Wednesday 4 January 2012

Theo chân những ngôi sao


Theo chân những ngôi sao

SGTT.VN - Vài tháng trước, gia đình ngôi sao nổi tiếng Brad Pitt – Angelina Jolie đến Việt Nam, các paparazzi trong nước đã rơi vào một phen động não ngoài mong muốn trong việc tư duy ảnh khi các nhân vật có chủ ý tránh xa sự quấy rầy của truyền thông để có một kỳ nghỉ thật sự yên thân.

Còn công chúng ngưỡng mộ cuồng nhiệt thì hình như rất “khó nghĩ” trước sinh hoạt giản dị của gia đình nổi tiếng này qua những hình ảnh nhoè nét và hiếm hoi do truyền thông trong nước cung cấp.

“Mâu thuẫn” tiếp tục xuất hiện khi công chúng Việt phát hiện vô vàn nghịch lý ở người yêu của tỉ phú Mark: chân không dài, nhan sắc thường thường bậc trung... Ảnh: Reuters

Từ “tổng thể những mâu thuẫn”...

Câu hỏi thường trực vẫn được người ta đặt ra đầy rẫy trên các diễn đàn mạng: vì sao ngôi sao của thế giới không xuất hiện nuông chiều cảm xúc và làm mãn nhãn công chúng Việt Nam với hàng hiệu, khách sạn sang trọng, những bữa tiệc linh đình phù phiếm như các ngôi sao trong nước vẫn làm? Một số tờ báo đã phân tích đẳng cấp văn hoá ngôi sao của họ trong sự chọn lựa giản dị thông qua một kỳ nghỉ. Vậy là hình ảnh của vợ chồng ngôi sao này thêm được củng cố với phẩm chất giản dị, một trong những phẩm chất hiếm có trong giới biểu diễn, thậm chí bất ngờ với hình dung của công chúng.

Ở đây, hiệu ứng truyền thông sự kiện làm chúng ta nhớ đến nhà văn, nhà ký hiệu học người Pháp Roland Barthes khi viết về một bức ảnh trên tờ Le Figaro chụp cảnh nhà văn André Gide (Pháp, 1869 – 1951) đang xuôi dòng Congo – một con sông ở châu Phi – vừa đọc tác phẩm của Jacques – Bénigne Boussuet. “Đấy là một phóng sự tốt – Barthes nhận định – nó rất hiệu quả về phương diện xã hội học, và thông tin trung thực cho chúng ta biết giai cấp tư sản của chúng ta nghĩ gì về các nhà văn của họ”. Theo cách giải mã của Barthes, phía sau bức ảnh này là một sự mâu thuẫn – mâu thuẫn giữa cốt cách phàm tục (hoá ra nhà văn cũng đi nghỉ như mọi người, cũng ăn bít tết, mặc pyjama, thích gái đẹp cùng các loại phômai reblochon sản xuất ở Savoie và nước mật hoa oải hương) với cái cao cả trong lao động nhà văn (kẻ sở hữu khả năng “sử dụng ngôn từ cao quý của đấng hoá công”). Barthes kết luận: “Việc kết hợp hết sức ấn tượng giữa bao điều cao quý đến thế và bao điều tầm phào đến thế biểu đạt rằng người ta còn tin vào mâu thuẫn: tổng thể của mâu thuẫn là kỳ diệu, mỗi mặt của nó cũng kỳ diệu: nó đương nhiên sẽ chẳng còn lý thú gì nữa trong một thế giới mà lao động của nhà văn mất thiêng đến mức xem ra cũng là bản chất của tự nhiên như chuyện ăn, chuyện mặc” (Nhà văn đi nghỉ hè, trong cuốn Những huyền thoại, Roland Barthes, Phùng Văn Tửu dịch, NXB Tri Thức 2008).

Việc nắm bắt các quy luật tâm lý, huy động các mâu thuẫn kỳ diệu, độc đáo để tác động vào xã hội từ lâu được các nhà nghiên cứu xây dựng thương hiệu đặc biệt chú trọng để mở các chiến lược phủ sóng thị trường. Tuy nhiên, với người của công chúng thì điều này dễ thấy hơn nhiều. Đôi khi nó được thực thi một cách máy móc và trở thành màn diễn lố bịch như ta vẫn thấy ở những cuộc thi hoa hậu, người đẹp trên truyền hình. Hình ảnh các chân dài hôm qua còn cặp các đại gia, mặc đồ dạ hội sải bước ỏn ẻn trên sân khấu, hôm nay cúi xuống rơi lệ trên những cuộc đời kém may mắn ở các trung tâm dưỡng lão, các trẻ em nhà mở hay trung tâm khuyết tật để ống kính mặc sức đặc tả liệu có đủ sức thuyết phục để tạo ra “tổng thể những mâu thuẫn”, theo cách nói của Barthes, trong tiến trình tạo lập huyền thoại hay hình ảnh cá nhân? Tính chất “event” (sự kiện – theo đúng nghĩa của từ này) với sức lay động phù du giả tạo mà nó tạo nên đã không qua mắt được những khán giả truyền hình ưa lý trí và suy xét sự việc ở góc độ bản chất. Cũng thế, việc các lãnh đạo có tuỳ tùng cởi áo veston, thay giày giúp trước khi bước xuống cầm xẻng xúc đất khởi công các dự án trước ống kính truyền hình, rồi sau đó ung dung lên bục phát biểu đã không còn thiêng trong mắt công chúng, khi tự hành vi đó tưởng là xác lập mâu thuẫn kỳ diệu trong việc đánh dấu sự kiện (hàm nghĩa: với công trình này, lãnh đạo A, B, C đã biết cúi xuống xắn tay “chung lưng đấu cật” với người lao động để khởi công) nhưng chỉ phơi bày một thực tế ảo của một màn kịch trong kịch bản của những người làm “event”.

Hình ảnh các chân dài hôm qua còn cặp các đại gia, mặc đồ dạ hội sải bước ỏn ẻn trên sân khấu, hôm nay cúi xuống rơi lệ trên những cuộc đời kém may mắn ở các trung tâm dưỡng lão, các trẻ em nhà mở hay trung tâm khuyết tật để ống kính mặc sức đặc tả liệu có đủ sức thuyết phục để tạo ra huyền thoại hay hình ảnh cá nhân?
... đến cách tạo ra huyền thoại

Trở lại với Brad Pitt – Angelina Jolie. Theo cách lý giải trên, thì có thể thấy rằng việc hai ngôi sao nổi tiếng nhất của Hollywood, kinh đô công nghiệp điện ảnh toàn cầu chọn một hòn đảo vắng ở một nước nhỏ, nơi mà nền công nghiệp điện ảnh chưa có tên trên bản đồ thế giới để nghỉ ngơi cùng những đứa trẻ là con nuôi (có nguồn gốc từ các nước thế giới thứ ba) một cách lặng lẽ, bên cạnh văn hoá hưởng thụ có tính chất cá nhân độc đáo, về mặt nào đó, cũng có thể ngầm hiểu, là cách tạo dựng huyền thoại đầy tự nhiên (có lẽ là phẩm chất văn hoá của những ngôi sao đẳng cấp đích thực!) trong thời mà lao động nghệ thuật điện ảnh, nghe nhìn là một uy lực với đại chúng.

Sau khi Tuổi trẻ online công bố loạt năm bức ảnh thời sự độc quyền do nhiếp ảnh gia Na Sơn chụp lúc 13 giờ ngày 11.11.2011, khi gia đình hai ngôi sao này dùng bữa ở nhà hàng Cục Gạch trên đường Đặng Tất, quận 1, thì theo thông tin mà chúng tôi biết được, quán Cục Gạch trở nên đông hơn. Nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ đến cuồng tín bằng cách đến Cục Gạch và đặt bữa ăn với những món “sao y bản chính” như gia đình Brad – Angelina đã gọi và chia nhau ngồi vào ghế mà hai tài tử, minh tinh này đã ngồi để “dùng bữa trong hơn một tiếng đồng hồ và dùng hết lượng thức ăn đã đặt” như bài báo Tuổi Trẻ online mô tả. Và, không chừng, sẽ có những gia đình mùa xuân này chọn Côn Đảo để trải nghiệm những ngày nghỉ theo cách của Brad Pitt – Angelina Jolie. Điều này cho thấy tâm lý ám thị, phóng chiếu hình ảnh vào thần tượng nơi đại chúng.

Brad – Angelina thu hoạch thành công ngoài mong đợi về khía cạnh hình ảnh đối với khán giả Việt Nam (dù cho thành công này với họ đã trở nên quá bình thường và quen thuộc) trong một kỳ nghỉ hết sức bình thường, cái mà nhiều ngôi sao Việt Nam chưa thể làm được. Căn bản là các ngôi sao vẫn thường bỏ qua (hoặc thiếu thành thật) với nguyên tắc tâm lý xây dựng hình ảnh bằng những “mâu thuẫn” thực sự.

Trong những ngày này, cư dân mạng xôn xao về việc CEO của Facebook – tỉ phú Mark Zuckerberg cùng cô người yêu gốc Hoa đến Việt Nam nghỉ dưỡng. Nhiều hình ảnh mà các paparazzi Việt Nam săn được từ Hà Nội, Sa Pa được đăng tải trên mạng đã khiến không ít cư dân mạng sốt ruột, hốt hoảng đặt ra các câu hỏi: vì sao cặp tình nhân này lại ăn mặc lôi thôi “dưới mức trung bình” như vậy? Các cô gái thần tượng Mark thì xuýt xoa: Vì sao một tỉ phú lại có cô người yêu nhan sắc quá mức bình thường như vậy? Vì sao họ lại có thể cưỡi trâu hoặc chơi bịt mắt bắt dê ở Sa Pa một cách “tầm thường” đến thế? v.v.

Và đại chúng bắt đầu tranh luận, tìm kiếm, giải mã, tin tưởng. Thần tượng sẽ được củng cố từ “tổng thể những mâu thuẫn”, khi những mâu thuẫn đó còn trở nên kỳ diệu, gia tăng tính huyền thoại đối với công chúng.

Nguyễn Vĩnh Nguyên

source

http://sgtt.com.vn/Loi-song/157681/Theo-chan-nhung-ngoi-sao.html

No comments:

Post a Comment