George Friedman, người sáng lập và là Chủ tịch Công ty Dự báo chiến
lược STRATFOR, một think-tank phi chính phủ hàng đầu thế giới từng dự báo chính xác một số sự kiện chiến lược. Cuốn sách 100 năm tới của ông đưa ra những dự đoán đáng kinh ngạc về nước Mỹ.
Friedman dự báo trong thế kỷ XXI nước Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới, thậm chí ông nói bây giờ nước Mỹ hãy còn là đứa trẻ (?), thập niên 50 thế kỷ này mới trở thành siêu cường đích thực và thập niên 60 mới là thời đại vàng của Mỹ.
Dự báo ấy khác với quan điểm của Zbigniew Brzezinski, Henry Kissinger, Stephen Brooks, William Wohlforth hoặc của Martin Jacques (trong cuốn Khi Trung Quốc thống trị thế giới), cũng như nhiều dự báo rất xấu về kinh tế Mỹ trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Nó giội gáo nước lạnh lên những cái đầu phát sốt sau khi đọc sách của Lưu Minh Phúc cho rằng trong thế kỷ XXI Trung Quốc sẽ thay Mỹ lãnh đạo thế giới.
Dự báo của Friedman dựa trên quan điểm sự thực lịch sử và tình trạng địa-chính trị quyết định tất cả. Friedman nhận định: nước Mỹ đã xây dựng được một nền văn hoá và chế độ chính trị tiên tiến nhất thế giới.
Sự thực là văn hoá Mỹ đang giữ vai trò dẫn đầu thế giới, có sức lan toả và chiếm lĩnh mạnh mẽ. Nhạc pop, vũ điệu rock and roll cũng như fastfood và CocaCola… được giới trẻ khắp nơi ưa chuộng. Hollywood thống trị điện ảnh 5 châu. Truyền thông Mỹ dẫn đầu truyền thông thế giới. Văn hoá chính trị-tư tưởng của Mỹ rất phát triển, họ luôn có nhiều nhà tư tưởng, nhà chính trị học hàng đầu. Khoa học kỹ thuật và giáo dục đại học thì khỏi phải nói.
Tư tưởng dân chủ bình đẳng sinh ra ở châu Âu nhưng nảy mầm và thành cây lá sum sê trên đất Mỹ – khi châu Âu còn dưới ách phong kiến… Vào thời những năm đầu của thế kỷ 16, 17 phần lớn những người di cư sang Mỹ đều là những kẻ, dưới quan điểm của giới “Quí Tộc”, là những kẻ bất mãn bị xã hội ruồng bỏ, những người vô gia cư bị coi là hạ đẳng, và các phần tử bị coi là tội phạm hay phản động. Những con người này đến vùng đất mới châu Mỹ, họ đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ. Văn hóa của họ, tức nguyên lý sâu xa nhất chi phối suy nghĩ của con người, chỉ đơn giản là “tự lo”, và cái nguyên lý ấy phát triển thành triết lý về “tự do” kiểu Mỹ sau này.
Phạm trù tự do của Mỹ được xây dựng dựa trên nguyên lý tự do hành động, chính vì thế thượng tầng kiến trúc của xã hội Mỹ đã phải đối diện với một phạm trù mới về quản trị nhân sự — khi mà những yếu tố khống chế con người như: tôn giáo, ý thức hệ, truyền thống,… đã không còn. Phạm trù mới này đã nẩy nở thành hệ thống nhà nước pháp quyền và văn hóa quản trị trí thức – một hệ thống khái niệm về quản lý lao động tách rời nhân sự.
Hiến pháp Mỹ 1787 là bộ hiến pháp thành văn đầu tiên của giai cấp tư sản trong lịch sử thế giới. Nó dựa trên cơ sở tư tưởng dân chủ tư sản, đầu tiên dựng nên một quốc gia có đặc trưng là chế độ cộng hòa, chế độ liên bang, chế độ Tổng thống, chế độ tam quyền phân lập, chính phủ dân bầu, chế độ nhiệm kỳ của người lãnh đạo. Cơ chế ấy bảo đảm dân chủ hóa trình tự ra quyết sách, tránh được sự lạm dụng chức quyền… Sức sống của mô hình chính quyền Mỹ thể hiện ở chỗ từ ngày lập quốc (1776) đến nay nước này chưa hề có đảo chính hoặc cách mạng lật đổ chính phủ. Rất ít nước lớn nào có nền chính trị ổn định, được lòng dân lâu như vậy.
Dù từng phạm không ít sai lầm nhưng nước Mỹ đã đứng vững và chiến thắng trong hai cuộc thế chiến và chiến tranh lạnh, vượt qua các cuộc khủng hoảng kinh tế vô cùng trầm trọng. Được như vậy trước hết là do cơ chế chính trị phát huy được vai trò làm chủ của toàn dân, họ phát hiện và bầu lên được những người lãnh đạo khôn ngoan phù hợp với xu thế từng thời đại. Nhờ thế chỉ sau 150 năm dựng nước, Mỹ đã trở thành siêu cường bá chủ thế giới.
Trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, các số liệu về tỷ lệ thất nghiệp, nợ nhà nước và thâm hụt ngoại thương đem lại cảm giác kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ sụp đổ. Thế nhưng giờ đây họ vẫn sống đàng hoàng bằng núi tiền các nước khác tự nguyện cho vay. Châu Âu mới là kẻ chịu thiệt với đồng Euro có nguy cơ đổ sập. Cơ chế chính trị Mỹ có khả năng tự sửa đổi cho thích hợp hoàn cảnh, như chính sách Kinh tế mới của Tổng thống Roosevelt, hoặc luật cải tổ tài chính Tổng thống Obama vừa trình Quốc hội đã và sẽ có thể đưa nước Mỹ thoát khỏi khủng hoảng.
Trên lĩnh vực kinh tế, người Mỹ cũng dẫn đầu thế giới đưa ra nhiều sáng kiến vĩ đại. Thời gian 1863-1869 họ đã xây dựng xong tuyến đường sắt Thái Bình Dương 3000 km xuyên suốt Đông Tây, vừa góp phần quan trọng thống nhất đất nước, vừa giúp nhanh chóng phát triển kinh tế. Công trình này được đài BBC đánh giá là một trong 7 kỳ tích của lịch sử công nghiệp hoá thế giới và được dân Mỹ coi là biểu tượng thống nhất quốc gia (thời gian 1861-1865 Mỹ có nội chiến, đất nước chia rẽ sâu sắc). 30 năm sau, nước Nga mới bắt đầu làm đường sắt xuyên Siberia .
Thập niên 50 họ có sáng kiến xây dựng mạng xa lộ cao tốc nối tất cả các bang, các thành phố, khiến cho đất nước này trở nên vô cùng năng động, người dân tha hồ phóng xe đi khắp nơi tìm việc làm, khai thác tài nguyên.
Thập niên 90 họ đầu tiên đề xuất và triển khai xa lộ cao tốc thông tin (gồm hệ thống thông tin số và mạng thông tin internet), dẫn đầu thế giới tiến sang kỷ nguyên thông tin, nhờ đó nguồn trí thức tăng gấp bội, bảo đảm công nghệ cao phát triển như vũ bão.
Hai mạng xa lộ nói trên đã đem lại cho nước Mỹ sức mạnh bá chủ thế giới trong 50 năm qua.
Giờ đây George Friedman dự báo trong thế kỷ XXI Mỹ sẽ hoàn tất xây dựng xa lộ cao tốc năng lượng, năm 2080 nhà máy điện trên vũ trụ sẽ bắt đầu phát điện về cho trái đất sử dụng.
Nước Mỹ có ưu thế tốt nhất thế giới về địa lý. Đất rộng và màu mỡ, giàu tài nguyên, có nhiều con sông lớn thông thương được và những hồ nước ngọt khổng lồ. Hai đại dương quan trọng nhất bao bọc hai bên. Ngày nay tiêu điểm cạnh tranh địa chính trị toàn cầu đã chuyển từ đại lục Âu Á sang giành giật quyền kiểm soát biển, mà về mặt này Mỹ có ưu thế vô địch, đã và đang kiểm soát toàn bộ các đường hàng hải, vì thế họ sẽ tiếp tục kiểm soát nền kinh tế toàn cầu.
Friedman viết: trong 10-20 năm đầu thế kỷ XXI, Mỹ sẽ gặp những thách thức nghiêm trọng, nhưng không nước nào có thể thay thế vị trí số 1 của Mỹ; thế giới vẫn lấy nước Mỹ làm trung tâm.
Sau khi Steven Jobs qua đời, nhiều trang mạng đã cho đăng bản dịch tiếng Việt bài diễn văn tại Đại học Stanford của ông. Tiếc thay, một số bản dịch đã dịch sai, dịch thiếu, đặt câu sai văn phạm và dùng chữ Hán Việt không cần thiết. Cách dịch cẩu thả này khiến cho bài văn giản dị nhưng đầy ý nghĩa của một danh nhân thế giới thành ra khó hiểu và ngô nghê.
Dưới đây là một bản dịch khác. Người dịch tuy đã cố gắng nhưng vẫn không thể tránh được nhiều chữ chưa hoàn toàn đúng với nguyên tác. Kính mong bạn đọc góp ý thêm cho. Xin chân thành cám ơn.
Vài nét về Steven Jobs
Steve Jobs, đồng sáng lập viên và cựu Giám đốc Điều hành công ty điện tử Apple Inc., vừa qua đời ngày 05/10/2011 tại California, hưởng dương 56 tuổi.
Từ một sinh viên 26 tuổi học hành dở dang, Steve Jobs khởi đầu sự nghiệp với hai bàn tay trắng và chỉ trong vòng 7 năm trời đã đưa Apple trở thành một tên tuổi hàng đầu. Có thể nói ông đã mở ra một cuộc cách mạng điện tử, và di sản ông để lại là những sản phẩm nổi tiếng toàn thế giới, từ máy điện toán “Apple”, máy điện toán cá nhân “Macintosh”, đến “iPod” (máy nghe nhạc cá nhân), “iPhone” (điện thoại thông minh), “iPad” (máy điện toán cá nhân), v.v... Tạp chí Forbes ước tính tài sản của ông trị giá khoảng 5,1 tỷ dollars, đứng hạng thứ 43 trong số những người giàu nhất Hoa Kỳ.
Năm 2005, Steve Jobs được trường Đại học Stanford trao bằng Tiến sĩ Danh dự. Bài nói chuyện của ông trong buổi lễ tốt nghiệp ngày 12/6/2005 đã được Stanford giữ làm tài liệu tham khảo cho sinh viên. Đây là lần xuất hiện hiếm hoi của ông trước công chúng kể từ khi mắc bệnh ung thư tụy tạng (mà lúc đó ông tưởng rằng có thể được chữa khỏi), và đây cũng là một dịp hiếm hoi người ta nghe những lời tâm sự về đời tư của ông.
Bài diễn văn của Steven Jobs tại Stanford University
Ngũ Phương lược dịch
Tôi rất hân hạnh được có mặt cùng các bạn trong lễ tốt nghiệp ngày hôm nay tại một trường đại học danh giá vào bậc nhất thế giới. Tôi chưa bao giờ tốt nghiệp đại học. Thành thật mà nói, được (đứng trên bục) thế này là mức gần nhất của tôi với chuyện tốt nghiệp đại học. Hôm nay, tôi muốn kể cho các bạn nghe ba câu chuyện của đời tôi. Chỉ vậy thôi. Chẳng có gì to tát. Chỉ là ba câu chuyện.
Steve Jobs (1955-2011) Nguồn ảnh: fazyslittlekitchen.blogspot.com
Câu chuyện thứ nhất là kết nối những dấu chấm.
Tôi bỏ học sau khi đã vào Reed College được 6 tháng, nhưng rồi tôi vẫn tiếp tục theo học ở đó khoảng 18 tháng nữa trước khi chính thức bỏ học luôn.Vậy tại sao tôi lại bỏ học?
Mọi việc đã bắt đầu từ trước khi tôi ra đời. Mẹ ruột của tôi là một sinh viên trẻ, độc thân, và bà quyết định cho tôi làm con nuôi. Bà một mực nghĩ rằng tôi chỉ được làm con nuôi người đã tốt nghiệp đại học. Vì thế, mọi sự được sắp đặt để tôi trở thành con nuôi của vợ chồng một luật sư. Thế nhưng vào giờ chót có sự thay đổi, vì khi tôi vừa cất tiếng khóc chào đời, vợ chồng ấy lại đổi ý và muốn nhận nuôi một bé gái.
Đó là lý do cha mẹ (nuôi) của tôi hiện giờ, có tên trong danh sách chờ đợi, đã nhận được một cú điện thoại vào lúc nửa đêm với câu hỏi, “Chúng tôi có một bé trai ngoài ý muốn, ông bà có muốn nhận nó làm con nuôi hay không?” Cha mẹ tôi trả lời, “Tất nhiên là muốn.” Nhưng sau đó mẹ ruột của tôi biết được bà mẹ tương lai chưa bao giờ tốt nghiệp đại học còn ông bố tương lai thì chưa hề tốt nghiệp trung học, thế là bà từ chối ký vào giấy giao nhận con nuôi. Chỉ mấy tháng sau bà mới đồng ý khi cha mẹ nuôi của tôi hứa rằng sẽ cho tôi vào đại học. Đời tôi bắt đầu từ đó.
Reed College Nguồn: collegefinancialaidguide.com
17 năm sau, tôi cũng được vào đại học. Nhưng tôi đã quá ngây thơ khi chọn một trường đại học mắc gần ngang với Stanford, và tất cả số tiền để dành của cha mẹ tôi, những con người cả đời làm lụng, đã dùng hết để đóng học phí cho tôi. Sau sáu tháng, tôi chẳng thấy giá trị của chuyện học đại học. Tôi chẳng biết tôi muốn làm gì với cuộc đời của mình và cũng chẳng thấy trường đại học sẽ giúp tôi biết được. Vậy mà tôi đã tiêu béng hết tất cả số tiền dành dụm suốt đời của cha mẹ. Vì vậy tôi quyết định bỏ học và tin tưởng rằng mọi chuyện rồi cũng sẽ ổn thôi. Ngay lúc đó, tình hình trông có vẻ đáng sợ lắm, nhưng khi nghĩ lại, tôi mới thấy đó là một trong những quyết định đúng nhất của mình. Từ lúc bỏ học, tôi có thể bỏ luôn những môn học bắt buộc mà tôi không thích, thay vào đó, tôi bắt đầu ghi tên vào những môn học khác có vẻ thú vị hơn.
Mọi chuyện không diễn ra một cách lãng mạn lắm đâu. Tôi không có phòng trọ, vì thế tôi phải ngủ nhờ trên sàn phòng trọ của các bạn tôi. Tôi kiếm tiền mua đồ ăn bằng cách mang trả lại những chai Coca-Cola để nhận 5 xu mỗi chai, và hàng tuần cứ tối Chủ nhật là tôi phải đi bộ 7 dặm qua phía bên kia thành phố để có được một bữa ăn ngon ở ngôi đền Hare Krishna. Tôi rất thích bữa ăn đó. Những gì mà tôi đã va vấp phải để theo đuổi sự tò mò và trực giác của mình về sau trở thành những điều vô giá. Để tôi cho các bạn một thí dụ.
Vào lúc bấy giờ có lẽ Reed College là nơi có lớp dạy nghệ thuật thư pháp giỏi nhất nước. Khắp trong khu học xá, tất cả các bích chương và nhãn dán trên mỗi hộc kéo đều được viết tay rất đẹp. Vì tôi đã bỏ học và không phải vào những lớp thông thường nên tôi quyết định ghi danh lớp thư pháp để học cách viết chữ đẹp như thế. Tôi học về các loại chữ serif và san serif, về khoảng cách giữa các chữ trong các kiểu chữ khác nhau, về cách làm sao cho một bản chữ trông đẹp mắt. Tôi ngỡ ngàng khi thấy đây là một môn học đầy tính nghệ thuật, lịch sử và đẹp một cách tinh tế mà các bộ môn khoa học không thể có được.
Những thứ này khi đó dường như chẳng có chút ứng dụng thực tế nào cho cuộc đời tôi. Thế nhưng 10 năm sau, khi chúng tôi thiết kế chiếc máy điện toán Macintosh đầu tiên, bỗng dưng các kiến thức về thư pháp trở lại với tôi, và chúng tôi đã đưa những điều ấy vào Mac. Đó là máy điện toán đầu tiên có những mẫu chữ thật đẹp. Nếu tôi không theo cái lớp học đó ở trường thì Mac sẽ chẳng bao giờ có được nhiều mẫu chữ với khoảng cách cân đối. Và cũng bởi vì Windows bắt chước Mac nên (nếu Mac không có) cũng chẳng có máy điện toán nào có những kiểu chữ đẹp. Nếu tôi không bỏ học thì tôi đã không thể theo học lớp thư pháp, và máy điện toán cá nhân đâu có được những kiểu chữ đẹp như vậy. Tất nhiên lúc đang còn ở trường đại học thì tôi không thể nhìn trước về phía tương lai để kết nối những dấu chấm (connect the dots). Nhưng 10 năm sau, nhìn lại, thì mọi việc trở nên rất, rất rõ ràng.
Tôi xin nhắc lại, các bạn không thể nhìn trước về tương lai để kết nối những dấu chấm được đâu, các bạn chỉ có thể làm điều đó khi nhìn lại quá khứ mà thôi. Vì thế, các bạn phải tin tưởng rằng những dấu chấm rồi sẽ nối kết với nhau trong tương lai. Các bạn phải đặt niềm tin vào một điều gì đó - như trực giác, định mệnh, cuộc sống, nghiệp quả, hoặc điều gì đó. Quan niệm ấy chưa bao giờ làm tôi thất vọng, và nó đã làm nên mọi sự thay đổi trong đời tôi.
Câu chuyện thứ hai là về tình yêu và sự mất mát.
Steve Jobs và Steve Wozniak làm việc trong garage Nguồn: techiteasy.org
Tôi thật may mắn vì ngay khi còn rất trẻ tôi đã biết mình thích làm gì. Woz [Steve Wozniak] và tôi đã bắt tay vào việc chế tạo máy Apple trong nhà để xe của cha mẹ tôi lúc tôi 20 tuổi. Chúng tôi đã miệt mài làm việc, và sau 10 năm, từ vỏn vẹn 2 người trong cái gara bé nhỏ, Apple đã phát triển thành một công ty trị giá 2 tỷ Mỹ kim với hơn 4000 nhân viên. Chúng tôi tung ra thị trường sang tác tuyệt nhất của mình - máy điện toán Macintosh - sớm trước một năm, lúc tôi mới bước sang tuổi 30. Thế rồi sau đó, tôi bị sa thải. Làm sao mà bạn lại có thể bị sa thải bởi một công ty mà bạn đã sáng lập ra nó nhỉ?
Đại khái là, khi Apple bắt đầu phát triển, chúng tôi đã thuê một người mà tôi cho rằng rất giỏi để cùng tôi điều hành công ty, và trong khoảng một năm gì đó, mọi việc đều tốt. Nhưng rồi cái nhìn về tương lai của hai người chúng tôi bắt đầu khác nhau, và cuối cùng đưa tới bất hòa. Khi mối bất hòa xảy ra, Hội đồng Quản trị đứng về phía anh ta, thế là tôi, ở tuổi 30, đã bị cho ra rìa, trước mặt bàn dân thiên hạ. Mục tiêu mà tôi theo đuổi suốt giai đoạn thành niên bỗng dưng biến mất, và tình trạng thật là bi đát. Suốt mấy tháng trời tôi thật sự chẳng biết phải làm gì. Tôi cảm thấy mình đã phụ lòng thế hệ doanh nhân đi trước - vì đã đánh rơi mất cây gậy chỉ huy mà họ chuyền đến tay tôi. Tôi gặp David Packard và Bob Noyce để cố gắng xin lỗi về những việc tệ hại đã làm ra. Tôi trở thành một biểu tượng thất bại trước công chúng, thậm chí tôi đã có ý định cuốn gói bỏ đi khỏi thung lũng [Silicon Valley]. Nhưng rồi dần dần có một điều gì đó bắt đầu lóe lên trong tôi - tôi vẫn yêu thích những việc mình đã làm. Những biến cố ở Apple không hề làm thay đổi sự yêu thích đó chút nào cả. Tôi như một kẻ bị tình phụ, nhưng tình yêu trong tôi vẫn tràn đầy. Vì thế, tôi quyết định bắt đầu làm lại.
Ngay lúc đó tôi không nhận ra, nhưng sau này tôi mới thấy rằng chuyện bị Apple sa thải hóa ra lại là điều tốt đẹp nhất trong đời tôi. Gánh nặng của sự thành công được thay thế bằng tinh thần nhẹ nhàng của kẻ mới bắt đầu lại và không chắc về những gì sẽ xảy ra. Nó giải thoát tôi để tôi bước vào một trong những thời kỳ sáng tạo nhất của đời mình.
Trong 5 năm tiếp theo, tôi khởi sự một công ty mang tên NeXT, một công ty khác mang tên Pixar, và tôi bắt đầu yêu một phụ nữ tuyệt vời, chính là vợ tôi bây giờ. Pixar hoạt động tốt và cho ra đời cuốn phim truyện hoạt họa bằng computer đầu tiên trên thế giới, “Toy Story”, và nay Pixar trở thành xưởng phim hoạt họa thành công nhất thế giới. Thế rồi một sự kiện đáng ghi nhớ đã xảy ra, Apple mua NeXT, tôi trở lại Apple, và những kỹ thuật mà chúng tôi phát triển ở NeXT trở thành điểm cốt lõi cho thời kỳ phục hưng của Apple. Laurene và tôi cũng có được một gia đình thật hạnh phúc.
Tôi tin chắc rằng tất cả những điều đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra nếu tôi không bị Apple sa thải. Đó là một viên thuốc rất đắng, nhưng tôi cho rằng người bệnh cần đến nó. Đôi khi cuộc đời sẽ giáng một viên gạch vào đầu bạn. Đừng mất niềm tin.Tôi tin rằng điều duy nhất giúp tôi tiếp tục tiến bước chính là vì tôi yêu thích những gì tôi đã làm. Bạn phải tìm cho ra cái mà bạn yêu thích. Điều đó đúng cho công việc và đúng luôn cho cả những người yêu của bạn.
Công việc sẽ chiếm phần lớn cuộc sống của bạn, và cách duy nhất để thực sự thỏa mãn là làm những công việc mà bạn tin nó sẽ trở nên tuyệt vời. Và cách duy nhất có công việc tuyệt vời là yêu những gì bạn làm. Nếu như các bạn chưa tìm thấy, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng chấp nhận những cái tạm bợ. Cũng giống như chuyện của con tim, bạn sẽ nhận ra nó khi bạn tìm thấy nó. Và cũng giống như mối quan hệ tình cảm đích thực, nó sẽ ngày càng nồng thắm hơn qua tháng năm. Vì vậy hãy tiếp tục tìm kiếm cho đến khi bạn tìm thấy. Đừng chấp nhận những cái tạm bợ.
Câu chuyện thứ ba là về cái chết.
Lúc 17 tuổi, tôi đọc được một câu danh ngôn đại khái là, “Nếu bạn sống mỗi ngày như ngày cuối cùng của cuộc đời mình, thì một ngày nào đó bạn sẽ có cái cảm giác đoan chắc rằng mình đúng”. Câu nói ấy đã để lại trong tôi một ấn tượng rất sâu đậm. Và kể từ đó, suốt 33 năm qua, tôi vẫn nhìn vào gương mỗi buổi sáng và tự hỏi, “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời mình, liệu mình có muốn làm cái điều mình định làm hôm nay hay không?” Và nếu câu trả lời là “không” trong nhiều ngày liền liên tiếp thì tôi biết là tôi cần phải thay đổi một điều gì đó.
Nhớ rằng mình có thể sắp chết chính là dụng cụ quan trọng nhất giúp tôi có những lựa chọn lớn trong đời. Bởi vì gần như mọi điều - mọi kỳ vọng của người khác, mọi niềm tự hào, mọi nỗi sợ hãi vì xấu hổ hay thất bại - sẽ biến mất khi ta chết, và chỉ điều gì thực sự quan trọng mới còn lại mà thôi. Nghĩ rằng mình sắp chết là cách tốt nhất giúp tôi tránh khỏi cái bẫy tư tưởng cho rằng mình sắp mất một thứ gì đó. Khi trơ trụi chẳng còn gì thì lẽ nào bạn lại không nghe theo tiếng gọi của trái tim.
Khoảng một năm trước, tôi biết mình bị ung thư. Tôi đi chụp cắt lớp [scan] lúc 7h30 sáng, và trên phim hiện rõ một khối u trong tụy tạng. Cho đến lúc ấy tôi còn chưa biết tụy tạng là cái gì. Các bác sĩ bảo tôi đây là một loại ung thư không thể chữa khỏi được, và tôi nên chuẩn bị tinh thần vì chỉ còn sống từ 3 đến 6 tháng nữa thôi. Bác sĩ khuyên tôi về nhà sắp xếp mọi việc, đó là cách nói của bác sĩ khi khuyên bệnh nhân chuẩn bị cho cái chết. Lời khuyên ấy có nghĩa là bạn phải dùng mấy tháng còn lại để nói với con bạn những điều mà bạn tưởng là sẽ có khoảng mười năm tới để nói với chúng. Lời khuyên ấy cũng có nghĩa là bạn hãy cố gắng gói ghém mọi thứ đâu ra đó để dễ dàng hơn cho gia đình. Và cũng có nghĩa là hãy nói lời vĩnh biệt.
Tôi phải sống với chẩn đoán đó cả ngày. Đến chiều tối, tôi làm sinh thiết, họ đút một ống đèn soi qua cổ họng tôi, xuyên ngang bao tử vào sâu xuống ruột, đâm một cái kim vào tụy tạng để lấy ra một số tế bào ung thư làm thử nghiệm. Tôi đang trong hôn mê, nhưng vợ tôi có mặt lúc đó, kể lại rằng khi các bác sĩ phân tích những tế bào dưới kính hiển vi, họ đã vui mừng đến ứa nước mắt vì thấy đây là một trường hợp ung thư tụy tạng hiếm hoi có thể chữa được bằng phẫu thuật. Tôi đã được giải phẫu và bây giờ tôi đã khỏe.
Đó là lần tôi đối mặt với cái chết sát sao nhất, và tôi hy vọng đó cũng là lần duy nhất trong vài chục năm tới. Trải qua chuyện đó rồi, bây giờ tôi có thể nói với các bạn điều này, một cách khá đoan chắc hơn là nhắc đến cái chết như một khái niệm hữu ích nhưng hoàn toàn thuộc trí óc:
Chẳng có ai muốn chết. Ngay cả những người muốn được lên thiên đàng cũng không muốn chết để được lên đó. Thế nhưng cái chết vẫn là nơi mà tất cả chúng ta đều phải đến. Chưa có ai từng thoát được nó. Và nó là thế vì nó là như thế, bởi vì dường như Cái Chết chính là sự sáng tạo tuyệt vời nhất của Cuộc Sống. Nó là tác nhân cho những thay đổi trong Cuộc Sống. Nó loại đi những cái cũ để mở đường cho những cái mới. Ngay lúc này đây, cái mới đang là các bạn, nhưng chẳng bao lâu nữa các bạn cũng sẽ dần cũ đi và sẽ bị loại bỏ. Tôi xin lỗi vì nói như vậy nghe bi thảm quá, nhưng đó là sự thật.
Thời gian của các bạn chỉ có hạn, vì thế các bạn đừng nên bỏ phí thời gian để sống cuộc đời của người khác. Đừng rớt vào cái bẫy của giáo điều - vì như vậy là sống bằng kết quả sự suy nghĩ của những người khác. Đừng để cho ý kiến ồn ào của người khác lấn át đi tiếng nói trong thâm tâm các bạn. Và điều quan trọng nhất là, hãy can đảm làm theo tiếng gọi của trái tim và trực giác. Vì trái tim và trực giác vốn đã biết rõ các bạn thực sự muốn trở thành cái gì. Mọi điều khác chỉ là thứ yếu.
Khi tôi còn trẻ, có một bộ sách rất hay đã được xuất bản với tựa đề The Whole Earth Catalog [Danh mục Thế giới], và trở thành một trong những cuốn kinh thánh của thế hệ chúng tôi. Người soạn cuốn sách này là một anh chàng tên Steward Brand, ở Menlo Park, cách đây không xa. Anh ta đã làm cho bộ danh mục trở nên sống động bằng lối trình bày đầy thi vị. Lúc đó là cuối thập niên 60, computer và việc xuất bản bằng máy tính chưa ra đời, vì vậy tất cả những trang sách đều được làm bằng máy đánh chữ, bằng kéo và máy ảnh polaroid. Nó giống như một thứ “Google” được in thành sách bìa mỏng, 35 năm trước khi có “Google”: một bộ sách tuyệt vời, tràn ngập những dụng cụ tinh xảo và những ý tưởng thật hay.
Steve Jobs, “Stay Hungry. Stay Foolish.” Nguồn: Apple.com
Steward và các cộng sự viên đã xuất bản nhiều số “The Whole Earth Catalog” [1968-1972], và khi bộ sách đã đi hết chu trình của nó, họ ra tập cuối cùng. Lúc đó vào khoảng giữa thập niên 70, và tôi bằng tuổi các bạn bây giờ. Ở bìa sau tập danh mục cuối cùng [1974] là ảnh chụp một con đường miền quê trong ánh bình minh, loại đường quê mà các bạn có thể đi chơi bằng cách quá giang xe nếu các bạn ưa mạo hiểm. Bên dưới tấm ảnh là dòng chữ: “Stay Hungry. Stay Foolish”. Đó là lời từ biệt của họ khi kết thúc bộ catalog. Hãy cứ khát khao. Hãy cứ ngông cuồng. Tôi vẫn hằng cầu chúc điều đó cho chính mình. Và ngày hôm nay, các bạn tốt nghiệp để bắt đầu một hành trình mới, tôi cầu chúc điều đó cho các bạn.
Reed College at that time offered perhaps the best calligraphy instruction in the country: Trường Reed là trường duy nhất của cả nước giới thiệu nghệ thuật viết chữ đẹp. I learned about serif and san serif typefaces: Tôi học cách biến hóa với nét bút.
So you have to trust that the dots will somehow connect in your future: Vậy hãy tin rằng các dấu chấm, các sự kiện trong cuộc đời bạn về mặt này hay mặt khác sẽ ảnh hưởng đến tương lai của bạn.
I was lucky — I found what I loved to do early in life: Tôi may mắn khi đã nhận ra những gì tôi yêu quý ngay từ khi còn trẻ / Tôi đã rất may mắn khi tôi đã muốn bắt đầu làm việc từ rất sớm.
We had just released our finest creation — the Macintosh — a year earlier: Một năm trước đây, chúng tôi vừa mới bỏ đi sáng tạo đầu tiên của mình, máy tính Macintosh.
But then our visions of the future began to diverge and eventually we had a falling out: Nhưng sau đó, quan điểm của chúng tôi về tương lai bắt đầu khác nhau, thậm chí chúng tôi còn trở nên bất hòa.
What had been the focus of my entire adult life was gone, and it was devastating.: Những gì tôi theo đuổi cả đời đã biến mất, nó đã bị phá hủy.
The heaviness of being successful was replaced by the lightness of being a beginner again, less sure about everything: Gánh nặng của sự thành công đã được thay thế bằng ánh sáng của sự bắt đầu mới tuy không có điều gì chắc chắn.
It freed me to enter one of the most creative periods of my life: Tôi đã để cho mình tự do bước vào một quãng đời đầy những sáng tạo của cuộc đời mình.
If today were the last day of my life, would I want to do what I am about to do today?: Nếu ngày hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời tôi, tôi sẽ muốn làm gì và tôi chuẩn bị làm gì hôm nay? I lived with that diagnosis all day. Later that evening I had a biopsy: Tất cả mọi ngày tôi đều sống với sự chẩn đoán đó. Sau đó, vào một buổi tối, tôi tiến hành kiểm tra sinh thiết.
I was sedated: Tôi giữ thái độ bình thản / Khi đó, tôi rất bình thản.
It means to make sure everything is buttoned up so that it will be as easy as possible for your family: Điều đó cũng có nghĩa là hãy cố gắng kín đáo để gia đình bạn có thể chấp nhận điều này một cách dễ dàng hơn.
Sorry to be so dramatic, but it is quite true: Tôi xin lỗi vì có vẻ như tôi hơi xúc động nhưng điều đó là sự thật.
This was the closest I've been to facing death, and I hope it's the closest I get for a few more decades: Đó là cảm giác mà tôi đã có khi phải đối mặt với cái chết và tôi cũng hy vọng tôi sẽ còn cái cảm giác đó một vài thập kỹ nữa.
It was sort of like Google in paperback form, 35 years before Google came along: it was idealistic: Nó giống như trang Google trên giấy vậy, 35 năm trước khi có trang Google. Nó thực sự mang tính duy tâm.
On the back cover of their final issue was a photograph of an early morning country road, the kind you might find yourself hitchhiking on if you were so adventurous: Ở trang bìa sau của cuốn sách có in ảnh một con đường vùng nông thôn trong ánh bình minh, điều mà bạn có thể tìm thấy sự an bình nếu bạn là người ưa mạo hiểm
Còn đây là một số chữ Hán Việt làm cho câu văn them nặng nề trong khi nguyên bản tiếng Anh là những chữ rất giản dị: tiết kiệm (để dành - saving), tham gia (theo học - drop in), đánh giá (cho rằng - thought), động viên (giúp - help), hiệu quả (giá trị - value), đăng ký (ghi tên - drop in), trang bị (có - have), thành quả sáng tạo (sáng tác - creation), không thể hợp nhất (khác biệt - falling out), giải phóng (giải thoát - free), tiến hành (làm - have).
Đồng sáng lập kiêm cựu giám đốc điều hành hãng Apple, người đã mang đến cho thế giới Iphone và Ipad, đã qua đời ở tuổi 56 sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư.
Hãng công nghệ máy tính khổng lồ Apple của Hoa Kỳ đã chính thức thông báo tin buồn này vào thứ Tư 5/10.
"Sự xuất chúng, đam mê và năng lượng tràn đầy của Steve là khởi nguồn cho vô số những sáng tạo đã không ngừng làm giàu có và nâng cao cuộc sống của tất cả chúng ta. Thế giới trở nên tốt đẹp rất nhiều vì có Steve”, Apple chia sẻ.
Năm 2004, Jobs tuyên bố với công chúng ông bị ung thư tuyến tụy, một căn bệnh hiếm gặp.
Chủ tịch tập đoàn Microsoft Bill Gates nói "ảnh hưởng sâu rộng" của Jobs sẽ còn tiếp tục “lan toả đến nhiều thế hệ tương lai”.
Gates nói thêm: "Trong số những người chúng ta có may mắn được làm việc chung với ông ấy, đó là niềm vinh hạnh hết sức lớn lao. Tôi sẽ nhớ Steve vô cùng.”
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng bày tỏ sự kính trọng: “Michelle và tôi rất đau buồn khi biết tin Steve Jobs qua đời. Steve là một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất nước Mỹ, ông ấy có đủ dũng khí để suy nghĩ một cách khác biệt, đủ mạnh mẽ để tin rằng mình có thể thay đổi thế giới, và đủ tài năng để thực hiện điều đó".
Thị trưởng New York Michael Bloomberg cho biết: “Nước Mỹ đã mất đi một thiên tài người sẽ được nhớ đến cùng với Einstein và Edison, người mà nhũng ý tưởng của ông sẽ định hình thế giới trong nhiều thế hệ tiếp theo.”
Một thông cáo phát đi từ gia đình Steve Jobs cho biết vợ và con ông đã ở bên cạnh ông khi ông thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng hôm thứ Tư ngày 5/10.
“Đối với công chúng, Steve được biết đến như một con người có tầm nhìn. Nhưng trong cuộc sống riêng, ông là người rất quý trọng gia đình,” bản thông cáo viết và cảm ơn những ai đã cùng cầu nguyện cho ông trong suốt năm cuối đời của ông.
Treo cờ rủ
Cờ treo rủ bên ngoài trụ sở Apple ở Cupertino, bang California, trong khi những người hâm mộ ông đã thức trắng đêm và để lại những lời chia buồn bên ngoài các cửa hàng của Apple trên khắp thế giới.
Người sáng lập mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg cảm ơn Jobs đã chứng tỏ rằng ‘những gì ông tạo ra có thể thay đổi thế giới’, còn Chủ tịch và Giám đốc điều hành tập đoàn Sony Howard Stringer nói ‘kỷ nguyên số đã mất đi ngọn đèn dẫn đường.”
Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc, vốn đang vướng vào một cuộc tranh chấp pháp lý với Apple về bằng sáng chế, ca ngợi Jobs vì những ‘thay đổi mang tính cách mạng trong ngành công nghệ thông tin’.
Steve Jobs nổi tiếng là một lãnh đạo mạnh mẽ, khắt khe và khai phá những lĩnh vực công nghệ còn bỏ ngỏ, chẳng hạn như chuột máy tính và giao diện sử dụng các biểu tượng thay vì chữ, và làm cho chúng trở nên phổ biến với công chúng.
Ông là người đã đưa các sản phẩm máy tính iMac, máy nghe nhạc số iPod, điện thoại thông minh iPhone và máy tính bảng iPad. Ông qua đời chỉ một ngày sau khi Apple cho ra mắt mẫu iPhone 4S mới nhất.
Với giá trị thị trường ước tính vào khoảng 351 tỉ đô la, Apple hiện là công ty có giá trị nhất trong thế giới công nghệ.
Hơn bất cứ lãnh đạo doanh nghiệp nào khác, Steve Jobs là gương mặt không thể tách rời với Apple mà ông đồng sáng lập vào những năm 1970.
Là gương mặt đại diện của Apple, Jobs đại diện cho tâm huyết của công ty trong lĩnh vực công nghệ cao và những thiết kế mang tính thời trang.
source
BBC Vietnamese
Thứ Năm, 06 tháng 10 2011
Châu Á thương tiếc Steve Jobs
Hình: ASSOCIATED PRESS
Sinh viên Takashi Udagawa, 15 tuổi, cầu nguyện khi đặt hoa để tưởng nhớ Steve Jobs trước một cửa hàng Apple trong quận Ginza ở Tokyo, ngày 6/10/2011
Cái chết của người sáng lập công ty Apple, ông Steve Jobs, được cảm nhận một cách sâu sắc ở Á Châu, nơi những sản phẩm của ông được chế tạo và được rất nhiều người ưa chuộng.
Hàng triệu lời truy điệu ông Jobs đã xuất hiện ngày hôm nay trên các trang mạng microblog ở Trung Quốc, nơi mà những người trong cộng đồng mạng lớn nhất thế giới thường phải xếp hàng trong nhiều ngày để chờ mua những sản phẩm Apple mới tung ra thị trường.
Những kẻ đánh cắp tác quyền ở Trung Quốc chẳng những làm giả iPhone và iPads mà thậm chí còn mở những cửa tiệm Apple giả.
Tại Bắc Kinh, một sinh viên 20 tuổi nói rằng anh lo ngại là sau khi ông Jobs không còn, công ty Apple có lẽ sẽ không thể tiếp tục cho ra những sản phẩm như iPhone 4s vừa được tung ra thị trường.
Sinh viên này nói thêm rằng anh hy vọng những người lên thay ông Jobs sẽ điều hành một cách tốt đẹp công ty Apple, một phần vì công ty này lâu nay vẫn ký hợp đồng để các sản phẩm của họ được chế tạo tại các công xưởng của công ty Foxconn, thu dụng hàng trăm ngàn nhân công ở tỉnh Quảng Đông.
Dấu mốc cuộc đời và sự nghiệp của Steve Jobs
24 tháng 2, 1955: Steven Paul Jobs chào đời tại California. Ông lớn lên trong khu vực bây giờ gọi là thung lũng Silicon.
1974: Ông Jobs làm kỹ thuật viên cho nhà sản xuất trò chơi điện tử Atari. Để dành tiền đi Ấn Độ để tìm sự giác ngộ.
1 tháng Tư, 1976: Ông Jobs và Steve Wozniak lập công ty Apple sau khi thiết kế máy tính đầu tiên trong garage nhà Jobs. Họ đặt tên máy Apple 1.
24 tháng 1, 1984: Apple trình làng Macintosh, máy tính để bàn nguyên khối, được xem là cuộc cách mạng trong ngành máy tính cá nhân.
Tháng 9, 1985: Ông Jobs rời Apple sau tranh chấp kéo dài với nhiều người trong ban giám đốc.
1986: Ông Jobs lập NeXT, Inc., một công ty biên soạn phần mềm mới, và mua một phòng sản xuất hình hoạt họa bằng máy tính của George Lucas, cha đẻ của loạt phim Stars Wars. Cơ sở mang tên Pixar sản xuất nhiều bộ phim hoạt hình dùng kỹ xảo máy tính, như Toy Story, A Bug's Life, Monsters Inc., và Finding Nemo.
1997: NeXT gặp khó khăn và được Apple mua lại vào lúc Apple cũng có khó khăn. Ông Jobs trở lại Apple và kế tiếp trở thành tổng giám đốc.
1998: Dưới sự lãnh đạo của Steve Jobs, Apple ra mắt máy tính mới iMac, có lời trở lại.
Tháng 10 2001: Apple trình làng máy chơi nhạc kỹ thuật số cá nhân iPod, quảng cáo máy này là “1.000 bản nhạc trong túi bạn.”
28 tháng Tư, 2003: Apple tung ra cửa hàng âm nhạc iTunes, bán online 200.000 bản nhạc giá 99 xu một bản để tải xuống. Cùng lúc, công ty giới thiệu máy iPod được cải tiến, thon hơn, nhẹ hơn, lưu được 7.500 bản.
Tháng 8, 2004: Bác sĩ chẩn đoán ôngJobs mắc bệnh ung thư tụy tạng và phải qua phẫu thuật.
Tháng 12, 2004: iPod bán được 10 triệu chiếc. Số lượng bản nhạc được tải xuống từ cửa hàng iTunes là 200 triệu.
Tháng 10, 2005: Apple ra mắt iPod mới có video đi kèm nhạc. Cửa hàng iTunes bán được 1 triệu video trong vòng chưa đầy 3 tuần.
Tháng 1, 2007: Apple trình làng iPhone.
Tháng 9, 2007: Apple trình làng iPod Touch, sử dụng công nghệ dùng ngón tay sờ màn hình và có thể nối mạng không giây.
Tháng 6, 2008: Apple giới thiệu iPhone kiểu mới, có thể chạy các ứng dụng phần mềm, thường gọi là app, do các công ty khác lập trình, dẫn đến phong trào sản xuất app cho điện thoại.
Tháng 7, 2008: Apple mở cửa hàng App Store chuyên bán các app trong lúc trình làng iPhone 3G mới. Trong vài ngày đầu tiên, hơn 10 triệu app được tải xuống từ cừa hàng này.
Tháng 2, 2009: Ông Jobs nghỉ 6 tháng vì lý do sức khỏe, sau này được tiết lộ là ông được cấy ghép lá gan.
Tháng 1, 2010: Apple trình làng máy tính bảng iPad đầu tiên.
Tháng 1, 2011: Steve Jobs nghỉ dưỡng bệnh lần thứ nhì nhưng cho nhân viên Apple biết ông vẫn can dự các quyết định chiến lược quan trọng.
Tháng 3, 2011: Đích thân ông Jobs giới thiệu máy tính bảng iPad 2 trước cử tọa đông người. Báo Financial Times cho biết giá cổ phiếu Apple tăng 2% trong vòng vài phút Jobs bắt đầu nói.
10 tháng 8, 2011: Apple qua mặt trong một thời gian ngắn tập đoàn dầu hỏa ExxonMobil để trở thành công ty có giá trị tài sản lớn nhất thế giới.
24 tháng 8, 2011: Steve Jobs từ chức tổng giám đốc Apple. Tim Cook, giám đốc điều hành, lên thay.
Một bác sĩ trẻ người Việt Nam nhận giải thưởng cao quý năm 2011 dành cho các cựu học sinh xuất sắc do Liên đoàn Các trường Cao đẳng Cộng đồng của tiểu bang California, Hoa Kỳ, trao tặng. Buổi lễ vinh danh sẽ diễn ra vào ngày 19/11 năm nay. Tổng cộng có 154 trường cao đẳng cộng đồng trên toàn bang Califonia đề cử các đại diện xuất sắc để nhận giải thưởng năm nay và bác sĩ James Nguyễn, 28 tuổi, là một trong bốn gương mặt xuất sắc nhất được lãnh giải. Mới đây, anh vừa được khắc tên trên Bảng Vàng Danh dự của trường cao đẳng Santa Ana ở miền Nam bang California.
Trà Mi-VOA | Washington DC
Bác sĩ James Nguyễn và bà Nancy Pelosi, lãnh đạo khối thiểu số của Hạ viện Hoa Kỳ
Bác sĩ James Nguyễn: “James thấy mình được nhiều may mắn trong cuộc đời. James muốn giúp những người không có cơ hội. James cũng muốn tới Việt Nam làm từ thiện.”
Bác sĩ James Nguyễn sinh trưởng trong một gia đình người Việt sang Mỹ tị nạn hồi thập niên 70 sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Thành tích khoa bảng của James rất đáng ngưỡng mộ, nhưng cũng đáng ngạc nhiên. Anh bước vào trường cao đẳng Santa Ana khi mới 12 tuổi. Hai năm sau, anh tốt nghiệp hạng danh dự và vào đại học Irvine của bang California lúc 14 tuổi. Trong suốt thời gian học tập tại đây, anh luôn có tên trong danh sách sinh viên xuất sắc của khoa. Năm 2000, khi các bạn bè đồng trang lứa ra trường trung học, anh lãnh bằng tốt nghiệp cử nhân ưu hạng của trường đại học Irvine. Sau đó, anh trở về trường cao đẳng Santa Ana phụ giảng bộ môn sinh lý học và năm 2002, anh vào đại học y St. George. Bốn năm sau, anh tốt nghiệp trường y và bắt đầu chương trình bác sĩ nội trú 3 năm tại Khoa Nội thương, Trung tâm Y khoa Khu vực Orlando. Công trình nghiên cứu của anh trong thời gian làm bác sĩ nội trú tại đây về các phương pháp thử nghiệm đối với bệnh nhân bị đau ngực đã mang về cho anh Giải thưởng danh dự hàng đầu trong kỳ thi cấp khu vực ở bang Florida và dành Giải vô địch trong cuộc thi toàn quốc, qua mặt 420 thí sinh khác từ các trung tâm y khoa và bệnh viện hàng đầu trên nước Mỹ trong đó có Bệnh viện Mayo và Trung tâm quân y Walter Reed. Cũng vào năm đó, James nhận chứng chỉ hành nghề bác sĩ từ Hội đồng Nội khoa Hoa Kỳ khi anh tròn 25 tuổi.
Bước ngoặt đầu tiên biến đổi anh từ một cậu bé nghịch ngợm thành một cậu học trò vượt trội bắt đầu từ năm lớp 7. Khi bị mẹ phàn nàn về những điểm số trung bình, cậu bé James lúc bấy giờ thú thật nguyên nhân là do học trình quá dễ, khiến cậu lơ là. Mẹ của James đã tới học đường tìm hiểu và sau đó đã gặp hiệu trưởng xin cho con học vượt cấp. Ban đầu, nhà trường không tin những gì bà nói, nhưng thành tích xuất sắc của James sau thời gian học thử các lớp cao hơn đã thuyết phục được nhà trường cho James nhảy lớp.
Bà Ilene Nguyễn, thân mẫu của bác sĩ James, chia sẻ:
“Bác sĩ James thông minh từ nhỏ. James thông minh khác thường so với những đứa trẻ khác. Ban đầu, mọi người sợ rằng nếu cho James vượt quá tầm tuổi của James, e rằng James sẽ gặp những khó khăn như sẽ không có cơ hội được chơi và hòa mình với bạn bè cùng lứa tuổi, rằng James sẽ bị khủng hoảng tinh thần khi phải hòa nhập với những bạn lớn tuổi hơn khi vào học các lớp cao hơn lứa tuổi. Nhưng tôi vẫn đồng ý cho James học các lớp cao hơn, và đồng thời tạo điều kiện cho James chơi với bạn bè cùng lứa ngoài giờ học. Cho nên, James cũng không gặp trở ngại, khó khăn. James hòa đồng được trong cả hai môi trường.”
Bà Ilene cũng cho biết thêm là ước mơ trở thành một bác sĩ tim mạch đã hình thành trong James từ rất sớm. Bà nói tiếp:
“Lúc James còn rất bé, khoảng 7, 8 tuổi, bà James bị bệnh tim, tưởng rằng sẽ mất vào lúc đó. Các bác sĩ đã cứu sống được ba James. Lúc đó, James bắt đầu ý tưởng muốn trở thành bác sĩ tim vì các bác sĩ tim là những vị cứu tinh đã cứu sống được ba của mình.”
Ông Pete Maddox, nguyên là Chủ tịch Ban Quản trị Khu Cao đẳng Cộng đồng Rancho Santiago, là người đã hỗ trợ James khi anh muốn vượt cấp vào trường cao đẳng khi anh mới 12 tuổi. Ông Maddox nói về anh bạn tuổi trẻ tài cao này:
“Anh ta là một con người phi thường. Anh là một trong những người cần cù nhất mà tôi từng gặp trong đời. Tôi gặp James lúc anh ta 12 tuổi và quyết định giúp anh vượt cấp vào trường cao đẳng Santa Ana vì anh là một thiếu niên thông minh, nghị lực, và chăm chỉ. Câu chuyện của James là một ví dụ chứng tỏ chúng ta có thể đạt được điều gì khi để cho người trẻ sớm phấn đấu vì mục tiêu của họ, hơn là buộc họ phải theo đuổi con đường mà có thể nó không phù hợp với họ. Tôi thật sự rất nể James. Tôi đã đề cử James làm nhân vật được khắc tên trên Bảng Vàng Danh dự của trường cao đẳng Santa Ana.”
Ngoài 2 năm cao đẳng, bác sĩ James đã trải qua 4 năm đại học, 4 năm trường y, 3 năm thực tập chuyên môn về nội thương. Hiện anh đang là nghiên cứu sinh tại Khoa Tim của đại học y University Medical Center ở Tucson, bang Arizona. Chương này kéo dài 3 năm và anh sẽ hoàn tất vào năm 2013. Bác sĩ James nói trong suốt chặng đường trở thành một bác sĩ tim tại Mỹ, giai đoạn chông gai nhất là thời gian này và anh hiện đang ngày đêm đèn sách để trao dồi kiến thức cho mình. James cho biết những yếu tố giúp anh thành công là niềm đam mê, sự quyết tâm, tinh thần chịu khó học hỏi, cộng với sự hỗ trợ, khích lệ từ gia đình.
Giờ đây, khi mong ước trở thành một bác sĩ đã trở thành hiện thực, chàng trai gốc Việt tài giỏi vẫn tiếp tục học thêm và nghiên cứu sâu thêm trong lĩnh vực chuyên khoa tim mạch mà anh theo đuổi. Ngoài mục tiêu trong sự nghiệp y khoa, vị bác sĩ trẻ còn ôm ấp ước mơ muốn giúp đỡ những người kém may mắn không có cơ hội được học tập như mình và những người nghèo khó. Bác sĩ James nói:
“James thấy mình được nhiều may mắn trong cuộc đời. Mình có được nhiều thứ. Mình muốn giúp những người khác. James muốn giúp những người không có cơ hội, có thể vì nghèo quá, có thể vì không có sự ủng hộ. James muốn tới giúp họ vì trong cuộc đời này có nhiều người có khả năng nhưng không được hỗ trợ. James cũng muốn tới Việt Nam làm từ thiện.”
Bác sĩ James Nguyễn sẽ hoàn tất chương trình nghiên cứu sinh hậu bác sĩ tại khoa tim vào năm 2013 và quyết tâm trở thành một chuyên gia phẫu thuật tim thật giỏi.
Qúy vị và các bạn nghe đài muốn chia sẻ ý kiến với chương trình và trao đổi với độc giả khắp nơi, xin để lại ý kiến bình luận trong chuyên mục Tạp chí Thanh Niên, trên trang voatiengviet.com. Tạp chí Thanh Niên sẽ mang đến quý vị và các bạn một câu chuyện mới, vào giờ này, tuần sau.
‘Nàng tiên nhỏ’ từng ăn xin nay thành bác sĩ Sunday, August 28, 2011 2:29:37 PM
Những tấm lòng vàng làm thay đổi định mệnh
Linh Nguyễn/Người Việt
NGHỆ AN, Việt Nam (NV) -Cô Nguyễn Thị Hiên, 26 tuổi, con gái của một gia đình sống bằng việc ăn xin, bảy năm sau đã tốt nghiệp bác sĩ hôm Thứ Ba, ngày 9 Tháng Tám tại Ðại Học Y Khoa Thái Nguyên, Việt Nam, nhờ sự giúp đỡ tài chánh của các nhà hảo tâm ở Orange County.
Cô Nguyễn Thị Hiên nhận bằng tốt nghiệp bác sĩ y khoa khóa 38, ngày 9 Tháng Tám, tại Thái Nguyên, Việt Nam. (Hình: Nguyễn Thị Hiên cung cấp)
Câu chuyện đổi đời của cô Hiên bắt nguồn từ một bài báo trên Người Việt xuất bản Thứ Sáu, ngày 20 Tháng Hai, năm 2004, trích đăng từ báo Tuổi Trẻ ở Sài Gòn. Bài báo đề cập đến cô Hiên, người con gái thứ ba của ông Nguyễn Ngọc Diêu và bà Ðặng Thị Quy.
Cô Hiên được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó ở huyện Yên Thành, một huyện miền Núi của tỉnh Nghệ An, kiếm sống bằng việc ăn xin. Cha cô sau khi đi lính “hoàn tất nhiệm vụ, về quê và đã lập gia đình với một cô gái làng bên,” bài báo viết.
Theo lời bài báo, cả hai ông bà Nguyễn Ngọc Diêu và bà Ðặng Thị Quy đều có biểu hiện của bệnh tâm thần nhẹ, không đủ sức khỏe để làm ruộng nương và có 4 người con và Hiên là con thứ 3 trong gia đình. Ngay từ nhỏ, Hiên đã phải chịu cảnh màn trời chiếu đất vì người mẹ buộc cô trên lưng phiêu bạt khắp nơi xin ăn và mãi đến năm 7 tuổi Hiên mới đòi được đi học.
Qua lời kể của một ân nhân của cô là một cụ ông 76 tuổi, yêu cầu được giấu tên, cho biết cô tốt nghiệp bác sĩ ở Việt Nam vào tuần đầu Tháng Tám năm nay. Qua điện thoại, tối hôm 9 Tháng Tám, khoảng 11 giờ đêm (giờ California) Hiên cho báo Người Việt biết, cô vừa về đến nhà sau lễ ra trường.
Tâm sự của tân bác sĩ
Hiên sửng sốt khi nhận được điện thoại của phóng viên báo Người Việt lúc ấy, phải vài phút sau cô mới bình tĩnh cho biết, “Chú ơi, từ sau bài báo viết về chuyện đời cháu, đời cháu có xoay chuyển rất mạnh và rất ý nghĩa cho cháu và cả gia đình cháu nữa.”
Cô Hiên kể, “Ngày đó cháu rất thiếu thốn nhiều điều, chịu rất nhiều khó khăn mà bài báo ngắn gọn ấy cũng chưa nói lên hết được những khó khăn của cháu. Cháu chỉ có một mục đích nhỏ nhoi là được học xong trung học, lấy bằng tốt nghiệp tú tài rồi sẽ vào Sài Gòn làm thuê, làm mướn (làm công nhân lao động trong các công ty).” Cô nghĩ nếu có bằng cấp cao hơn người khác thì sẽ được học tiếp. “Vì cháu rất muốn đi học!” cô tâm sự.
“Ðiều may mắn đã đến với cháu khi nhận được sự giúp đỡ của các ân nhân về vật chất cũng như về tinh thần, cộng với những lời động viên, khuyên bảo mà cháu đã quyết tâm thi đỗ ngành bác sĩ.” Cô nói trong nỗi xúc động và câu chuyện xen với những phút im lặng, nghẹn ngào.
Cô Hiên chia sẻ, “Cháu gởi lời cám ơn sâu sắc đến các ân nhân ở Mỹ, trước hết là đến ‘bác... ở Mỹ’ (người được nhắc đến yêu cầu giấu tên), cháu muốn cám ơn cha mẹ đã sinh và nuôi dưỡng cháu đến ngày hôm nay, công ơn của thầy cô giáo đã dạy dỗ, động viên và cám ơn bạn bè hàng xóm láng giềng đã giúp cháu và gia đình cháu để cháu yên mà học hành cho đến ngày hôm nay. Cháu cũng muốn nhắn nhủ các bạn, các em đang có cùng cảnh ngộ khó khăn như cháu, xin cứ cố gắng lên.”
Văn bằng tốt nghiệp bác sĩ của cô bé trong gia đình ăn xin 7 năm trước. (Hình: Nguyễn Thị Hiên cung cấp)
Hiên cũng muốn cám ơn nhà báo Tiến Dũng của báo Tuổi Trẻ là người đã vất vả tìm đến tận nhà cô ở Nghệ An để phỏng vấn khi cô còn học lớp 11.
Cô rấm rức khóc và kể sáng (vì giờ bên Việt Nam là ban ngày) hôm lãnh bằng tốt nghiệp cô cũng khóc: “Thầy giáo trao bằng cho 60 người đầu, rồi phải đợi nhóm ấy thay đồ ra mới có áo mũ cho nhóm sau mặc để làm lễ. Tổng cộng khóa 38 của cháu có 300 bác sĩ tốt nghiệp.”
Sau buổi lễ, cô Hiên được các bạn rủ đi ăn mừng nhưng cô nói đã phải cáo từ để về lo cho gia đình. Cha mẹ và chị gái của cô đều mắc bệnh rất khó khăn. Con của người chị gái lên 10 tuổi cũng bị bệnh bại não.
Từ khi được đi học, cô Hiên đã tự làm gương và hướng dẫn cho cậu em vào đại học, cô nói: “Gia đình cháu ngày xưa bố mẹ không được đi học, anh và chị gái cũng không được đi học, nay hai chị em cháu đã học đại học. Ðây là niềm hãnh diện cho gia đình cháu.”
Cô Hiên nói nay cô đã thành công trong chặng đường 6 năm để thành bác sĩ. Cô tự hỏi liệu sự may mắn có bao giờ đến với cô lần thứ hai không. Ý cô nói về muốn học thêm nữa và hiện cô đang ôn tập để cuối tháng này sẽ thi Cao Học, kỳ thi dành cho các sinh viên tốt nghiệp với số điểm cao. Nếu đậu, cô sẽ học chuyên khoa về mắt thêm ba năm nữa và chỉ phải đóng tiền ăn và chỗ ở, không phải trả tiền học.
Ðược hỏi về dự tính sau khi tốt nghiệp sẽ làm gì, cô cho biết: “Hiện tại cháu muốn kiếm được rất nhiều tiền để bố mẹ đỡ khổ hiện hàng ngày thiếu ăn từng bữa, lo từng manh áo; và giúp cho người chị gái có con 10 tuổi bị bệnh bại não, chậm phát triển vì suy dinh dưỡng.”
Cô cũng muốn đem sở học của mình để giúp đỡ những người nghèo khó. Cô nói nếu gia đình được ổn định, “Cháu rất muốn được học lên cao hơn nữa và nếu được đi du học thì đó là điều cháu mơ ước!”
Ðược hỏi về công việc hàng ngày của riêng mình, Hiên cho biết hàng ngày cô phải đi học ở bệnh viện và ở lại trường từ sáng đến chiều.
Những năm đầu vì môn học còn ít, cô đã đi dạy kèm tại gia, mỗi tuần ba buổi “đủ để có tiền ăn cơm và tiêu dùng”. Những năm sau, việc học nhiều và nặng nề hơn nên không còn thời gian để đi dạy nữa nên “Cháu đã tranh thủ đi bán thẻ điện thoại, hoặc đi phát tờ rơi quảng cáo cho công ty nào đó hoặc ngân hàng trong dịp đầu năm học. Ban đêm cháu phải học bài, thời gian của cháu gần như là kín. Ðây cũng là lý do cháu chưa có bạn trai đó chú ạ.”
Thỉnh thoảng cô Hiên còn phải đi thăm người em trai và hướng dẫn cho cậu em đang học năm thứ tư của đại học kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên. Cô nói vì tự biết hoàn cảnh của mình nên hai chị em đều biết ăn uống tiết kiệm để dành tiền đi học.
“Cháu biết con đường duy nhất để cho gia đình cháu được dư cơm ăn, áo mặc ấm là cháu phải học hành, nên cháu rất cố gắng.”
Hiên cho biết, năm ngoái cô đã tham gia trại Hè ‘Project Vietnam’ từ Huế vào Bến Tre do Bác Sĩ Quỳnh Kiều tổ chức. Cô gởi lời cám ơn Bác Sĩ Quỳnh Kiều và các bạn đã cùng tham dự trại.
Ðược hỏi về sự nghèo khó của cô Hiên và gia đình, Bác Sĩ Quỳnh Kiều cho nhật báo Người Việt biết, “Hiên là con nhà nghèo, dễ thương và thông minh. Tôi biết cô ấy.”
Theo Bác Sĩ Quỳnh Kiều, Hiên ít nói, làm việc chăm chỉ với vai trò một sinh viên y khoa, giúp bệnh nhân trước khi vào gặp bác sĩ. Bác Sĩ Quỳnh Kiều cũng cho biết lệ phí tham dự trại Hè là $1,000, “cụ... (giấu tên) bên Mỹ” trả $500, và Project Vietnam tặng $500 cho Hiên dưới hình thức học bổng.
Vẫn đối mặt với thách thức
Kể về hoàn cảnh hiện tại của gia đình, Hiên cho biết: “Kể từ ngày chị em cháu quyết định lấy lại ruộng đất để làm thì từ đó đến giờ gia đình cháu không phải đi ‘ăn xin’ như ngày trước nữa. Bố cháu 67 tuổi và mẹ cháu thì 72. Cả hai đã già nhưng vẫn cố gắng phụ giúp chị gái của cháu làm ruộng.”
Người chị năm nay 30 tuổi, còn sức khỏe vì còn trẻ, nhưng ít học nên không biết tính toán cách làm, cô phải gọi điện thoại nhờ mọi người chỉ bảo giùm. Tuy vất vả nhưng vì gia đình ở nơi thời tiết xấu nên kiếm gạo chỉ đủ ăn, những chi tiêu cần thiết khác phải làm thêm hay đi vay nợ mới đủ sống. “Những khoản chi này khi xưa là do cháu đi bán củi hay làm thuê, giờ thì cháu phải đi học,” cô giải thích.
Theo cô, đứa con người chị bị “bệnh tâm thần của trẻ em” không biết có phải do di truyền từ người chị một phần và từ người cha của cô hay không. Vấn đề suy dinh dưỡng là có vì thỉnh thoảng gia đình mỗi người mới được ăn 150 gram thịt. Còn lại đa phần là ăn rau.
Cô cho biết trong thời gian đi học y khoa, cô đã cố gắng dành dụm tiền mua được một cái Tivi cho gia đình (từ tiền học bổng khuyến học, tiền của “bác... (giấu tên) bên Mỹ” giúp và tiền cháu kiếm thêm) và để mua quần áo mới cho cả gia đình mỗi dịp Tết về.
“Cháu cũng đã mạnh dạn vay tiền ưu đãi cho sinh viên để mua một ‘cỗ trâu’ để bố cháu chăn dắt trâu hàng ngày cày đất, giúp thêm kinh tế cho gia đình.”
Chân dung ân nhân ẩn danh
Giúp đỡ Hiên có nhiều ân nhân, trong đó có một vị ân nhân đề nghị giấu tên mà Hiên hay nhắc đến. Cụ cho biết: “Tôi tiết kiệm đồng tiền già của tôi để có thể giúp cho cháu học hành vì cháu nó không những giỏi mà còn hay thương người.
Hình chụp lại tấm ảnh trên báo Tuổi Trẻ năm 2004 khi Nguyễn Thị Hiên chở củi trên xe đạp đi bán. (Linh Nguyễn/Người Việt)
Tôi đọc báo Người Việt, biết Hiên cũng đã từng cho ba mẹ con một người ăn xin khác đứng trú mưa trước cổng trường tờ 5,000 đồng, người mẹ bị mù. Số tiền ấy bằng nửa số tiền nó đi lấy củi trong rừng và một buổi chở xuống chợ Gám, chợ Dinh xa 20-25 cây số để bán. Nó giúp nhiều lần như thế chứ không phải chỉ một lần. Bạn bè gọi nó là nàng tiên nhỏ. Tôi học ở nó!”
Cụ cho biết trong những năm đầu, sau khi trả tiền nhà housing, cụ dành một số tiền mỗi ba tháng từ tiền già để giúp người con gái hiếu học của gia đình sống bằng việc đi ăn xin. Từ năm ngoái, cụ được tăng tiền già nên có thể giúp cô nhiều hơn trước trong việc ăn học.
Cụ tâm sự, “Tôi tự giới hạn mọi chi tiêu, cắt phần ăn của mình và giúp cho cháu từ chính đồng tiền già của tôi.”
Cụ rút trong túi áo màu xanh lợt một thẻ đi xe bus và nói tiếp: “Chiếc áo này tôi mua cũ, đã vá 15 lần rồi nhưng mặc vẫn được. Chiếc quần tây màu beige là do tôi nhặt lại từ thùng rác của người Mễ lối xóm, thấy còn tốt nên tôi mặc đến hôm nay. Tôi mong một ngày nào đó, một ai đó, một tổ chức nào đó có thể cho cháu học bổng để sang Hoa Kỳ tiếp tục học, để cháu tận dụng được khả năng của mình. Và tôi phó thác mọi sự trong tay Chúa!”
TT - Nằm trong chuỗi hoạt động nhân đạo, sáng 17-7 các lực lượng hải quân Mỹ đi trên các tàu khu trục USS Chung-Hoon, tàu USS Preble, tàu giải cứu và cứu hộ USNS Safeguard đã tiếp tục tham gia các hoạt động giao lưu, tình nguyện và công tác nhân đạo tại TP Đà Nẵng.
Hai bác sĩ thuộc lực lượng hải quân Mỹ khám và nhổ răng miễn phí cho người nghèo tại Trung tâm y tế Ngũ Hành Sơn - Ảnh: Đ.NAM
Hơn 1.200 người nghèo đã được khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí từ chương trình nhân đạo này. Cùng ngày, một nhóm quân nhân khác đã đến thăm, giao lưu và tặng quà gồm giày trượt, bóng bầu dục, đĩa bay cho hơn 200 trẻ em khuyết tật tại Trường chuyên biệt tư thục Thanh Tâm (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn).
Ngoài ra, một chương trình giao lưu, biểu diễn âm nhạc đặc sắc đã được các nhạc công đến từ Hạm đội 7 - Thái Bình Dương trình diễn cho công chúng tại công viên biển Phạm Văn Đồng vào tối 17-7.
Jimmy Pham sinh năm 1972 tại Saigon. Anh theo gia đình vượt biên lúc mới chỉ 2 tuổi và sau đó định cư ở Sydney, Australia. Trong một chuyến du lịch về thăm Việt Nam năm 1996, Jimmy gặp một nhóm các trẻ em đường phố ở Hà Nội, Jimmy hỏi “các em mong ước điều gì trong cuộc sống?”, các em trả lời “chúng em cần có một kỹ năng nghề nghiệp giỏi để có thể tìm được một việc làm ổn định” , từ đó khái niệm Koto hình thành trong Jimmy vì anh mong muốn chấm dứt cảnh lang thang của các trẻ em đường phố này.
Với ý nghĩ đó , thuở ban đầu một cửa hiệu bán bánh sandwich nhỏ ra đời với nhân viên phục vụ là 9 trẻ em đường phố. Trong trái tim Jimmy luôn thường trực tư tưởng về một trung tâm đào tạo nghề nhân đạo Khách sạn và Nhà hàng cho các em đường phố và khuyết tật, với lợi nhuận thu được sẽ tái đầu tư mở rộng cho chương trình . Anh đã quyết tâm thực hiện ước mơ và đặt tên cho ngôi trường dạy nghề nhân đạo là KOTO (“Know One, Teach One”). KOTO hoạt động theo mô hình một trung tâm dạy nghề kết hợp với một nhà hàng thực tập .
Chỉ trong vòng 5 năm, KOTO đã phát triển từ một “sandwich shop” ở Hanoi thành một nhà hàng quy mô với 120 chổ ngồi do chính các nhân viên “đường phố” được Koto đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ. Chương trình đào tạo nghề cho các em do Học viện Box Hill (Úc) đảm nhiệm và cấp bằng cho học viên. Jimmy chia sẻ tâm sự : "Thành quả lớn nhất đối với tôi là được nhìn thấy các em đứng vững trên đôi chân của mình và quay lại giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ. Nếu bạn biết một thì bạn cũng nên dạy một".
Các em học viên được cấp chổ ở nội trú và miễn tất cả các chi phí học nghề, ăn uống , thuốc men… trong thời gian học nghề và thực tập, hằng tháng các em còn được chu cấp 600 ngàn – 800ngàn đồng để các em giúp đỡ gia đình. KOTO hoạt động bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau: lợi nhuận của nhà hàng, các nguồn kinh phí của tổ chức từ thiện, tổ chức xã hội...Bên cạnh chương trình dạy nghề khách sạn và nhà hàng, các em còn được dạy tiếng Anh , kỹ năng giao tiếp , cả vệ sinh cá nhân, quản lý tiền bạc và sức khỏe cho trẻ vị thành niên. Học viên chịu sự quản lý của KOTO 24/24 giờ trong ngày. Buổi sáng các em sẽ học lý thuyết ở trường, buổi chiều thực tập ngay những điều đã học (cả nghiệp vụ và tiếng Anh) ở nhà hàng. Sau thời gian học và thực tập, khi về nhà học viên lại có các cha nuôi, mẹ nuôi chăm sóc và chia sẻ về tinh thần (KOTO tổ chức nơi ở cho học viên theo mô hình gia đình).
Năm 2000, Tổng thống Bill Clinton, sau khi được kiểm tra an ninh và vệ sinh, ông tỏ ra rất thích thú khi tham dự một buổi tiệc do chính các em nấu nướng và phục vụ . Tháng 10 sau đó, Phó Thủ tướng Julia Gillard cũng đến dự bữa cơm khách tại KOTO trong chuyến công du dự hội nghị Asean tại Hà Nội. Ông Julia cho biết khi ông viếng thăm Koto , hầu như tất cả các bàn cho buổi ăn tối đều đã được “book”, muốn có bàn ăn thì bạn phải chờ đợi ở quầy bar trên lầu.
Nhà hàng Koto đối diện với Chùa Văn Miếu ở Hà Nội như là một đứa con tinh thần của Jimmy. Anh luôn quan niệm hoạt động của KOTO là hoạt động của một tổ chức Từ thiện - Phi lợi nhuận , ước tính đã giúp đỡ cho 20,000 trẻ em đường phố ở Hà Nội có cơ hội được học nghề . Có những em sau khi tốt nghiệp tại KOTO, được Box Hill Institute cấp bằng chứng nhận nghề , đã kiếm được việc làm tốt tại các khách sạn lớn để tự nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình. Các em đã rất biết ơn vị cứu tinh Jimmy Pham và ngôi trường nhân đạo KOTO đã giúp các em có cơ hội được sống vươn lên bằng chính sức lực của mình !
Vị giám đốc nhân đạo của KOTO , Jimmy tâm sự “ Tôi muốn giúp đỡ các bạn trẻ để họ tự nâng mình ra khỏi đói nghèo và sống cuộc sống của chính họ bằng sự chính trực”. Sự thành công của mô hình doanh nghiệp - xã hội của ông đã giành được giải thưởng lãnh đạo “Diễn đàn Kinh tế Thế giới Trẻ Toàn cầu năm 2011”. Bây giờ trường dạy nghề KOTO đang được mở rộng tại HochiMinh City, nơi đây cũng sẽ là nơi trú ẩn và hỗ trợ cho các trẻ em đường phố từ các tỉnh phía nam của Việt Nam. Một trung tâm đào tạo khách sạn và nhà hàng KOTO Saigon sẽ mở vào giữa năm 2011 .
Jimmy cho biết anh cũng sẽ có kế hoạch để mở rộng mô hình KOTO centres trên khắp Thế giới. Anh nói “Bất cứ nơi nào có sự bỏ rơi , sự ngược đãi hay hành hạ thì chúng tôi sẽ có mặt nơi đó”.
Brittany Alexis Mai, 17 tuổi Học sinh trung học Poway High School cư ngụ tại Poway, California, trong Quận San Diego
Vincent: Tôi biết bạn là một cầu thủ tích cực chơi golf, vậy trước hết bạn có thể nói cho tôi biết bạn bắt đầu chơi môn golf như thế nào? Brittany: Đúng ra tôi là một người thi đấu trong môn trượt băng nghệ thuật, còn golf chỉ là một môn giải trí mà thôi. Cha tôi trước đây chơi golf rất nghiêm chỉnh, vì vậy ông giới thiệu bộ môn thể thao này cho tôi và em trai tôi, khi tôi lên 9 tuổi, còn em tôi mới 6 tuổi. Ông ghi danh cho chúng tôi tham gia những trận tranh tài môn golf cho vui mà thôi, ở San Diego. Nhưng cả hai anh em tôi đều tiến bộ, đủ điều kiện để thi đấu Callaway Junior World, giải khúc côn cầu thế giới dành cho thiếu niên. Chính vào thời điểm ấy, ở độ tuổi 13, tôi đã phải lựa chọn giữa golf và trượt băng nghệ thuật để làm bộ môn thể thao toàn thời gian. Tôi thích mặc đồ đẹp, yêu chuộng khiêu vũ, thích trình diễn trên sân băng, cùng một lúc. Tôi cũng ưa gặp gỡ những bạn bè mới, không những tại địa phương ở San Diego, mà còn ở trên khắp nước Mỹ, và trên thế giới, để chơi golf. Tôi không muốn bỏ một trong hai môn này, nên tôi giữ cả hai. Huấn luyện viên môn trượt băng nghệ thuật của tôi bực bội khi thấy tôi không dành đủ thì giờ cho những buổi huấn luyện trượt băng, tập vận động mạnh và nhanh, múa ballet, thế là ông ra tối hậu thư cho tôi. Cho tới hôm tôi bị té nặng khi đang tập nhảy lên cao xoay ba vòng, tôi được chẩn đoán bị chấn thương nơi xương sống, ở chỗ khúc xương L5 phía dưới bị gãy vì những vết thương lúc tôi trượt ngã. Tôi được bác sĩ khuyên ngưng hoàn toàn tập môn trượt băng nghệ thuật. Chính lúc ấy tôi bắt đầu tập trung toàn thời gian vào môn golf, khi lên 13 tuổi. Vincent:Ôi, chẳng may thật đấy. Nhưng ít nhất chuyện ấy cũng làm cho bạn quyết định sớm hơn! Bạn có thể cho biết một vài thành tựu bạn đã đạt được cho đến nay? Brittany: (1) Được chọn làm cầu thủ dự bị thứ nhất, trong trận đấu US Women’s Open vào mùa hè năm ngoái. Tôi nhớ những ngày ra sân thi đấu, dù phải đấu với những sinh viên cầu thủ hàng đầu của trường đại học UCLA, để giành được một chỗ dự bị, lúc tôi lên 16 tuổi. (2) Đại diện cho đội golf Team USA chơi trong giải vô địch thiếu niên Aaron Baddeley Internal Junior Championship ở Quảng Châu, Trung Quốc, vào năm 2010. (3) Đại diện cho Team USA thi đấu tranh cúp thiếu niên Junior Pacific Cup ở Melbourne, Úc Đại Lợi, trong năm 2011. (4) Thắng giải San Diego CIF trong năm 2008, khi học lớp 10. (5) Trở thành cầu thủ trẻ nhất ở San Diego đi dự giải vô địch California State Championship Golf, ở Pebble Beach, California, vào năm 2007. (6) Một trong 3 người hàng đầu trong giải Callaway Junior World Golf năm 2007. (7) Dự giải vô địch thiếu nữ US Junior Girls Championship năm 2008 (8) Thắng giải vô địch Sectional Junior PGA Championship 2010. (9) Được tuyển mộ vào đội golf nữ giới bởi những trường đại học hàng đầu ở Mỹ, như Harvard, Northwestern, Stanford, UCLA, UC Davis, Yale, Gonzaga, Princeton, University of Notre Dame. (10) Điểm trung bình ở trung học 4,5 GPA.
Vincent:Tôi thật là không ngờ. Vậy xin bạn kể thêm về bản thân, bạn làm gì trong cuộc sống hàng tuần? Brittany: Tôi thích đi chơi với bạn bè, khi thời giờ cho phép, nhưng ưu tiên vẫn dành cho golf và việc học. Thường ngày tôi tới trường vào ban ngày, tan học thì tập chơi golf và/hoặc tập thể trọng hay môn thể dục aerobics, và làm bài tập ở nhà. Thỉnh thoảng đến gặp huấn luyện viên.
Vincent:Nghe ra như thể bạn quý từng giây trong cuộc đời. Chương trình mùa hè của bạn như thế nào? Brittany: Tôi tham dự những trận tranh tài cấp quốc gia trên khắp nước Mỹ, và dự tất cả những trận đấu USGA và một số trận đấu golf phụ nữ không chuyên nghiệp ở Hoa Kỳ và Canada. Đây là mùa hè cuối cùng chấm dứt sự nghiệp chơi golf thiếu niên của tôi, nên tôi sẽ chơi thêm trong hai trận thiếu niên nữa của giải Rolex Invitational ở Minnesota, và vòng thi đấu cấp quốc gia ở Palm Springs trong tháng 6. Tôi cũng chơi thêm trong những trận đấu golf không chuyên nghiệp dành cho phụ nữ, trước khi dời lên Chicago vào mùa hè để học đại học. Nhưng dĩ nhiên phải có ít nhất một tuần nghỉ hè với gia đình trước khi đi.
Vincent:Chắc là bạn hào hứng lắm. Bạn có những mục tiêu nào trước mắt cho bản thân? Brittany: Tôi muốn lấy bằng đại học 4 năm từ trường Northwestern, và tham gia Ladies European Tour, cũng như cố gắng kiếm cho được thẻ vào chơi trong LPGA. Vincent:Còn về lâu về dài thì bạn có những mục tiêu nào cho chính mình? Brittany: Mọi sự đều tùy thuộc vào chuyện môn golf đưa tôi đi đến đâu. Tôi muốn trở thành cầu thủ hàng đầu trong LPGA như là sự lựa chọn đầu tiên, hoặc nếu không được thì tiếp tục việc học y khoa.
Vincent:Ngoài việc học và chơi golf, ngoài ra bạn thích làm những gì cho vui? Brittany: Tôi thích đi mua sắm, du lịch, đi dã ngoại, chơi đàn dương cầm, đọc sách, bỏ giờ ra với gia đình và đi đó đi đây với bạn bè.
Vincent:Triết lý sống của bạn là gì? Brittany: Nằm ở giữa những mục tiêu là điều được gọi là đời sống, phải sống cho trọn và vui hưởng cuộc đời. Học hỏi từ ngày hôm qua, sống cho ngày hôm nay, và hi vọng cho tương lai.
Vincent:Tuyệt quá, trước đây tôi chưa bao giờ nghe được như thế. Cám ơn Brittany. source Vien Dong Daily
Đức Giáo hoàng nói chuyện với các phi hành gia trên Trạm Không Gian
Thứ Bảy, 21 tháng 5 2011
Hình: Reuters
Ðức Giáo Hoàng nói chuyện với các phi hành gia trên Trạm Không Gian Quốc Tế qua hệ thống video từ Vatican
Hôm thứ Bảy, một toán phi hành gia quốc tế đã nói chuyện với Đức Giáo Hoàng Benedictô 16, trên trạm không gian quốc tế qua hệ thống video từ Vatican lần đầu tiên.
Đức Giáo Hoàng nói rằng trạm không gian và các nhân viên phi hành của các phi thuyền con thoi đang đi tiên phong trong việc thám hiểm những không gian mới và những điều có thể có.
Lên tiếng từ thư viện tại Vatican, Đức Giáo Hoàng nói rằng đây là thời đại mà khoa học tiến bộ nhanh chóng và ngài nói với các phi hành gia rằng ngài cảm phục lòng can đảm và sự tận tụy của họ.
Đức Giáo Hoàng cũng nhân dịp này hỏi các phi hành gia về ấn tượng của họ đối với địa cầu trong lúc họ ở thật xa trên không gian, và thổ lộ ý nghĩ của ngài rằng thật là phi lý khi nhiều nhóm người sống trên địa cầu lại "xung đột, chém giết nhau."
Phi hành gia Kelly của Hoa Kỳ, đang chỉ huy phi vụ hiện giờ đã cặp vào trạm không gian, đồng ý, và nói rằng các phi hành gia “không nhìn thấy những biên giới ngăn cách” khi họ bay trên không gian.
Nhưng ông nói rằng họ nhận ra rằng nhân loại cứ xung đột với nhau thường là do các nguồn năng lượng hữu hạn, như dầu hỏa. Ông gợi ý rằng có lẽ sẽ có ít chiến tranh hơn nếu mọi người áp dụng một số những công nghệ mà trạm không gian nhờ cậy đến, như là năng lượng mặt trời chẳng hạn.
Đức Giáo Hoàng cũng gửi thông diệp riêng đến cho nhiều phi hành gia. Ngài chia buồn với phi hành gia Ý Paolo Nespoli, thân mẫu của ông đã từ trần khi ông còn đang thi hành nhiệm vụ trên trạm không gian. Và ngài chúc cho vợ phi hành gia Kelly, nữ dân biểu Gabrielle Giffords, mau hồi phục. Bà Giffords bị trúng đạn nơi đầu trong vụ mưu sát khi bà họp với các cử tri trong đơn vị vào tháng Giêng.
Vincent Thái/Viễn Đông (thực hiện) – ảnh: Thái Đắc Nhã/Reflection Studio
Christina Mai Nguyễn, 23 tuổi Cư ngụ tại Quận Cam, California Tốt nghiệp cử nhân Quản Trị Kinh Doanh tháng 12-2010, đại học Concordia University, Irvine.
Vincent: Được biết bạn mới dọn về Quận Cam khoảng năm rưỡi nay, so với nơi ở trước kia của bạn thì sao? Christina: Quận Cam rất giống Fairfax, thành phố bản quán của tôi ở Virginia, nằm ở vùng ngoại ô District of Columbia, làm nên khu vực đô thị. Dân số đông đúc và giao thông nhộn nhịp cũng giống như nhau. Tôi có thể nói rằng bầu không khí và nền văn hóa của cả Quận Cam lẫn khu vực Bắc Virginia cũng ở cùng một mức độ như nhau, nhưng khí hậu ấm áp và những bãi biển làm thành yếu tố duy nhất khiến cho Duyên Hải Miền Tây khác biệt với vùng ấy.
Vincent:Xin bạn kể cho quý độc giả biết về một số những vinh dự hoa hậu bạn đạt được trong những năm qua ở Virginia và những thành quả công việc thiện nguyện của bạn. Christina: Cha mẹ tôi khi nào cũng khuyến khích các anh em và tôi thử nghiệm những điều mới mẻ và lớn lên trở nên những người độc lập. Có mấy người tham gia những sinh hoạt ngoại khóa như thể dục và âm nhạc (riêng tôi thì cũng thử làm cả hai). Nhưng ngay từ lúc còn bé, tôi chú ý đến những người phụ nữ xinh dẹp, tinh tuyền, tài giỏi và có tài ăn nói, xuất hiện trên truyền hình. Tôi đang nói tới những dịp thi hoa hậu, như Miss America và Miss USA. Tôi quyết định dự thi lần đầu tiên lúc tôi 17 tuổi, và sau đó không lâu vào năm lên 19 tuổi. Tôi đoạt tước vị chính thức hoa hậu thiếu niên Miss Virginia Teen 2007 (hệ thống National American Miss). Tôi tiếp tục gặp được những diễm phúc khi đoạt được tước hiệu Miss Virginia và và tước hiệu National American Miss 2008-2009 mà nhiều người tìm kiếm. Từ đó, tôi có nhiều cơ hội và những cánh cửa mở rộng cho tôi từ những học bổng làm người mẫu, những vai trò giao tế trong cộng đồng, những công việc MC, và thuận lợi nhất là trở thành nhà hoạt động từ thiện và làm người mẫu cho Operation Smile Organization (Tổ Chức Chiến Dịch Nụ Cười). Nếu gia đình tôi không ủng hộ việc tôi đi ra ngoài xã hội và thử nghiệm những điều mới mẻ, thì không bao giờ tôi xét lại chuyện đi dự những cuộc thi hoa hậu như thế, và rốt cuộc tôi sẽ không có những cơ hội đến ngay dưới chân mình, biến tôi thành người phụ nữ như hiện nay, với tư cách là một điển hình cho thế hệ những thanh thiếu nữ trẻ hơn, và dẫn tôi tới con đường sự nghiệp tương lai và viễn ảnh cuộc sống.
Vincent: Bạn sắp sửa thi DAT, để làm gì vậy? Bạn có tự tin với kỳ thi này không? Christina: DAT là tên viết tắt của Dental Admissions Test (Thi Nhập Học Nha Khoa), rất giống với MCAT, GMAT, LSAT. Cuộc thi này đặt nền tảng cho phần còn lại trong nghề nghiệp của bạn, bắt đầu với chuyện những trường nào sẽ nhận bạn vào học, dựa theo số điểm đạt được. DAT bao gồm từ sinh vật học, cho tới hóa học hữu cơ, khả năng tri giác những vật thể và những góc 3 chiều, đọc hiểu, và những phần lý luận toán học. Cuộc thi kéo dài chừng 5 tiếng đồng hồ, cho nên bạn không muốn thi lại nếu không cần thiết. Đến cuối tháng này tôi sẽ dự thi DAT, và tôi tự luyện thi mỗi ngày từ 4 đến 8 tiếng, như tập luyện thân thể để chạy marathon. Tôi hi vọng làm bài được trong cuộc thi DAT, và được nhập học tại một trường lớn, bắt đầu giai đoạn kế tiếp của đời tôi là làm sinh viên nha khoa, tốt nghiệp trở thành một bác sĩ nha khoa, và có thể đi khắp thế giới mà làm việc cho những người không được phục vụ đúng mức tại những nước đang phát triển trên thế giới. Còn trong mùa hè này, tôi sẽ tham gia một chuyến sứ mạng y tế nhân đạo với Hải Quân Hoa Kỳ, được gọi là Pacific Partnership. Tôi sẽ sống trên một chiếc tàu hải quân, đi tới những quốc gia hợp tác ở khu vực Thái Bình Dương (Úc Đại Lợi, Papua New Guinea, Timor l’Este, Nam Dương và Micronesia), cung cấp những dịch vụ y tế và cơ khí dân sự, cùng với những quân nhân hiện dịch, các bác sĩ, những tình nguyện viên dân sự, và tới những nước đối tác khác, như quân đội Nhật Bản, Quân Đội Hoàng Gia Úc Đại Lợi, Hải Quân Tân Tây Lan, và các lực lượng Canada. Tôi đang trông đợi có thêm một mùa hè khác sống xa đất Mỹ, đi tàu trên khắp thế giới cùng với những viên chức y tế chuyên nghiệp có cùng suy nghĩ giống mình, thực hiện một sứ mạng là hỗ trợ và thăng tiến hợp tác khắp vùng Thái Bình Dương.
Vincent:Bạn quả là có mộng lớn! Một ngày bình thường của bạn ra sao? Christina: Hiện nay ngày nào tôi cũng học, vì tôi chỉ còn chưa tới 4 tuần là đến ngày thi DAT. Tôi đang làm phụ tá nha sĩ và người mẫu quảng cáo. Nhưng gần đây tôi nói với những người chủ của tôi rằng tôi cần nghỉ làm trong mấy tuần tới để dốc toàn thời gian và sức lực vào cuộc thi này. Chuyện ấy giống như tập luyện cho tâm trí mình chạy marathon vậy.
Vincent:Còn trong một tuần lễ? Christina: Thì cũng như những gì tôi đang làm mỗi ngày. Cứ lu bu và lặp đi lặp lại, nhiều việc phải làm để chuẩn bị thi DAT đến nỗi tôi nghĩ rằng 4 tuần vẫn chưa làm xong được. Thời gian là vấn đề chính yếu. Tôi thường bỏ thì giờ ra để đi tới phòng tập thể dục, nếu tôi cần nghỉ giải lao cho tâm trí thư thái, sau khi phải tiêu hóa những bài vở tôi vừa ngốn vào. Sau đó là trở lại ngay với việc học thi.
Vincent:Rồi bạn có những dự định gì cho tương lai gần, trong vòng 5 năm tới? Christina: Tôi dự định hoàn tất 4 năm đầu của trường nha khoa, rồi sau đó tiếp tục học ngành chuyên môn trong 2-4 năm liên tiếp.
Vincent: Những mục tiêu dài hạn trong cuộc sống của bạn? Christina: Tôi hi vọng trở nên một bác sĩ hành nghề thành công tại Hoa Kỳ, và cũng trở thành một người tích cực làm công tác từ thiện vì tôi muốn đặt quê hương thứ hai của mình ở một nơi nào đó trong một nước đang phát triển, chăm sóc y tế miễn phí cho những người không được phục vụ đúng mức tại những quốc gia này.
Vincent:Vào những lúc rỗi rảnh, bạn làm gì? Christina: Tôi thích bỏ thì giờ ra với gia đình tôi. Cha mẹ tôi là những người bạn tốt nhất của tôi, ở bên cạnh hai vị là một niềm vui. Tôi cũng thích đi tập thể dục, đọc sách và phục vụ cộng đồng của tôi. Chẳng hạn như nấu ăn cho những người vô gia cư hoặc những gia đình bệnh nhân ngoại trú tại bệnh viện nhi đồng, hoặc bỏ thì giờ ra làm một người “chị lớn”, hay là người dìu dắt những thiếu nữ nhỏ tuổi hơn.
Vincent:Bạn lấy điều gì làm triết lý sống? Christina: Câu Thánh Kinh mà tôi thích nhất và lấy đó làm châm ngôn sống hàng ngày là 1 Thessalonians 5: 14-18: “khích lệ người nhút nhát, giúp đỡ kẻ yếu đuối, kiên nhẫn với mọi người. Luôn luôn vui mừng, liên lỉ cầu nguyện, cảm tạ trong mọi hoàn cảnh, vì đây chính là thánh ý của Thiên Chúa cho con”.
Người Việt nam hãnh diện có những người con học rất giỏi. Gần hết gia đình người Việt có con đứng đầu nhiều môn học trong lớp. Các em còn chơi đàn hay và lãnh nhiều phần thưởng về nhiều môn học tại trường. Các em giỏi từ bậc tiểu và trung học rồi xuất sắc tại đại học. Và sau cùng thành công lớn trong xã hội.
Không những học sinh Việt nam học giỏi mà học sinh 'đầu đen' (hiểu là gốc châu Á) di dân hay tị nạn tại các nước phương Tây lại càng giỏi giang hơn nữa.
Từ đâu các em xuất sắc như vậy?
Trong tuần vừa qua một bà mẹ 'đầu đen' tại Hoa kỳ tung ra cuốn sách có tên là 'Battle Hymn of the Tiger Mother' để trả lời câu hỏi trên.
Gia đình Amy Chua. Photo courtesy JewishJournal.com.au
Con nhà nòi
Bà mẹ đầu đen này mỹ danh là Amy Chua, con của người di dân gốc Trung hoa đến Hoa kỳ khi nhỏ tuổi. Amy Chua được dạy dỗ trong khuôn khổ lễ giáo Trung hoa. Hiển nhiên bà học giỏi từ nhỏ và thành công khi lớn lên. Amy Chua đang làm giáo sư luật khoa tại đại học Yale và kết hôn với một giáo sư luật khoa khác cũng tại Yale. Chồng bà là người Mỹ gốc Do thái. Hai người có hai cô con gái: Sophia và Lulu. Amy Chua giữ phần nuôi dạy hai con theo đúng cách như chính đã từng được mẹ nuôi dạy. Bà ước gì hai con cũng được trải nghiệm 'di dân' như chính mình đã qua.
Hai cô con gái của Amy Chua đều học giỏi (hiển nhiên) mà còn chơi đàn xuất sắc (lại hiển nhiên). Cả hai đều vào đại học và đang là sinh viên xuất sắc. Hai tương lai rực rỡ đang chờ đón họ như bà mẹ Amy Chua viết: 'cha mẹ đầu đen không chấp nhận con cái vấp ngã hay thất bại, dù chỉ một lần'.
Bảy điều luật dành cho con cái đầu đen
Sách 'Battle Hymn of the Tiger Mother' cho rằng người mẹ Trung hoa (hiểu là mẹ 'đầu đen' hay như tác giả viết 'có nhiều bà mẹ Đại hàn, Ấn độ, Jamaica, Ái nhĩ lan, Ghana cũng được gộp vào trong số này' và Y Vi Lưỡng Khả xin thêm: trăm phần trăm bà mẹ Việt Nam dư sức thuộc về nhóm 'Tiger Mother như Amy Chua') biết uốn nắn con mình đi vào con dường thành công.
Thành công trước tiên là ở trường học. Muốn thế, mẹ đầu đen ra danh sách mà con cái phải theo. Đó là:
1. Học là trên hết.
2. Điểm A- (A trừ) đã làm dở rồi đó.
3. Trình độ toán của con tôi phải hơn bạn học ít nhất là hai lớp.
4. Không bao giờ khen con trước mặt người khác.
5. Khi con có bất đồng với thầy cô, cha mẹ luôn luôn ngả về ý kiến thầy cô.
6. Con tôi chỉ được phép tham gia loại sinh hoạt nào mà cuối cùng được lãnh huy chương mà thôi.
7. Huy chương đó phải là huy chương vàng.
Tại trường hai cô con gái 'nửa Mỹ nửa Tàu' này phải đạt điểm hạng A trong tất cả các môn học.
Ngoại trừ hai môn thể dục và kịch nghệ (gym and drama). Amy Chua không bao giờ cho con ngủ qua đêm nhà bạn (sleepovers). Cũng cấm tuyệt hẹn đi chơi với bạn. Thay vào đó hai cô con gái Sophia và Lulu hết học bài là sang học đánh đàn (mà chỉ được học dương cầm và vĩ cầm mà thôi nghen!).
Hiển nhiên, Sophia và Lulu không được phép xem Tivi hay chơi gêm. Một cô con gái của Amy Chua tỉ tê với bạn 'Không bao giờ tao có một giây để vui chơi vì tao là người Trung hoa !'
Có công mài sắt, có ngày nên kim
Là giáo sư luật tại đại học hàng đầu của nước Mỹ, bà mẹ Amy Chua dư biết luật 'bảo vệ trẻ em' tại phương Tây, nhưng bà thú nhận từng làm nhiều điều khác với luật. Bà cho mình đã 'nghiêm khắc' với con cái. Bà thẳng thừng gọi con là 'đồ này đồ kia' hay đi ngay vào chuyện mình muốn khi gọi một cô con gái tới gần mà thét 'Con mập địt kia, mày phải lo cho xuống ký đi nghe!' Khi cô út vẽ tấm thiệp mừng sinh nhật mẹ không được đẹp, bà thẳng thừng gọi con lại, trả tấm thiệp và ra lệnh vẽ lại.
Ở trường, con gái của vị giáo sư luật không được tự mình chọn môn học và về nhà chỉ được chơi thứ đàn do bà mẹ quyết định. Chị hai Sophia chơi piano và cô út Lulu phải chơi violin. Không có chuyện bàn thảo.
Hai cô phải đàn mỗi ngày một giỏi hơn. Bằng không mẹ dọa quăng hết mấy con gấu nhồi bông vào lò lửa. Đánh đàn không phải là chơi mà chỉ là bước đi tới thành công ở đời đó thôi.
Any Chua viết 'Cha mẹ Trung hoa hiểu rằng không có gì vui chơi cả. Cho đến khi người ta chơi giỏi một thứ gì trên đời này'. Mẹ đầu đen biết quá rõ: hôm nay con mình nằm gai nếm mật, mai ngày nó được nhờ tấm thân. Với cha mẹ đầu đen, chỉ có miệt mài học tập mới thành công. Khi thành công, ta mới tự tin và lại được thêm thành công. Thành công bước đầu là điểm hạng A trong trường học. Chứ chỉ là B thì bị 'la rầy và bức tóc bức tay', à nghe.
Như tất cả mẹ đầu đen khác, mẹ Amy Chua hy sinh tất cả cho con học giỏi. Amy vừa dạy học vừa viết sách (hai cuốn trước về bang giao quốc tế và cuốn thứ ba là cuốn này). Trong tuần bà làm việc cho tới giờ cơm chiều. Cuối tuần bà chở hai con đi học đàn. Bà có mặt với con suốt giờ học, ghi lời dạy của thầy đàn. Rồi trong tuần bà bắt con tập dợt ít nhất 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Ngày nào cũng phải đàn dù trong lúc gia đình đi du lịch sang Luân đôn, Rome, Bombay hay đảo Crete. Có lúc bà không cho con rời khỏi cây đàn, dù để uống nước hay đi vào phòng vệ sinh.
Ai kết án bà Amy không để con... 'háp-bi'? Bà và khá đông cha mẹ đầu đen bất cần vì họ cho rằng có thành công thì mới 'háp-bi'. Trong khi đó, không thành công nào mà không phải trả giá. 'Háp-bi' không phải là bước đầu tiên mà chỉ là kết thúc của chuổi dài miệt mài khổ luyện.
Hãnh diện vì con thành công
Hiển nhiên không phải tất cả điều Amy Chua viết ra và làm cho con cái đều đúng. Sách 'Battle Hymn Of The Tiger Mother' chỉ được bày bán hơn tuần lễ mà đã dấy lên làn sóng bình luận sôi nổi tại Hoa kỳ và Bắc Mỹ. Bài điểm sách này đăng trên tờ Wall Street Journal được hơn 3,500 lời góp ý từ độc giả. Ngoài ra, trang Facebook của tác giả có ngót 200,000 người bấm vào nút 'liked'.
Mặc dầu đưa ra 'chiến lược của bà mẹ nghiêm khắc' để so sánh với nuông chiều của khá đông 'soccer mom' đối với con cái, Amy Chua nhìn nhận gần đây bà phải nới lỏng kỷ luật sắt với hai con (đặc biệt cô út cứng đầu vì sợ con bỏ nhà ra đi). Nhưng bà vẫn chống chế: mình làm thế vì cho rằng cha mẹ đầu đen không bao giờ chấp nhận con mình vấp ngã hay thất bại, dầu chỉ một lần.
Cuối cùng, với tất cả nghiêm khắc ấy, Amy Chua gặt hái kết quả của những năm dài nuôi dạy hai con. Bà viết trên tờ The Globe and Mail xuất bản tại Canada: 'Hôm nay, khi nhìn vào hai con tôi rất hãnh diện. Con tôi không chỉ là học sinh giỏi mà còn là người dễ mến, rộng lượng, tự tin, vui sống với rất đông bạn bè...'.
Sophia đã thành tay đàn dương cầm lành nghề kiêm học sinh xuất sắc. Mới đây, Sophia biểu diễn độc tấu dương cầm tại Carnegie Hall, New York.
Lulu cũng học xuất sắc nhưng đã nổi loạn chống lại mẹ bằng cách cắt tóc ngắn và phẫn nộ quăng chiếc ly khi gia đình đi ăn nhà hàng. Chuyện đó khiến bà Amy Chua sợ cô út bỏ học hay bỏ nhà ra đi nên bớt kỷ luật sắt. Bớt gì thì bớt nhưng mẹ Amy không bao giờ bớt cho Lulu học giỏi và đàn vĩ cầm hay.