mẹ đầu đen nuôi con học giỏi

Amy Chua. Photo courtesy dailytelegraph.com.au

Người Việt nam hãnh diện có những người con học rất giỏi. Gần hết gia đình người Việt có con đứng đầu nhiều môn học trong lớp. Các em còn chơi đàn hay và lãnh nhiều phần thưởng về nhiều môn học tại trường. Các em giỏi từ bậc tiểu và trung học rồi xuất sắc tại đại học. Và sau cùng thành công lớn trong xã hội.

Không những học sinh Việt nam học giỏi mà học sinh 'đầu đen' (hiểu là gốc châu Á) di dân hay tị nạn tại các nước phương Tây lại càng giỏi giang hơn nữa.

Từ đâu các em xuất sắc như vậy?

Trong tuần vừa qua một bà mẹ 'đầu đen' tại Hoa kỳ tung ra cuốn sách có tên là 'Battle Hymn of the Tiger Mother' để trả lời câu hỏi trên.

Gia đình Amy Chua. Photo courtesy JewishJournal.com.au

Con nhà nòi

Bà mẹ đầu đen này mỹ danh là Amy Chua, con của người di dân gốc Trung hoa đến Hoa kỳ khi nhỏ tuổi. Amy Chua được dạy dỗ trong khuôn khổ lễ giáo Trung hoa. Hiển nhiên bà học giỏi từ nhỏ và thành công khi lớn lên. Amy Chua đang làm giáo sư luật khoa tại đại học Yale và kết hôn với một giáo sư luật khoa khác cũng tại Yale. Chồng bà là người Mỹ gốc Do thái. Hai người có hai cô con gái: Sophia và Lulu. Amy Chua giữ phần nuôi dạy hai con theo đúng cách như chính đã từng được mẹ nuôi dạy. Bà ước gì hai con cũng được trải nghiệm 'di dân' như chính mình đã qua.

Hai cô con gái của Amy Chua đều học giỏi (hiển nhiên) mà còn chơi đàn xuất sắc (lại hiển nhiên). Cả hai đều vào đại học và đang là sinh viên xuất sắc. Hai tương lai rực rỡ đang chờ đón họ như bà mẹ Amy Chua viết: 'cha mẹ đầu đen không chấp nhận con cái vấp ngã hay thất bại, dù chỉ một lần'.

Bảy điều luật dành cho con cái đầu đen

Sách 'Battle Hymn of the Tiger Mother' cho rằng người mẹ Trung hoa (hiểu là mẹ 'đầu đen' hay như tác giả viết 'có nhiều bà mẹ Đại hàn, Ấn độ, Jamaica, Ái nhĩ lan, Ghana cũng được gộp vào trong số này' và Y Vi Lưỡng Khả xin thêm: trăm phần trăm bà mẹ Việt Nam dư sức thuộc về nhóm 'Tiger Mother như Amy Chua') biết uốn nắn con mình đi vào con dường thành công.

Thành công trước tiên là ở trường học. Muốn thế, mẹ đầu đen ra danh sách mà con cái phải theo. Đó là:

1. Học là trên hết.

2. Điểm A- (A trừ) đã làm dở rồi đó.

3. Trình độ toán của con tôi phải hơn bạn học ít nhất là hai lớp.

4. Không bao giờ khen con trước mặt người khác.

5. Khi con có bất đồng với thầy cô, cha mẹ luôn luôn ngả về ý kiến thầy cô.

6. Con tôi chỉ được phép tham gia loại sinh hoạt nào mà cuối cùng được lãnh huy chương mà thôi.

7. Huy chương đó phải là huy chương vàng.

Tại trường hai cô con gái 'nửa Mỹ nửa Tàu' này phải đạt điểm hạng A trong tất cả các môn học.

Ngoại trừ hai môn thể dục và kịch nghệ (gym and drama). Amy Chua không bao giờ cho con ngủ qua đêm nhà bạn (sleepovers). Cũng cấm tuyệt hẹn đi chơi với bạn. Thay vào đó hai cô con gái Sophia và Lulu hết học bài là sang học đánh đàn (mà chỉ được học dương cầm và vĩ cầm mà thôi nghen!).

Hiển nhiên, Sophia và Lulu không được phép xem Tivi hay chơi gêm. Một cô con gái của Amy Chua tỉ tê với bạn 'Không bao giờ tao có một giây để vui chơi vì tao là người Trung hoa !'

Có công mài sắt, có ngày nên kim

Là giáo sư luật tại đại học hàng đầu của nước Mỹ, bà mẹ Amy Chua dư biết luật 'bảo vệ trẻ em' tại phương Tây, nhưng bà thú nhận từng làm nhiều điều khác với luật. Bà cho mình đã 'nghiêm khắc' với con cái. Bà thẳng thừng gọi con là 'đồ này đồ kia' hay đi ngay vào chuyện mình muốn khi gọi một cô con gái tới gần mà thét 'Con mập địt kia, mày phải lo cho xuống ký đi nghe!' Khi cô út vẽ tấm thiệp mừng sinh nhật mẹ không được đẹp, bà thẳng thừng gọi con lại, trả tấm thiệp và ra lệnh vẽ lại.

Ở trường, con gái của vị giáo sư luật không được tự mình chọn môn học và về nhà chỉ được chơi thứ đàn do bà mẹ quyết định. Chị hai Sophia chơi piano và cô út Lulu phải chơi violin. Không có chuyện bàn thảo.

Hai cô phải đàn mỗi ngày một giỏi hơn. Bằng không mẹ dọa quăng hết mấy con gấu nhồi bông vào lò lửa. Đánh đàn không phải là chơi mà chỉ là bước đi tới thành công ở đời đó thôi.

Any Chua viết 'Cha mẹ Trung hoa hiểu rằng không có gì vui chơi cả. Cho đến khi người ta chơi giỏi một thứ gì trên đời này'. Mẹ đầu đen biết quá rõ: hôm nay con mình nằm gai nếm mật, mai ngày nó được nhờ tấm thân. Với cha mẹ đầu đen, chỉ có miệt mài học tập mới thành công. Khi thành công, ta mới tự tin và lại được thêm thành công. Thành công bước đầu là điểm hạng A trong trường học. Chứ chỉ là B thì bị 'la rầy và bức tóc bức tay', à nghe.

Như tất cả mẹ đầu đen khác, mẹ Amy Chua hy sinh tất cả cho con học giỏi. Amy vừa dạy học vừa viết sách (hai cuốn trước về bang giao quốc tế và cuốn thứ ba là cuốn này). Trong tuần bà làm việc cho tới giờ cơm chiều. Cuối tuần bà chở hai con đi học đàn. Bà có mặt với con suốt giờ học, ghi lời dạy của thầy đàn. Rồi trong tuần bà bắt con tập dợt ít nhất 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Ngày nào cũng phải đàn dù trong lúc gia đình đi du lịch sang Luân đôn, Rome, Bombay hay đảo Crete. Có lúc bà không cho con rời khỏi cây đàn, dù để uống nước hay đi vào phòng vệ sinh.

Ai kết án bà Amy không để con... 'háp-bi'? Bà và khá đông cha mẹ đầu đen bất cần vì họ cho rằng có thành công thì mới 'háp-bi'. Trong khi đó, không thành công nào mà không phải trả giá. 'Háp-bi' không phải là bước đầu tiên mà chỉ là kết thúc của chuổi dài miệt mài khổ luyện.

Hãnh diện vì con thành công

Hiển nhiên không phải tất cả điều Amy Chua viết ra và làm cho con cái đều đúng. Sách 'Battle Hymn Of The Tiger Mother' chỉ được bày bán hơn tuần lễ mà đã dấy lên làn sóng bình luận sôi nổi tại Hoa kỳ và Bắc Mỹ. Bài điểm sách này đăng trên tờ Wall Street Journal được hơn 3,500 lời góp ý từ độc giả. Ngoài ra, trang Facebook của tác giả có ngót 200,000 người bấm vào nút 'liked'.

Mặc dầu đưa ra 'chiến lược của bà mẹ nghiêm khắc' để so sánh với nuông chiều của khá đông 'soccer mom' đối với con cái, Amy Chua nhìn nhận gần đây bà phải nới lỏng kỷ luật sắt với hai con (đặc biệt cô út cứng đầu vì sợ con bỏ nhà ra đi). Nhưng bà vẫn chống chế: mình làm thế vì cho rằng cha mẹ đầu đen không bao giờ chấp nhận con mình vấp ngã hay thất bại, dầu chỉ một lần.

Cuối cùng, với tất cả nghiêm khắc ấy, Amy Chua gặt hái kết quả của những năm dài nuôi dạy hai con. Bà viết trên tờ The Globe and Mail xuất bản tại Canada: 'Hôm nay, khi nhìn vào hai con tôi rất hãnh diện. Con tôi không chỉ là học sinh giỏi mà còn là người dễ mến, rộng lượng, tự tin, vui sống với rất đông bạn bè...'.

Sophia đã thành tay đàn dương cầm lành nghề kiêm học sinh xuất sắc. Mới đây, Sophia biểu diễn độc tấu dương cầm tại Carnegie Hall, New York.

Lulu cũng học xuất sắc nhưng đã nổi loạn chống lại mẹ bằng cách cắt tóc ngắn và phẫn nộ quăng chiếc ly khi gia đình đi ăn nhà hàng. Chuyện đó khiến bà Amy Chua sợ cô út bỏ học hay bỏ nhà ra đi nên bớt kỷ luật sắt. Bớt gì thì bớt nhưng mẹ Amy không bao giờ bớt cho Lulu học giỏi và đàn vĩ cầm hay.

(TVTS 1295 – 19.1.2011)

source

TiVi Tuan San

No comments:

Post a Comment