Friday 18 December 2009

Những sự tinh ranh của giống cua


Những sự tinh ranh của giống cua
Cập nhật lúc 10:09:57 PM - 14/12/2009

cuaxanh.jpg


Loại cua Xanh sống dọc theo bờ biển Đại Tây Dương là nguồn lợi lớn của nền kinh tế Hoa Kỳ. Trong cuộc đời, cua Xanh cái chỉ một lần ái ân, rồi sau khi đẻ trứng là chết – ảnh: Wpopp.


Hồ Sĩ Viêm

Trong một cuộc họp bạn, để làm tan loãng bầu không khí tẻ nhạt, buồn hiu, một người đưa ra ý kiến: “Tôi có thể đọc được ý nghĩ của người khác”. Nói rồi, anh chỉ một người bạn và đề nghị:

- Anh hãy nghĩ đến một con số và giữ kín trong đầu. - Hãy gấp đôi số ấy lên. - Lấy 10 cộng thêm vào. - Chia số ấy cho 2. - Và bây giờ cho tôi biết con số cuối cùng đó.

Khi người bạn vừa nói lên con số cuối cùng, nhà ảo thuật đã nói ra ngay và đúng phóc con số đầu tiên người bạn nghĩ.

Giả dụ, con số đầu tiên được giữ kín là 9. Gấp đôi số ấy là 18. Cộng thêm 10 là 28. Chia đôi là 14. Người bạn vừa nói ra con số 14, nhà ảo thuật đã kêu lên, “Con số đầu tiên là 9”. Đúng ngay chóc. Thử với vài ba người bạn khác nữa, nhà ảo thuật tài ba đều đoán trúng cả, không hề sai lần nào. (Xin mách các bạn một bí ẩn, là các bạn cứ lấy con số cuối cùng đó mà trừ cho 5 - con số chỉ riêng bạn biết - là ra con số đầu tiên. Bạn cứ trổ tài đi, cam đoan trăm phần trăm đều đúng).

Ấy vậy mà có một người, tuy không hiểu nguyên do, cũng không chứng minh được, mà cứ cãi chầy cãi cối. Mọi người đều phì cười và cho anh chàng cãi bướng đó là “ngang như cua”.

Tại sao lại có thành ngữ “Ngang như cua”? Các bạn cứ quan sát một con cua đang bò thì quả đúng như thế, nó chẳng giống một con vật nào cả, mọi loại đều bò theo chiều dọc, riêng cua bò theo chiều ngang. Sự thực theo các nhà khoa học, cua còn đặc biệt hơn nữa là nó có thể bò theo đủ mọi hướng, đang tiến tới, nó có thể lùi lại ngay. Đang bò ngang, nó đổi thành bò dọc, mà không cần phải xoay người, xoay đầu lại như các con vật khác. Nhưng bình thường nó thích bò ngang nhất. Cua càng nhỏ càng chạy rất nhanh, như loại cua dã tràng tại các bãi biển ở Việt Nam. Bề rộng đầu ngực chỉ khoảng 10 mm và cặp chân bò thứ 5 thuộc loại chân vuốt, thích nghi với đời sống bò chạy ở bãi biển. Loại dã tràng đào hang ở khu vực nước triều cao, có chất cát bùn hay cát đất bột. Khi đào hang chúng xe cát thành những viên nhỏ rồi chuồi lên đặt chung quanh miệng hang. Với óc nhiều tưởng tượng của người Việt Nam, những buổi sáng ra bãi biển thấy dã tràng xe cát thành những viên nhỏ lăn tăn đầy khắp mặt cát phằng lì, ta cho rằng chúng có ý đồ muốn lấp cạn cả biển Đông rộng lớn. Nhưng rồi, những làn sóng, dù chỉ gợn lăn tăn, ùa vào liếm nhẹ cũng đủ xóa tan đi mịt mùng viên cát mà dã tràng đã viên tròn lại suốt một đêm trường. Vì vậy mà ta đã có câu:

Dã tràng xe cát biển Đông

Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì.

Ám chỉ những người nào có ý ngông cuồng muốn “Đội đá, vá Trời”, mà không tự lượng sức mình, chỉ làm trò cười cho thiên hạ, thực hiện những việc phí công vô ích.

Trong tuần qua chúng tôi đã cống hiến quí vị độc giả một số tài liệu về “Cua”, một con vật thông thường, nhưng trên lãnh vực khoa học chúng có nhiều tính chất kỳ diệu, khiến nhiều nhà bác học phải ngạc nhiên. Càng nghiên cứu tìm hiểu thêm, chúng ta càng thấy tính chất và nếp sống của chúng còn tiềm ẩn nhiều sự kỳ lạ. Vì vậy, hôm nay chúng tôi xin trở lại vấn đề này một kỳ nữa. Nói về dã tràng, loài cua nhỏ tí chạy nhoang nhoáng trên cát và chui xuống lỗ thật nhanh, nhưng ta còn trông thấy hình dáng chúng. Còn một loại cua nữa, to hơn, nhưng vừa chợt thấy, chưa nhận định rõ, thì như phép lạ biến hóa, nó vụt biến mất, làm ta tưởng chừng mình hoa mắt. Đó là loại Cua Ma (Ghost crab).

Giống cua ma này sống rất nhiều dọc theo bờ biển Đại Tây Dương, từ New Jersey của Hoa kỳ cho tới nước Ba Tây thuộc Nam Mỹ.


cuama.jpg


Con cua ma (Ghost crab) – ảnh: FOLP


Chúng giống như cua thường, nhưng chỉ nhỏ bằng đồng Quarter và da một mầu như cát, nên dù nằm yên ta cũng khó nhận ra. Chúng sống trên cát, giữa hai làn mức của thủy triều lên và xuống. Thường chúng đào lỗ sâu tới 4 bộ, ban ngày ẩn nấp dưới đó, chỉ bò lên kiếm ăn ban đêm. Vả lại chúng rất nhút nhát, chỉ hơi nghe tiếng động, hoặc thấy một cái bóng gì xáp lại gần, là chui rúc xuống cát nhanh như chớp, chỉ để lòi lên đôi mắt. Do vậy, ít người thấy được nó và người ta gọi nó là Cua Ma. Hai loại cua kể trên không có giá trị gì về kinh tế.


Cua xanh (Blue crabs)


Đây là loại cua giá trị nhất về kinh tế của Hoa kỳ tại ven biển miền Đông Đại Tây Dương. Cua này rất lớn và ngon có tên khoa học là Callinectes Sapidus, theo nghĩa La Tinh, Callinectes là Beautiful Swimmer, tức “Con vật bơi đẹp” và Sapidus là Delicious, tức “Ngon lành”. Như vậy chứng tỏ các nhà khoa học cũng công nhận giống cua này rất quí. Hàng năm ngư phủ Mỹ trung bình bắt được tới 50.000.000 pounds cua, để tung bán ra thị trường.

Sở dĩ, người ta đặt tên cho chúng là Cua Xanh, vì khi sống mai chúng mầu xanh lá thẫm, trong khi 5 cặp chân mầu xanh lơ, mà cặp đầu là đôi càng thật lớn và cặp thứ 5, cặp chót, là đôi mái chèo bè bè và rất mạnh. Do vậy cua bơi rất nhanh. Như đã nói ở bài trước, cua là loài động vật không xương sống, thuộc về bộ giáp xác, tức xương bao bọc bên ngoài thịt. Vì thế, theo thời gian cua lớn lên, vỏ cứng bên ngoài vẫn cứng đơ, không thay đổi, do đó cua phải lột, tức làm nứt vỏ bên ngoài, rồi chui ra. Lúc bấy giờ thịt cua không còn vỏ cứng bên ngoài che chở, nên mềm xèo, không có một chút khả năng nào để tự vệ. Lúc đó cua chỉ còn biết chui rúc ở các hốc đá, hoặc lẩn trốn ở dưới những bụi “cỏ lươn”, loại cỏ mọc ở vùng biển cạn, đất bùn và có lá dài ngoằng như con lươn, có lá vươn dài tới 6 feet. Trong thời gian vài ba ngày sau đó, cua lớn lên rất nhanh và da bên ngoài bắt đầu cứng chắc lại như trước, cua mới trở lại hoạt động bình thường. Từ trứng, cua nở ra ấu trùng, hình dáng như con bọ gậy, rồi như một con tôm con đầu to, mà chẳng có một chút nào giống bố mẹ. Qua nhiều lần biến thái và lột xác ít nhất là 5 hoặc 6 lần, chúng mới hoàn toàn trở thành cua lớn.

Cua cái trong lần lột xác cuối cùng này, như có thiên tính, nó bơi đi tìm cua đực, rồi cả hai con, càng cặp cứng với nhau, tung tăng cùng bơi lội trong một thời gian. Đến giờ con cái lột, vẫn nắm càng nhau, cặp cua từ từ để tự chìm xuống đáy. Đến đây là một vũ điệu ái ân của cặp cua. Cua đực dương đôi càng thật cao bơi nhẩy cầu vòng từ bên này sang bên kia cua cái. Hình như mục đích của nó là làm nước di động. Con cái nằm im lìm, nhưng từ từ mai của nó, cả càng và chân tự nhiên nứt ra và cua cái chui ra khỏi cái vỏ cứng. Cua đực vội ôm chầm lấy người tình còn mềm xìu của mình và trong lúc giao phối, nó tia tinh trùng vào trong ống chứa tinh của con cái. Cuộc ái ân này đối với cua cái là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng của đời nó, vì tinh trùng của cua đực, vẫn được giữ trong ống và coi như đã đủ để thụ tinh cho tất cả trứng trong cuộc đời. Ít nhất mãi mấy tháng sau, cua cái mới đẻ trứng và trong một mùa hạ, nó có thể đẻ từ hai cho đến ba lớp trứng. Tổng cộng, một con cua cái có thể đẻ tới 2 triệu trứng. Khi đẻ, cua cái tự tiết ra một lớp nước như keo, để dính chùm trứng vào lớp lông dưới bụng. Nó đeo để che chở và chờ từ 9 cho đến 14 ngày thì trứng nở. Cua từ trứng nở ra chỉ lớn hơn một hạt bụi một chút, trông vừa trong suốt, vừa như một con vật chỉ có một cái đầu to với một cái đuôi nhỏ. Ấu trùng trồi lên gần mặt nước và trôi nổi tại đấy. Chúng lớn dần lên, mỗi ngày một khác, rồi hình thể cũng biến đổi dần và có thể vừa bơi, vừa lặn xuống đáy biển để chạy đi, chạy lại. Ít lâu sau, nó bắt đầu lột vỏ, hình thể đã thấy rõ là một con cua. Cứ 20 hoặc 30 ngày nó lại lột vỏ một lần, cho đến lúc lớn. Con cua mẹ sau khi đẻ hết trứng thì chết. Trong khi con cua đực có thể sống thêm được vài năm nữa để lại cặp kè với vài con cua cái khác. Vừa nghiên cứu kỹ và vừa có máy để dò và quan sát kỹ dưới biển, ngư phủ Mỹ biết rõ lúc nào là thời kỳ cua lột vỏ. Họ hoạt động ráo riết về mùa này, do vậy trên thị trường Mỹ, theo mùa, chúng ta thấy họ bán một loại cua bấy, đắt nhưng khá ngon, vì ăn được trọn con cua, cả vỏ. Đó là loạt cua vừa lột vỏ.


Ốc mượn hồn (Hermit crabs)


Hermit Crab là một loại cua, nhưng loại cua thật khổ sở, vì không có mai cứng để che chở cho thân thể mềm xìu. Người Âu Mỹ đặt tên chúng là Hermit, có nghĩa là “Nhà tu khổ hạnh ẩn dật” thật đúng theo nghĩa đen của chúng. Từ cái trứng sinh ra đời, ấu trùng cua này chẳng khác gì các loại cua khác.


Cua_ocmuonhon.jpg


Cua Hermit, mình ốc nhưng hồn cua, nên nhiều người gọi chúng là “Ốc Mượn Hồn” – ảnh: ZooFari.


Nhưng, dần dần lớn lên, cua hermit chỉ phát triển có đôi càng, vài cặp chân phía ngoài, cặp mắt và vài cái râu là to lớn và có vỏ cứng bọc ngoài. Còn toàn thân phía dưới, Tạo hóa khi nặn ra chúng có lẽ vì lơ đễnh hay sao mà quên không đắp cho một lớp sừng cứng như những loại cua khác, mà trái lại chỉ bọc bằng một màng da thật mỏng. Thế là chàng Hermit từ đó bị quăng ra đời, có bộ vó trên trông quắc thước đáng mặt anh hùng, nhưng phần bụng phía dưới thì thật là mềm, một cục đá nhỏ cứa nhẹ vào, cũng đủ lòi cả ruột gan, huống gì bị một con vật khác, như cá chả hạn, đớp một miếng là đứt cả nửa bụng. Khi đó chỉ có chết, không còn phương cứu chữa. Nhà “tu hành khổ hạnh đó” biết làm sao để tự cứu? Ấy vậy mà chàng ta đã khôn ra phết, không thế thì làm sao các bạn đến ngày nay còn thấy chàng ta. Theo những di vật hóa đá, thì các loại cua có sự hiện diện trên trái đất từ 400 triệu năm qua, cua Hermit chưa được thống kê rõ rệt, nhưng ít nhất giống này cũng đã góp mặt từ cả 100 triệu năm rồi.

Vậy làm sao mà chúng kéo dài được mạng sống qua cả một thời gian dài như vậy. Thật giản dị, các bạn ạ. Chàng cua Hermit thấy tình trạng mình thật tình nguy hiểm quá độ, rồi nhìn quanh, chàng ta thấy không biết cơ man nào các vỏ ốc không nằm vương vất đây đó. Đấy là những con ốc già chết rồi để vỏ lại, hoặc những con nhỏ vì cớ nào đó mà sống không được, đã giã từ cõi đời này chu du phương trời khác, để lại chiếc vỏ, một căn nhà còn vững chãi mà vô chủ. Thấy vậy, ốc Hermit chắc nghĩ rằng, Trời bắt ta khổ, ta đâu có chịu, bằng cách nào ta cũng phải chiến đấu. Rồi chàng mon men lại chiếc vỏ ốc. Chắc hồi đầu, bụng chàng ta to mà vỏ ốc lại miệng nhỏ và càng vào sâu càng xoắn. Nhưng cứ thử dần và từ đời này qua đời nọ, cua biến chuyển dần để có một chiếc bụng nhỏ và dài ngoằng và cũng có thể xoắn lại theo trôn ốc, để đút lọt bất cứ vào một cái vỏ ốc nào. Từ đó chân trời mở rộng, chàng Hermit không còn lo lắng cho tính mạng mình nữa, vì đáy biển thiếu gì những vỏ ốc to nhỏ khác nhau nằm vương vãi đây đó. Nhà thuê mà không cần trả tiền thì còn gì sung sướng cho bằng, dân Hermit thấy cái nhà nào không vừa là đổi cái khác ngay. Anh chàng lấy cái càng to tướng chắn ngay cửa là yên trí, vỏ ốc dầy đã che chở cho chúng như chiếc mai cua, mà ông Trời đã cho chúng thiếu sót. Một số người Việt Nam mình gọi cua Hermit là “Ốc mượn hồn” cũng đúng. Vì đích thực là cua, nhưng chiếc vỏ chúng mang là ốc và tuy hình dáng là ốc, nhưng thực sự linh hồn sống trong đó là linh hồn mượn của giống cua.


Cua có thông minh hay không?


Để tìm hiểu một giống vật có thông minh hay không, các nhà khoa học thường quan sát qua những sự hoạt động, sự hiểu biết và nhất là qua cách biết sử dụng những dụng cụ của bọn chúng.


Cua_Anemone.jpg


Để bảo vệ mình và dọa vật khác, cua biết dùng càng nắm hai sinh vật anemone, có tua chất độc và châm chích, nên nhiều sinh vật khác sợ lắm phải lánh xa – ảnh: Jon Radoff


Họ nói khỉ thông minh vì khi muốn ăn mối, chúng biết cách lấy một chiếc que thọc sâu vào tổ mối. Mối bị động, xông lại bám vào chiếc que đông đảo, thế là chú khỉ ta chỉ việc kéo que ra và liếm hết mối, ăn một cách ngon lành. Giống cua, ngoài loài người hay bắt chúng, dưới biển, trên bờ, còn biết bao nhiêu kẻ thù. Để bảo vệ mình và dọa kẻ khác, nhiều loại cua đã biết dùng một loại sinh vật dưới biển gọi là Anemone. Loại anemone này có những chiếc vòi thật dài, hay ứa ra nọc độc và châm chích, nên nhiều thú vật khác sợ lắm, luôn phải lánh xa chúng. Hình như hiểu biết cái thóp này, một vài loại cua khi di chuyển đã luôn luôn nắm trong càng một vài con anemone và luôn luôn quơ trước mặt. Quả nhiên nhiều con vật khác thấy thế đã phải chạy thật xa, không dám tiến đến gần. Ven biển, lúc thủy triều xuống, nước cạn, các giống cò, sếu thường xà xuống để bắt cua. Nhiều loại cua đã khôn lanh lấy những miếng bọt biển phủ lên mai mình để trốn giấu. Vì thế mà chúng sống sót. Như vậy các bạn có thấy cua có thông minh không?
********************************************************
source
Vien Dong Daily

No comments:

Post a Comment